09/01/2025

​Yêu khoa học từ những nhọc nhằn

Từ những nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống, những cô cậu học trò đã lao vào tìm tòi, sáng tạo để rồi cho ra lò những sản phẩm thiết thực.

 

​Yêu khoa học từ những nhọc nhằn

 

Từ những nhọc nhằn, khó khăn của cuộc sống, những cô cậu học trò đã lao vào tìm tòi, sáng tạo để rồi cho ra lò những sản phẩm thiết thực.

 

 

 

 

Máy tuốt bắp của Huỳnh Đức Phú – Ảnh: Thành Nhơn

Đó là chiếc máy tuốt hạt bắp để nông dân đỡ nhọc nhằn, là máy xới cày liếp của cô con gái dành cho người cha, hay thiết bị tách lọc nước biển thành nước ngọt cho người dân miền biển…

Đó là những câu chuyện tiêu biểu trong 180 dự án do 306 học sinh của 31 tỉnh thành từ Đà Nẵng trở vào thực hiện tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam diễn ra ở Đồng Tháp trong hai ngày 16 và 17-3.

Cho bớt nhọc nhằn

Chiếc máy tuốt hạt bắp của hai cô cậu học trò đến từ Trường THCS Đào Duy Từ (Bình Định) thỉnh thoảng vang tiếng lèng xèng theo nhịp giải thích của hai người sáng chế nhỏ tuổi mỗi lần có khách ghé thăm.

Dự án “Găng tay hỗ trợ di chuyển dùng cảm biến sóng âm cho người khiếm thị” của hai học sinh Lâm Vũ Hoàng và Trần Quốc Cơ, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), được trao giải nhất hội thi. Ngoài ra hội thi còn trao 13 giải nhì cho các dự án khác.

“Quê em trồng nhiều bắp lắm, bà con đa số tuốt bắp bằng tay. Có chỗ cũng có máy tuốt nhưng hạt nát vụn nhiều, hiệu quả rất thấp lại không thể dùng hạt để làm giống, em đánh bạo chế tạo máy tuốt này trước dùng cho nương bắp nhà em, sau là cho nông dân quê em đỡ cực” – Huỳnh Đức Phú, học sinh thực hiện dự án, chia sẻ.

Máy cùng lúc tuốt được nhiều trái, hạn chế hạt bắp văng tung tóe, cùi bắp không bị cắt nát, có thể tận dụng để làm chất đốt. Say sưa nghe Phú thuyết trình nguyên lý hoạt động của máy, thầy Nguyễn Đình Phùng, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (An Giang), hết lời khen ngợi.

“Dự án rất gần gũi và thiết thực với cuộc sống. Nếu máy này đưa vào thực tiễn tôi nghĩ có nhiều dự án xã hội sẽ ủng hộ” – thầy Phùng chia sẻ.

Võ Thị Thảo Lil, Trường THPT Giồng Thị Đam (Đồng Tháp), chia sẻ: “Là con gái không thể giúp cha cày cuốc như con trai nên em mày mò thiết kế máy này, vừa xới đất được lại tích hợp cày đất thành từng liếp cho cha đỡ cực”.

Cha Lil có hai công đất làm hoa màu nhưng thị trường chưa có máy móc phục vụ chuyên biệt cho công việc trồng màu. Phần lớn nông dân phải cày cuốc bằng tay vừa tốn công vừa tốn thời gian. Để đào rãnh lên liếp trồng hoa màu trung bình mười ngày cha Lil mới làm được 1.000m2.

Nhọc nhằn là vậy nhưng Lil lại không thể phụ giúp cha. Nghĩ vậy nên em quyết định thực hiện đề tài vốn chẳng dễ dàng với một đứa con gái.

“Cũng thất bại nhiều lần, lúc thành công thấy cha cười tươi rói khen con gái giỏi, biết thương cha cực khổ, em thấy rất mãn nguyện” – Lil kể. Chiếc máy có thể vừa xới đất vừa cày lên liếp với công suất gấp 40 lần lao động bằng chân tay.

Bước ra khỏi trang sách

Đưa đôi bàn tay có nhiều vết cắt, xước, em Nguyễn Ngọc Bích, Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau), cho biết đó là vết tích của nhiều lần cắt kiếng, cắt thanh thép để hoàn thành thiết bị tách lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời.

“Tụi em tự cắt hết nên nhìn không đẹp lắm. Từ lúc bắt tay vào nghiên cứu tụi em thấy thích thú lắm. Kiến thức không còn bó buộc trong sách vở, phải vận dụng những điều đã học, đã thấy ngoài thực tế rồi tư duy tìm cách làm của riêng mình” – Bích hào hứng kể.

Dự án này Bích nảy ra từ những khó khăn của cuộc sống xung quanh. Vào mùa khô hằng năm, người dân miền biển phải chắt chiu từng giọt nước ngọt. “Em luôn tự đặt câu hỏi có thiết bị nào lọc nước biển thành nước ngọt mà không tốn nguyên liệu chất đốt không.

Rồi em chia sẻ điều này với bạn Trương Đức Tiến, không ngờ bạn cũng trăn trở như em. Hai đứa em quyết định phải nghiên cứu” – Bích chia sẻ tiếp. Không chỉ dừng ở việc lọc nước biển, Tiến và Bích còn tích hợp vào thiết bị bộ phận để lọc nước phèn, nước nhiễm bẩn thành nước sạch. Dự án này đoạt giải nhì hội thi.

Nếu như Bích, Tiến tìm lời giải biến nước mặn thành nước ngọt thì Nguyễn Trí Khang, học sinh Trường Thực hành sư phạm Trà Vinh, lại tìm cách đưa nước lên ruộng, tưới cây bằng sức người.

“Một là người dân không đủ tiền mua máy bơm, hai là máy bơm cồng kềnh không vận chuyển ra ruộng xa được. Máy bơm nước thân thiện của em không tốn nhiên liệu nhưng hiệu suất có thể đạt được 50% so với máy bơm thông thường. Giá thành của máy cũng chỉ mấy trăm ngàn đồng thôi” – Khang cho biết.

Cô Trang Thị Thu Trang, giáo viên hướng dẫn của Khang, chia sẻ ban đầu khi Khang trình bày ý tưởng cô có phần e ngại, nhưng cô đã dần bị thuyết phục hoàn toàn với cách làm táo bạo của học trò.

“Tự mày mò, ra sản phẩm chưa như ý muốn em lại tháo ra làm lại. Từng chút một cho đến khi hoàn thành. Từ đó tôi thấy em có một tình yêu đối với khoa học, càng yêu khoa học càng thôi thúc em phải học tốt hơn không chỉ trong sách vở mà từ thực tế” – cô Trang nói.

Nhiều thiết bị hạn chế tai nạn giao thông

Hội thi lần này còn có nhiều sáng kiến lý thú góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Ninh Thuận) thiết kế thiết bị lắp đặt trên xe sẽ nhận cảm biến hoạt động của tàu lửa và tự động vô hiệu hoá cáp dây ga để hạn chế việc vượt các đường cắt ngang.

Hai bạn Lê Nguyễn Đức Tân và Nguyễn Lý Minh Nguyệt, Trường THCS Chánh Nghĩa (Bình Dương), mong muốn thông qua dự án mũ bảo hiểm thông minh, người tham gia giao thông hễ bước lên xe là phải đội mũ bảo hiểm.

Vì nếu không đội xe sẽ không khởi động được. Bộ thiết bị hai bạn sáng chế giá thành chỉ khoảng 82.000 đồng. Toàn bộ chi phí thực hiện dự án do hai bạn tiết kiệm tiền quà sáng.

NGỌC TÀI – THÀNH NHƠN