“Lơ lửng” dự án cáp treo hang Sơn Đoòng
Ngày 8-2, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) đến năm 2030.
“Lơ lửng” dự án cáp treo hang Sơn Đoòng
Ngày 8-2, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (PN-KB) đến năm 2030.
Hố Sụt 1 trong hang Sơn Đoòng – Ảnh: Ryan Deboodt |
Mục tiêu của quy hoạch là bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới PN-KB, gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương. Phát huy giá trị di sản PN-KB trở thành một trong những vùng du lịch, sinh thái hấp dẫn bậc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là động lực quan trọng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung bộ.
Các hang động có giá trị đặc biệt như hang Sơn Đoòng, hang Vả… phát triển du lịch chất lượng cao, có giải pháp quản lý khống chế lượng khách tham quan du lịch theo ngày |
(trích nội dung “Giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động du lịch” trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ) |
Không đề cập cáp treo trong quy hoạch chung
Theo quy hoạch này, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt không có dân cư sinh sống, chỉ phát triển các điểm du lịch sinh thái đáp ứng lượng nhỏ du khách tham quan khám phá hang động, leo núi mạo hiểm, thám hiểm bằng xe đạp địa hình, đi bộ…
Chỉ xây dựng hệ thống đường mòn, lều dừng chân. Nghiêm cấm xây dựng cơ sở lưu trú và dịch vụ giải trí. Phân khu phục hồi sinh thái không phát triển du lịch đại chúng, tổ chức mạng lưới điểm du lịch sinh thái đáp ứng lượng du khách trung bình đến tham quan. Các điểm du lịch chỉ xây dựng một số tuyến đường có mặt cắt phù hợp với xe đặc chủng bảo vệ rừng.
Quy hoạch cũng chỉ rõ các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, trong đó về du lịch sinh thái có các dự án xây dựng hạ tầng du lịch, xây dựng tuyến đường mòn thiên nhiên đến các hang động: hang Tối, hang Vả, động Sơn Ðoòng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Hùng – cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) – cho rằng dù đã có quyết định phê duyệt của Thủ tướng nhưng tỉnh Quảng Bình vẫn được tiếp tục lập dự án cáp treo hang Sơn Đoòng.
Giải thích về điều này, ông Hùng cho biết: “Nếu như khi đã xem xét, đánh giá đầy đủ tác động của dự án thì địa phương có thể trình Thủ tướng xem xét bổ sung. Đó là chuyện bình thường. Hoặc cũng có khi Thủ tướng đã phê duyệt trong quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện thấy không tốt thì có thể đưa ra”. |
Bản quy hoạch này hoàn toàn không nhắc đến dự án cáp treo mà dư luận đang quan tâm. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung hạng mục này vào quy hoạch.
Ngày 11-2, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc cáp treo không có trong quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia PN-KB, ông Nguyễn Trần Quang – phó chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình – cho biết dự án cáp treo là nguyện vọng của địa phương, trên cơ sở nhu cầu của tỉnh.
Dự án này nhằm phát huy giá trị của di sản nhằm phục vụ người dân được tiếp cận và thụ hưởng di sản. Tỉnh Quảng Bình làm du lịch cũng vì muốn đại đa số người dân được đến với di sản của mình. “Không phải là tỉnh muốn làm cáp treo bằng mọi giá. Nếu có làm dự án cáp treo thì cũng phải được sự đồng ý của cấp trên. Nếu Chính phủ không cho thì tỉnh không làm” – ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tịnh – giám đốc Vườn quốc gia PN-KB – cho rằng việc dự án cáp treo không được đề cập trong quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia PN-KB không có nghĩa đã đặt dấu chấm hết cho dự án này. Tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đánh giá tác động môi trường của dự án một cách thật tốt, rồi sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch cũng chưa muộn” – ông Tịnh nói.
Không được xâm hại tới di sản
Ðề cập nội dung “Bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia PN-KB, bao gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hoá và lịch sử” được nêu trong mục tiêu của quy hoạch, ông Vương Anh Dũng, vụ trưởng Vụ Kiến trúc – quy hoạch (Bộ Xây dựng), cho rằng đây là quan điểm và tinh thần chung mang tính chiến lược, dài hơi của Thủ tướng và Chính phủ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này.
Theo ông Dũng, điều này được hiểu là không có những hoạt động, hành vi can thiệp thô bạo hay xâm hại nghiêm trọng tới di sản.
“Ðiều này tương đương như không phá cây, chặt rừng, xẻ núi, đào đường hàng loạt quy mô lớn hay xây dựng các công trình bêtông cốt thép đồ sộ, cũng như không xâm phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, động thực vật trong di sản…” – ông Dũng phân tích.
Tuy nhiên theo ông Dũng, trong quy hoạch cũng nêu rõ: “Gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương”. Như vậy, tức là dù không phải là “mở” hẳn, nhưng cũng không “đóng” hoàn toàn. Có thể có các dự án để giúp kinh tế địa phương phát triển, thu hút du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của cư dân bản địa…
Tất nhiên, theo ông Dũng, dự án nào ra đời (nếu có) thì cũng cần phải xem xét nhiều yếu tố liên quan, làm sao so với thực tế không ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản.
Chiều 11-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Ðặng Thị Bích Liên khẳng định tỉnh Quảng Bình cũng như Bộ VH-TT&DL phải chấp hành theo quyết định của Thủ tướng.
Về quyết định của Bộ VH-TT&DL đồng ý với chủ trương lập dự án cáp treo hang Sơn Ðoòng vào tháng 11-2014, Thứ trưởng Ðặng Thị Bích Liên giải thích rằng ở thời điểm đó chưa có phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia PN-KB của Thủ tướng.
Lúc đó, Bộ VH-TT&DL mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương để tỉnh Quảng Bình lập dự án cáp treo hang Sơn Ðoòng, nhưng Bộ VH-TT&DL yêu cầu địa phương phải xây dựng 2-3 phương án để bộ xem xét cụ thể, lúc đó Bộ VH-TT&DL mới lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và xin ý kiến của UNESCO, rồi mới có quan điểm và trên cơ sở đó trình Thủ tướng xem xét quyết định.
“Ðến nay đã có phê duyệt của Thủ tướng rồi, mà chưa thấy tỉnh Quảng Bình trình dự án. Nếu Quảng Bình có trình dự án quy hoạch cáp treo hang Sơn Ðoòng lên Bộ VH-TT&DL mà bộ thấy không phù hợp với quy hoạch của Thủ tướng thì sẽ không đồng ý – Thứ trưởng Ðặng Thị Bích Liên nêu quan điểm – Trong phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng không cấm địa phương lập dự án, nhưng những dự án đó không được trái với bản quy hoạch.
Quan điểm của bộ là sẽ triển khai theo quyết định của Thủ tướng trong bản quy hoạch. Còn những gì trước đó mà trái với bản quy hoạch của Thủ tướng thì đều không còn ý nghĩa nữa”.