27/11/2024

Những đột phá y học năm 2014

Từ khả năng ghép tim người chết đến xoá mù bằng mắt điện tử, năm 2014 đánh dấu những bước tiến dài trong lịch sử y học, tạo cơ hội cứu sống và cải thiện chất lượng sống ở người.

 

Những đột phá y học năm 2014

 

 

Từ khả năng ghép tim người chết đến xoá mù bằng mắt điện tử, năm 2014 đánh dấu những bước tiến dài trong lịch sử y học, tạo cơ hội cứu sống và cải thiện chất lượng sống ở người.

 

 

 

Những đột phá y học năm 2014 - ảnh 1
Những đột phá y học năm 2014 - ảnh 2Một cánh tay giả thực hiện được nhiều động tác phức tạp – Ảnh: Dekaresearch
Ghép tim từ xác chết
Khi nói đến cấy ghép nội tạng, điều quan trọng hàng đầu là người hiến phải còn sống, nhưng mọi thứ đều thay đổi trong năm 2014. Vào tháng 10, một nhóm chuyên gia Úc đã làm nên lịch sử khi hồi sinh quả tim ở những người đã qua đời và cấy thành công chúng vào người nhận. Khoảng 20 phút sau khi tim ngừng đập, các bác sĩ đặt chúng vào trong một cỗ máy cung cấp oxygen cho cơ quan nội tạng. Sau khi lấy tim khỏi cỗ máy này, họ tiêm dung dịch bảo quản cho tim, cho phép tận dụng được nguồn hiến dồi dào hơn từ thi thể, theo Đài ABC News dẫn lời Giáo sư Bob Graham, Giám đốc điều hành Viện Victor Chang, phía điều chế dung dịch bảo quản tim.
Vắc xin sởi loại bỏ ung thư
Năm 2014 chứng kiến nhiều phát minh mới trong lĩnh vực điều trị ung thư, nhưng một trong những nghiên cứu ấn tượng nhất đã diễn ra vào tháng 5, khi liệu pháp dùng vắc xin sởi liều cao đã “khắc chế” các tế bào ung thư máu ở một bệnh nhân nữ. Báo Star Tribune Health dẫn lời bác sĩ Stephen Russell, thuộc Trung tâm nghiên cứu sáng kiến ung thư ở Ottawa (Canada), cho hay cô Stacy Erholz được tiêm một liều cực cao vắc xin sởi, và kết quả là đẩy lui được bệnh tình đang trong cơn ngặt nghèo.
Dùng máy in 3D ghép sọ
Công nghệ 3D cũng đánh dấu một bước phát triển dài trong năm 2014. Vào tháng 5, một nhóm các nhà giải phẫu học tại Hà Lan đã thực hiện quy trình cấy ghép sọ não đầu tiên trên thế giới nhờ vào mảng sọ in bằng máy 3D. Người nhận được sọ in là một cô gái 22 tuổi, mắc chứng sọ dày gây sức ép lên não khiến các chức năng của não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bác sĩ Bon Verweij, trưởng nhóm chuyên gia Đại học Trung tâm y khoa tại Utretch, cho hay máy in 3D cho phép tạo ra các mảnh ghép phù hợp hơn liệu pháp trước đây, giúp tăng khía cạnh thẩm mỹ và cho phép não hoạt động tốt hơn so với phương pháp cũ.
Âm đạo nhân tạo
Trong năm nay, các bác sĩ Mỹ đã tái khám cho 4 cô gái, những người đã được lắp âm đạo nhân tạo đầu tiên trên thế giới, theo trang tin Medical Daily. Cách đây 8 năm, những người này – bị dị tật âm đạo bẩm sinh – đã được ghép bộ phận nhân tạo làm từ các mẫu tế bào và cơ của từng người. Các vật liệu này đã được nuôi trong phòng thí nghiệm và tạc hình phù hợp với cơ địa của bệnh nhân. Cuộc nghiên cứu sau đó cho thấy những cơ quan sinh dục không những được tái tạo trong phòng thí nghiệm mà còn là bộ phận cấy ghép hiệu quả, theo tiến sĩ Anthony Atala, Giám đốc Viện Y học tái tạo Wake Forest ở Bắc Carolina (Mỹ).
Chi giả biến tín hiệu cơ thành chuyển động
Năm 2014 chứng kiến sự ra đời của công nghệ chi giả phức tạp nhất từ trước đến nay. Vào tháng 5, Cơ quan Dược và thực phẩm Mỹ (FDA) thông qua đề án tiếp thị tay giả đầu tiên có thể diễn dịch các tín hiệu điện não từ cơ và giúp tay chuyển động với độ chính xác cao. Chi giả, có tên là Hệ thống chi DEKA, kiểm soát chuyển động thông qua điện đồ cơ, cho phép người dùng thực hiện nhiều động tác phức tạp hơn các loại chi giả khác.
Xóa mù bằng mắt điện tử
Mắt điện tử đã được cải thiện đáng kể trong năm 2014, cho phép người mù có thể thấy được phần nào ánh sáng. Larry Hester là một trong những người được xoá mù sau gần 33 năm sống trong bóng tối. Mắt điện tử, được gọi là Hệ thống võng mạc nhân tạo Argus II, đã được FDA thông qua vào năm 2013, nhưng năm nay các kỹ sư đã cải thiện mạnh mẽ hệ thống cung cấp tầm nhìn của nó. Đây cũng là thiết bị cấy ghép đầu tiên có thể điều trị những bệnh nhân bị chứng viêm võng mạc sắc tố, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người.
Kỷ lục bảo quản phổi người ngoài cơ thể
Các chuyên gia cấy ghép thuộc Bệnh viện Đại học Leuven ở Bỉ đã có thể bảo quản phổi hiến bên ngoài cơ thể trong suốt 11 giờ liền, lâu nhất trong lịch sử y khoa. Để làm được điều này, họ đã sử dụng OCS LUNG, một cỗ máy đặc biệt có thể cung cấp oxygen cho cơ quan nội tạng đã bị cắt rời khỏi cơ thể sống. T.Y

Tụ Yên