Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Philippine
Thứ bảy 17 tháng giêng là ngày thứ hai trong chuyến ĐTC viếng thăm 3 ngày Philippines. Đáng lẽ ĐTC đã có ba sinh hoạt chính: ban sáng ngài lấy máy bay tử Manila đi Tacloban trên đảo Leyte và lúc 10 giờ cử hành Thánh lễ cho tín hữu tại phi trường quốc tế Tacloban Daniel Romualdez. Sau khi dùng bữa trưa với vài người sống sót sau trận bão Yolanda Haiyan và nghỉ ngơi chốc lát, vào ban chiều, ĐTC làm phép khánh thành Trung tâm Người Nghèo Phanxicô, rồi gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các gia đình sống sót sau trận bão Yolanda Haiyan trong Nhà thờ Chính toà Giáo phận Palo.
Tuy nhiên, vì lý do trời Philippines quá xấu, có mưa bão, nên các sinh hoạt ban chiều bị huỷ bỏ. ĐTC đã phải rời đảo Leyte lúc 13 giờ.
Lúc 7 giờ 30, ĐTC rời Toà Sứ thần Toà Thánh để ra phi trường Villamor cách đó 8 cây số lấy máy bay đi Tacloban nằm trên đảo Leyte cách xa Manila 650 cây số. Tuy gió lớn nhưng máy bay chở ĐTC đã có thể cất cánh, trong khi máy bay chở các giới chức chính quyền đi sau đó nửa tiếng bị gió thổi quá mạnh đẩy phi cơ ra ngoài phi đạo, khiến cho một người bị thương.
Thành phố Tacloban có hơn 217.000 dân cư, cách xa Palo là thủ phủ đảo Leyte 10 cây số và thuộc Tổng Giáo phận Palo. Ngày mồng 8 tháng 11 năm 2013, đảo Leyte và đặc biệt thành phố Tacloban đã bị bão Yolanda-Haiyan tàn phá khiến cho hơn 10.000 người chết, phá huỷ mọi cơ cấu hạ tầng, bao gồm cả phi trường thành phố và mọi cơ cấu truyền thông.
Tổng Giáo phận Palo được thành lập năm 1937 có hơn 1,8 triệu dân cư trong đó có hơn 1,4 triệu là tín hữu Công giáo, tức chiếm 77%. Giáo phận có 65 giáo xứ, 17 cứ điểm truyền giáo, 137 linh mục giáo phận, 26 linh mục dòng, 36 tu huynh, 162 nữ tu khấn, 84 đại chủng sinh, 1 thầy sáu vĩnh viễn. Tổng Giáo phận điều khiển 62 cơ cấu giáo dục và 5 trung tâm bác ái.
** Sau 1 giờ 15 phút bay, máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã đến phi trường Tacloban lúc 9 giờ 30. Chào đón ĐTC tại phi trường có ĐTGM Palo John Du, ông Thống đốc Đảo Leyte và hai Thị trưởng Thành phố Tacloban và Palo. Có một nhóm trẻ em trình diễn các vũ điệu cổ truyền chào mừng ĐTC.
Sau lễ nghi chào đón đơn sơ, ĐTC đã lên xe bọc kính đến lễ đài nằm cách đó 600 mét để cử hành Thánh lễ cho tín hữu. Khu vực này có thể chứa tới nửa triệu người. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Anh với các bài đọc bằng tiếng Binisaya là thổ ngữ của Đảo Leyte-Samar.
Giảng buông trong Thánh lễ, ĐTC mời gọi mọi người cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu, lòng thương xót và cùng đau khổ của Người, được tỏ lộ ra trong tình liên đới với các nạn nhân của trận bão đã tàn phá vùng này một cách nặng nề cách đây 14 tháng.
Ngài nói: Trong bài đọc thứ nhất chúng ta đã nghe rằng chúng ta có một thượng tế cao cả có khả năng cảm thương các yếu hèn của chúng ta, bởi vì chính Người cũng đã bị thử thách trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Chúa Giêsu cũng giống như chúng ta. Chúa Giêsu đã sống như chúng ta. Người giống chúng ta trong mọi sự, trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, bởi vì Người không phải là một tội nhân. Nhưng để giống chúng ta Người đã mặc lấy, Người đã mang lấy các tội lỗi của chúng ta. Người đã thành tội lỗi (x. 2 Cr 5,21). Thánh Phaolô là người đã biết Chúa rất rõ nói lên điều đó. Và Chúa Giêsu luôn luôn đi trước chúng ta, và khi chúng ta có thể đi qua vài thánh giá, thì Người đã đi qua trước rồi.
Tiếp tục bài giảng, ĐTC giải thích lý do thánh lễ và cuộc gặp gỡ cộng đoàn tín hữu đảo Leyte:
Và nếu hôm nay tất cả chúng ta tụ tập nhau nơi đây, 14 tháng sau trận bão Yolanda, là bởi vì chúng ta xác tín rằng chúng ta sẽ không thất vọng trong đức tin, bởi vì Chúa Giêsu đã trải qua trước. Trong cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đã mang trên mình mọi khổ đau của chúng ta. Và khi – xin anh chị em cho phép tôi thổ lộ tâm tình với anh chị em – từ Roma tôi đã trông thấy tai ương này, tôi đã cảm thấy rằng tôi phải đến đây thăm anh chị em. Trong những ngày này, tôi đã quyết định làm cuộc du hành tới đây. Tôi đã muốn đến đây để ở với anh chị em – hơi trễ, anh chị em sẽ nói vậy. Đúng thế, nhưng tôi ở đây.
Tôi ở đây để nói với anh chị em rằng Đức Giêsu là Chúa, Ngài không gây thất vọng. “Thưa cha, một người trong anh chị em có thể nói với tôi, Chúa đã làm con thất vọng vì con đã mất nhà cửa, con đã mất những gì con có, con đau bệnh… Điều bạn nói với tôi đúng thật như vậy, và tôi tôn trọng các tâm tình của bạn: nhưng tôi thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh ở đó, và từ đó Ngài không làm chúng ta thất vọng. Người đã được thánh hiến là Chúa trên ngai ấy, và ở đó, Ngài đã trải qua tất cả các tai ương mà chúng ta có. Đức Giêsu là Chúa. Và là Chúa từ Thập Giá, ở đó Ngài thống trị! Vì thế, Ngài có khả năng hiểu biết chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: Ngài đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự. Vì thế, chúng ta có một Chúa có khả năng khóc với chúng ta, có khả năng đồng hành với chúng ta trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống.
Nhiều người trong anh chị em đã mất tất cả. Tôi không biết phải nói gì với anh chị em. Nhưng Ngài biết, Ngài biết nói gì với anh chị em. Nhiều người trong anh chị em đã mất một phần gia đình. Tôi chỉ biết thinh lặng, tôi đồng hành với anh chị em với con tim thinh lặng… Nhiều người trong anh chị em đã tự hỏi khi nhìn lên Chúa Kitô: “Lạy Chúa, tại sao?” Và Chúa trả lời từng người từ trái tim của Ngài. Tôi không có lời nào khác để nói với anh chị em. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô: Ngài là Chúa và Ngài hiểu biết chúng ta vì Ngài đã trải qua tất cả các thử thách đã đổ xuống trên chúng ta.
Và cùng với Ngài bị đóng đinh, đã có Mẹ Ngài. Chúng ta giống như trẻ em ở dưới đó: trong những lúc đau khổ, buồn sầu, trong những lúc trong đó chúng ta không hiểu gì hết, trong những lúc chúng ta muốn nổi loạn, chúng ta chỉ giơ tay nắm lấy áo Mẹ và nói với Mẹ: “Mẹ ơi!”. Như một trẻ em khi lo sợ nó nói “Mẹ ơi!”. Có lẽ đó là lời nói duy nhất có thể diễn tả điều mà chúng ta cảm thấy trong những lúc đen tối: “Mẹ! Mẹ ơi!”
Chúng ta hãy cùng nhau giữ một lúc thinh lặng. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa: Ngài có thể hiểu biết chúng ta, bởi vì Ngài đã trải qua tất cả những điều đó. Và chúng ta hãy nhìn Mẹ chúng ta, và như một đứa bé dưới kia đang nắm chặt lấy áo mẹ nó, và với con tim, chúng ta hãy nói với Mẹ: “Mẹ ơi!”. Trong thinh lặng, chúng ta hãy cầu nguyện, mỗi người hãy nói lên điều mình cảm thấy.
Mọi người thinh lặng cầu nguyện.
ĐTC nói thêm trong bài giảng:
“Chúng ta không cô đơn, chúng ta có một người mẹ, chúng ta có Chúa Giêsu là Anh Cả. Chúng ta không đơn độc. Vì chúng ta cũng có nhiều anh chị em khác đã đến trợ giúp chúng ta trong lúc gặp tai ương. Và chúng ta cũng cảm thấy là anh chị em với nhau hơn, khi tương trợ nhau, bởi vì chúng ta đã giúp đỡ nhau.
Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với anh chị em. Xin tha lỗi cho tôi, nếu tôi không có các lời khác. Nhưng xin anh chị em chắc chắn cho rằng Chúa Giêsu không gây thất vọng. Chúng ta chắc chắn rằng tình yêu và sự dịu hiền của Mẹ chúng ta không gây thất vọng. Và bám chặt vào Mẹ như con cái và với sức mạnh mà Chúa Giêsu Anh Cả của chúng ta trao ban cho, chúng ta tiến bước. Và chúng ta tiến bước như là anh chị em với nhau.”
Sau Thánh lễ, xe bọc kích đã chở ĐTC đi một vòng để ngài chào tín hữu, rồi về Toà Tổng Giám mục cách đó 12 cây số. Toà Tổng Giám mục nằm trên một ngọn đồi trên đó có một khu vực gồm nhà dưỡng lão và trung tâm cho trẻ em mồ côi, do Hội đồng Toà Thánh Cor Unum – Đồng Tâm – tài trợ.
Tại đây, ngài đã dùng bữa trưa với 30 thân nhân của các nạn nhân bão Yolanda-Haiyan, trong đó cũng có vài đại chủng sinh.
Như chúng tôi đã nói, vì trời mưa bão nên ĐTC đã phải rút ngắn chương trình viếng thăm để có thể trở về Manila sớm, trước khi tình hình trở thành tồi tệ thêm. Ngài đã chỉ đứng từ xa làm phép Trung tâm Người Nghèo Phanxicô cách đó 100 mét. Trung tâm này vẫn còn đang trong giai đoạn xây cất, do Cộng đoàn Đặc sủng Nam Hàn “Khottongnae Brothers of Jesus” coi sóc. Đây là Hiệp hội được Linh mục John Oh Woong Jin thành lập hồi thập niên 1970, được gợi hứng bởi lời Chúa nói: “Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất này của Thầy là các con đã làm cho Thầy.” (Mt 25,40).
Tại trung tâm có khoảng 50 trẻ em mồ côi và người già, cùng với vài nữ tu và thiện nguyện viên của Cộng đoàn Đặc sủng Khottongnae, đã được ĐTC viếng thăm trong chuyến công du Nam Hàn ngày 16 tháng 8 năm 2014.
** ĐTC đã lên xe bọc kính đến Nhà thờ Chính toà Palo cách đó 2 cây số để gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, đại chủng sinh và gia đình các nạn nhân bão Yolanda-Haiyan. Hiện diện trong Nhà thờ Chính toà có khoảng 500 người.
Nhà thờ Chính toà Palo được dâng kính Chúa Hiển Dung, do hai Linh mục Dòng Tên Juan del Campo và Alonso Humanes rao truyền Tin Mừng trong vùng này xây cất năm 1596. Chỉ trong vài năm, Palo đã trở thành một cứ điểm truyền giáo chính của đảo. Tiếp đến có các thừa sai Dòng Agostino (1768) và Phanxicô (1843) đến làm việc tại đây. Hai tháp của nhà thờ được thêm vào hồi năm 1850 và thêm chiếc đồng hồ lớn ở mặt tiền năm 1896. Năm 1939, nhà thờ được tuyên bố là nhà thờ chính toà. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, nhà thờ biến thành nhà thương quân đội và trung tâm tiếp đón thường dân chạy loạn. Bàn thờ dát vàng thuộc thế kỷ XVII là một thí dụ của kiểu kiến trúc gô tích. Các chặng đường Thánh Giá do các nghệ sĩ địa phương tạc. Trên tường nhà thờ thời Tây Ban Nha có huy hiệu của Dòng Tên.
Cha sở Nhà thờ Chính toà tiếp đón ĐTC và trao Thánh giá cho ngài hôn kính theo truyền thống tại đây. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong hình thức rất ngắn gọn. ĐTC đã không dọc bài diễn văn viết sẵn. Ngỏ lời trong dịp này ngài nói: “Xin chào anh chị em. Tôi xin cám ơn sự tiếp đón của anh chị em. Cả ĐHY Tagle đang vào và cả ĐHY Parolin Quốc vụ khanh Toà Thánh. Hôm nay là sinh nhật của ngài. Cần phải hát cái gì đi.”
Ca đoàn đã hát bài “Happy Birthday to you” chúc mừng sinh nhật ĐHY.
ĐTC nói tiếp: “Xin cám ơn. Tôi phải nói với anh chị em điều mà tôi không thích phải nói tí nào cả. Theo chương trình dự định thì 5 giờ chiều máy bay mới trở về Manila. Nhưng có trận bão cấp 2 đang thổi nên các phi công đã nói với chúng tôi là phải đi lúc 1 giờ. Chúng tôi chỉ có đủ giờ đến phi trường thôi, vì các tiên đoán cho biết thời tiết sẽ xấu hơn vào ban chiều. Tôi xin lỗi anh chị em về điều này… Tôi buồn lắm. Tôi rất tiếc, bởi vì tôi có bài diễn văn viết sẵn muốn đọc cho anh chị em nghe. Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ, vì bây giờ tôi phải đi. Anh chị em biết vấn đề là gì không? Đó là vì máy bay không thể đáp xuống đây được. Vấn đề là ở đó.”
Tiếp đến, ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc Kinh Kính Mừng, rồi ngài ban phép lành Toà Thánh cho tất cả trước sự nuối tiếc vì cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi.
Sau phép lành, ĐTC còn nói thêm: “Tôi xin anh chị em 2 điều: thứ nhất, cầu nguyện cho tôi, và thứ hai, xin bình thản.
** Vào cuối buổi gặp gỡ, một số ân nhân tài trợ việc trùng tu mái Nhà thờ Chính toà và vài nhà thờ bị hư hại đã được giới thiệu với ĐTC. Ngài đã đi ra phía cửa hông bên phải và dừng lại thắp nến và cầu nguyện tại đài tưởng niệm các nạn nhân trận bão Yoanda-Haiyan.
Sau đó, ĐTC lên xe ra phi trường Tacloban lấy máy bay trở về Manila. Máy bay đã cất cánh lúc 13 giờ và về tới phi trường Villamor sau hơn 1 giờ bay. Từ phi trường, ĐTC đã đi xe về Toà Sứ thần cách đó 7 cây số để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc sớm ngày thứ hai chuyến viếng thăm 3 ngày Philippines.
Cha Lombari, phát ngôn viên Toà Thánh, cho biết ĐTC đã được báo tin về cái chết của một nữ thiện nguyện viên sau Thánh lễ tại Tacloban và ngài đã cầu nguyện cho cô. Ngoài ra, ĐTC cũng hỏi ông Alberto Gasbarri, nhân viên tổ chức chuyến viếng thăm, liên quan tới tai nạn và xin ông tiếp xúc với gia đình của nạn nhân để bày tỏ tình liên đới của ngài.