27/11/2024

Thánh giá của Đức Kitô là chóp đỉnh tình yêu

Trên lộ trình của chúng ta hướng về Lễ Phục Sinh, chúng ta đã đi đến Chúa Nhật IV Mùa Chay. Đây là một cuộc hành trình cùng đi với Đức Giêsu xuyên qua “sa mạc”, nghĩa là một thời gian, mà qua đó, chúng ta lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn

 Thánh giá của Đức Kitô là chóp đỉnh tình yêu

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô,
Chúa Nhật IV MC, 18/3/2012

Anh chị em thân mến!

Trên lộ trình của chúng ta hướng về Lễ Phục Sinh, chúng ta đã đi đến Chúa Nhật IV Mùa Chay. Đây là một cuộc hành trình cùng đi với Đức Giêsu xuyên qua “sa mạc”, nghĩa là một thời gian, mà qua đó, chúng ta lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn, cũng như lật tẩy những cơn cám dỗ diễn ra trong tâm hồn chúng ta. Thánh giá hiện rõ nơi chân trời sa mạc này. Đức Giêsu biết rõ rằng Thánh giá là cao điểm của sứ mệnh Người: thật thế, Thánh giá của Đức Kitô là chóp đỉnh của tình yêu, một tình yêu mang lại cho chúng ta ơn cứu độ. Chính Người đã nói như thế trong bài Phúc Âm hôm nay: “Cũng như Môise đã đưa cao con rắn lên trong nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải được đưa lên cao như thế, để cho bất cứ ai tin thì sẽ nhờ Người mà được sống đời đời” (Ga 3,14-15). Đoạn văn này quy chiếu về giai thoại được mô tả trong cuộc Xuất hành ra khỏi Ai Cập, người Do Thái bị những con rắn độc tấn công, và nhiều người đã chết. Lúc đó, Thiên Chúa ra lệnh cho ông Môisen đúc một con rắn bằng đồng và treo nó lên trên một đầu cây cột: nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì người ấy sẽ được chữa lành (Ds 21,4-9). Đức Giêsu cũng được treo trên cây Thánh giá, để bất luận ai trong cơn nguy hiểm phải chết vì tội, mà với niềm tin quay về với Người, thì sẽ được cứu thoát. “Bởi vì Thiên Chúa – Thánh Gioan viết – sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu thoát” (Ga 3,17).

Thánh Âu Tinh chú giải như sau: “Như thế, thầy thuốc đến gần bệnh nhân, để ngần nào có thể, làm cho bệnh nhân được khoẻ lại. Nhưng nếu bệnh nhân từ chối theo toa thầy thuốc, thì bệnh nhân ấy đã gây nên cho mình cái chết. Đấng Cứu Thế đã đến  trần gian này. […] Bạn có từ chối ơn cứu độ Người mang đến cho bạn không? Bạn sẽ bị xét xử dựa theo hạnh kiểm của bạn” (Khảo luận về Phúc Âm theo Thánh Gioan, 12,12: PL 35,1190). Như thế, nếu tình yêu giàu lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng đã đi đến tận cùng khi ban cho chúng ta Người Con độc nhất của Ngài, là vô biên, thì trách nhiệm của chúng ta cũng thật lớn lao: thật thế, mỗi người phải nhìn nhận mình mắc bệnh, để có thể được chữa lành; mỗi người phải xưng thú tội lỗi mình, để cho sự tha thứ mà Chúa đã ban cho chúng ta trên Thánh giá, có thể tác động trong tâm hồn và trong cuộc đời chúng ta. Thánh Âu Tinh còn viết như sau: “Thiên Chúa luận tội bạn, và nếu bạn cũng luận tội bạn, thì bạn đã liên kết với Ngài […] Khi những hành vi của bạn bắt đầu làm bạn phật ý, thì ngay lúc đó, bạn đã bắt đầu làm điều thiện, bởi vì bạn tố cáo những việc làm sai trái của bạn. Xưng thú những việc làm sai trái là đã bắt đầu làm điều thiện” (sđd. 13: PL 35,1191). Đôi khi con người thích bóng tối hơn ánh sáng, bởi vì con người gắn liền với tội lỗi của mình. Nhưng chỉ khi nào chúng ta mở lòng đón nhận ánh sáng, và chỉ khi nào chúng ta chân thành xưng thú tội lỗi của mình với Thiên Chúa, thì lúc đó, chúng ta đã tìm lại được bình an thật và niềm vui thật. Như thế, điều quan trọng là chúng ta phải thường xuyên đến với Bí tích Hoà Giải, đặc biệt trong Mùa Chay này, để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa và làm nổi bật con đường hoán cải của chúng ta.

Các bạn thân mến, ngày mai, chúng ta sẽ long trọng cử hành lễ Thánh Giuse. Tôi hết lòng cảm ơn tất cả những ai nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện, nhân ngày lễ bổn mạng của tôi. Tôi xin anh chị em đặc biệt cầu nguyện cho chuyến tông du của tôi tại Mêhicô và Cuba, được bắt đầu vào Thứ Sáu tới. Chúng ta hãy phó dâng chuyến tông du này cho Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp. Mẹ là người rất được hai quốc gia mà tôi chuẩn bị viếng thăm này yêu mến và tôn kính.