10/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Syria, Irak và Venezuela

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1-3-2015 với gần 50.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô tái kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân bạo lực tại Syria, Irak, và cho bình an tại Venezuela. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Chay về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu trên núi nhân bạo lực tại Syria, Irak, và Venezuela.

Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho Syria, Irak và Venezuela
 
VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 1-3-2015 với gần 50.000 tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô tái kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân bạo lực tại Syria, Irak, và cho bình an tại Venezuela.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật 2 Mùa Chay về cuộc hiển dung của Chúa Giêsu trên núi nhân bạo lực tại Syria, Irak, và Venezuela.


Huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Chúa Nhật tuần trước phụng vụ đã trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu bị Satan cám dỗ trong hoang địa, nhưng Chúa chiến thắng cám dỗ này. Dưới ánh sáng Tin Mừng ấy, chúng ta tái ý thức về thân phận tội nhân của chúng ta và cả chiến thắng trên sự ác được ban cho những người tiến bước trên con đường hoán cải, và cũng như Chúa Giêsu, họ muốn thi hành thánh ý Chúa Cha. Trong Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay này, Giáo Hội chỉ cho chúng ta mục tiêu của hành trình hoán cải ấy, nghĩa là được tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô, vinh quang chiếu toả trên khuôn mặt của Người là Tôi Tớ vâng phục, chịu chết và sống lại vì chúng ta.

Trang Phúc Âm thuật lại biến cố hiển dung, được đặt nơi cao điểm sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Người đang trên đường tiến về Jerusalem, nơi mà các lời tiên trì về “Người Tôi Tớ” Thiên Chúa sẽ được ứng nghiệm viên mãn và hy tế cứu chuộc của Người sẽ được hoàn thành. Đứng trước viễn tượng một Đấng Messia trái ngược với mong đợi trần tục của mình, đám đông rời bỏ Người. Họ nghĩ rằng Đấng Messia là vị giải thoát quê hương họ khỏi sự thống trị của người Roma; nhưng viễn tượng này của Chúa Giêsu không làm cho họ hài lòng và họ bỏ Người. Cả các Tông đồ cũng không hiểu những lời Chúa Giêsu loan báo sự kết thúc sứ mạng của Người trong cuộc khổ nạn vinh hiển. Họ không hiểu, vì thế Chúa Giêsu tỏ cho Phêrô, Giacôbê và Gioan thấy trước vinh quang của Người, sẽ diễn ra sau khi Người sống lại để củng cố họ trong đức tin và khích lệ họ theo Người trên con đường Thập Giá. Trên núi cao ấy, chìm đắm trong kinh nguyện, Chúa hiển dung trước mặt họ: Mặt Người và toàn thân toả sáng chói loà. Cả ba môn đệ kinh hãi, trong khi một đám mây bao phủ các vị và từ trên cao vang vọng tiếng Chúa Cha – giống như khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giordan: “Đây là Con yêu dấu của Ta: Hãy nghe lời Người!” (Mc 9,7). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trở thành Tôi Tớ, được sai xuống trần thế để thực thi dự án cứu độ qua Thập giá. Sự hoàn toàn gắn bó với Thánh Ý Chúa Cha làm cho nhân tính của Người chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa là Tình Thương.”

Thế là Chúa Giêsu tỏ mình ra như một hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, toả lan vinh quang Thiên Chúa. Đó là sự viên mãn mạc khải, vì thế ở cạnh Người lúc hiển dung có Môsê và Êlia xuất hiện, tượng trưng cho Lề luật và các Ngôn sứ. Như thể cho thấy rằng tất cả đều bắt đầu và kết thúc trong Chúa Giêsu.

Mệnh lệnh được truyền cho các môn đệ và chúng ta là: “Các con hãy nghe Người! Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Chính Người là Đấng Cứu Thế, hãy bước theo Người. Thực vậy, lắng nghe Chúa Kitô bao hàm sự đón nhận con đường Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, lên đường đồng hành với Chúa để biến cuộc sống của mình thành một món quà tình thương cho tha nhân, trong sự ngoan ngoãn tuân phục thánh ý Thiên Chúa, với thái độ không dính bén những sự trần thế và tự do trong nội tâm. Nói khác đi, cần phải sẵn sàng “mất mạng sống mình” (x. Mc 89,35), hiến mạng sống của mình, để mọi người được cứu thoát và như thế chúng ta gặp lại nhau trong hạnh phúc vĩnh cửu. Con đường của Chúa Giêsu luôn mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Trên con đường ấy có thánh giá, thử thách, nhưng luôn có hạnh phúc. Chúa Giêsu không đánh lừa chúng ta: Người hứa cho chúng ta được hạnh phúc và Người sẽ ban cho chúng ta hạnh phúc nếu chúng ta tiến bước trên con đường của Người.”

ĐTC kết luận: “Cùng với Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, cả chúng ta cũng lên núi Hiển Dung và dừng lại chiêm ngắm tôn nhan Chúa Giêsu, để đón nhận từ đó sứ điệp và diễn tả sứ điệp đó trong cuộc sống của chúng ta; để cả chúng ta cũng có thể được Đấng Là Tình thương biến đổi. Trong thực tế, Tình Thương biến đổi mọi sự. Anh chị em có tin điều đó hay không?… Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ chúng ta trong hành trình này, và giờ đây chúng ta cầu khẩn Mẹ qua Kinh Truyền Tin.”

Lời kêu gọi

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc đến tình hình thê thảm tại Syria và Irak, nơi vẫn chưa chấm dứt bạo lực. 

Ngài nói: “Anh chị em thân mến, rất tiếc là từ Syria và Irak vẫn không ngừng có những tin tức bạo lực kinh khủng, những vụ bắt cóc người và đàn áp gây hại cho các tín hữu Kitô và những nhóm khác. Chúng tôi muốn đoan chắc với những người ở trong những tình trạng ấy rằng chúng tôi không quên họ, nhưng gần gũi họ và kiên trì cầu nguyện để sớm chấm dứt bạo lực không thể dung thứ mà họ đang phải chịu. Với các thành viên của Giáo triều Roma, tôi đã dâng thánh lễ cuối cùng trong cuộc tĩnh tâm sáng thứ sáu vừa qua (27-2-2015) để cầu nguyện cho ý chỉ đó. Đồng thời tôi xin tất cả mọi người, theo khả năng của mình, hãy hoạt động để xoa dịu đau khổ của những người đang ở trong thử thách thường vì đức tin mà họ tuyên xưng.”

Mọi người hiệp với ĐTC cầu nguyện trong thinh lặng một lát và ngài nói tiếp:

“Tôi cũng muốn nhắc đến nước Venezuela lại phải sống những căng thẳng cực độ. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và đặc biệt cho thiếu niên (14 tuổi) bị giết cách đây vài ngày tại thành phố San Cristobal. Tôi nhắn nhủ tất cả mọi người hãy từ bỏ bạo lực và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống con người và tôi khuyến khích mở lại hành trình chung để mưu ích cho đất nước, mở lại cuộc gặp gỡ và đối thoại chân thành và xây dựng. Tôi phó thác đất nước Venezuela yêu quý cho sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Mẹ Coromoto.”