Thiên Chúa là nền tảng của cuộc đời chúng ta
Đức Giêsu mời gọi ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, và mỗi ngày thể hiện Thánh ý Chúa, bằng cách quy hướng mọi hành động và tư tưởng của chúng ta về điều thiện hảo. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để canh tân và củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, qua kinh nguyện mỗi ngày, thống hối và làm những việc bác ái huynh đệ.
Thiên Chúa là nền tảng của cuộc đời chúng ta
Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật I MC, 26/2/2012
Anh chị em thân mến,
Trong Chúa Nhật Mùa Chay hôm nay, chúng ta gặp Đức Giêsu, sau khi nhận Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan (x. Mc 1,9), đã chịu ma quỷ cám dỗ trong hoang địa (x. Mc 1,12-13). Trình thuật của Thánh Maccô cô đọng, không hề có những chi tiết mà chúng ta có thể đọc thấy trong hai Phúc Âm của Matthêu và Luca. Sa mạc được nói đến ở đây có nhiều ý nghĩa khác nhau. Sa mạc có thể biểu thị trạng thái bị bỏ rơi và cô đơn, “nơi” mà ta thấy rõ nỗi yếu hèn của con người, nơi mà ta không hề gặp thấy sự nâng đỡ, an ninh nào cả, nơi mà cơn cám dỗ trở nên mạnh mẽ hơn. Nhưng sa mạc cũng có thể chỉ đến một nơi ẩn náu và một chốn dung thân, như đối với trường hợp của dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ nhà Ai Cập, nơi mà người ta trải nghiệm được cách đặc biệt sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Giêsu “ở trong sa mạc 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,13). Thánh Lêo Cả chú giải: “Chúa muốn chịu tên cám dỗ tấn công để bảo vệ chúng ta bằng sự hậu thuẫn của Người, và để giáo huấn chúng ta bằng gương sáng của Người” (Tractatus XXXIX, 3 De ieiunio quadragesimae [Bàn về vấn đề ăn chay trong Mùa Chay]: CCL 138/A, Turnholti 1973, 214-215).
Giai thoại này có thể dạy chúng ta điều gì? Như chúng ta đã đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, “Bao lâu còn sống, con người không bao giờ có thể tránh được hoàn toàn những cơn cám dỗ, (…) nhưng sự kiên nhẫn và khiêm nhường đích thực lại làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn mọi kẻ thù của chúng ta” (Liberi, c. XIII, Cité du Vatican 1982, 37), với sự kiên nhẫn và khiêm nhường đi theo Chúa mỗi ngày, chúng ta học cách xây dựng đời mình, không phải ở ngoài Chúa, và như thể là không có Chúa, nhưng là trong Chúa và với Chúa, bởi vì Ngài là nguồn mạch sự sống thật của chúng ta. Cơn cám dỗ muốn loại trừ Thiên Chúa, muốn tự mình thiết lập trật tự trong con người chúng ta và trên thế giới này, khi chỉ hoàn toàn tin tưởng vào những khả năng của chúng ta, cơn cám dỗ đó vẫn luôn hiện diện trong lịch sử của con người.
Đức Giêsu tuyên bố rằng “thời gian đã trọn và Nước Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15), Người loan báo rằng trong Người, chúng ta có thể tìm thấy một cái gì đó mới mẻ: bằng một cách thế mà không một ai có thể ngờ tới, Thiên Chúa đã ngỏ lời với con người, Ngài nói với con người qua một sự gần gũi, kề cận hết sức cụ thể, và có một không hai, đầy tràn tình yêu; Thiên Chúa nhập thể, và Ngài bước vào trong thế giới của con người, để loại trừ tội lỗi ra khỏi con người, để chiến thắng điều xấu, và để đưa con người về lại với thế giới của Thiên Chúa. Nhưng lời loan báo này lại kèm theo một lời yêu cầu ta phải làm thế nào để tương ứng với một hồng ân lớn lao như thế. Thật thế, Đức Giêsu nói tiếp: “Anh em hãy ăn năn hối cải và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15); đây là một lời mời gọi ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa, và mỗi ngày thể hiện Thánh ý Chúa, bằng cách quy hướng mọi hành động và tư tưởng của chúng ta về điều thiện hảo. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để canh tân và củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, qua kinh nguyện mỗi ngày, thống hối và làm những việc bác ái huynh đệ.
Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh bảo vệ và đồng hành với chúng ta trên con đường Mùa Chay này, và giúp chúng ta ghi khắc lời Đức Giêsu Kitô vào tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để nhờ thế, có thể quay về với Người. Ngoài ra, tôi cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tuần cấm phòng linh thao của tôi và của các cộng sự viên của tôi tại Giáo triều Rôma vào chiều nay.