10/01/2025

Máy xới ‘hai lúa’

Với sáng chế cải tiến máy móc giúp nông dân tăng hiệu suất lao động, giảm chi phí sản xuất, một thợ cơ khí ở Hậu Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

Máy xới ‘hai lúa’

 

 

Với sáng chế cải tiến máy móc giúp nông dân tăng hiệu suất lao động, giảm chi phí sản xuất, một thợ cơ khí ở Hậu Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

 

 

Ông Cao Phi Hổ và công trình sáng chế của mình Ông Cao Phi Hổ và công trình sáng chế của mình – Ảnh: Đình Tuyển

Sáng chế có tên gọi là máy xới trục liên hợp và chủ nhân của nó là ông Cao Phi Hổ (Sáu Hổ, chủ xưởng cơ khí Tín Nhân, ấp 1A, xã Tân Hoà, H.Châu Thành A).

Cỗ máy “2 trong 1”

Giữa trưa, không khí lao động tại cơ sở cơ khí Tín Nhân, nằm sát kênh Xà No của ông Sáu Hổ vẫn tất bật với việc hàn, tiện, lắp ráp để kịp giao phương tiện sản xuất cho khách hàng. Ở tuổi 53, ông Sáu vẫn làm việc không kém 2 người thợ thanh niên của cơ sở mình. Ông Sáu cho biết máy xới trục liên hợp là công trình mà ông ấp ủ gần 20 năm trước. “Tôi là dân đồng ruộng may mắn được cha mẹ cho đi học cơ khí. Thấy gia đình, bà con sản xuất vất vả quá, nên từ những năm 1990, tôi đã mơ ước sáng chế máy móc làm đất để giúp nông dân đỡ cực nhọc hơn”.

 
 

Thông tin từ Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Hậu Giang cho biết Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho ông Cao Phi Hổ vì đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ năm 2009 – 2013.

 

Đến năm 2000, lần đầu tiên ông Sáu bắt tay vào nghiên cứu với mục tiêu làm thế nào “gộp chung máy trục với máy xới thành một cỗ máy liên hợp”. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên công việc của ông chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu, định hình…

Đến năm 2011, Quỹ hỗ trợ vì sự nghiệp khoa học của H.Châu Thành A chọn sáng chế của ông Sáu để hỗ trợ 45 triệu đồng. Số tiền này đã giúp ông có “nguồn lực” để thực sự bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. Ông gom góp được thêm vài chục triệu đồng rồi lang thang khắp nơi, ở đâu có máy móc cũ bán là tìm đến, để mua những món đồ có thể tận dụng được. Sau bao vất vả, đến tháng 3.2013, máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ hoàn thành và lần đầu tiên được H.Châu Thành A tổ chức thử nghiệm trên đồng ruộng.

Ông Lê Quang Hà, cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng H.Châu Thành A, người giám sát, nghiệm thu công trình sáng chế của ông Hổ, nói: “Chúng tôi và những nông dân rất ngỡ ngàng khi thấy máy có thể vừa xới, vừa trục đất cùng một lúc với tốc độ nhanh. Điều mà nông dân thường phải vận hành máy móc thực hiện 2 công đoạn riêng biệt”.

Theo ông Sáu Hổ, ưu điểm lớn của máy xới trục liên hợp là giá thành thấp. Nếu theo phương án cũ, mua một máy xới nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khoảng 75 triệu đồng và máy trục với giá khoảng 45 triệu đồng, như vậy nông dân phải tốn 120 triệu đồng. Còn với máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ thì chỉ có giá 70 triệu đồng/máy, làm đất nhanh gấp đôi so với 2 máy xới, trục riêng và tiết kiệm chi phí khoảng 400.000 đồng/ha.

Những đơn đặt hàng của nông dân

Thành công lớn nhất của ông Sáu Hổ là nhận được những đơn đặt hàng của người dân trồng lúa trong và ngoài tỉnh. Từ tháng 3.2013 đến nay, ông đã nhận đặt hàng và cung cấp được 9 máy cho nhà nông ở ĐBSCL; trong đó tại Hậu Giang nhiều nhất với 5 máy.

Ông Huỳnh Văn Phó (ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, H.Châu Thành A), một khách hàng mua máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ, cho biết ông mua máy này gần 15 tháng và đã làm được 4 vụ lúa. Mỗi vụ, ngoài làm 2 ha đất lúa của gia đình, ông Phó còn đi xới, trục thuê cho nông dân trong vùng khoảng 40 ha. Mỗi héc ta ông thu được 10 triệu, trừ chi phí, tiền dầu, tiền công… khoảng 40%, tính ra mỗi vụ ông lời hơn 20 triệu đồng. “Tôi đã đầu tư mua máy xới riêng và máy trục riêng nhưng đã bán cả 2 để mua máy của ông Sáu Hổ. Quả thật là nó rất hiệu quả bởi làm cả 2 công đoạn một lúc mà đỡ tốn công, tốn dầu dữ lắm”, ông Phó nói thêm và cho biết: “Để hoàn thành khâu làm đất, máy xới tốn hết 15 lít dầu, máy trục 10 lít, trong khi máy xới trục của ông Sáu Hổ chỉ tốn 20 lít dầu và một lần vận hành”.

Việc nhiều người đến đặt mua máy là điều đáng mừng nhưng cũng là nỗi lo của ông Sáu, bởi cơ sở của ông còn nhỏ, không đủ vốn và nhân công sản xuất. “Hiện tại, cái khó lớn nhất của tôi là vốn để mở rộng sản xuất, chế tạo. Phải có vốn thì mới có thể đặt sản xuất những linh kiện, thiết bị một cách đồng bộ, thay vì phải đi mua tận dụng đồ cũ, đặt hàng nhỏ lẻ như hiện nay”, ông Sáu tâm sự.

 Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Hiệu quả từ máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ được ngành nông nghiệp đánh giá rất cao và sẽ tạo điều kiện hết mức để ứng dụng vào thực tế. Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ xem xét tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy xới trục liên hợp như đối với chương trình hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, bởi vì khâu làm đất đóng vai trò quan trọng”.

Máy xới trục liên hợp của ông Sáu Hổ vận hành khi một bông xới (dài 1,8 m) nằm ngang phía trước xới đất lên cho tơi xốp, đồng thời như bánh trước của cỗ máy bường về phía trước; bông trục ngang 2 m phía sau (như bánh sau của cỗ máy) làm đất bằng cánh nhấn chìm những gốc rơm rạ, làm nhuyễn đất và phẳng. Bông xới có thể nâng lên nếu chỉ cần trục. Máy gọn nhẹ khoảng 800 kg, di chuyển thuận tiện, thích ứng với mùa nước nổi.

Đình Tuyển