Tì lầu Tủa
“Mình không rời Nhôn Mai đâu, không xa bà con được. Mình đi thì bà con nhớ lắm, mình cũng nhớ lắm và ai đuổi con bệnh cho bà con” – bác sĩ Và Bá Tủa.
Tì lầu Tủa
“Mình không rời Nhôn Mai đâu, không xa bà con được. Mình đi thì bà con nhớ lắm, mình cũng nhớ lắm và ai đuổi con bệnh cho bà con” – bác sĩ Và Bá Tủa, trưởng trạm y tế xã Nhôn Mai (Tương Dương, Nghệ An), nói về lý do anh từ chối lời mời ra huyện làm việc.
Tì lầu theo tiếng Mông là anh. Bà con ở Nhôn Mai ít ai gọi bác sĩ Tủa mà họ thân mật gọi là tì lầu Tủa – anh Tủa. Trong xã, người học hành như anh Tủa ít lắm, từ năm 1997 anh được phân công làm trạm trưởng y tế xã. Sau đó anh lại đi học đại học.
Năm 2006, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, anh Tủa được nhà trường mời ở lại trường công tác nhưng anh đã lắc đầu để về với bản làng. Về quê nhận được lời mời ra huyện làm việc và anh lại lắc đầu: “Mình về Nhôn Mai thôi, bà con chờ mình lắm”.
Con làm bố thất nghiệp
Ông VI TÂN HỢI (phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương): Và Bá Tủa là tấm gương sáng về y đức Và Bá Tủa là người Mông đầu tiên ở Tương Dương có trình độ đại học. Bác sĩ Tủa không chỉ hết lòng vì người bệnh mà còn coi họ như người thân của mình. Với người nghèo, Bá Tủa thường bỏ tiền túi để mua thuốc chữa bệnh cho họ, ngày nghỉ thì lặn lội đến từng bản làng thăm bệnh cho người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế bà con ở Nhôn Mai ai cũng coi cậu ấy như ruột thịt. Qua mấy kỳ bầu cử UBND xã, Và Bá Tủa luôn dẫn đầu với tỉ lệ phiếu bầu 100%. |
Anh Tủa kể tốt nghiệp THPT, anh thi vào Trường cao đẳng Y tế Nghệ An. Năm 1997 ra trường thì được điều về công tác ở trạm y tế xã Nhôn Mai. Bấy giờ bà con chưa tin thầy thuốc lắm, có bệnh là mời thầy mo đến cúng đuổi ma trước đã.
Thêm nữa, vốn tiếng Kinh của bà con rất ít, thậm chí có người không biết nói tiếng Kinh, do vậy bà con không cung cấp hết triệu chứng của bệnh tật, dẫn đến chẩn đoán không chính xác.
“Sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu mình chẩn đoán sai bệnh. Không còn cách nào khác, mình phải học tiếng của bà con” – anh Tủa tâm sự. Anh Tủa lại lập thêm một kỷ lục nữa là người Mông biết những ba “ngoại ngữ”: Kinh, Thái và Khơ Mú.
“Biết tiếng của bà con là mình biết được nhiều thứ lắm. Nắm rõ triệu chứng của bệnh để chẩn bệnh rồi cho thuốc, nói cho bà con rõ thầy mo không đuổi được con bệnh đâu, chỉ có thầy thuốc mới đuổi được…” – bác sĩ Tủa hớn hở như những ngày mới về bản.
Anh nói rất thật: “Bố mình cũng là thầy mo đấy, xưa được dân tin lắm. Nhưng nay thì thất nghiệp, mà chính mình làm cho bố thất nghiệp đấy. Vì bà con tin mình, tin vào y học, không còn tin cúng bái nữa. Nhưng mà bố mình cũng rất vui, ông bảo: Tao không làm thầy mo thì làm việc khác vì đã có mày đuổi con ma bệnh cho dân rồi”.
Sáng nay, hay tin bác sĩ Tủa đi họp ở tỉnh mới về, bà con kéo đến trạm y tế khám bệnh đông lắm. Chị Thò Y Dùa bị đau bụng đã hai hôm nay, nhưng cứ nhăn mặt chờ bác sĩ Tủa đi họp về mới đến trạm y tế để khám. Chị Dùa nói: “Tôi tin anh Tủa cho thuốc là bệnh khỏi ngay”.
Điện thoại của bác sĩ Tủa liên tục réo. “Đưa đến trạm ngay, không được chậm trễ phút nào nữa, nghe chưa” – anh Tủa nói như ra lệnh cho người nhà một thai phụ có biểu hiện động thai.
Rồi bệnh nhân này kêu buồn nôn, giường bên cạnh la tức ngực… ai cũng muốn được chính bác sĩ Tủa thăm bệnh, thế mà mặt anh luôn tươi rói. Mặc dù anh nói bằng tiếng dân tộc, nhưng nhìn ánh mắt hài lòng của bệnh nhân, tôi hiểu anh đã nói gì với họ.
Cứ nôn nao trong người là gọi anh Tủa
Theo chân bác sĩ Tủa đi thăm bệnh ngoài giờ, tôi không khỏi xúc động trước những nhận xét của bà con về anh. Theo lịch, chiều nay anh thăm bệnh ở bản Nhôn Mai. Bản này có tới bảy ông bà bị bệnh nặng, toàn là cao huyết áp, hở van tim.
Cụ Vi Văn Vinh đã 73 tuổi, bị hở van tim, suýt “đi” mấy lần nhưng bác sĩ Tủa đã cấp cứu kịp thời. Cụ khó nhọc nói: “Lần mới đây bị nặng lắm, may có anh Tủa đưa đi viện cấp cứu cả đêm mới thoát chết. Biết ơn anh Tủa lắm”.
Còn cụ Vi Văn Phởn coi như gửi thân xác cho anh Tủa vậy. Cụ chậm rãi: “Hễ cứ nôn nao trong người, mặt phừng phừng là cho cháu đi gọi ngay anh Tủa. Chỉ có anh Tủa mới bắt huyết áp xuống được”.
Tôi hỏi cụ những lần anh Tủa cấp cứu cho cụ hoặc đưa cụ đi viện cả đêm như vậy, anh ấy có lấy tiền công không? Cụ Phởn lắc đầu: “Nó không lấy đồng nào, biếu nó con gà nó cũng từ chối. Nó tốt lắm, dân ta ưng nó lắm”.
Nét mặt cụ Phởn trở nên rạng rỡ, khoe với tôi: “Anh nhà báo không biết mô, mấy kỳ bầu cử HĐND xã liên tục anh Tủa đều dẫn đầu phiếu bầu với tỉ lệ 100% đó. Cầm lá phiếu lên là ai cũng bầu anh Tủa trước đã”.
Bác sĩ Tủa cho hay có những bản cách xa trung tâm đến hàng giờ đi xe máy, nhưng dân gọi là mình phải có mặt. Khi người bệnh gọi có nghĩa là họ không thể đến trạm y tế được, do vậy mình phải đi, nửa đêm cũng đi, mưa gió cũng đi. Mình đi vì lương tâm, vì trách nhiệm cứu người.
“Thăm khám cho dân chỉ được lấy tiền thuốc, tuyệt đối không nhận tiền công. Vì mình được dân cho ăn học, về làm việc thì có lương, nhiệm vụ của mình là phục vụ dân nên không được nhận bất kỳ thứ gì của dân” – bác sĩ Tủa tâm tình.
Anh cũng cho biết có những người bệnh nhà quá nghèo, đi bệnh viện không có tiền mà ở lại trạm y tế xã thì không thể cứu chữa được. Thế là anh lại phải “xin” bà xã tiền để cho họ.
Ông Và Bá Đà, bản Huồi Cọ, vẫn chưa thôi xúc động: “Nếu không có tiền của anh Tủa cho thì bữa nay ta đã xanh cỏ lâu rồi, suốt đời ni ta biết ơn anh Tủa lắm lắm”.
Mổ ngay trong đêm
Ở Tương Dương không ai không biết câu chuyện của ông Và Liềng Inh ở bản Piêng Cọp, xã Mai Sơn được một bệnh viện trả về để lo hậu sự nhưng bác sĩ Tủa đã chữa khỏi bệnh cho ông.
Vào năm 2001, ông Liềng Inh vốn bị bướu cổ nay lại sưng to. Một bệnh viện xác định ông bị ung thư giai đoạn cuối nên đã cho ông về nhà để kịp gặp gia đình. Trong những cơn đau vật vã, ông luôn gọi tên bác sĩ Tủa. Người nhà đã quyết định làm cáng, vượt đèo vượt suối đưa ông đến trạm y tế xã Nhôn Mai gặp bằng được bác sĩ Tủa.
Sau khi thăm bệnh, anh Tủa kết luận ông chỉ bị ápxe bướu cổ, nếu gia đình cam đoan thì bác sĩ Tủa sẽ mổ. Các thủ tục cần thiết được làm xong khi mặt trời đã đi ngủ, nhưng vì tiếng kêu la thảm thiết của bệnh nhân nên bác sĩ Tủa quyết định mổ ngay trong đêm.
Sau ba giờ, khối bướu nặng 3,5kg đã bị hoại tử được bóc ra khỏi cổ ông Liềng Inh. Bảy ngày sau, ông Liềng Inh được nhẹ nhõm về nhà. Toàn bộ chi phí cho ca phẫu thuật này chỉ hết 700.000 đồng tiền thuốc, anh Tủa không hề nhận một đồng tiền công nào dù ông Liềng Inh là người xã khác.
Khỏi bệnh, Và Liềng Inh cho con long trọng mời Và Bá Tủa sang nhà để làm vía, nhưng anh Tủa một mực từ chối, biếu gì anh Tủa cũng không nhận. Anh nói: “Ông ấy đã mất bao nhiêu là tiền đi viện rồi, mình không làm cho họ vất vả thêm nữa”. Liềng Inh tuyên bố tì lầu Tủa đã sinh ra ông lần thứ hai nên ông hủy tên cũ, đặt lại tên mới là Và Nhìa Sáu để nhớ ơn bác sĩ Tủa.
Ông Sáu bây giờ khỏe khoắn lắm, vẫn lên nương hằng ngày. Ông nói: “Ta và vợ con biết ơn bác sĩ Tủa lắm. Mong được bác sĩ đến nhà một lần để làm vía, không tiếc chi với bác sĩ cả. Nhờ bác sĩ mà ta được sống khỏe mạnh để làm ăn, nuôi được đàn con này”.
Bác sĩ mát tay Năm 2009, một người Lào có tên là Thò Bá Xa (ở bản Na Có Mư, Phá Đánh, Sầm Tớ) bị súng săn cướp cò, ba viên đạn xuyên vào những vị trí nguy hiểm. Người ta cáng ông đến gặp bác sĩ Tủa khi đã gần nửa đêm. Ca phẫu thuật được thực hiện đến gần sáng, ba đầu đạn đã được gắp ra và người thợ săn kia được cứu sống. Hay như Và Chá Xìa, ở bản Cò Phạt, cũng bị đạn găm vào người, giập hết xương khuỷu tay nhưng nhà quá nghèo nên không thể đến bệnh viện. Bá Tủa lại phải bất đắc dĩ làm bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Một tháng sau Chá Xìa khỏi bệnh, xin nhận Bá Tủa làm anh kết nghĩa. |