11/01/2025

Các sứ giả hoà bình

Có những con người đã và đang ngày đêm miệt mài làm việc để hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau, biến hận thù thành tình bè bạn. Họ như các sứ giả của hoà bình.

 

Các sứ giả hoà bình

 

 

Có những con người đã và đang ngày đêm miệt mài làm việc để hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau, biến hận thù thành tình bè bạn. Họ như các sứ giả của hoà bình.

 

 

 

Quân nhân Mỹ và nhân công VN cùng sàng lọc đất tìm kiếm hiện vật

Quân nhân Mỹ và nhân công VN cùng sàng lọc đất tìm kiếm hiện vật

Một ngày hè 2014, đoàn xe gầm cao lầm lũi tiến về xã Thanh Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình). Đó là đoàn xe chở đại diện Hội Cựu chiến binh Mỹ (American Legion’s), Hội Việt – Mỹ, Văn phòng MIA (Cơ quan Tìm kiếm người nước ngoài mất tích trong chiến tranh VN) Mỹ tại VN, Cơ quan VN tìm kiếm người mất tích (VNOSMP), Cơ quan MIA (Bộ Quốc phòng VN) đi thăm, kiểm tra hiện trường khai quật tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh mang mã số MIA 1182.

Xóa nhòa khoảng cách
Chúng tôi ngồi cùng xe với một cán bộ của MIA VN, khi xe đi qua đám ruộng, vị này thốt lên đầy ngạc nhiên: “Lúa tốt thế này rồi sao!”. Anh giải thích khi anh đến thì bà con mới gieo sạ, vậy mà giờ lúa đã cao hơn gang tay. Có nghĩa, hiện trường khai quật được mở đã khá lâu, hơn 1 tháng những người lính Mỹ và VN cùng ăn, cùng làm với nhau trên một hiện trường.
 
 

Công việc phức tạp
Để bắt đầu quá trình tìm kiếm một trường hợp mất tích, công việc đầu tiên thuộc về các đội điều tra của VN. Có một đội điều tra đặc biệt chuyên về những vụ khó. Khi nhận thông tin về các điểm có người mất tích, đội điều tra sẽ rà soát trong vụ này ngày xưa có các đơn vị nào tham gia rồi đi tìm các đơn vị đó.
Tìm được rồi thì tìm nhân chứng của đơn vị đấy, xem còn sống không. Còn sống thì thông tin cho phía Mỹ để họ chuẩn bị các thông tin cần thiết cho VN. Sau đó, báo cáo cấp trên cho phép được mời người ấy đến hiện trường hoặc mời đến một địa điểm nào đó để phỏng vấn. Mỹ sẽ phỏng vấn rất nhiều câu hỏi, trong đó có những câu hỏi về trận đánh như tham gia như thế nào, diễn biến ra sao, thông tin về người mất tích có nắm được không, nếu biết thì miêu tả lại xem như thế nào để xem thông tin có phù hợp không. Rồi họ về xây dựng báo cáo là vụ này có nhân chứng rồi.
Đợt thứ hai mời nhân chứng đi hiện trường, xem nhân chứng có nhớ lại không. Nhân chứng sẽ chỉ vị trí, sau đó căn cứ vào các điểm chỉ đó đối chiếu với toạ độ hồ sơ xem có khớp không. Nếu khớp thì cho khai quật.

 

Khi chúng tôi đến, trời xế trưa, nắng như đổ lửa nhưng những binh sĩ Mỹ và nhân công địa phương vẫn làm việc miệt mài. Người đào đất, người xúc lên đổ vào xô, đất được chuyền tay đến hệ thống sàng lọc thủ công. Thỉnh thoảng binh sĩ Mỹ lại buông một câu vui đùa nào đó, nhân công địa phương cũng cười theo mặc dù chẳng hiểu mô tê chi trơn. Họ hiểu nhau qua cử chỉ, nét mặt.

Hết giờ làm, quân nhân Mỹ dùng bữa cùng với cán bộ VN trong lán được dựng tạm ở hiện trường. Bàn ghế là những thân cây nhỏ ghép lại. Tất cả cùng ăn, nói chuyện với nhau rất gần gũi; đặc biệt có một thứ làm cho bữa ăn sôi nổi, nhất là với binh sĩ Mỹ: rượu gạo. Một quân nhân đứng tuổi uống rất hăng và liên tục khen ngon. Họ hòa đồng như không có khoảng cách.
Hàn gắn vết thương
Theo đại tá Đào Xuân Kính, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan MIA – Phó giám đốc Cơ quan VN tìm kiếm người mất tích, việc tìm kiếm của VN được tiến hành sau Hiệp định Paris. Lúc đó, vì còn chiến tranh nên VN âm thầm tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích ở miền Bắc. Đến khi miền Nam được giải phóng thì VN bắt đầu những cuộc trao trả đơn phương. Qua nhiều cuộc gặp bí mật giữa hai bên và thông qua những cuộc gặp thiện chí của những binh sĩ Mỹ và người thân của cả hai bên, đã tìm kiếm và trao trả được hơn 300 bộ hài cốt.
Từ năm 1988 – 1995, hai nước nhích lại gần hơn, xuất phát từ MIA đã giúp cho quan hệ của hai nước bình thường trở lại và từ năm 1995 tiếp tục phát triển cho đến tận bây giờ. Cũng thông qua hoạt động MIA, phía Mỹ đã cung cấp thông tin về bộ đội VN, tìm kiếm bộ đội VN, giải quyết vấn đề chất độc da cam, bom mìn.
Chất xúc tác vô hình
Trong hành trình tìm kiếm quân nhân mất tích, có nhiều kết quả, nhiều câu chuyện cảm động như liều thuốc quý hàn gắn vết thương.
Đại tá Đào Xuân Kính cho biết: Hơn 600 lính Úc tử trận tại miền Nam nhưng Úc đã mang thi thể, hài cốt về gần hết. Đến cuối năm 2007 vẫn còn 6 trường hợp không tìm được. Phải mất 3 năm, đến cuối 2009 thì kết thúc toàn bộ MIA Úc tại VN. Bàn giao xong, nước Úc làm hẳn chương trình về việc này. VN cũng nhận được nhiều thư của các gia đình bên Úc gửi qua cảm ơn. Có bức viết hay lắm: “Ba tôi năm nay hơn 90 tuổi rồi, sau khi được tin anh tôi hồi hương thì ba tôi như được sống lại lần thứ hai, trẻ ra. Cầu chúa phù hộ cho ngài”.
Hay chuyện về binh sĩ Fishes (Úc) mất tích ở vùng rừng Đồng Nai nhưng tìm nhiều lần không được hài cốt; đến lần thứ 4 mới tìm ra. Khi bàn giao, dù tuổi đã già, đi phải 2 người dìu, nhưng mẹ của người này vẫn sang VN. Bà ôm đại tá Kính khóc rưng rức trên sân bay.
Đại tá Kính, theo tôi, là con người của công việc. Ông cởi mở, giản dị và rất nhanh nhẹn so với tuổi 62. Hè 2014, dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng cấp trên còn muốn ông cống hiến bởi ông còn làm tốt và có cái duyên với công việc này. Ông bảo ông đi tìm rất son, đợt nào cũng có. Như lần ở Quảng Nam tìm được 2 hài cốt ở cùng một chỗ. Trước đó tìm cả tháng trời không thấy gì, khi ông vào kiểm tra, ngồi nghỉ ở dưới một bóng cây lúc trời nắng. Ông nghĩ chuẩn bị rút quân vì không tìm thấy gì cả. Đang ngồi thì có cậu nhân công đưa nước cho ông uống, đưa xong cậu ra một bóng cây khác ngồi, rồi cầm cái cuốc nhỏ mổ chơi chơi và mổ đúng rãnh nước mưa xói. Mổ một lúc thì lòi mảnh vải rằn ri, cậu ồ lên. Từ manh mối đó, mọi người tìm thấy đầy đủ hài cốt không thiếu thứ gì cả.
Đại diện Hội cựu chiến binh Mỹ (trái) xem một hiện vật tìm thấy tại hiện trường xã Thanh Trạch

Đại diện Hội cựu chiến binh Mỹ (trái) xem một hiện vật tìm thấy tại hiện trường xã Thanh Trạch

Quả thực, công tác nhân đạo như một chất xúc tác vô hình góp phần rất lớn trong kết nối con người, kết nối hoà bình. Trong câu chuyện này, không thể không nhắc đến một người Mỹ gốc Việt rất gần gũi. Đó là trung tá Julian Tran – Trưởng văn phòng MIA Mỹ tại VN. Ông dáng người nhỏ, da sạm đen và rất lanh lẹ. Tại hiện trường xã Thanh Trạch, trước khi quân nhân Mỹ nghỉ trưa, ông họp mọi người lại thành vòng tròn, ông đứng ở giữa và bắt đầu nói chuyện. Ông nói về đất nước VN, con người và văn hóa VN. “VN không phải như chỗ này chỗ kia nói mà VN rất xinh đẹp, con người rất chân tình, thân thiện, muốn sống tương trợ lẫn nhau trong hoà bình”.
Đại tá Đào Xuân Kính (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn cựu chiến binh, quân nhân Mỹ và cán bộ VN - Ảnh: T.Q.N

Đại tá Đào Xuân Kính (thứ hai từ trái qua) cùng đoàn cựu chiến binh, quân nhân Mỹ và cán bộ VN 
– Ảnh: T.Q.N

Mạch nguồn hoà bình không bao giờ dứt
Nhấc máy gọi đại tá Kính lúc sang xuân mới, vẫn chất giọng thân thiện và sang sảng, ông bảo đang nghỉ chờ hưu. Rồi ông tâm sự, vẫn làm cố vấn cho chương trình và tiếp tục làm nốt những ý tưởng xây dựng hoà bình còn dang dở. Ông đang dự định làm một số hoạt động cho dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao VN – Mỹ (1995 – 2015). Thời gian tới, trung tá Julian Tran cũng sẽ hết nhiệm kỳ. Ai rồi cũng phải đến lúc đi nhưng mạch nguồn hoà bình sẽ không bao giờ dứt trên con đường nhân đạo.

Trương Quang Nam