Xin Chúa ban cho chúng ta một con tim tinh tuyền
Bài Phúc Âm hôm nay bàn đến chủ đề và chỉ cho chúng ta thấy làm sao con người ngày xưa ao ước sống một cuộc sống viên mãn, thì nay niềm ao ước đó đã được thực hiện trong Đức Kitô.
Xin Chúa ban cho chúng ta một con tim tinh tuyền
Tông du Mêhicô và Cuba (23-29/3/2012)
Thánh lễ tại Công viên Triển lãm Kỷ niệm 200 năm thành lập thành phố Leon
Chúa Nhật V MC, 25/3/2012
Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng được hiện diện giữa anh chị em, và tôi hết lòng cảm ơn Đức cha Jose Guađalupê Martin Rabago, Tổng Giám mục León, đã phát biểu những lời chào đón thật nhã nhặn. Tôi chào Hội đồng Giám mục Mêhicô, cũng như các vị Hồng y và các Giám mục khác đang hiện diện nơi đây, đặc biệt những vị đến từ châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê. Tôi cũng xin kính chào các cấp Chính quyền cùng đồng hành với chúng ta, cũng như tất cả những ai quy tụ về đây để tham dự Thánh lễ do Người Kế Vị Phêrô chủ toạ.
“Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con một quả tim trong sạch” (Tv 50,12), chúng ta vừa kêu cầu Chúa trong Thánh vịnh đáp ca. Lời cảm thán này cho thấy ta phải chuẩn bị tâm hồn như thế nào để cử hành đại mầu nhiệm Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa vào tuần tới. Lời cảm thán này cũng giúp ta nhìn vào tận chiều sâu thẳm của tâm hồn con người, đặc biệt trong những lúc chúng ta vừa đau khổ vừa hy vọng, như những giai đoạn mà hiện nay dân tộc Mêhicô và nhiều dân tộc khác tại châu Mỹ La Tinh đang trải qua.
Israel càng cảm nhận được niềm ao ước có một con tim tinh tuyền, chân thành, khiêm nhường, đẹp lòng Thiên Chúa, khi họ ý thức được điều ác và tội lỗi vẫn dai dẳng trong lòng họ, như một sức mạnh thật sự làm ta điên đảo và không thể nào chế ngự được. Ta chỉ còn biết phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa toàn năng và hy vọng Ngài sẽ thay đổi, ngay từ bên trong, tận đáy sâu tâm hồn ta, một tình trạng tăm tối và không có tương lai mà ta không thể nào kham nổi. Như thế, đã mở ra con đường cậy trông vào lòng nhân từ vô biên của Chúa, là Đấng không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống (x. Ed 33,11). Một con tim tinh tuyền, một con tim mới là một con tim biết nhìn nhận tự sức riêng ta, ta không thể làm gì được, và hoàn toàn phó thác trong bàn tay Thiên Chúa, để tiếp tục hy vọng vào lời hứa của Ngài. Như thế, Tác giả Thánh vịnh có thể thưa với Chúa một cách xác tín như sau: “Những người lạc bước sẽ về với Ngài” (Tv 50,15). Và ở phần cuối Thánh vịnh, tác giả đã đưa ra một lối cắt nghĩa, nhưng đồng thời, cũng là một lời tuyên tín kiên định: “Ôi lạy Chúa, Ngài chẳng hề hất hủi một tâm hồn tan nát khiêm cung” (c. 19).
Lịch sử của dân tộc Israel cũng thuật lại những chiến công vĩ đại và những trận chiến. Thế nhưng, khi đương đầu với cuộc hiện sinh đích thực nhất của mình, định mệnh mang tính quyết định nhất của mình: ơn cứu rỗi, thì Israel đặt niềm hy vọng của mình vào Thiên Chúa hơn là vào sức riêng của mình, vào Thiên Chúa là Đấng có thể tái tạo một quả tim mới, một quả tim không hề vô cảm, cũng như không hề ngạo mạn. Ngày hôm nay, điều này có thể nhắc lại cho chúng ta, cho mỗi người trong chúng ta và cho các dân tộc của chúng ta, khi đề cập đến đời sống cá nhân và cộng đoàn trong chiều kích sâu xa nhất của nó, thì những chiến lược của con người sẽ vẫn chưa đủ để cứu chuộc chúng ta. Người ta cũng phải chạy đến Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta sự sống viên mãn, bởi vì chính Ngài là yếu tính của sự sống và là tác giả của sự sống, và Ngài đã cho chúng ta được tham dự sự sống viên mãn qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Bài Phúc Âm hôm nay bàn đến chủ đề và chỉ cho chúng ta thấy làm sao con người ngày xưa ao ước sống một cuộc sống viên mãn, thì nay niềm ao ước đó đã được thực hiện trong Đức Kitô. Thánh Gioan cắt nghĩa điều này qua một trích đoạn cho biết có một số người Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu, và ý muốn này trùng hợp với giờ Con Người sắp được tôn vinh. Đức Giêsu trả lời cho câu hỏi của người Hy Lạp đại diện cho dân ngoại như sau: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Một câu trả lời thật kỳ lạ, dường như chẳng ăn nhập gì với lời yêu cầu của người Hy Lạp cả. Việc Đức Giêsu được tôn vinh có liên quan gì đến lời họ yêu cầu được gặp Người không? Tuy nhiên, vẫn có một mối dây nào đó. Một ai đó có thể nghĩ – Thánh Âu Tinh ghi nhận – Đức Giêsu cảm thấy mình sắp được tôn vinh, bởi vì lương dân đến với Người. Có lẽ ngày hôm nay chúng ta sẽ nói: có một cái gì đó tương tự với những tiếng vỗ tay của đám đông “tôn vinh” những vĩ nhân của trần gian này. Thế nhưng, không phải như thế đâu. “Người cần phải chịu thương khó cách nhục nhã trước khi đươc tôn vinh trên muôn loài muôn vật” (In Joannis Ev. [Phúc Âm theo Thánh Gioan], 51,9: PL 35,1766).
Câu trả lời của Đức Giêsu, khi Người loan báo cuộc khổ nạn của Người đã gần kề, muốn nói rằng một cuộc gặp gỡ tình cờ trong những lúc này có lẽ chỉ là dư thừa và có thể là giả dối. Thật ra, điều mà người Hy Lạp muốn thấy, thì nay họ sẽ được toại nguyện, khi Người được treo lên Thánh giá, và nơi đây, Người lôi kéo mọi người lên với Người (x. Ga12,32). “Vinh quang” của Người sẽ bắt đầu từ đó, vì Người đã tự hiến để xá tội muôn người; như hạt lúa mì rơi xuống đất, một khi chết đi, thì sẽ nẩy mầm và sinh nhiều bông hạt. Họ sẽ gặp Đấng mà chắc chắn là họ đang tìm kiếm trong lòng họ mà họ không hề biết, là vị Thiên Chúa thật, Đấng đã trở nên hữu hình cho hết mọi dân tộc. Đây cũng là cách mà Đức Bà Guađalupê đã dùng để chỉ Người Con thần thánh của mình cho Thánh Juan Diego, không phải như một anh hùng kỳ diệu trong một câu chuyện thần thoại, mà là vị Thiên Chúa của người sống, vị Thiên Chúa mà nhờ Ngài chúng ta mới sống được, là Đấng Tạo Hoá của mọi người, là Thiên Chúa gần gũi và trực tiếp, là Đấng Tạo Hoá của trời và đất (x. Nican Mopohua, c. 33). Trong lúc này, Đức Trinh Nữ làm điều mà Mẹ đã làm tại Tiệc cưới Cana. Trước tình thế khó xử vì thiếu rượu, Mẹ đã chỉ rõ cho gia nhân biết con đường phải theo, đó là Con của Mẹ: “Anh em hãy làm tất cả những gì Người bảo” (Ga 2,5).
Anh chị em thân mến, khi đến đây, tôi đã có thể đến viếng thăm ngôi đền được cung hiến cho Đức Kitô Vua, trên đồi cao Cubilete. Vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mặc dầu ngài rất mong muốn, nhưng vẫn không thể đến viếng thăm địa điểm biểu hiệu cho đức tin của dân tộc Mêhicô này được, trong những chuyến công du của ngài tại vùng đất rất thân thương này. Chắc chắn là hôm nay, từ trời cao, ngài sẽ vui mừng khi thấy Chúa đã cho tôi ơn có thể ở cùng với anh chị em ngày hôm nay, cũng như ngài đã chúc lành cho biết bao triệu người Mêhicô đã muốn tôn kính thánh tích của ngài mới đây ở khắp nơi trên đất nước này. Và này, ngôi đền này đã biểu thị Đức Kitô Vua. Tuy nhiên, những triều thiên của Người, một triều thiên của vị đế vương, và triều thiên kia bằng gai nhọn, chứng tỏ rằng vương quyền của Người không phải là vương quyền mà nhiều người đã hiểu và đang hiểu. Vương quốc của Đức Kitô không dựa trên sức mạnh quân đội của Người, để dùng sức mạnh hay vũ lực khuất phục người khác. Vương quốc đó dựa trên một quyền bính lớn lao hơn có sức chinh phục các tâm hồn: đó là tình yêu của Thiên Chúa mà Người đã mang đến cho trần gian cùng với hiến tế của Người, và đó là chân lý mà Người đã làm chứng. Đó là quyền chủ tể của Người mà không một ai có thể tước khỏi tay Người, và không một ai được phép quên đi. Chính vì thế, trước hết và trên hết, thánh cung này phải là một nơi hành hương, một nơi cầu nguyện sốt sắng, một nơi hối cải, một nơi hoà giải, một nơi tìm kiếm sự thật và là một nơi đón nhận ân sủng. Chúng ta hãy cầu xin Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn chúng ta và làm cho tâm hồn chúng ta trở nên tinh tuyền, ngoan ngoãn, đầy hy vọng và can đảm trong sự khiêm nhường của tâm hồn.
Ngày hôm nay cũng thế, từ công viên này, chúng ta muốn nhắc lại 200 năm khai sinh quốc gia Mêhicô, một quốc gia liên kết trong lòng mình nhiều khác biệt, nhưng với một định mệnh và một nhiệt huyết chung, chúng ta hãy cầu xin Đức Kitô ban cho chúng ta một con tim tinh tuyền, để Người có thể cư ngụ nơi đây như Hoàng Tử Hoà Bình, nhờ quyền năng của Thiên Chúa, là quyền năng của điều thiện, quyền năng của tình yêu. Và để cho Thiên Chúa có thể cư ngụ trong chúng ta, thì chúng ta phải lắng nghe Ngài; phải để cho Lời Ngài mỗi ngày kêu gọi chúng ta, và suy niệm trong lòng như Đức Maria (x. Lc 2,51). Như thế, tình bằng hữu của chúng ta với Ngài được lớn lên; học biết Ngài đợi gì nơi chúng ta và can đảm truyền rao cho người khác.
Tại Aparecida, các Giám mục châu Mỹ La Tinh và vùng Caribê đã cảm thấy rõ ràng sự cần thiết phải đẩy mạnh, canh tân và truyền lại sức sống cho nét mới mẻ của Tin Mừng đã được cắm rễ sâu trong lịch sử của những vùng đất này “dựa trên cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đoàn với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã cho xuất hiện các môn đệ và những nhà thừa sai” (Tài liệu kết luận, 11). Truyền giáo cho Lục địa, giờ đây đang được xúc tiến trong mỗi giáo phận, nhằm mục đích mang lại xác tín này đến cho mọi Kitô hữu và cho mọi cộng đoàn Giáo Hội, để mọi người và mọi cộng đoàn chống lại cám dỗ của một đức tin hời hợt và cổ hủ, đôi khi chia cắt và rời rạc. Ở đây cũng thế, chúng ta cần vượt thắng sự mỏi mệt của đức tin và tái khám phá “niềm vui được làm Kitô hữu, được nâng đỡ nhờ hạnh phúc nội tâm là được biết Đức Kitô và thuộc về Giáo Hội Người. Từ niềm vui này cũng phát sinh những năng lực để phục vụ Đức Kitô trong những tình huống áp bức và đau khổ của con người, hoàn toàn để cho Đức Kitô sử dụng mình, chứ không chỉ biết đến cuộc sống sung túc của mình” (Diễn văn đọc trước Giáo triều Rôma, 22/12/2011). Chúng ta thấy rất rõ điều này trong các Thánh là những người đã hoàn toàn tận hiến vì đại cục Tin Mừng, với niềm phấn khởi và mừng vui, mà không hề châm chước cho mình những hy sinh, kể cả hy sinh chính mạng sống mình. Tâm hồn họ hoàn toàn đặt trọng tâm trên Đức Kitô, Đấng đã dạy cho họ yêu cho đến cùng có nghĩa là gì.
Theo nghĩa này thì Năm Đức Tin, mà tôi đã mời gọi toàn thể Giáo Hội cử hành, “là một lời mời gọi hoán cải đích thực và đồi mới để quay về với Chúa là Đấng Cứu Chuộc duy nhất của thế giới […] đức tin lớn lên khi ta sống đức tin như một kinh nghiệm về một tình yêu đã được lãnh nhận, và khi đức tin được thông truyền như một kinh nghiệm về ân sủng và niềm vui” (Cánh Cửa Đức Tin, 11/10/2011, s. 6,7).
Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta thanh luyện con tim, đặc biệt khi những ngày Lễ Phục Sinh đã gần kề, để chúng ta có thể tham dự cách sốt sắng hơn mầu nhiệm cứu độ của Con Mẹ, như Mẹ đã làm cho chúng ta biết được mầu nhiệm đó trên những vùng đất này. Và chúng ta cũng hãy cầu xin Mẹ tiếp tục đồng hành và bảo vệ những người con Mêhicô và châu Mỹ La Tinh thân thương của Mẹ, để Đức Kitô ngự trị trong cuộc đời của họ, và giúp họ can đảm cổ vũ hoà bình, hoà hợp, công lý và liên đới. Amen.