10/01/2025

Cô gái giải phẫu cây quân tử

Như bao người mê cây và chơi cây, Nguyễn Ngọc Tuyền toát lên vẻ tao nhã, khát khao tìm về vẻ đẹp hồn nhiên của cây cỏ…

 

Cô gái giải phẫu cây quân tử

 

 

Như bao người mê cây và chơi cây, Nguyễn Ngọc Tuyền toát lên vẻ tao nhã, khát khao tìm về vẻ đẹp hồn nhiên của cây cỏ…

 

 

 

Chị Nguyễn Ngọc Tuyền đang chăm sóc tùng bonsai - Ảnh: Ngọc Hải

Chị Nguyễn Ngọc Tuyền đang chăm sóc tùng bonsai – Ảnh: Ngọc Hải

Qua tết cổ truyền sắp tới, Tuyền (quê ở H.Thoại Sơn, An Giang) sẽ tròn 26 tuổi. Thoạt đầu nghe chuyện cô gái miệt vườn này “giải phẫu” được cây cỏ tự nhiên để tạo tác nên những sản phẩm bonsai tuyệt đẹp, cứ tưởng đó là chuyện giỡn chơi. Thế nhưng, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và thật sự thán phục khi tận mắt chứng kiến vườn cảnh độc đáo mà Tuyền dành bao công sức và tâm huyết để tạo ra.

Những cái chết… mắc cỡ
 
 
 Cô gái giải phẫu cây quân tử - ảnh 2
Thật ra lúc đầu đụng vào cây cũng có những cái chết… mắc cỡ lắm, nhưng giờ thì đã quen tay rồi. Làm sao thì làm nhưng tuyệt đối phải đảm bảo nguyên tắc “máu chảy về tim”, đó là nhựa sống của cây vẫn lưu thông từ tán lá đến gốc rễ và ngược lại

 Cô gái giải phẫu cây quân tử - ảnh 3
 
Chị Nguyễn Ngọc Tuyền

 

Tuyền đã có gần 10 năm gắn bó với bonsai khi lưu lạc từ quê nhà Thoại Sơn đến Đà Lạt mưu sinh. Trong thời gian đầu ở thành phố hoa, Tuyền học nghề làm tóc nhưng sau đó dần bén duyên với bonsai, khi quyết định nghỉ học nghề để đi làm công tưới nước cho vườn cây cảnh của anh Trần Quốc Linh mà bây giờ là chồng Tuyền. Tuyền nói đời mình có một bước ngoặt cơ duyên với cây cỏ, sớm hôm chăm chỉ lo tưới cây riết một hồi rồi mê cây lúc nào cũng không hay.

Tùng bonsai mà Tuyền nhiều năm qua đã chuyên tâm tạo tác vốn là một loại cây đặc biệt, được nhiều người ưa chuộng. Ưa chuộng vì nó được tôn vinh là cây quân tử, là đại thụ đầu non luôn hiên ngang sống giữa đất trời, bất kể nắng mưa dập vùi. Để có được một tác phẩm tùng bonsai đúng nghĩa, theo chia sẻ của Tuyền, quả không dễ dàng, bởi thời gian tạo tác từ cây con có thể kéo dài đến cả một đời người. Mải miết với niềm đam mê, Tuyền đã chọn cho riêng mình một hướng đi khác biệt, là “giải phẫu” những cây tùng trưởng thành cao 15 – 20 m, đường kính thân (giới cây cảnh gọi là hoành – NV) hơn cả gang tay để biến những chi cành thẳng đơ có được dáng hình bay bổng.
Cây tùng có đặc điểm là lúc còn nhỏ khá dẻo nhưng khi lớn thì uốn nắn khó khăn vô cùng bởi bên trong hình thành nên phần lõi màu đen rất cứng. Để cây uốn lượn được theo ý muốn, Tuyền đã nghĩ ra cách cảo mềm thân cây bằng loại kìm lớn. Cách cảo như thế nào để rã ra được từng thớ cây mà cây vẫn không chết là cả một vấn đề. Tuyền thật lòng: “Thật ra lúc đầu đụng vào cây cũng có những cái chết… mắc cỡ lắm, nhưng giờ thì đã quen tay rồi. Làm sao thì làm nhưng tuyệt đối phải đảm bảo nguyên tắc “máu chảy về tim”, đó là nhựa sống của cây vẫn lưu thông từ tán lá đến gốc rễ và ngược lại”.
“Hà Nội không vội được đâu”, Tuyền nôm na ví như vậy khi nói về quy trình “giải phẫu” cây quân tử. Một cây tùng tự nhiên đưa vào chậu 6 tháng đến 1 năm sau mới được cảo một cành. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại khoảng 10 – 15 năm với độ chuẩn xác cao, thì lúc đó mới hy vọng thành hình được tác phẩm bonsai. Nóng vội cảo nhiều cành cùng một lúc thì cây sẽ chết ngay.
Giao duyên giữa người và cây
Cuộc tình duyên với anh Linh, như tiết lộ của Tuyền, là nhờ… tùng bonsai. Ông xã Tuyền “làm bonsai bằng con mắt thôi” bởi đôi bàn tay anh không thể cầm nắm được vật nặng từ mấy năm qua, việc đi đứng cũng khá khó khăn. Hàng trăm chậu tùng bonsai duyên dáng, có cây trị giá cả tỉ đồng, hiện hữu ở khu vườn rộng 4.000 m2 trên đường Phù Đổng Thiên Vương (P.8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đều in dấu tay tài hoa của Tuyền. “Cây tự nhiên dù thế nào đi chăng nữa, khi đưa vào tay cô ấy, binh một phát thì sẽ ra dáng liền”, anh Linh tự hào về khả năng tạo tác bonsai của vợ.
 Cô gái giải phẫu cây quân tử - ảnh 4
Cây tùng tự nhiên hiên ngang cốt cách suốt bốn mùa ngập tràn nắng gió, sương giăng thường mang vẻ đẹp lay động, nhưng khi đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật của một tác phẩm bonsai qua sự “khổ luyện” của người nghệ nhân tài hoa như Tuyền, nó lại mang vẻ đẹp tĩnh sâu như một bức tranh mà những gam màu hiện lên thu hút mọi ánh nhìn. Những gam màu đó hoàn mỹ đến mức người thưởng ngoạn dẫu có nhìn từ phía nào, lúc nào cũng thấy đẹp, thấy thích. Có thể nói sản phẩm tùng bonsai của Tuyền đẹp vẻ đẹp nguyên sơ và tưởng như chẳng còn bao giờ cần đến bàn tay con người can thiệp vào dáng hình của nó nữa.
Thiên hình vạn trạng cây cỏ tự nhiên và để nó có được dáng hình đẹp là chuyện chẳng hề đơn giản chút nào. Nhìn Tuyền miệt mài chăm cây, người ta có thể nhận ra một điều là cây cỏ tự nhiên cũng rất hào phóng. Hào phóng cùng vun bồi nên vẻ đẹp với người đặc biệt đồng điệu với nó, dẫu “đôi bên” chẳng bao giờ mở lời để thấu hiểu được nhau theo cách thông thường. Sự đồng điệu đặc biệt ấy thăng hoa mạch nguồn cảm xúc, âm thầm truyền dẫn từ đôi bàn tay tài hoa, tỉ mẩn của nghệ nhân để rồi đến lúc duyên ngầm của cây tự thân toát lên vẻ đẹp cổ – kỳ – mỹ lay động bao ánh nhìn say đắm. Cây của Tuyền tạo ra, nhờ vậy, luôn diệu vợi sắc thái và hồn vía rất riêng.
Góp sức tạo nên thế mạnh
Theo lời kể của Tuyền, khu vườn rộng 4.000 m2 được thuê lại của một đại gia ở Sài Gòn để hai vợ chồng Tuyền làm bonsai với cây tùng (thuộc bộ lá kim) là chủ lực. Nguồn cây tùng trưởng thành Tuyền mua của các nhà dân trong vùng, “bởi nếu họ giữ thì cũng chỉ là một cây bình thường nhưng về với mình thì nó thành tác phẩm nghệ thuật”. Thị trường tiêu thụ tùng bonsai rất rộng, từ Hà Nội đến Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ. Loại cây này ngày càng xuất hiện nhiều ở các khu du lịch, biệt thự sang trọng… vì nó không chỉ mang khí phách của người quân tử mà còn có khả năng chịu được mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
 Cô gái giải phẫu cây quân tử - ảnh 5
Ông Nguyễn Văn Giai, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “Thế mạnh sinh vật cảnh của tỉnh trong những năm qua là bộ lá kim với sự đóng góp công sức rất lớn của cô Tuyền. Tùng bonsai của Tuyền thường đạt giải cao ở các triển lãm sinh vật cảnh quy mô lớn trên cả nước. Khu vườn của vợ chồng Tuyền là nơi anh em trong Hội thường xuyên đến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm”.

Đình Phú – Ngọc Hải