09/01/2025

“Má Thu của em”

Mỗi lần gặp các nhân viên trong khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chàng trai Phan Văn Riêu, 32 tuổi, ở Bến Tre, đều nói: “Em đi tìm má Thu của em”.

 

“Má Thu của em”

 

Mỗi lần gặp các nhân viên trong khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chàng trai Phan Văn Riêu, 32 tuổi, ở Bến Tre, đều nói: “Em đi tìm má Thu của em”. 

 

 

“Má Thu” ở đây là TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, 54 tuổi, khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy…

Bác sĩ Ngọc Thu tư vấn cho người dân đến đăng ký hiến tạng – Ảnh: Thùy Dương

Một ngày đầu năm 2015, tôi gọi điện hỏi chị Hoàng Ngọc Bích ở Q.Tân Phú (TP.HCM) để xin một cuộc hẹn và bảo mình đang có ý định viết về bác sĩ Thu. Chị Bích vui vẻ nhận lời và nói: “Bác sĩ Thu là một ân nhân đặc biệt của gia đình”.

Bác sĩ Ngọc Thu là người có tinh thần cống hiến, tự nguyện vì cộng đồng cao. Khi Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, bác sĩ Thu là người đề cử tham gia thành lập đơn vị này. Đây là công việc đòi hỏi nhiều thời gian, tâm huyết, nỗ lực rất lớn
PGS.TS.BS NGUYỄN TRƯỜNG SƠN
 (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM)

Xin phép được lấy tên bác sĩ

Lúc trò chuyện, chị Bích say sưa kể về người bác sĩ đã cứu chị ba lần thoát chết và sau này giành lại sự sống cho con gái chị nữa.

Chị Bích được ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2007 nhưng chỉ chín tháng sau, chị đã bị thải ghép. Tháng 9-2009, chị còn bị nhiễm siêu vi CMV – lần mà theo chị kể, bác sĩ Thu đã cứu chị bằng một cái nắm tay.

Khẽ chạm vào bàn tay chị, bác sĩ Thu thấy ấm nên hỏi ngay: “Em có bị sao không?”. Chị Bích trả lời: chỉ bị hơi mệt, ho, hắt hơi, sổ mũi chút xíu. Không ngờ bác sĩ Thu vẫn chỉ định chụp phim, phổi và cho nhập viện.

Lúc đó, chị Bích ấm ức lắm vì cho rằng mình có sao đâu mà bác sĩ cứ làm quá lên thế nhỉ. Nhưng đến ngày thứ ba nhập viện chị bỗng bị ho dữ dội. Các bác sĩ cho xét nghiệm tới tấp thì phát hiện siêu vi CMV đã bắt đầu ăn vào phổi.

Loại siêu vi này nguy hiểm đến mức nếu bùng phát thì tỉ lệ tử vong sẽ có thể 60-90%. May nhờ phát hiện sớm, chị đã được cứu sống… Đó là một trong ba lần chị được bác sĩ Thu cứu mạng.

Còn chuyện khiến cả gia đình chị coi bác sĩ Thu như ân nhân đặc biệt là khi vợ chồng chị phát hiện lỡ có bầu, lúc đó thai đã được 13-14 tuần tuổi. Là một bệnh nhân bị thải ghép độ 3, các bác sĩ đều cảnh báo chị không được có bầu vì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng và cơ hội để giữ được cháu bé là rất ít.

Chị Bích vẫn nhớ rõ đó là ngày 17-4-2010, khi phát hiện mình lỡ dính bầu, người bác sĩ đầu tiên chị gọi điện là bác sĩ Thu. Nghe chị báo tin xong, bác sĩ Thu như hét lên trong điện thoại: “Oa, đây là chuyện rất nghiêm trọng. Giờ hai vợ chồng em phải đến bệnh viện ngay lập tức. Tôi chờ em trên khoa…”.

Khi hai vợ chồng chị Bích đến, không chỉ có bác sĩ Thu mà nhiều bác sĩ khác trong khoa đã ngồi chờ vợ chồng chị. Các bác sĩ đều đưa ra những tình huống có thể xảy ra nếu chị tiếp tục mang thai như nhẹ nhất chị sẽ bị suy thận, phải chạy thận định kỳ, có thể mất bé và tệ nhất là mất cả mẹ lẫn con.

Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn xong, chị Bích vẫn quyết định giữ thai vì đó là nỗi khao khát rất lâu của vợ chồng chị.

Trước quyết định này, bác sĩ Thu đã viết một bức thư gửi một giáo sư nổi tiếng về sản khoa bên Bệnh viện Hùng Vương với nội dung: “Bệnh nhân có thai mà không biết, rất muốn giữ thai, mong giáo sư giúp cho”.

Quả đúng như lời các bác sĩ dự đoán, khi thai được 6 tháng tuổi, huyết áp tăng lên, chị Bích phải nhập viện Bệnh viện Hùng Vương. Khi biết tin, bác sĩ Thu lập tức chạy qua và chuyển chị về Bệnh viện Chợ Rẫy cho tiện theo dõi.

Khi thai được gần 7 tháng, chị Bích bắt đầu có những cơn giật (tiền sản giật). Những ngày đó, bác sĩ Thu chăm sóc chị từng giờ để phát hiện bất cứ một triệu chứng nào bất thường là phải mổ lấy thai ngay lập tức.

Ngày 3-8-2010, khi không thể để thai lớn hơn được nữa, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con ra. Ca sinh đã diễn ra ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy với ba êkip chuẩn bị sẵn.

Một êkip cấp cứu cho mẹ (Bệnh viện Chợ Rẫy), một kíp mổ bắt con (Bệnh viện Hùng vương) và một kíp cấp cứu cho bé (khoa sơ sinh Bệnh viện Hùng vương và Bệnh viện Nhi Đồng 1).

Một bé gái nặng 1,7kg đã ra đời. Nhắm mắt nhớ lại quãng thời gian đó, chị Bích bảo cả gia đình chị bấn loạn, căng thẳng, lo lắng đến mức không đủ tỉnh táo để làm được bất cứ chuyện gì.

Bác sĩ Thu chính là người lo hết việc cho nhà chị, từ chuyện bé sinh xong sẽ gửi ở đâu, xe chuyển bé từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Bệnh viện Hùng Vương thế nào…

Sau hai tuần nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Bích được xuất viện nhưng con chị phải nằm tại Bệnh viện Hùng Vương hai tháng. Giờ thì bé Nguyễn Thị Ngọc Thu đã gần 5 tuổi, phát triển như bao em bé bình thường khác.

Sau một năm sinh con, chị Bích phải chạy thận lại nhưng chị luôn cảm thấy hạnh phúc vì gia đình chị tràn đầy tiếng nói cười, bi bô của trẻ thơ.

“Đi tìm má Thu của em”

Mỗi lần gặp các nhân viên trong khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, chàng trai Phan Văn Riêu, 32 tuổi, ở Bến Tre, đều nói: “Em đi tìm má Thu của em”.

16 tuổi, Riêu bị hội chứng thận hư, đến 25 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối. Từ khi phải chạy thận cho đến khi được ba ruột cho trái thận để ghép, lúc nào Riêu cũng tranh thủ làm đủ mọi việc để có tiền chữa bệnh như bán vé số, giao kẹo dừa, chạy xe ôm…

Ngay cả những lúc chờ đợi khám bệnh ở bệnh viện, Riêu cũng tranh thủ bán vé số cho những bệnh nhân khác nên bác sĩ và nhân viên trong khoa thường gọi Riêu là “bệnh nhân bán vé số”.

Riêu được ghép thận 18 tháng nay nhưng không may cho Riêu, mới sang ngày thứ hai Riêu đã bị thải ghép, bị rò dịch bạch huyết, rối loạn đông máu, hội chứng thận hư tái phát sớm trên thận ghép. Từ đó đến nay, vết mổ vẫn chưa lành.

Mỗi lần Riêu đến bệnh viện, bác sĩ Thu dặn phải gặp mình để chính tay rửa vết thương cho Riêu. Chỉ khi nào bác sĩ Thu đi công tác xa mới gọi điện cho mấy chị điều dưỡng rửa vết thương…

Khi rửa vết thương cho Riêu, bác sĩ Thu hay hỏi thăm: “Giờ ở nhà làm gì, kiếm được bao nhiêu tiền, còn vé số không?”.

Lần nào cũng vậy, hễ Riêu trả lời “còn” là bác sĩ Thu bảo đưa đây bác sĩ Thu mua hết cho. Lo lắng Riêu nhập viện tốn tiền, không có tiền trả viện phí, bác sĩ Thu còn hướng dẫn Riêu tự rửa vết thương và từng đề xuất xin tiền từ thiện để Riêu điều trị bệnh.

Riêu vui vẻ khoe nhờ bác sĩ Thu huấn luyện, giờ Riêu đã tự rửa vết thương cho mình như một điều dưỡng chuyên nghiệp. Từ lâu, Riêu đã coi lầu 5 khoa ngoại – tiết niệu ở Bệnh viện Chợ Rẫy như ngôi nhà thứ hai của mình, và ở đó có một người mẹ thứ hai của anh – bác sĩ Ngọc Thu.

Riêu còn nói: “Bác sĩ Thu không chỉ tốt riêng với mình em mà với tất cả bệnh nhân khác”.

Đem những câu chuyện của người bệnh kể lại cho bác sĩ Thu, chị nở một nụ cười thật hiền và kể câu chuyện khiến mình quyết định thi vào Trường đại học Y dược TP.HCM…

“Ngày đó, khi còn là học sinh cấp III, trong một lần đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám bệnh, tôi đã chứng kiến một câu chuyện rất đáng thương. Người mẹ bồng một bé trai chừng 4-5 tuổi để bác sĩ khám mắt cho bé. Khám xong, bác sĩ lắc đầu kết luận bé trai bị loét giác mạc do thiếu vitamin A, nghĩa là đôi mắt của bé sẽ bị mù và không thể điều trị được nữa. Nghe bác sĩ nói vậy, bé trai giục mẹ: “Không chữa được thì về thôi mẹ ơi!…”.

Người mẹ bồng con ra khỏi ghế khám bệnh với những giọt nước mắt lăn dài. Hình ảnh người mẹ đưa cậu bé bị mù cả hai mắt trong ngày hôm đó trở về đã luôn hiển hiện trong tâm trí tôi”.

Vậy là sau khi tốt nghiệp cấp III, cô nữ sinh Dư Thị Ngọc Thu đã dự thi vào Trường đại học Y dược TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM được hai năm, năm 1995 bác sĩ Thu về công tác tại khoa ngoại – tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy và làm việc suốt 20 năm tại khoa này cho đến hôm nay.

 

THÙY DƯƠNG