10/01/2025

Đến Campuchia xem sếu đầu đỏ

Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) đang thu hút sếu đầu đỏ quay về bởi sự kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch với bảo vệ loài chim có tên trong sách đỏ.

 

Đến Campuchia xem sếu đầu đỏ

 

Khu bảo tồn Anlung Pring (Campuchia) đang thu hút sếu đầu đỏ quay về bởi sự kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch với bảo vệ loài chim có tên trong sách đỏ.

 

 

Trong khi sếu đầu đỏ đang vắng bóng dần ở các khu bảo tồn tại VN thì cách Hà Tiên (Kiên Giang) khoảng 30km, khu bảo tồn Anlung Pring (huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia) lại đang thu hút những đàn sếu đầu đỏ quay về.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào nước bạn qua cửa khẩu Prek Chack, chúng tôi theo đường xuyên Á đi khoảng chục cây số, rồi rẽ vào con lộ nông thôn đầy bụi đất.

Những cánh đồng bạc trắng gốc rạ trải dài trước mắt. Đám trâu bò tranh nhau trốn nóng dưới bóng cây thốt nốt. Tưởng như cả Kampong Trach đang gồng mình trong khô hạn. 

Nhưng cái cảm giác nóng bức ấy đã nhanh chóng bị xua tan khi chúng tôi đặt chân tới Anlung Pring, vùng đất ngập nước còn hoang hoá, vừa nhiễm mặn, vừa nhiễm phèn, mọc đầy cỏ bàng, cỏ năn thuộc xã Ton Hon (huyện Kampong Trach).

Nơi đây đang thu hút sếu đầu đỏ cùng nhiều loài chim khác đến sinh cư trong mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau).

Ở đây người nào vi phạm quy định về bảo tồn đàn sếu và các loài chim khác, như lén lút giăng bẫy, đặt thuốc để săn bắt hoặc xâm lấn đất đai khu bảo tồn, sẽ bị tù đến 10 năm và còn phải đóng phạt hơn 1.200 USD
Ông VAN BO RA (phó chủ tịch xã Ton Hon)

Đàn sếu tăng dần

Nơi đầu tiên chúng tôi dừng chân là căn nhà sàn, bốn bề trống hoác do ban quản lý Anlung Pring dựng lên để khách tham quan nhìn ngắm, chụp ảnh sếu. Trên sàn nhà đã có một nhóm khách tham quan và các “tay máy” chuyên săn ảnh sếu đến từ TP.HCM và một số tỉnh miền Tây.

Mọi người chưa kịp bắt chuyện làm quen, từ phía mặt trời mọc đã thấy xuất hiện một đàn chim lớn. “Sếu về rồi” – tiếng ai đó thốt lên!

Sau những cú đảo mình đẹp mắt, đàn sếu chừng vài chục con sà xuống bãi năn kim, cách căn nhà chòi chúng tôi đứng chỉ độ trăm thước. Rồi cả đàn thản nhiên cúi đầu mổ tìm thức ăn. 

Mọi người đang hí hửng bấm máy thì phó chủ tịch xã Ton Hon Van Bo Ra, thành viên ban quản lý Anlung Pring, xuất hiện, thông báo: “Chờ một chút mặt trời lên cao hơn, sẽ có thêm nhiều đàn sếu bay về”.

Quả nhiên như lời ông phó chủ tịch xã, tầm khoảng 9g sáng có thêm hai đàn sếu, mỗi đàn ước chừng 30-40 con bay tới.

Ông Trương Thanh Nhã – nghệ sĩ nhiếp ảnh đã dành nhiều năm theo dấu sếu đầu đỏ từ đồng cỏ bàng Phú Mỹ, Lung Lớn, Bình An (Kiên Giang), tới Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) – thốt lên:

“Tôi đã săn ảnh sếu nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi nào có sự gần gũi, thân thiện giữa người và sếu như ở đây”. 

Chưa hết ngạc nhiên vì tiếp cận đàn sếu khá dễ dàng, ông Van Bo Ra nói thêm: “Các anh có thể chụp hình sếu trong khoảng cách vài chục mét, nếu lên xuồng theo con kênh cắt ngang bãi năn để bơi ra”.

Và quả nhiên, khi lên xuồng, chúng tôi trông rõ mồn một cái khoang đỏ trên đầu lũ sếu cũng như đôi mắt đen tròn của chúng khi ngó nghiêng dò xét con người!

Dù diện tích chỉ khoảng 220ha (tức là quá “khiêm tốn” so với những khu bảo tồn sếu rộng hàng ngàn hecta ở Kiên Giang, Đồng Tháp) nhưng Anlung Pring vẫn thu hút và giữ chân đàn sếu qua từng năm.

Cuối năm 2001, lần đầu tiên người dân ở Anlung Pring thấy sự hiện diện của khoảng 20 con sếu đến kiếm ăn. 10 năm sau con số này tăng gấp 20 lần. Thành công của Anlung Pring bắt nguồn từ ý thức bảo tồn thiên nhiên của người dân Campuchia.

Đất dành cho sếu là “đất cấm”, không ai được đụng tới và do đó cảnh vật ở đây trong hơn chục năm qua gần như không có thay đổi, đã tạo sự an tâm cho đàn sếu. 

Ở đây người nào vi phạm quy định về bảo tồn đàn sếu và các loài chim khác, như lén lút giăng bẫy, đặt thuốc để săn bắt hoặc xâm lấn đất đai khu bảo tồn, sẽ bị tù đến 10 năm và còn phải đóng phạt hơn 1.200 USD.

“Nhưng từ trước tới giờ địa phương chưa phải dùng tới biện pháp xử lý mạnh tay này, vì người dân chúng tôi đều ý thức rằng đàn sếu đã thu hút khách du lịch đến đây và nhờ đó mang tới nguồn thu cho họ” – ông Van Bo Ra nói.

Một góc khu bảo tồn Anlung Pring – Ảnh: Tấn Đức

Gắn du lịch với bảo tồn

Theo ông Van Bo Ra, hiện tại mỗi du khách nước ngoài muốn tham quan, chụp ảnh sếu ở Anlung Pring phải đóng phí 3 USD, còn muốn lên xuồng để tiếp cận đàn sếu ở khoảng cách gần hơn, phải trả thêm khoảng 8 USD/lần.

Số tiền này sẽ được chi trở lại cho bảo tồn sếu, trong đó có cả việc quảng bá, thu hút du khách đến với Anlung Pring.

“Sếu về nhiều thì khách sẽ đến nhiều. Khách đến nhiều chúng tôi sẽ có thêm tiền để thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn sếu. Không có xung đột gì giữa phát triển du lịch với bảo tồn” – ông Van Bo Ra khẳng định. 

Ông dẫn chứng: “Từ khi chúng tôi lập khu bảo tồn, phát triển du lịch, đàn sếu di trú đến Anlung Pring để sinh sống và kiếm ăn trong mấy tháng mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau) đã liên tục tăng lên và có năm đạt tới 400 con.

Theo lời ông Van Bo Ra, để có được sự phát triển bền vững này, mọi hướng dẫn viên du lịch và cả người dân địa phương đều biết rành tập tính, thói quen của loài sếu để bảo vệ chúng.

Vì sao sếu ở Kiên Lương giảm?

Thạc sĩ Lương Thanh Hải, nguyên giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết từ năm 2004 Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang và Hội Sếu quốc tế đã đưa ra sáng kiến triển khai dự án “đầu tư khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công truyền thống của địa phương” (gọi tắt là dự án đồng cỏ bàng) tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương.

Vào thời điểm đó, quy mô đồng cỏ bàng rộng trên 3.000ha, riêng vùng lõi bảo tồn nghiêm ngặt rộng trên 1.000ha.

Từ năm 2004-2009, lượng sếu đầu đỏ về đồng cỏ bàng Phú Mỹ kiếm ăn tăng đều hằng năm, riêng giai đoạn cuối năm 2008 đầu năm 2009 các nhà khoa học ghi nhận hơn 200 con sếu đầu đỏ đã di trú về đây.

Tuy nhiên sau thời điểm năm 2009, khu vực đồng cỏ bàng Phú Mỹ bị xâm hại nghiêm trọng.

Không chỉ có người dân địa phương vào xẻ kênh, chiếm đất trồng lúa, khu vực này còn được chính quyền tỉnh Kiên Giang cấp phép cho các dự án khai thác than bùn và nuôi tôm công nghiệp.

Vụ việc chưa ngã ngũ thì đến tháng 1-2014, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó quy hoạch thành lập mới khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang với diện tích 1.106,3ha và phân cấp cho địa phương quản lý.

Với quyết định này, coi như diện tích đồng cỏ bàng chính thức giảm bớt 2/3.

Thế nhưng, theo thông tin mà Tuổi Trẻ có được, đến thời điểm này dự án quy hoạch khu bảo tồn sinh cảnh Phú Mỹ nói trên vẫn đang nằm trên giấy tại Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Kiên Giang, chưa biết khi nào mới trở thành hiện thực.

Trong khi đó, thông tin từ văn phòng điều phối dự án đồng cỏ bàng Phú Mỹ cho biết kể từ năm 2010 đến nay, lượng sếu đầu đỏ di trú về đây giảm dần.

Thời điểm năm 2011 2012, Hội Sếu quốc tế còn ghi nhận mỗi năm có 100-150 con, nhưng sang năm 2013 – 2014, lượng sếu di trú về đồng cỏ bàng Phú Mỹ vào tháng 3 hằng năm chỉ còn vài chục con.

Chúng cũng không tập trung thành bầy mà chỉ đi theo nhóm lẻ tẻ 3-4 con kiếm ăn ở nhiều nơi.

T.ĐỨC – N.TRIỀU – K.NAM