Những “chuyện bình thường” của bác sĩ
Tết Ất Mùi năm nay, toàn thể 80 cán bộ nhân viên khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đi làm như bình thường, kể cả giao thừa và mùng 1 tết.
Những “chuyện bình thường” của bác sĩ
Tết Ất Mùi năm nay, toàn thể 80 cán bộ nhân viên khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai đi làm như bình thường, kể cả giao thừa và mùng 1 tết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng chăm sóc bệnh nhân tại Khoa thận nhân tạo – BV Bạch Mai – Ảnh: V.Dũng |
Như bình thường ấy là ngày làm việc bắt đầu từ 6g30 sáng, khi bắt đầu ca lọc máu đầu tiên, và những người làm việc cuối cùng trong ngày sẽ rời cơ quan lúc 3g sáng hôm sau. 15 năm làm việc ở khoa thận nhân tạo, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa, giữ “lịch” đều đặn mỗi ngày trở dậy từ 5g30 sáng và khi vào đến bệnh viện là 6g15.
“Khi ấy đã có rất nhiều bệnh nhân đứng chờ ở cửa. Bệnh nhân thận nhân tạo có một đặc thù là khi đến lịch chạy thận họ rất bứt rứt khó chịu, khi thấy thầy thuốc đến là họ rất vui mừng và chúng tôi cũng có chung niềm vui ấy” – bác sĩ Dũng tâm sự.
Chọn đúng nghề
Trước khi trở thành bác sĩ khoa thận nhân tạo, anh Dũng có 10 năm là bác sĩ nội chung. Đó cũng là mơ ước của anh khi bước vào ĐH Y: trở thành bác sĩ đa khoa để giúp được nhiều người. Nhưng rồi số phận run rủi, người trưởng khoa tiền bối nhìn thấy tính cách của bác sĩ Dũng có thể trở thành một bác sĩ thận nhân tạo tốt, nên đã gợi ý Dũng về khoa thận nhân tạo. Ngày ấy đã cách nay 15 năm.
Những ngày đầu ở môi trường mới, bác sĩ Dũng đã “sốc”: cứ cách một tuần làm ngày lại là một tuần làm đêm, nếu trực đêm thì 4g sáng mới về tới nhà và ngủ đến 4g chiều hôm sau rồi trở lại bệnh viện, hầu như không gặp vợ con.
Những hôm trực ngày, gia đình bác sĩ Dũng cũng chỉ gặp nhau vào bữa tối vì anh rời khỏi nhà khi trời còn mờ đất. Đặc thù của khoa thận nhân tạo là bệnh nhân nằm viện lâu năm, nhiều người nghèo khó, buồn bã, khiến anh cảm thấy như có stress đè nặng.
“Nhưng rồi làm một thời gian, tôi nhận ra mình đã chọn đúng nghề. Người bệnh thận nhân tạo có thể qua đời nếu không được chữa trị, nhưng nếu chữa trị đúng cách, họ có thể sống thêm nhiều năm. Ở VN đã có những bệnh nhân sống thêm 25 năm kể từ khi bắt đầu chạy thận.
Thông thường trong cuộc sống chúng ta vui khi thành công và buồn khi thất bại, nhưng từ những ngày tháng ở đây tôi không bao giờ buồn, kể cả khi thất bại. Hơn 600 bệnh nhân trong khoa đang ngày ngày chiến đấu giành lại sự sống, anh chị em trong khoa đang cùng mình nỗ lực, vì sao mình lại phải buồn?” – bác sĩ Dũng tâm sự.
Bác sĩ Dũng kể có những ngày mùa đông anh cũng muốn ngủ nướng thêm một chút, nhưng nghĩ người bệnh có khi nhà cách bệnh viện 40-50km cũng đã lên đường rồi, anh lại vội vã trở dậy. Nhiều năm nay, anh và các đồng nghiệp trong khoa rất ít có dịp thăm người thân, thăm gia đình, thờ cúng tổ tiên.
“Mỗi dịp tết tôi rất hay phải thắp nhang, người thân từ sáng sớm ngày trước tết sau đó lại trở về bệnh viện vì người chạy thận theo lịch mỗi tuần ba lần, tương tự như ăn cơm ngày ba bữa. Nếu không đảm bảo lịch tức là cắt suất của họ, chưa kể nếu không đảm bảo lịch chạy thận bệnh nhân có thể gặp biến chứng tai hại với sức khỏe” – bác sĩ Dũng chia sẻ.
Hãy để mơ ước nở hoa
Khi chúng tôi đến gặp bác sĩ Dũng để viết bài, bác sĩ Dũng luôn cho rằng điều anh và các đồng nghiệp đang làm là bình thường, chuyện hằng ngày, và trong các bệnh viện, các đồng nghiệp còn nhiều bác sĩ có tâm, có tài khác.
Chúng tôi muốn nói với bác sĩ Dũng sẽ dần dần kể lại những chân dung ấy, vì những chuyện tốt, điều hay rất cần phải nhân lên, làm cho xã hội của chúng ta thêm hay và đẹp hơn.
Ngoài cửa phòng làm việc, tấm biển tên của bác sĩ Dũng vẫn ghi anh là thạc sĩ – bác sĩ, quyền trưởng khoa, mặc dù cuối năm 2014 bác sĩ Dũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, và trước Tết Ất Mùi anh đã chính thức được bổ nhiệm là trưởng khoa thận nhân tạo, nhưng biển tên của anh vẫn chưa đổi dù mỗi ngày anh Dũng ở bệnh viện đến 14 giờ.
“Tôi cảm thấy còn rất nhiều việc phải làm mà tôi vẫn chưa làm được gì nhiều. Tôi đã hứa với các thầy là làm sao triển khai lọc nước hai lần để bệnh nhân không gặp bất kỳ trục trặc gì liên quan đến nước. Tôi cũng còn có hai mơ ước, đó là có cuộc điều tra dịch tễ học toàn bộ bệnh lý về thận ở VN, làm sao người bệnh được phát hiện sớm và điều trị bảo tồn càng chậm phải lọc máu càng tốt, và mơ ước thứ hai là quỹ bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo để người bệnh được yên tâm vì bệnh nhân thận nhân tạo luôn tốn kém, họ đã rất nghèo rồi” – bác sĩ Dũng cho biết.
Trong cuốn sổ tay bác sĩ Dũng ghi chép khá kỹ lưỡng, chúng tôi nhìn thấy tên rất nhiều người từng có người thân là bệnh nhân ở khoa thận nhân tạo, nay người thân qua đời và họ quay lại chăm sóc cho những người cùng cảnh ngộ.
Trong số này có một gia đình ở phố Hàng Gai (Hà Nội) từ năm 2007 đến nay đã tài trợ không dưới 500 triệu đồng cho bệnh nhân. Và từ món tiền nghĩa tình ấy, tết nào bệnh nhân thận nhân tạo cũng có quà ăn tết.
Bác sĩ Dũng và các đồng nghiệp của anh tâm niệm những món quà nghĩa tình phải 100% đến tay bệnh nhân, nếu thiếu thì anh em trong khoa phải đóng góp để bệnh nhân nào cũng có quà, có niềm vui ngày tết.
Ngoài công việc trong khoa, anh cũng góp sức phát triển những khoa thận nhân tạo ở Yên Bái, Lai Châu, Mộc Châu (Hòa Bình), Ý Yên, Mỹ Lộc (Nam Định), Cao Bằng… để làm sao bệnh nhân được về quê mình lọc máu chu kỳ, đỡ phải lên Hà Nội thuê nhà vất vả.
Có những bệnh nhân đã khóc nức nở lúc chia tay bác sĩ khi được về quê, được gần gia đình. Sáng 24-2, chúng tôi đã gặp đại diện Bệnh viện huyện Ý Yên, Nam Định. Mắt anh ấy hoe đỏ khi chia sẻ có thêm khoa thận nhân tạo ở quê nhà tức là giúp người nhà của mình, người thân của mình được chữa bệnh gần nhà, được thuận tiện, điều ấy đáng quý biết bao nhiêu.
Và mỗi khi có trục trặc chuyên môn, các anh lại gọi bác sĩ Dũng và các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, họ đều rất sẵn lòng giúp sức.
Sau mỗi ngày làm việc, bác sĩ Dũng trở về nhà khi đèn đường đã lên từ rất lâu. Ở một góc nhỏ trong thành phố này, có người thân của anh đang đợi. Tết nào chị ấy cũng tự đi thăm nội ngoại vì chồng chị bận trực.
Và giờ đây anh chị có thêm một hi vọng: con gái thứ hai sẽ nối được nghiệp bố để trở thành thầy thuốc.
Năm nay cô gái đang học lớp 9, rất thích nghề y vì thấy bố có nhiều bạn bè, và cô cũng rất thích khi nghe kể những câu chuyện bình thường của bố mỗi ngày. Mong là những điều ước của anh chị sẽ nở hoa, để tiếp tục được những câu chuyện bình dị mà đẹp đẽ trong cuộc sống này.
Coi bệnh nhân như người nhà Chị Dương Thị Nhàn (ở phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội), một trong những bệnh nhân có thâm niên lâu nhất ở khoa thận nhân tạo (chạy thận ở đây từ 1995), cho rằng bác sĩ Dũng coi bệnh nhân như người nhà. Chị Nhàn kể sáng nào bác sĩ cũng đến bệnh viện từ hơn 6g sáng, lên từng phòng bệnh hỏi han bệnh nhân, khi bệnh nhân vào ca bốn, tức là hơn 8g tối, bác sĩ mới về nhà. Năm nay các bác sĩ đi làm như bình thường, cả trong mùng 1 tết (mọi năm khoa thận nhân tạo được nghỉ một ngày mùng 1), vì vậy không ai trong các bệnh nhân phải bỏ buổi chạy thận. “Các bác sĩ đã coi người bệnh như người thân, họ đã hi sinh cả ngày nghỉ tết trong khi ai cũng có người thân, có gia đình cần chăm lo. Bác sĩ Dũng còn quyết định cho đóng hai hàng ghế gỗ phẳng để người bệnh sau ca chạy thận mệt, tụt huyết áp có chỗ ngả lưng, trong khi ban đầu có ý kiến rất ngại điều đó sẽ làm mất mỹ quan bệnh viện. Bác sĩ Dũng lo nếu để ghế gồ ghề thì người bệnh sẽ đau lưng, sẽ mệt mỏi hơn nữa. Tôi rất muốn viết một lá thư cho bác sĩ để cám ơn” – chị Nhàn cho biết. |
Tri ân đóng góp người thầy thuốc Nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc VN (27-2), ngày 24-2 đoàn đại biểu do ông Huỳnh Thành Lập – ủy viên thường vụ Thành uỷ, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM – dẫn đầu đã đến thăm bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Ông Lập đánh giá cao những đóng góp của bác sĩ Phượng cho ngành y học TP, đặc biệt công trình thụ tinh trong ống nghiệm của bác sĩ Phượng nghiên cứu đã đem lại niềm vui cho nhiều gia đình hiếm muộn. Ông Lập cũng nhận định bác sĩ Phượng là đại diện cho hình ảnh lương y như từ mẫu để đội ngũ y bác sĩ trẻ noi theo. Cùng ngày, đoàn cũng đến thăm GS.TS bác sĩ Nguyễn Đình Hối – Nhà giáo nhân dân, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TP. Ông Lập ghi nhận đóng góp của bác sĩ Hối với ngành y tế nước nhà. Bác sĩ Hối là thầy của rất nhiều thế hệ bác sĩ, dù tuổi đã cao nhưng ông luôn theo dõi, quan tâm, dìu dắt các thế hệ y bác sĩ trẻ. Tại hội nghị điển hình tiên tiến ngành y tế TP.HCM giai đoạn 2010-2015 được tổ chức ngày 12-2, Sở Y tế TP.HCM đã tuyên dương 26 tập thể và 90 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2014. |