10/01/2025

Nông dân đào ruộng bán

Đào đất ruộng bán cho các lò gạch làm nguyên liệu là tình trạng đáng báo động đã diễn ra nhiều năm qua ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và đang có nguy cơ lan rộng.

 

Nông dân đào ruộng bán

 

 

Đào đất ruộng bán cho các lò gạch làm nguyên liệu là tình trạng đáng báo động đã diễn ra nhiều năm qua ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và đang có nguy cơ lan rộng.

 

 

 

Chiếc xuồng chở đất đến chiếc cối ép thành từng mê đất khoảng 5 kg

Chiếc xuồng chở đất đến chiếc cối ép thành từng mê đất khoảng 5 kg – Ảnh: Thanh Đức

Nhiều năm qua tại Vĩnh Long, mỗi ngày có hàng trăm ghe lớn, nhỏ khai thác đất sét cung cấp cho gần 2.000 lò sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ trên địa bàn. Gần đây, nguồn đất tại Vĩnh Long đã dần cạn kiệt, các chủ ghe sang cả Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh để càn quét.
Vĩnh Long cạn kiệt, xuống tận Trà Vinh…
Sáng sớm, ông Nguyễn Văn Đắc (xã Mỹ An, H.Mang Thít, Vĩnh Long) đẩy chiếc xuồng nhỏ ra phía ruộng vừa cắt lúa xong. Đến nơi, ông dùng cây len xới bỏ đi lớp đất mặt mỏng chừng 0,5 tấc. Sau đó, ông dùng cây nề (là dụng cụ hình cánh cung, căng cọng dây thép khoảng 3 mm) xắn đất mỗi cục chừng 20 kg đưa lên xuồng rồi đẩy vào trong bờ, hướng về chỗ có chiếc cối ép đất thành mê (mỗi mê khoảng 5 kg đất). Những xuồng đất như vậy được ông Đắc đưa đi bán cho các lò gốm, gạch.

 
 
Nông dân đào ruộng bán - ảnh 2

 

Tình trạng này nếu không khắc phục, sớm muộn gì cũng dẫn đến hệ lụy là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ sụt lún, không thể cơ giới hóa (do sụt lún). Chưa kể những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất thậm chí là không thể canh tác được

 

Nông dân đào ruộng bán - ảnh 3
 

 

PGS-TS Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai
(Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên – Trường ĐH Cần Thơ)

 

 
Hằng ngày trên dòng sông Cổ Chiên có hàng trăm ghe chở đất sét ngược xuôi Trà Vinh – Vĩnh Long cung cấp cho hàng trăm lò gốm, gạch đang hoạt động. Anh Nguyễn Văn Hiệp (xã Mỹ Phước, H.Mang Thít) kể: “Do ở Vĩnh Long hết đất sét nên chúng tôi xuống tận Trà Vinh để mua về bỏ mối cho các lò sản xuất gạch, gốm. Gia đình tôi có 3 chiếc ghe, tải trọng khoảng 50 tấn/chiếc, mỗi ngày đi một chuyến về bán đất thu lại gần 7 triệu đồng, trừ chi phí lời khoảng 1 triệu đồng. Tôi sắm 3 chiếc ghe để vừa vận chuyển, vừa đậu chờ tài mới có thể cung cấp xuyên suốt cho các lò, nếu không sẽ bị mất mối”.
Theo Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, mỏ đất sét nằm ở 7 huyện trong tỉnh có tổng trữ lượng tiềm năng là 46,1 triệu m³, chiều dày khai thác trung bình 0,35 m. Trong đó, các huyện có trữ lượng đất sét khá dồi dào là Trà Ôn (12,6 triệu m³), Tam Bình (10,8 triệu m³) và Vũng Liêm (7,7 triệu m³), thấp nhất là Mang Thít chỉ còn 2,4 triệu m³… Trước tình trạng khai thác quá mức, UBND tỉnh đã quy hoạch 35 khu vực cấm khai thác đất sét ở thị xã Bình Minh và H.Bình Tân với tổng diện tích trên 2.100 ha (43% tổng tài nguyên khoáng sản sét trên địa bàn). Các vùng quy hoạch cấm khai thác thuộc 18 thân sét đã khảo sát phân bổ xen kẽ trên địa bàn 10 xã: Thuận An, Đông Bình, Đông Thạnh (thị xã Bình Minh), Mỹ Thuận, Thành Lợi, Thành Đông, Nguyễn Văn Thảnh, Tân Thành, Tân Lược, Tân An Thạnh (H.Bình Tân).
Cần lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ
Trong khi đó, bất chấp các khuyến cáo của chính quyền, nhiều nông dân tại các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A (H.Châu Thành, Trà Vinh)… vẫn cứ khai thác đất trên ruộng lúa bán cho các chủ sản xuất gạch thô, các chủ cơ sở này sau đó lại xuất bán sang Vĩnh Long, giá mua quyền khai thác đất sét từ 100 – 120 triệu đồng/ha. Theo hợp đồng mua bán, người mua phải bỏ lớp đất mặt từ 0,1 – 0,15 m và khai thác lớp đất sét có độ sâu từ 0,4 – 0,45 m; mỗi công đất (1.000 m2) người mua trả cho chủ đất từ 10 – 15 triệu đồng (tùy loại đất và khoảng cách gần xa).
Nhiều hộ bán đất sét cho biết lý do họ bán là thu được khoản tiền lớn mà cả đời làm nông họ chưa chắc tích luỹ được. Bên cạnh đó còn nhằm “cải tạo làm ruộng bằng phẳng, giúp chủ động việc tưới tiêu”. Một số chủ ruộng còn giải thích họ chỉ bán lớp đất sét, lớp đất mặt nhiều phù sa vẫn được giữ lại nên sự phát triển cây lúa sau này không bị ảnh hưởng, năng suất vẫn đạt cao ngang bằng với những nơi không bán đất sét. Tuy nhiên, nhiều nông dân không bán đất sét lại bức xúc cho rằng, việc các hộ bán đất sét sau khi khai thác sâu 0,4 – 0,5 m, mặt ruộng của họ thấp hơn các mặt ruộng còn lại, tạo nên sự chênh lệch lớn về độ cao, gây khó khăn chung cho việc điều tiết nước tưới cho cây lúa. Quan trọng hơn, việc khai thác mất lớp đất sét gây nên tình trạng xì phèn, ảnh hưởng chung đến các ruộng lúa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Điều, Phó chủ tịch UBND H.Châu Thành (Trà Vinh), cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, các ngành, các cấp có liên quan đã tiến hành kiểm tra, xử lý khoảng 50 trường hợp khai thác đất sét trái phép tại các xã Song Lộc, Lương Hoà và Lương Hoà A. Chính quyền đã tịch thu nhiều phương tiện, tang vật vi phạm… nhưng tình trạng khai thác đất sét vẫn diễn ra ngày càng phức tạp.
Ông Điều cho rằng, vấn đề cốt lõi là nên sớm tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng khai thác đất sét theo định hướng phát triển chung của huyện, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khai thác tài nguyên đất gắn với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng. “Ngoài ra, cần thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở khai thác đất sét trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ mọi hoạt động các cơ sở không được cấp phép và xử lý nghiêm những trường hợp khai thác sai quy hoạch”, ông Điều đề xuất.
 

Ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai (Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên – Trường ĐH Cần Thơ), phân tích: “Tình trạng khai thác đất để làm gạch gốm tuỳ tiện ở Trà Vinh hay một số nơi ở Vĩnh Long hiện nay đã được các nhà khoa học cảnh báo nhiều lần. Tình trạng này nếu không khắc phục, sớm muộn gì cũng dẫn đến hệ luỵ là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ sụt lún, không thể cơ giới hoá (do sụt lún). Chưa kể những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất thậm chí là không thể canh tác được.
Có nhiều người biện minh rằng, do ruộng của họ trên cao nên việc khai thác là để cải tạo được mặt bằng đất ruộng bằng phẳng nên chủ động việc tưới tiêu cho ruộng lúa. Hơn nữa, họ chỉ khai thác tầng đất sét, không khai thác đất mặt sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất. Đúng là về lý thuyết thì chưa thấy ảnh hưởng ngay vì phù sa vẫn có thể bù đắp, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng một cách tổng thể. Những vùng đất lồi, lõm không điều tiết được nước tưới, muốn canh tác phải san bằng, khi ấy chi phí làm phẳng mặt ruộng còn cao hơn cả tiền bán đất.
Tôi cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là Sở TN-MT và UBND tỉnh Vĩnh Long phải nhanh chóng có quy hoạch theo từng vùng. Quy hoạch này cần dựa trên một khảo sát chi tiết và xác định xem đâu là khu vực có thể cho phép khai thác, nơi nào không được thì kiên quyết không cho khai thác. Những nơi được khai thác thì phải xác định cụ thể xem từng vùng được khai thác sâu bao nhiêu để đảm bảo cao trình đất bằng nhau, chứ không phải cứ cho máy vào xắn tới như hiện nay.
Khi đã có quy hoạch thì cứ căn cứ vào đó mà quản lý, ai vi phạm sẽ có căn cứ để xử. Tuy nhiên, để quy hoạch thực sự bền vững, thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải “nhạy” hơn trong các chính sách hỗ trợ người dân. Như việc chuyển đổi cây trồng phù hợp ở những nơi không thể canh tác; những nơi đã khai thác xong thì có thể chuyển sang nuôi cá, nuôi tôm, trồng sen chẳng hạn”.
Đình Tuyển

 

Thanh Đức