10/01/2025

Cô gái có trái tim hồng

Trên chuyến tàu từ Hà Nội về Đồng Hới (Quảng Bình), bước xuống sân ga Phương vẫn cười tươi rói nhưng có vẻ như cô gái sôi nổi, nhiệt huyết ngày nào đang cố giấu nỗi lo âu nào đó.

 

Cô gái có trái tim hồng

 

 Trên chuyến tàu từ Hà Nội về Đồng Hới (Quảng Bình), bước xuống sân ga Phương vẫn cười tươi rói nhưng có vẻ như cô gái sôi nổi, nhiệt huyết ngày nào đang cố giấu nỗi lo âu nào đó.

 

 

Phương mang áo khoác tặng học sinh nghèo vùng biên giới Minh Hóa (Quảng Bình) – Ảnh: Q.Nam

Nhìn thấy những cảnh đời nghiệt ngã đó, mình không thể làm ngơ được

NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG

Gặng hỏi mãi Phương mới cho biết mình vừa từ Bệnh viện K ở Hà Nội về.

Chúng tôi gặp Phương lần đầu ở xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) chỉ một ngày sau trận lốc xoáy kinh hoàng ập xuống vùng trung du này vào tháng 10-2013.

Thời điểm đó, báo Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị sớm nhất mang hàng đến cứu trợ người dân nơi đây sau trận lốc xoáy kèm lũ lụt.

Từ trong một căn nhà bị lốc cuốn sập mái, Phương khệ nệ ôm mấy thùng mì gói đi phát cho mọi người.

“Hôm qua biết tin ở đây bị lốc xoáy, nhà bà con bị sập và tốc mái gần hết nên em mượn tiền mua tạm mấy thùng mì mang lên. Nghĩ chắc bà con cần…” – cô gái nhỏ nói được mấy câu rồi cùng một cán bộ xã đưa mì gói qua nhà bên cạnh.

Vị cán bộ xã đi cùng chúng tôi cũng chỉ biết cô gái đó tên Nguyễn Thị Lan Phương, mới 27 tuổi, ở xã Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn.

Cầu nối qua Facebook

Phương khoe vừa vận động được 90 triệu đồng từ một số doanh nghiệp và cá nhân để lo tết cho người nghèo Quảng Bình.

Tiền mới chỉ được “hứa hỗ trợ” nhưng Phương đã lên sẵn kế hoạch chi tiêu trước khi Tết Nguyên đán đến: “35 triệu đồng dành cho 35 trẻ bị tan máu bẩm sinh, 25 triệu dành cho 25 hộ khó khăn, 13 triệu dành cho 13 trường hợp chạy thận nhân tạo, 15 triệu cho ba trường hợp đặc biệt khó khăn, còn 2 triệu sẽ trao cho một gia đình bị ung thư giai đoạn cuối ở phường Hải Thành”.

Phương dẫn chúng tôi đến một con hẻm ở tiểu khu 12, phường Bắc Lý (TP Đồng Hới). Đi sâu vào con hẻm, chúng tôi đến một ngôi nhà lụp xụp lợp tôn đã cũ. “May quá. Chị Hoàng Thị Hà, chủ nhà, đang ở nhà”.

Phương kể đây đã là lần thứ ba cô đến tìm chị Hà. Những lần trước đến, chị Hà phải đi làm thuê để kiếm tiền chữa bệnh cho con nên không gặp.

Phương biết về chị Hà qua câu chuyện của một người bạn, và quyết tìm bằng được người phụ nữ bất hạnh này. 26 tuổi, chị Hà mang trong mình bệnh tim bẩm sinh, rối loạn thần kinh chức năng.

Trớ trêu, cả hai đứa con của chị đều bị căn bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) phải truyền máu thường xuyên mới duy trì được sự sống. Sau khi chị sinh hai đứa con, chồng chị đi lấy vợ khác.

Một mình chị nuôi hai đứa con bệnh nặng. Sự sống của ba mẹ con đều mong manh nhưng chị vẫn luôn nuôi hi vọng và không bỏ cuộc.

“Nhìn thấy những cảnh đời nghiệt ngã đó, mình không thể làm ngơ được” – Phương nói ngắn gọn rồi hỏi tất cả thông tin, chụp lại hình ảnh cuộc sống của mấy mẹ con.

Về việc đầu tiên Phương làm là tải những hình ảnh của mấy mẹ con chị Hà kèm câu chuyện của chị lên mạng xã hội Facebook, Phương nói đó là cách tốt nhất mà cô có thể làm cho gia đình chị Hà.

Lướt qua trang cá nhân Facebook của Phương, từ ba năm qua hàng trăm câu chuyện về những hoàn cảnh bất hạnh, neo đơn ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa đã được Phương chia sẻ. Hầu hết những câu chuyện đó đều do Phương trực tiếp đến tận nơi xác minh.

Dưới mỗi câu chuyện Phương luôn để địa chỉ của gia đình đó để những nhà hảo tâm có thể trực tiếp giúp đỡ.

Người khổ còn quá nhiều

Từ những dòng chia sẻ của Phương, rất nhiều tấm lòng từ cả nước cũng như khắp thế giới biết được và liên hệ để trợ giúp. Ngày nào mở mạng xã hội ra Phương đều khấp khởi hi vọng có ai đó liên lạc.

Những người giúp đỡ ở xa, có khi tận nước ngoài, Phương phải thay họ đến tận nơi để trao gửi tấm lòng của họ cho người bất hạnh. Trao xong, Phương luôn chụp lại hình mình trao quà gửi qua cho người trao để họ yên tâm rằng tấm lòng của mình đã đến đúng địa chỉ.

Chỉ với cách làm đơn giản ấy mà trong ba năm qua Phương đã giúp được hàng trăm người bất hạnh tìm thấy sự sẻ chia. Chỉ trong năm 2014, Phương đã đứng ra vận động giúp đỡ hơn 70 hộ dân nghèo, bệnh tật, 20 trường học trên địa bàn Quảng Bình và một số trường ở Hà Tĩnh.

Số quà không nhiều nhưng tấm lòng của Phương và mọi người thì vô hạn. Chính điều đó làm động lực để Phương tiếp tục công việc “bao đồng nhưng tử tế” của mình.

Trong suốt chặng đường đã đi, Phương đã bắt gặp quá nhiều cảnh đời khốn khổ. “Cuộc sống của mình cũng không sung túc chi, nhưng có đi nhiều mới thấy nhiều người khổ hơn mình nữa” – Phương bày tỏ.

Thời gian đầu đi làm cầu nối thiện nguyện Phương gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó chưa ai biết Phương nên việc kêu gọi ủng hộ mọi người đóng góp giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh rất vất vả.

Phương phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới xin được nguồn tài trợ. Bên cạnh đó, công việc tình nguyện mất rất nhiều thời gian, lại đi đây đi đó nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và đời sống của gia đình Phương.

Con gái mới 5 tuổi phải thường xuyên gửi ông bà vì Phương bận đi lang thang khắp nơi để giúp người bất hạnh.

Trái tim hồng đã “rỉ máu”

Công việc chính của Phương là làm kế toán tại nhà. Nhưng quá nửa thời gian Phương dành để đi tìm và đến với những mảnh đời bất hạnh. Phương đến với công việc làm “cầu nối” này cũng khá tình cờ.

“Ba năm trước khi mới ra trường, tôi theo bạn bè đi tình nguyện miền núi Minh Hóa, rồi liên tiếp những chuyến đi tình nguyện với các nhóm công tác xã hội. Càng đi tôi càng không cầm lòng được và càng dấn sâu đến với những mảnh đời bất hạnh” – Phương nói.

Nửa năm trước, cô gái trẻ quyết định đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện ở Quảng Bình. Phương vận động được hàng chục bạn trẻ tham gia.

Sau đó, cô lại tiếp tục đứng ra thành lập thêm Câu lạc bộ Hiến máu dự bị – nơi có thể tiếp máu trực tiếp cho bệnh nhân bất cứ khi nào bệnh viện cần.

Suốt ba năm liền, một mình Phương vừa lo việc gia đình, vừa phụ trách hai câu lạc bộ hiến máu, và rong ruổi theo những nẻo đường tìm đến những học trò nghèo vùng cao, những người bất hạnh để làm “cầu nối”.

Đó cũng là lúc cô phát hiện những dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Ra tới bệnh viện ung bướu Hà Nội kiểm tra, các bác sĩ phát hiện tế bào ung thư trong thanh quản cô. Phương vẫn cười. Về, Phương lại tiếp tục công việc “cầu nối” của mình như chưa từng có gì xảy ra.

Năm bữa nửa tháng lại thấy Phương xuất hiện trên Facebook với những bức hình trao tiền vận động được cho một gia đình bất hạnh nào đó kèm nụ cười tươi rói.

Nhưng không ai biết hiện nay, một tháng Phương lại lên tàu ra Hà Nội một lần để bác sĩ kiểm tra và cho thuốc ngăn sự phát triển của tế bào ung thư.

Mỗi lần đi như thế Phương lại tranh thủ xin cho trẻ em nghèo miền núi mấy bao áo quần cũ, ít bánh kẹo. Nhắc đến căn bệnh đang mang trong người, Phương không hề tuyệt vọng. Cô vẫn cười nói như ngày nào: “Tôi còn khoẻ lắm. Khi nào còn đi được là còn gắng giúp người nghèo…”.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Không chỉ đứng ra kết nối những nhà hảo tâm đến người dân nghèo khó mà Phương còn bỏ tiền túi ra để giúp người khốn khó. Như khi Phương gặp em Dương Thị Thuý, ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch).

Thúy bị suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo tám năm qua. Phương bắt chuyện với Thúy mới được biết hoàn cảnh gia đình nhà em rất đáng thương. Đều đặn mỗi tuần Thúy phải vô Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Đồng Hới) chạy thận ba lần.

Không chỉ riêng Thuý mà cả sáu người trong gia đình Thuý đều bị suy thận, trong đó ba người đã qua đời. Phương đưa câu chuyện của gia đình Thúy lên Facebook của mình và tìm cách móc nối với một số nơi tìm sự giúp đỡ.

Một số nhà hảo tâm đã giúp gia đình Thuý một số tiền sau đó. Nhưng tiền chạy thận mỗi tháng của Thúy quá lớn, gia đình Thúy phải bán luôn cả căn nhà đang ở.

Phương quyết định hằng tháng trích từ đồng lương nhỏ nhoi của mình 500.000 đồng để bảo trợ cho Thuý, đến nay cũng đã được gần một năm.

Nói về người cưu mang mình, Thúy chỉ nghẹn ngào: “Cũng may có chị Phương trợ giúp, nếu không gia đình em cũng không biết làm sao”.

 

QUỐC NAM