10/01/2025

“Làng ung thư” khát nước sạch

Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.

 

“Làng ung thư” khát nước sạch 

Theo dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”, các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tại 37 “làng ung thư” đều ô nhiễm nặng.

Người dân làng Thống Nhất (Hà Nội) sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu từ nguồn giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước không được đảm bảo do nước sông Nhuệ chạy quanh làng bị nhiễm asen rất cao - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người dân làng Thống Nhất (Hà Nội) sử dụng nước sinh hoạt chủ yếu từ nguồn giếng khoan, tuy nhiên nguồn nước không được đảm bảo do nước sông Nhuệ chạy quanh làng bị nhiễm asen rất cao – Ảnh: Nguyễn Khánh

Dự án trên do Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) triển khai thực hiện và đã kết thúc giai đoạn 1, đang chờ cấp trên xem xét giai đoạn 2. 

1.136 người chết

10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất

1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hoà, TP Hà Nội.

2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nguồn: dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của VN”.

Theo kỹ sư Nguyễn Lưu – liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (QH&ĐTTNN) miền Trung, đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hoà) – dự án không có kết luận gì về nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư mà chỉ điều tra, đánh giá về hiện trạng nguồn nước người dân đang sử dụng để tìm kiếm nguồn nước sạch cung cấp cho dân…

TS Hồ Minh Thọ – phó liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Trung, chủ nhiệm dự án – cho biết 37 “làng ung thư” được điều tra, khảo sát có phạm vi trải rộng nhiều nơi thuộc 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Kết quả điều tra, khảo sát tại các xã của 37 “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây, theo TS Thọ, và đó là số liệu do các cơ quan y tế địa phương cung cấp.

Nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là 139 người, đó là làng Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Còn ở làng ít nhất cũng có sáu người chết.

“Nỗi đau ung thư” đã đổ xuống hàng ngàn gia đình. Có hộ ở làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới năm người bị ung thư và ba người trong đó đã chết.

Dân chờ nước sạch

TS Hồ Minh Thọ cho biết: “Qua điều tra, khảo sát của dự án thì điểm chung nhất là các nguồn nước bà con đang sử dụng ở các làng ấy đều bị ô nhiễm, có những chỉ tiêu vượt mức cho phép theo quy định tiêu chuẩn về nước của VN”.

Trong giai đoạn 1 các nhà điều tra, khảo sát đã thu thập, phân tích 814 mẫu nước lấy từ nguồn nước sông, suối, giếng… mà người dân đang sử dụng tại 37 “làng ung thư”. 

Các mẫu nước này đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Cụ thể, hơn 80% kết quả phân tích mẫu vi sinh vượt TCCP, hơn 65% kết quả phân tích nhiễm bẩn vượt TCCP, hơn 30% số mẫu có tổng hàm lượng sắt  vượt TCCP.

Về thành phần trong nước, theo kết quả phân tích toàn diện và vi lượng thì có 50 mẫu nước thu thập có chứa nhôm, cadimi, benzen, bentazone, phenol, asen, mangan vượt TCCP.

Số mẫu có các chỉ tiêu vi lượng cao hơn TCCP tập trung ở các “làng ung thư”: Thạch Khê, Khu 8-11, Đồng Mai, Thống Nhất, Yên Lão, Yên Phong, Kim Thành, An Lộc, An Thổ, Xuyên Tây, Đại An, Phước Thiện, An Hoà, Nhơn Lộc 2, Xuân Vinh, Sơn Nghiệp, Văn Đăng, Đắk Mar, Thôn 4, Trung Hiệp, Nhơn Hậu 1 và Kênh Tư Gà.

Theo TS Hồ Minh Thọ, muốn tìm ra nguồn nước sạch để thay thế cho các nguồn nước ô nhiễm tại các “làng ung thư” ấy thì phải tiến hành giai đoạn 2 của dự án.

TS Thọ nói: “Chúng tôi đã xác định và kiến nghị trước mắt cần thiết phải tiếp tục điều tra, cấp nước sinh hoạt ở giai đoạn tiếp theo cho 10 “làng ung thư” có nguồn nước hiện tại bị ô nhiễm nặng nhất”. Nếu có kinh phí thì các làng còn lại cũng cần đầu tư tìm nguồn nước sạch – TS Thọ cho biết thêm. 

 

Tuy nhiên, việc tìm nguồn nước sạch cho cư dân các “làng ung thư” đến nay vẫn còn nằm trong báo cáo của dự án đã trình lên cấp trên, chưa có phản hồi.