10/01/2025

Từ Petra 360 đến Son Doong 360

Sơn Đoòng (Phong Nha, Quảng Bình, Việt Nam) tuy không còn mới lạ nhưng vẫn là điểm đến quyến rũ với những ai trên thế giới yêu thích thiên nhiên, ham khám phá.

 

Từ Petra 360 đến Son Doong 360

 

Sơn Đoòng (Phong Nha, Quảng Bình, Việt Nam) tuy không còn mới lạ nhưng vẫn là điểm đến quyến rũ với những ai trên thế giới yêu thích thiên nhiên, ham khám phá. 

 

 

 

 

Một thành viên trong nhóm thực hiện dự án Son Doong 360 cho National Geographic đang ở cửa hang Sơn Đoòng chiều 26-1-2015 - Ảnh: Huy Tường
Một thành viên trong nhóm thực hiện dự án Son Doong 360 cho National Geographic đang ở cửa hang Sơn Đoòng chiều 26-1-2015 – Ảnh: Huy Tường

Ngay National Geographic (NatGeo) dù đã có làm phim truyền hình về Sơn Đoòng, đã có bài viết, hình ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng đăng trên tạp chí nhưng vẫn quyết định tài trợ cho một dự án của một nhà báo Thuỵ Điển về Sơn Đoòng, vừa được thực hiện vào cuối tháng 1-2015.

Tất cả bạn bè trong nhóm ưa đi du lịch thám hiểm đều ghen tị khi nghe cuối tháng 1-2015, tôi đăng ký đi du lịch Sơn Đoòng và được ghép đi cùng một  đoàn làm dự án cho NatGeo.

“Ôi, sao mà cậu sướng thế!”. Còn trong những ngày đi tìm mua vài món lặt vặt ở những cửa hàng chuyên phục vụ dân đi phượt tại TP.HCM để chuẩn bị cho chuyến đi, các bạn bán hàng cũng đều bắt tay chúc mừng và bảo đó là niềm mơ ước của họ.

Cặp đôi hoàn hảo

Tại sao mọi người đều “ghen tị” khi nghe tôi đi Sơn Đoòng chung với một nhóm thực hiện dự án cho NatGeo?

Ngay đầu năm 2015, tờ báo thuộc loại tên tuổi nhất thế giới là New York Timesđã đưa ra một danh sách 25 điểm đáng đến nhất thế giới trong năm nay, mà Sơn Đoòng được đánh giá rất cao trong nhóm này.

Tính đến hiện nay đã có vô số đoàn làm phim của Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản… đến Sơn Đoòng để quay phim về phát trên những kênh truyền hình lớn nhất quốc gia mình.

Riêng chủ nhà Việt Nam, do những khó khăn về kinh phí nên phải mãi đến bây giờ mới làm điều đó, và được biết kênh VTV đặc biệt sẽ phát bộ phim về Sơn Đoòng vào trung tuần tháng 2.

Tour đi Sơn Đoòng thì khỏi nói, dù phải chi đến 3.000 USD cho một chuyến đi chỉ kéo dài sáu ngày (trong đó có một ngày ở resort gọi là tẩy trần sau chuyến đi), chưa tính vé máy bay, nhưng danh sách khách đăng ký chờ đã dài dằng dặc đến năm 2016.

“Người đẹp” Sơn Đoòng thì nổi quá rồi, còn “hoàng tử” NatGeo thì sao? Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ ra đời vào tháng 1-1888, và chín tháng sau thì họ phát hành số đầu tiên của tạp chí mang tên National Geographic.

Cứ mỗi tháng một số, tạp chí này nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới khi tập trung khai thác những đề tài thám hiểm về thiên nhiên, di sản.

Hiện nay dù thế giới báo in đang điêu đứng, nhưng sự ảnh hưởng với NatGeo chưa đến nỗi trầm trọng khi vẫn phát hành được 9 triệu bản với 33 ngôn ngữ (trong đó bản tiếng Anh là 6,3 triệu bản/số).

Đến năm 1997, NatGeo càng hấp dẫn hơn khi bắt đầu có kênh truyền hình. Ngay tại VN đây cũng là một kênh thu hút đông đảo người xem (chỉ riêng tại châu Á kênh này thu hút hơn 50 triệu người xem).

Và NatGeo cũng không hề chậm chân trong việc phát triển báo chí online để không bị tụt hậu với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin.

Chính vì vậy, chúng ta mới thấy kênh truyền hình NatGeo đã phát một bộ phim về Sơn Đoòng vào năm 2010 rồi đăng bài viết, hình ảnh trên tạp chí ngay sau đó, nhưng bây giờ lại có tiếp một đội đến Sơn Đoòng vào cuối tháng 1-2015.

Mục đích chuyến đi mới nhất này là để làm gì? Đó chính là thực hiện dự án Son Doong 360 nhằm phục vụ cho trang báo online của National Geographic vậy.

Martin làm việc trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Huy Tường
Martin làm việc trong hang Sơn Đoòng – Ảnh: Huy Tường

Martin Edström – tác giả của Son Doong 360

Martin Edström sinh năm 1988 tại Thuỵ Điển, tốt nghiệp khoa báo chí Trường ĐH Stockholm vào năm 2010.

Công việc hiện tại của anh là nhiếp ảnh gia cho UNDP (United Nations Development Program – Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc), phóng viên ảnh cho Kontinent Agency (Thụy Điển) chuyên tường thuật những câu chuyện xã hội qua hình ảnh.

Các đề tài Martin quan tâm bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở các nước đang phát triển, di sản thiên nhiên và văn hoá.

Một phương thức tường thuật mà Martin rất hứng thú là các dự án ảnh 360.

Martin tâm sự: “Trong một xã hội quá phức tạp, một thế giới công nghệ quá đa dạng và một thế hệ mà Internet đóng một phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, báo chí xã hội cần phải thay đổi cách tiếp cận các vấn đề để thu hút độc giả. Các dự án 360 cho phép người đọc khả năng tương tác với vấn đề được trình bày”.

Để thực hiện các dự án này, một loạt ảnh được chụp và ghép lại để tạo ra hình ảnh sống động 360 độ. Trên máy tính, khi rê con trỏ đến đâu cảnh vật sẽ xoay chuyển theo (như game), giúp người xem có cảm giác sống thật với câu chuyện.

Đồng thời Martin kết hợp với quay phim, chú thích để khi người đọc click vào những điểm trong môi trường ảnh 360 này, họ có thể nhìn thấy được hình của con người trò chuyện, sinh hoạt kèm theo các thông tin quan trọng.

Hình ảnh Sơn Đoòng trên tạp chí National Geographic
Hình ảnh Sơn Đoòng trên tạp chí National Geographic

Ba dự án 360 đầu tiên của Martin đều thực hiện trong năm 2014 và được UNDP tài trợ. Nếu hai dự án sau liên quan đến số phận người Syria tị nạn ở Libăng và Jordan thì dự án đầu là thành phố cổ Petra tại Jordan – di sản văn hóa thế giới.

Tuy thành phố này đã đứng vững hơn 2.300 năm, nó cũng là nạn nhân của thời gian và đặc biệt là du lịch không bền vững, khai thác không có kế hoạch.

Sau cuộc bình chọn bảy kỳ quan thế giới mới, một lượng khách khổng lồ đổ xô tới Petra khiến công trình kiến trúc này bị thiệt hại nghiêm trọng đến mức UNESCO và ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích) chọn Petra là ví dụ tiêu biểu của cảnh quan bị đe doạ.

Với dự án Petra 360, Martin ghi lại hình ảnh của một Petra nguyên vẹn, như cất giữ một báu vật văn hoá đang có khả năng bị hủy hoại trong tương lai.

Tuy nhiên Martin nói với tôi: “Cả ba dự án trước chẳng là gì nếu so với Son Doong 360 – là dự án 360 thứ tư của Martin (NV). Trong bốn dự án, Petra 360 và Son Doong 360 có sự tương đồng, đó là cùng được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới”.

Cũng như rất nhiều nhà báo khác trên thế giới, việc được làm dự án cho NatGeo là một giấc mơ của Martin.

Anh kể: “Sau hai năm liên tục liên lạc với NatGeo để giới thiệu nhiều ý tưởng khác nhau, thì đến đầu năm 2014 tôi bỗng dưng nghĩ về Sơn Đoòng. Chính vẻ đẹp hùng vĩ nhưng mỏng manh của nó đã khiến tôi nghĩ tới thực hiện Son Doong 360”.

Sau khi trình bày tóm tắt về ý định của mình, vào một ngày tháng 3-2014, Martin mừng như bắt được vàng khi nhận được cái gật đầu của NatGeo đồng ý tài trợ cho anh thực hiện dự án Son Doong 360.

_______

Để được NatGeo đồng ý dùng Quỹ khám phá toàn cầu tài trợ cho dự án là một chuyện rất khó, đặc biệt với Sơn Đoòng, nơi mà họ đã vài lần đến để quay phim, chụp ảnh, viết bài giới thiệu…

Thế thì tại sao NatGeo lại đồng ý với dự án Son Doong 360 của Martin?

Kỳ tới: Vì sao NatGeo đồng ý Son Doong 360?


HUY TƯỜNG