27/11/2024

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49
 
TRUYỀN THÔNG TRONG GIA ĐÌNH,
NƠI DÀNH RIÊNG ĐỂ GẶP GỠ QUÀ TẶNG TÌNH YÊU


***


Gia đình là một chủ đề được Giáo hội suy tư sâu sắc và có liên quan đến hai Thượng hội đồng Giám mục: Thượng Hội đồng Giám mục khoá ngoại thường mới đây và Thượng Hội đồng Giám mục khóa thường lệ sẽ diễn ra vào tháng Mười tới. Vì vậy, tôi nghĩ thật là thích hợp khi chọn chủ đề nói về gia đình cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội sắp tới. Cuối cùng ra, chính trong bối cảnh gia đình mà chúng ta bắt đầu học cách truyền thông. Việc tập trung vào khung cảnh này sẽ giúp chúng ta làm truyền thông được đúng đắn và nhân văn hơn, đồng thời chúng ta sẽ nhìn gia đình với một nhãn quan mới.

Chúng ta có thể lấy gợi ý từ đoạn Phúc Âm về việc Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabeth (Lc 1,39-56). “Khi bà Êlisabét nghe lời chào của Đức Maria, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lên rằng: ‘Em có phúc hơn các phụ nữ, và con trong bụng em quả là được chúc phúc.’” (1,41-42).

Đoạn Phúc Âm này trước hết cho chúng ta biết truyền thông là sự đối thoại được đan dệt bằng ngôn ngữ cơ thể như thế nào. Câu đầu tiên đáp lời Đức Maria chào là của hài nhi đang nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét. Vui mừng gặp gỡ tha nhân, vốn là điều chúng ta học được từ trước khi chào đời, xét theo nghĩa nào đó, là nguyên mẫu và biểu tượng của mọi hình thức truyền thông khác. Cung lòng đón nhận chúng ta chính là “ngôi trường” đầu tiên dạy truyền thông, là nơi lắng nghe và tiếp xúc qua thể xác, nơi chúng ta bắt đầu làm quen với thế giới bên ngoài, trong một môi trường được bảo vệ, được tiếng của nhịp đập trái tim mẹ vỗ về. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người này, dù vẫn tách biệt với nhau nhưng lại có mối liên quan rất mật thiết, một cuộc gặp đầy hứa hẹn, trở thành kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về truyền thông. Đó là kinh nghiệm tất cả chúng ta đều có thể chia sẻ, bởi mỗi chúng ta đều được sinh ra từ một người mẹ.

Dù khi đã chào đời, trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta vẫn ở trong một “cung lòng”, tức là gia đình. Một cung lòng được hình thành từ nhiều con người được đan kết với nhau: gia đình là “nơi chúng ta học sống với tha nhân dù có những dị biệt” (Evangelii Gaudium, 66). Mặc dù khác nhau về giới tính và tuổi tác, nhưng mọi người trong gia đình đều đón nhận nhau vì có mối dây liên kết họ với nhau. Phạm vi những mối quan hệ này càng rộng và sự khác biệt tuổi tác càng lớn, thì môi trường sống của chúng ta càng phong phú. Đó chính là mối liên kết ở ngay cội nguồn của ngôn ngữ, rồi đến lượt mình, ngôn ngữ lại củng cố mối liên kết đó. Chúng ta không tạo ra ngôn ngữ nhưng sử dụng ngôn ngữ, bởi chúng ta đã tiếp nhận nó. Chính trong gia đình, chúng ta học nói tiếng “mẹ đẻ”, ngôn ngữ của tổ tiên chúng ta (x. 2 Mcb 7,25.27). Trong gia đình, chúng ta nhận ra rằng những người khác đã đến trước chúng ta, tạo lập gia đình cho chúng ta sống được, rồi đến lượt mình, chúng ta cũng lại sinh ra sự sống và làm những việc tốt đẹp. Chúng ta có thể trao ban, bởi chúng ta đã lãnh nhận. Vòng luân chuyển tốt lành này là cốt lõi của khả năng truyền thông giữa mọi người trong gia đình với nhau và với những người khác. Nói khái quát hơn, đó là kiểu mẫu của mọi truyền thông. 

Kinh nghiệm về mối quan hệ với những người “đến trước” chúng ta mang lại cho gia đình khả năng trở thành nơi chuyển giao hình thức truyền thông cơ bản nhất, đó là cầu nguyện. Khi cha mẹ đặt đứa con mới sinh của mình vào giường ngủ, họ thường phó dâng chúng cho Chúa, xin Chúa trông nom chúng. Khi con cái lớn thêm một chút, cha mẹ giúp chúng biết đọc các kinh thông thường, biết thân thương nghĩ đến người khác, chẳng hạn ông bà nội ngoại, họ hàng, người đang đau ốm, khổ sở và mọi người đang cần được Chúa thương giúp sức. Chính trong gia đình, phần lớn chúng ta được học hỏi về chiều kích tôn giáo của truyền thông; riêng đối với Kitô giáo, đó là chiều kích thấm nhuần tình yêu, một tình yêu đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta mang đến cho tha nhân.

Trong gia đình, chúng ta được học biết cưu mang và nâng đỡ nhau, biết nhận ra ý nghĩa được biểu lộ nơi khuôn mặt và những khoảnh khắc im lặng, biết cùng cười và cùng khóc với những người chưa đón nhận nhau nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhau. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu được ý nghĩa của truyền thông là nhìn nhận và tạo nên sự gần gũi. Khi chúng ta thu hẹp những khoảng cách bằng cách đến gần nhau hơn và đón nhận nhau, chúng ta sẽ trải nghiệm được lòng biết ơn và niềm vui mừng. Lời chào của Đức Maria và sự cựa quậy của hài nhi trong lòng Mẹ là sự chúc lành cho bà Êlisabét; tiếp theo là bài ca Magnificat tuyệt đẹp được Đức Mẹ cất lên để chúc tụng kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với Mẹ và dân của Người. Lời “xin vâng” được thốt lên với niềm tin có thể giúp chúng ta bước ra khỏi bản thân mình và ra khỏi chỗ của mình nơi trần gian. “Thăm viếng” là mở toang những cánh cửa, không khép kín trong thế giới nhỏ bé của chúng ta, nhưng bước ra ngoài đến với mọi người. Cũng thế, gia đình trở nên sống động khi tỏa lan ra bên ngoài bản thân mình, những gia đình thực hiện điều đó chính là đang truyền đi sứ điệp sự sống và hiệp thông, mang lại sự nâng đỡ và hy vọng đến với những gia đình mong manh, và nhờ đó xây dựng chính bản thân Hội Thánh, gia đình của mọi gia đình.

Hơn bất cứ nơi nào khác, gia đình là nơi hằng ngày chúng ta trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của những người khác, những vấn đề lớn nhỏ trong việc chung sống an bình với những người khác. Không có gia đình nào là hoàn hảo. Chúng ta không nên sợ những bất toàn, yếu đuối hay cả những xung khắc, nhưng hãy học cách đối phó với những điều ấy một cách xây dựng. Vì thế gia đình –nơi chúng ta vẫn yêu thương nhau dù có những giới hạn và tội lỗi– trở thành một trường học của sự tha thứ. Chính tha thứ là một tiến trình truyền thông. Khi tâm tình hối lỗi được bày tỏ và chấp nhận, việc truyền thông đã bị cắt đứt lại có thể được khôi phục và nối lại. Nếu một đứa trẻ đã học được nơi gia đình cách lắng nghe người khác, phát biểu cách tôn trọng và bày tỏ quan điểm của mình mà không phủ nhận người khác, đứa trẻ đó sẽ trở thành người xây dựng đối thoại và hòa giải trong xã hội.

Khi nói đến những thách đố của truyền thông, các gia đình có con cái bị khuyết tật có nhiều điều để dạy chúng ta. Một năng lực khiếm khuyết, dù là thể lý hay tâm trí, có thể là lý do khiến người ta sống khép kín, nhưng nó cũng có thể – nhờ tình yêu của cha mẹ, của anh chị em và bạn hữu – trở thành sự khích lệ mở ra, chia sẻ và sẵn sàng truyền thông với mọi người. Nó cũng có thể giúp cho các trường học, các giáo xứ và các hội đoàn trở nên niềm nở hơn và đón nhận mọi người.

Trong một thế giới mà người ta thường thoá mạ, sử dụng ngôn ngữ tục tằn, nói xấu người khác, gieo mối bất hoà và đầu độc môi trường của con người bằng thói buôn chuyện, các gia đình có thể dạy cho chúng ta hiểu rằng truyền thông là một phúc lành… Trong những hoàn cảnh dường như bị chi phối bởi hận thù và bạo lực, khi mà các gia đình bị phân rẽ bởi những bức tường bằng đá hay những bức tường của định kiến và giận dữ – cũng khó vượt qua không kém, khi mà hình như có lý do chính đáng để nói rằng “thôi, đủ rồi”, thì việc chúc phúc chứ không phải thoá mạ, thăm viếng chứ không phải từ khước và đón nhận chứ không phải đấu tranh, mới là phương thế duy nhất để phá vỡ vòng xoáy của sự ác, để cho thấy rằng sự thiện luôn là điều khả thi, và để giáo dục con cái chúng ta sống tình bằng hữu.

Ngày nay các phương tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần thiết yếu của cuộc sống, cách riêng đối với những người trẻ, có thể vừa là sự trợ giúp vừa là một trở ngại cho việc truyền thông trong gia đình và giữa các gia đình. Phương tiện truyền thông có thể là một trở ngại nếu chúng trở thành cách tránh né việc lắng nghe người khác, tránh việc giao tiếp cụ thể, để lấp đầy những khoảnh khắc thinh lặng và nghỉ ngơi, đến độ chúng ta quên rằng “thinh lặng là thành phần của truyền thông mà nếu không có thì không thể có được những lời mang đậm ý nghĩa” (ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2012). Các phương tiện truyền thông có thể giúp cho việc truyền thông được dễ dàng khi chúng làm cho mọi người biết chia sẻ câu chuyện đời mình, giữ liên lạc với bạn hữu ở xa, cảm ơn hoặc xin lỗi người khác, và mở ra những cuộc gặp gỡ mới. Khi mỗi ngày mỗi khám phá tầm quan trọng cốt yếu của việc gặp gỡ người khác, là những “khả năng mới”, chúng ta sẽ sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan, chứ không để cho nó thống trị. Ở đây cũng vậy, cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên, nhưng không được để mặc họ với các thiết bị truyền thông. Cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi giúp đỡ họ trong việc giáo dục con cái làm thế nào để sống trong một môi trường truyền thông một cách phù hợp với phẩm giá con người và phục vụ công ích.

Thách đố lớn đối với chúng ta ngày nay là học lại lần nữa cách nói chuyện với nhau, không đơn giản chỉ là cách tạo ra và tiêu thụ thông tin. Đây là khuynh hướng mà các phương tiện truyền thông hiện đại có thể cổ võ. Thông tin là quan trọng, nhưng không đủ, vì rất nhiều khi nó giản lược, đặt các lập trường và quan điểm khác biệt đối lập nhau, và bắt chúng ta chọn đứng về bên nào, chứ không phải có cái nhìn tổng thể.

Để kết luận, gia đình không phải là một đề tài tranh luận hay một nơi đụng độ về ý thức hệ. Nhưng đúng hơn là một môi trường trong đó chúng ta học truyền thông bằng kinh nghiệm gần gũi, là một khung cảnh diễn ra truyền thông, là một “cộng đồng truyền thông”. Gia đình là một cộng đồng để trợ giúp, tôn vinh sự sống và sinh hoa kết quả. Một khi nhận ra điều này, chúng ta sẽ thêm một lần nữa có thể thấy rằng gia đình vẫn là một nguồn nhân lực phong phú như thế nào, chứ không phải là một vấn đề hay một cơ chế đang gặp khủng hoảng. Đôi khi các phương tiện truyền thông có xu hướng trình bày gia đình như một thứ mô hình trừu tượng mà người ta có thể chấp nhận hay từ khước, bảo vệ hay tấn công, chứ không phải là một thực tại sống động. Hoặc như một khu vực xung đột ý thức hệ chứ không phải là một môi trường nơi mà mọi người chúng ta có thể học biết truyền thông có ý nghĩa gì trong một tình yêu trao ban và đón nhận. Như thế có nghĩa là nhìn nhận rằng đời sống của chúng ta ràng buộc với nhau như một thực tại duy nhất, rằng chúng ta có nhiều quan điểm, nhưng mỗi người là độc đáo.

Gia đình cần được xem như là một nguồn lực chứ không phải là một vấn đề đối với xã hội. Gia đình sẽ trở nên đẹp nhất khi biết dùng chứng tá để tích cực truyền thông vẻ đẹp và sự phong phú của mối tương quan giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ quá khứ. Nhưng chúng ta kiên trì và tin tưởng khi nỗ lực xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới chúng ta đang sống.

Vatican, ngày 23 tháng Giêng 2015
Ngày áp lễ Thánh Phanxicô Salêsiô

Giáo hoàng Phanxicô

(Dịch từ bản Anh ngữ và Pháp ngữ của vatican.va)