10/01/2025

Rò rỉ vi khuẩn chết người ở Mỹ

Chính quyền bang Louisiana, Mỹ đang điều tra khả năng một loại vi khuẩn chết người, có thể dùng làm vũ khí sinh học, đã phát tán ra khỏi phòng thí nghiệm.

 

Rò rỉ vi khuẩn chết người ở Mỹ

 

 

Chính quyền bang Louisiana, Mỹ đang điều tra khả năng một loại vi khuẩn chết người, có thể dùng làm vũ khí sinh học, đã phát tán ra khỏi phòng thí nghiệm. 

 

 

Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane ở bang Louisiana - Ảnh: Đại học Tulane

Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane ở bang Louisiana – Ảnh: Đại học Tulane 

Theo tờ USA Today ngày 3.3, các cơ quan hữu trách nghi ngờ vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore đã bị rò rỉ từ Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane, cách thành phố New Orleans khoảng 80 km vào tháng 11.2014, thậm chí sớm hơn. Trung tâm này đang nghiên cứu loại vắc xin ngừa vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Tính đến nay đã có 4 con khỉ của trung tâm và một thanh tra y tế bang Louisiana từng đến đây phát bệnh Whitmore. Hai trong số 4 con khỉ đã bị an tử còn bà thanh tra hiện đã hồi phục nhưng vẫn được theo dõi sức khoẻ sát sao.
Theo Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, Burkholderia pseudomallei là một loại vi khuẩn độc tính cao với tỷ lệ gây tử vong có thể lên đến gần 50% nên bị xem là có nguy cơ bị sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học. Loại vi khuẩn này xuất hiện chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và phía bắc nước Úc. Burkholderia pseudomallei có thể lây lan khi vật chủ tiếp xúc với đất hoặc nước nhiễm khuẩn. Các triệu chứng khi phát bệnh rất dễ bị nhầm với triệu chứng của bệnh lao hoặc viêm phổi: chán ăn, sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, khớp… Thời gian ủ bệnh của Burkholderia pseudomallei rất khác nhau tùy theo trường hợp, có thể từ vài ngày đến vài năm. Đây là một trong những lý do khiến các chuyên gia khó có thể xác định cụ thể vi khuẩn này đã bị phát tán từ Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane vào lúc nào.
Ngoài ra, cũng chưa thể khẳng định nữ thanh tra bang Louisiana đã nhiễm Burkholderia pseudomallei khi đến kiểm tra tại đây vì bà có thể đã nhiễm bệnh trong những chuyến xuất ngoại trước đó không lâu. Còn 4 con khỉ nhiễm bệnh tuy được nuôi ở trung tâm này nhưng có thể bị lây bệnh khi được điều trị tại trung tâm thú y trong vùng. Tờ Le Figaro dẫn lời ông Andrew Lackner, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane cho biết đến nay cả 13 mẫu đất và 39 mẫu nước lấy từ trung tâm đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Burkholderia pseudomallei. Tuy nhiên, chuyên gia Richard Ebright nhận định trên USA Today: “Số mẫu thử còn quá ít để có thể xác định môi trường có nhiễm khuẩn hay không vì Burkholderia pseudomallei không sống rải rác mà thường co cụm thành một ổ. Do đó, nếu không lấy thật nhiều mẫu, rất dễ lấy đúng phần đất hoặc nước cho kết quả âm tính dù ổ vi khuẩn ở ngay bên cạnh”.
Hiện chính quyền bang Louisiana cảnh báo có thể đất và nước ở khu vực quanh Trung tâm nghiên cứu linh trưởng quốc gia Tulane bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei nhưng nhấn mạnh vụ việc vẫn chưa gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Nếu xác nhận được trung tâm này đã để rò rỉ vi khuẩn thì theo các chuyên gia, nguyên nhân là do sai sót cá nhân chứ không phải lỗi ở hệ thống an ninh của các phòng thí nghiệm.

Lan Chi