10/01/2025

Nhiệt tâm của Đức Giêsu đối với Nhà Cha Người là nhiệt tâm của tình yêu, chứ không phải của bạo lực

Thánh Gioan – tường thuật giai thoại nổi tiếng việc Đức Giêsu đuổi những người buôn bán thú vật và đổi chác tiền bạc ra khỏi Đền thờ Giêrusalem (x. Ga 2,13-25). Biến cố này, được tất cả các Thánh sử tường thuật, xảy ra trong ngày Lễ Vượt qua và đánh động đám đông quần chúng cũng như các môn đệ một cách sâu xa. Chúng ta phải chú giải thái độ này của Đức Giêsu như thế nào?

 Nhiệt tâm của Đức Giêsu đối với Nhà Cha Người là nhiệt tâm của tình yêu, chứ không phải của bạo lực

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật III MC, 11/3/2012

Anh chị em thân mến,

Bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay hôm nay – trong trình thuật của Thánh Gioan – tường thuật giai thoại nổi tiếng việc Đức Giêsu đuổi những người buôn bán thú vật và đổi chác tiền bạc ra khỏi Đền thờ Giêrusalem (x. Ga 2,13-25). Biến cố này, được tất cả các Thánh sử tường thuật, xảy ra trong ngày Lễ Vượt qua và đánh động đám đông quần chúng cũng như các môn đệ một cách sâu xa. Chúng ta phải chú giải thái độ này của Đức Giêsu như thế nào? Trước tiên, ta phải nhấn mạnh rằng hành động này không hề gây nên một sự trấn áp nào từ phía những người giữ gìn trật tự công cộng, bởi vì hành động này được xem như một cử chỉ mang tính sứ ngôn: thật thế, nhân danh Thiên Chúa, các Tiên tri thường tố cáo những lạm dụng và các ngài thường thể hiện qua những cử chỉ mang tính biểu tượng. Vấn nạn có thể xảy ra đó chính là quyền hành của các ngài. Chính vì thế, người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào để chỉ cho chúng tôi thấy là ông có quyền hành động như thế?” (Ga 2,18), hãy chỉ cho chúng tôi thấy ông thật sự hành động nhân danh Thiên Chúa.

Cảnh những người mua bán bị Đức Giêsu đuổi ra khỏi Đền thờ cũng được cắt nghĩa theo một đường hướng chính trị và cách mạng, đặt Đức Giêsu vào trong phong trào của những người ái quốc cực đoan. Họ là những người “nhiệt tâm” đối với lề luật của Thiên Chúa, và sẵn sàng sử dụng vũ lực để làm cho mọi người tôn trọng luật Chúa. Vào thời Đức Giêsu, họ mong đợi một Đấng Thiên Sai giải phóng dân Israel khỏi ách thống trị của người Rôma. Nhưng Đức Giêsu làm cho những ai mong đợi như thế phải thất vọng, đến độ một số môn đệ đã bỏ Người, và thậm chí Giuđa Iscariote lại đi đến việc phản bội Thầy mình. Thật ra, ta không thể nào xem Đức Giêsu là một con người bạo lực; bạo lực đi ngược lại Nước Thiên Chúa, đó là công cụ của phản Kitô. Bạo lực không bao giờ giúp ích cho nhân loại; mà trái lại, bạo lực làm cho nhân loại mất đi nhân tính.

Như thế, chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa nói, khi Người thể hiện cử chỉ này: “Các ngươi hãy mang những thứ này ra khỏi đây. Đừng làm nhà Cha Ta trở thành một nơi buôn bán”. Và bấy giờ, các môn đệ nhớ lại những điều đã viết trong một Thánh Vịnh: “Nhiệt tâm đối với nhà Cha nung nấu tâm hồn Con” (69,10). Thánh Vịnh này là một tiếng kêu xin Chúa cứu giúp trong một tình thế nguy hiểm cùng cực do bởi quân thù ghen ghét: đó là tình thế mà Đức Giêsu đã trải nghiệm qua cuộc Thương khó của Người. Nhiệt tâm đối với Cha Người và đối với Nhà của Cha Người đã đưa Người đến Thánh giá: nhiệt tâm của Đức Giêsu là nhiệt tâm của tình yêu mà Người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình, chứ không phải là nhiệt tâm muốn phụng sự Thiên Chúa bằng bạo lực. Thật thế, dấu lạ mà Đức Giêsu sẽ ban cho người Do Thái như bằng chứng quyền bính của Người, đó chính là cái chết và sự Phục Sinh của Người. “Hãy phá huỷ đền thờ này đi – Người nói – và nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”. Và Thánh Gioan ghi nhận: “Nhưng Người lại nói về đền thờ thân xác của Người” (Ga 2,20-21). Cùng với cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu đã bắt đầu một phụng tự mới, phụng tự của tình yêu, và một Đền thờ mới là chính Người, là Đức Kitô Phục Sinh, mà qua Người, mỗi tín hữu có thể thờ phượng Thiên Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,23).

Các bạn thân mến, Chúa Thánh Thần đã bắt đầu xây dựng thánh cung mới này trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ lời bầu cử của Mẹ, chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi Kitô hữu trở nên một viên đá sống động của toà nhà thiêng liêng này.