11/01/2025

​Khánh Hoà: Các dòng sông thiếu hụt 80% lượng nước

Sáng 15-3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ có chuyến làm việc tại Khánh Hoà chỉ đạo công tác chống hạn.

 

Khánh Hoà: Các dòng sông thiếu hụt 80% lượng nước

 

Sáng 15-3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Chính phủ có chuyến làm việc tại Khánh Hoà chỉ đạo công tác chống hạn.

 

 

 

 

Người dân Cam Ranh (Khánh Hòa) bơm nước chống cạn – Ảnh: P.L.

Đoàn công tác thị sát hồ chứa nước Cam Ranh, thăm cánh đồng hoa màu bị khô hạn tại xã Cam Hiệp Bắc, nghe lãnh đạo tỉnh, huyện báo cáo về tình hình, phương án chống hạn trên địa bàn…

Theo UBND tỉnh Khánh Hoà, do lượng mưa năm 2014 giảm thấp so với trung bình nhiều năm nên dòng chảy các sông tại Khánh Hoà  thiếu hụt hơn 80%, dẫn tới khô hạn trên diện rộng, nhiều khu vực thiếu nước tưới. Hiện dung tích nước các hồ chỉ chiếm 25-50%, nhiều hồ trơ đáy không còn khả năng tưới.

Diện tích sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 của tỉnh là 19.700ha, trong đó diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn gần 2.500ha (cây lúa 2.000ha). Nặng nhất là các địa phương Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hoà… Nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ hè thu rất nghiêm trọng.

Lo ngại thời tiết nóng lên bất ngờ

Ông Nguyễn Đại Ngưỡng – giám đốc Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Đắk Lắk – cho biết năm 2015 lượng dòng chảy trên các sông lớn thiếu hụt từ 30-70%, một số sông suối nhỏ dòng chảy khô cạn, nhiều khả năng xảy ra hiện tượng El Nino.

Theo đó, vào thời điểm này, hiện tượng ENSO (thời tiết pha nóng và pha lạnh) đang chuyển sang trạng thái pha nóng. Thời gian tới sẽ có khả năng thời tiết nóng lên bất ngờ.

“Dự báo trong các tháng tiếp theo của mùa khô 2015 trên phạm vi tỉnh Đắk Lắk lượng mưa đạt thấp hơn so với năm 2014. Đắk Lắk có thể sẽ xuất hiện hiện tượng khô hạn, thiếu nước, đặc biệt khu vực trung tâm tỉnh.

Mực nước trên các sông lớn tại tỉnh Đắk Lắk tiếp tục giảm thấp, một số sông suối nhỏ dòng chảy khô cạn” – ông Ngưỡng cho biết. TRUNG TÂN

Tại Cam Ranh, khô hạn ảnh hưởng 340ha diện tích lúa đông xuân. Ông Phạm Đình Huấn – trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hoà – cho biết Cam Ranh có 340ha lúa đông xuân bị uy hiếp bởi hạn hán, do nguồn nước tưới từ hồ Suối Hành và một số công trình thuỷ lợi trên địa bàn đang dần cạn kiệt.

Thời gian qua, công ty và các địa phương tập trung chống hạn bằng mọi phương tiện. Từ ngày 28-2, công ty lắp đặt ba vị trí bơm tát là hồ Suối Hành, đập Võ Tá và kênh chính nam hồ Cam Ranh (đập Nghĩa Cam) tập trung bơm nước cứu lúa.

Khánh Hòa đề xuất với Chính phủ hỗ trợ tỉnh 25 tỉ đồng phục vụ công tác chống hạn, đồng thời đề nghị trung ương xem xét, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những cố gắng của Khánh Hoà trong công tác chống hạn, yêu cầu tỉnh thực hiện tốt việc quy hoạch nước, cần ưu tiên nước cho sinh hoạt và nông nghiệp, tính toán khả năng xây dựng các hồ chứa, đập dâng phù hợp với từng triền sông, điều kiện dòng chảy…

Phó thủ tướng cho biết đây là năm hạn nặng nhất trong vòng 10 năm qua, dự báo sẽ còn hạn tới tháng 9 khi xuất hiện hiện tượng El Nino.

Tỉnh cần chủ động điều tiết nước hợp lý, tính toán điều tiết nước liên hồ, khuyến cáo việc sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, khoanh vùng dự trữ nước cho sinh hoạt, gia súc, nghiên cứu áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, nhỏ giọt phục vụ sản xuất nông nghiệp… Trung ương sẽ xem xét kiến nghị của tỉnh.

Trong một diễn biến khác, ghi nhận tại trang trại nuôi heo công nghiệp ở huyện Cam Lâm có gần 200 trang trại nuôi heo của nông dân tự lập ở xã Cam Thành Bắc đang rất lo vì cả vùng bị nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua và bắt đầu thiếu nước.

Ông Lê Văn Hải ở thôn Tân Lập (xã Cam Thành Bắc), có hai dãy trại nuôi 1.200 con heo được ba tháng tuổi, cho biết đang chuẩn bị phải đào thêm một giếng khoan nữa mới đủ nước cung cấp cho heo.

Những trại heo ở gần mương thuỷ lợi đi qua, trước đây vừa dùng nước giếng vừa lấy thêm nước mương để chăn nuôi. Nhưng nay nắng khô, mương cạn nên phải lo đào thêm giếng. Giếng khoan ở đây phải khoan sâu tới 70-80m mới có nước, chi phí để đào mỗi giếng từ 40-50 triệu đồng.

Vừa qua tỉnh Khánh Hoà đã phê duyệt kế hoạch đầu tư chống hạn vụ đông xuân 2015 trong toàn tỉnh lên đến 25 tỉ đồng, trong đó có dành nguồn vốn lớn để đầu tư, hỗ trợ các địa phương đào thêm ao trữ nước và giếng để tăng thêm nguồn nước.

Theo ông Hải, lượng nước sử dụng trong chăn nuôi heo mỗi ngày là rất lớn. Một ngày mỗi con heo ăn chừng 3kg thức ăn thì phải cần cung cấp khoảng 9 lít nước. Đó là chưa kể nước sử dụng để vệ sinh chuồng trại, tắm heo hằng ngày gần cả chục m3/trại.

“Nếu không có nước vệ sinh chuồng trại, tắm heo sạch sẽ thì heo không lớn, không đảm bảo chất lượng” – ông Hải nói.

P.L. – PHAN SÔNG NGÂN