10/01/2025

Mối lo trí thông minh nhân tạo

Sự phát triển nhanh chóng của các nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên mối quan ngại thật sự trong giới khoa học về khả năng không kiểm soát nổi.

 

Mối lo trí thông minh nhân tạo

 

Sự phát triển nhanh chóng của các nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên mối quan ngại thật sự trong giới khoa học về khả năng không kiểm soát nổi.

 

 

 

 

Robot BERTI trưng bày tại Bảo tàng Khoa học London (Anh) – Ảnh: AFP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang Reddit mới đây, nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú lừng danh Bill Gates tuyên bố ông thuộc “nhóm những người đang lo lắng về trí thông minh nhân tạo”.

Một khi con người phát triển được trí thông minh nhân tạo hoàn thiện, nó sẽ tự thân phát triển tiếp, tự hoàn chỉnh mình mỗi lúc nhanh hơn. Khi đó con người chúng ta, do những giới hạn của sự tiến hoá sinh học chậm, có thể bị cạnh tranh và bị qua mặt
Nhà vật lý thiên văn  STEPHEN HAWKING

Lo nhiều hơn lợi

Trả lời trong mục “Hỏi tôi bất cứ chuyện gì”, tỉ phú Mỹ giải thích: “Thoạt đầu, máy móc làm giúp chúng ta nhiều việc và cũng không thông minh quá mức. Ðiều đó rất tích cực nếu chúng ta quản lý được việc đó. Nhưng trong những thập niên tới đây, trí thông minh nhân tạo sẽ mạnh hơn để trở thành mối lo cho chúng ta. Tôi đồng ý với Elon Musk và nhiều người khác về vấn đề này và tôi không hiểu được những ai không thấy lo về chuyện này”.

Theo trang Numerama, ông Elon Musk, đồng sáng lập của PayPal, và cũng là người lập ra các doanh nghiệp công nghệ như SpaceX, Tesla Motors và SolarCity, từng tuyên bố qua Twitter hồi tháng 8-2014 rằng ông “rất lưu tâm về trí thông minh nhân tạo vì nó có thể nguy hiểm hơn cả bom nguyên tử”.

Vì lẽ đó, doanh nhân nổi tiếng trong giới công nghệ đã đóng góp 10 triệu USD cho Future of Life Institute – một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ có chức năng cảnh báo về các tiến bộ công nghệ và ảnh hưởng của chúng đối với con người.

Trong một hội thảo tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào tháng 10-2014, Elon Musk một lần nữa lại so sánh trí thông minh nhân tạo với “chuyện cầu cơ gọi hồn nguy hiểm”.

Ông giải thích: “Nếu tôi phải xác định đâu là mối đe doạ hiện hữu chính yếu đối với nhân loại thì đó chính là trí thông minh nhân tạo”.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, gần đây nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về câu chuyện nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và các hệ  luỵ của nó.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên BBC hồi tháng 12-2014, nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking từng tiên đoán đầy bi quan rằng “việc phát triển trí thông minh nhân tạo hoàn toàn có thể là dấu chấm hết cho nhân loại”.

Bill Gates chơi hai mặt?

Bill Gates chưa đến mức bi quan như thế vì trong thập niên tới, ông vẫn tin về sự phát triển của công nghệ robot và con người sẽ đạt những tiến bộ lớn trong các lĩnh vực như “nhìn, hiểu ngôn ngữ và dịch thuật tự động”.

Ông lý giải: “Một khi các máy tính – robot đạt đến khả năng nhìn và chuyển động dễ dàng thì chúng sẽ được sử dụng nhiều hơn”.

Theo báo Pháp Les Echos, có vẻ mối lo liên tục của các nhà khoa học và doanh nhân là “nhằm chĩa mũi dùi vào gã khổng lồ Google vì tập đoàn này đang thâu tóm lần lượt các công ty chuyên về trí thông minh nhân tạo”. Thực tế là nhiều ông lớn công nghệ ở Mỹ như Microsoft, IBM, Google… đã và đang đầu tư cho trí thông minh nhân tạo.

Cũng có thể vì thế mà thư ngỏ của Future of Life Institute về trí thông minh nhân tạo và vị trí của nó trong xã hội đã nhanh chóng được các nhà khoa học ký tên ủng hộ.

Con số này đến nay đã hơn 1.500 chữ ký của các nhà khoa học và kỹ sư, trong đó ngoài những cái tên như Stephen Hawking, Elon Musk, còn có Eric Horvitz – giám đốc nghiên cứu của Microsoft, Yann LeCun – giám đốc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo của Facebook…

Lá thư nêu bật những đường hướng hữu ích đầy phấn khởi của việc nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo đang diễn ra, nhưng cũng kêu gọi cộng đồng phải nhanh chóng thiết lập “bộ quy tắc đạo đức” để định hướng việc nghiên cứu.

Vấn đề cũng đang khiến mọi người hoang mang là Bill Gates dù lên tiếng cảnh báo nhưng bản thân ông, cũng trong cuộc trả lời với bạn đọc trên Reddit, khẳng định ông đang hợp tác với Microsoft trong dự án mang tên “Personal agent” mà người ta hiểu nôm na là một “trợ lý nhân tạo”, có khả năng “ghi nhớ tất cả để giúp bạn tìm kiếm thông tin cũ và giúp bạn quyết định chọn lựa thông tin nào cần lưu tâm nhất”.

Ông giải thích kỹ hơn: “Chuyện bạn có thể tìm kiếm và chọn lựa các ứng dụng và mỗi ứng dụng đó sẽ tìm cách thông tin cho bạn điểm gì là mới cũng chưa hẳn là mô hình hiệu quả. Trợ lý nhân tạo (của chúng tôi) giúp bạn vượt qua cả giới hạn đó”.

Như vậy ở góc độ nào đó, Bill Gates vẫn tin vào trí thông minh nhân tạo và ông tiết lộ rằng hồi đó nếu Microsoft không hoạt động ổn thì ông phải chọn chuyển hướng làm… nhà nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo!


NGUYỄN QUÂN