27/11/2024

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30.000 bạn trẻ Philippines

MANILA – Trong ngày cuối cùng viếng thăm Philippines, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hơn 30.000 bạn trẻ sáng Chúa Nhật 18-1-2015 dưới trời mưa tại sân thể thao Đại học Giáo hoàng Thánh Tômaso ở Manila. Ngài mời gọi giới trẻ hãy khóc cảm thông với người nghèo, học yêu thương, dấn thân bảo vệ môi sinh.

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30.000 bạn trẻ Philippines
 
MANILA – Trong ngày cuối cùng viếng thăm Philippines, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hơn 30.000 bạn trẻ sáng Chúa Nhật 18-1-2015 dưới trời mưa tại sân thể thao Đại học Giáo hoàng Thánh Tômaso ở Manila.

Ngài mời gọi giới trẻ hãy khóc cảm thông với người nghèo, học yêu thương, dấn thân bảo vệ môi sinh.

Lúc 9 giờ sáng ngày 18-1-2015, tại Toà Sứ thần Toà Thánh, ĐTC đã chào thăm và cám ơn các cộng tác viên và các ân nhân đã giúp đỡ công cuộc chuẩn bị và tiến hành chuyến viếng thăm của ngài tại Philippines. Liền đó ngài đến Đại học Giáo hoàng và Hoàng gia Thánh Tomaso cách đó 6 cây số để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn.


Đại học Thánh Tômasô

Đây là Đại học Công giáo lớn nhất và cổ kính nhất tại Á châu, do các cha Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, Tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, thành lập cách đây hơn 400 năm, tức là ngày 28-4-1611, ban đầu như một học viện của dòng, rồi được nâng lên hàng đại học 34 năm sau đó (1645). Năm 1785, Vua Carlo III của Tây Ban Nha chính thức nhìn nhận Đại học Thánh Tomaso là Đại học Hoàng gia. Thánh Vinh Sơn Nguyễn Hữu Liêm, Dòng Đa Minh, tử đạo năm 1773, từng là sinh viên Học viện Juan Latran thuộc đại học này, nên ngày nay ở đây có một tượng của thánh nhân và bia kỷ niệm.

Năm 1902, đến lượt ĐGH Lêô XIII nhìn nhận Đại học Thánh Tômaso là Đại học Giáo hoàng. Đến năm 1947, Đức Giáo hoàng Piô XII nới rộng danh hiệu và gọi đây là Đại học Công giáo Philippines.

Đại học này có 45.000 sinh viên thuộc nhiều khoa và có một nhà thương thuộc Phân khoa Y khoa nổi tiếng, cùng với một khu đại học xá rộng lớn. Hiện nay có khoảng 40 linh mục Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Philippines đảm trách Đại học Thánh Tômaso.

Khi đến đại học, ĐTC đã được vị đại chưởng ấn và giáo sư viện trưởng đón tiếp tại cổng chào “gọi là khải hoàn môn các thế kỷ”. Rồi ngài lần lượt chào thăm các vị lãnh đạo các tôn giáo chính ở Philippines: Tin Lành, Giáo hội Philippines độc lập, Phật giáo, Do Thái, Ấn giáo, Hồi giáo và Chính thống.

Gặp gỡ giới trẻ

Trời Manila sáng Chúa Nhật 18-1-2015 cũng mưa vì bão rớt, nên ĐTC và mọi người đều mặc áo mưa. Ngài dùng xe tiến sang khu đại học xá để chào thăm 30.000 sinh viên và những người trẻ khác đứng dọc theo các lối đi và sân thể thao của Đại học. Họ nồng nhiệt reo hò, vẫy cờ Philippines và cờ Toà Thánh. Nhiều người hô to: “Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng con yêu mến ngài.” Hàng ngàn người khác tham dự cuộc gặp gỡ ở bên ngoài khuôn viên đại học.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc quá 10 giờ 30 sáng dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa, bằng 7 thổ ngữ của Philippines, không kể tiếng Anh.

Đức cha Leopoldo Jancian, Dòng Ngôi Lời, GM Giáo phận Bangued, trong tư cách là Chủ tịch Uỷ ban GM Philippines về Giới trẻ, và một gia đình đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, trước khi Thánh Giá giới trẻ được rước lên lễ đài.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với phần trình bày chứng từ của 3 bạn trẻ: một trẻ nữ 14 tuổi bụi đời, cô June, được Hội TKF cứu thoát. Cô đã bật khóc vào cuối chứng từ, tiếp đến là một sinh viên đại học, anh Leandro Santos II, thuộc Phân khoa Luật tại Đại học Thánh Tômasô, sống giữa sự tràn ngập các thông tin đủ loại trên Internet. Sau khi trình bày chứng từ, anh đã tặng ĐTC hộp lớn bằng thuỷ tinh, trong đó chứa hàng trăm những miếng giấy màu có ghi các tư tưởng của các sinh viên khác. Sau cùng là một thanh niên 29 tuổi, Ricky, vừa tốt nghiệp kỹ sư, đã phát minh ra hệ thống đèn điện bằng chai plastic dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng ban đêm giúp các nạn nhân cuồng phong Yolanda.

Bài huấn dụ ứng khẩu

Về phần ĐTC, mở đầu bài huấn dụ, ngài “xin phép” nói bằng tiếng Mẹ Tây Ban Nha được Đức ông Mark Gerard Miles, thuộc Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh dịch ra tiếng Anh. Mọi người đều vui cười đồng ý.

ĐTC cho biết tin buồn sáng thứ bảy vừa qua (17-1), trước Thánh lễ tại phi trường Thành phố Tacloban, gió bão đã thổi sập một bảng gần lễ đài làm cho một thiếu nữ 27 tuổi, tên là Chrystel, thiện nguyện viên của Cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ và cộng tác vào việc tổ chức Thánh lễ, tử thương. ĐTC mời gọi mọi người dành 1 phút im lặng để cầu nguyện cho cô Chrystel, rồi tất cả đều đọc một Kinh Kính Mừng. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho cha mẹ của cô, cô là con gái duy nhất, mẹ cô đang đến từ Hong Kong và cha cô đến Manila để đợi bà. Theo lời mời của ĐTC, mọi người đã đọc Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho ông bà.

Rồi ĐTC tiếp tục ứng khẩu dựa vào bài Tin Mừng theo Thánh Marcô trong đó Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có: “Anh hãy về bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời và đến đây theo tôi.” (Mc 10,17-22), đồng thời ngài cũng trả lời cho những câu hỏi được 3 bạn trẻ nêu lên trong phần trình bày chứng từ.

ĐTC nhận xét rằng nhiều người trẻ ngày nay tràn đầy các thông tin từ Internet và các mạng xã hội, nhưng không biết làm gì với những thông tin ấy. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ đừng có tâm lý của máy vi tính, đừng nghĩ mình biết hết mọi sự.

Và ĐTC cũng nói: Giáo hội Công giáo ngày nay đang cần những người trẻ thánh thiện. Nhưng để có thể thi hành điều này, người trẻ cần đáp ứng thách đố tình thương. “Đây là đề tài quan trọng nhất mà các bạn cần học ở đại học, là bài học quan trọng nhất mà các bạn cần học trong đời… Các bạn hãy cởi mở đón nhận sự ngạc nhiên từ Thiên Chúa, sẵn sàng yêu và được yêu, khiêm tốn học hỏi nơi những người mình giúp đỡ. Cho đi mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải khiêm tốn học hỏi sự khôn ngoan nơi những người nghèo, người bé mọn mà mình giúp đỡ… Các bạn đừng trở thành “bảo tàng viện” trước bao nhiêu phương tiện truyền thông mà chúng ta có.”

ĐTC khuyến khích các bạn trẻ học 3 ngôn ngữ, đó là suy tư, cảm thức  hành động, và ngài không quên mời gọi các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi sinh, một đề tài rất quan trọng, nhất là đối với một nước thường gặp thiên tai như Philippines. Ngài cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy học cách “khóc cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những người ấy đang khóc… Chúng ta cần tự hỏi: Chúng ta đã học cách khóc cho những người bị gạt bỏ như thế chưa, khóc cho những người bị vấn đề ma tuý chưa? Chúng ta có khóc khi thấy một trẻ em vô gia cư, đang chịu đau khổ, bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bị xã hội dùng như nô lệ hay không? Nếu các bạn không học cách khóc, thì các bạn không thể là Kitô hữu tốt được. Đó thực là một thách đố!”

ĐTC cũng nhận xét rằng Thánh Phanxicô khi còn sống, túi áo cũng trống rỗng và khi chết túi cũng trống rỗng, nhưng con tim tràn đầy.

Ngài kết luận: “Thực tại các bạn vượt quá tất cả những ý tưởng mà tôi đã chuẩn bị… Thành thật cám ơn các bạn!”

Nội dung bài huấn dụ dọn sẵn

Trong bài huấn dụ đã dọn sẵn và để lại cho các tín hữu Phippines đọc và suy gẫm sau đó, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ, trong tư cách là công dân của đất nước Philippines hãy hăng say dấn thân trong tinh thần lương thiện canh tân xã hội. Ngài khai triển 3 lĩnh vực chủ yếu trong đó người trẻ có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước và khẳng định:

Hôm nay tôi muốn gợi lên 3 lĩnh vực mà các bạn có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước của các bạn.

– Trước tiên là thách đố thanh liêm. Từ “thách đố” có thể hiểu 2 cách. Trước hết nó có thể hiểu một cách tiêu cực là cám dỗ hành động ngược lại những xác tín luân lý của các bạn, ngược lại điều mà các bạn biết là chân thực, tốt lành và đúng đắn. Sự thanh liêm của chúng ta có thể bị thách thức vì những tư lợi ích kỷ, tham lam, bất lương, hoặc ý muốn sử dụng người khác.

Nhưng từ “thách đố” cũng có thể hiểu một cách tích cực như một lời mời gọi hãy can đảm, làm chứng tá ngôn sứ về điều mình tin và coi là thánh thiêng. Theo nghĩa đó, thách đố sống thanh liêm là điều mà các bạn đang gặp phải trong cuộc sống của các bạn. Đó không phải là điều mà các bạn có thể hoãn lại cho đến khi các bạn lớn tuổi hơn hoặc có trách nhiệm lớn hơn. Ngay bây giờ, các bạn bị thách thức hãy hành động lương thiện và đúng đắn khi đối xử với người khác, trẻ cũng như già. Không được trốn tránh đương đầu với thách đố này! Một trong những thách đố lớn nhất mà người trẻ đang phải đương đầu là học yêu thương. Yêu thương có nghĩa là chấp nhận rủi ro: nguy cơ bị loại bỏ, bị lợi dụng, hoặc tệ hơn nữa là lợi dụng người khác. Các bạn đừng sợ yêu thương! Nhưng trong yêu thương, các bạn cũng hãy bảo tồm sự liêm chính của mình! Hãy lương thiện và tử tế!… Các bạn được kêu gọi hãy nêu gương về sự thanh liêm, dù các bạn gặp phải những chống đối và phê bình, nản chí hoặc bị nhạo cười.

ĐTC cũng xác quyết rằng với sức mạnh của kinh nguyện hằng ngày và tham dự Thánh lễ, các bạn trẻ Công giáo sẽ trở thành địa bàn chỉ đường cho những người đang tìm kiếm, những người bị cám dỗ đánh mất hy vọng, từ bỏ những lý tưởng cao thượng, bỏ học hoặc sống ngày qua ngày trên đường phố.

– Thách đố thứ hai là chăm sóc môi sinh. ĐTC nói: Cần hành động không những như những công dân có trách nhiệm, nhưng còn như những môn đệ của Chúa Kitô nữa! Chúng ta cần dùng con mắt đức tin để nhìn thấy vẻ đẹp trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mối liên hệ giữa môi sinh tự nhiên và phẩm giá con người. Người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và họ được uuỷ thác nhiệm vụ cai quản thiên nhiên (x. St 1,26-28). Trong tư cách là những người quản lý thiên nhiên, công trình sáng tạo, chúng ta được mời gọi làm cho trái đất trở thành một vườn đẹp nhất cho gia đình nhân loại. Khi chúng ta tàn phá rừng cây, phá huỷ đất đai và làm ô nhiễm biển cả, thì chúng ta phản bội ơn gọi cao quý ấy.

ĐTC nhắc đến thư của các GM Philippines về chiều kích luân lý trong các hoạt động và các lối sống của chúng ta, sự tiêu thụ và sử dụng các tài nguyên của chúng ta. Tất cả là thành phần sự dấn thân xây dựng Nước Chúa Kitô. 

 Lĩnh vực sau cùng các bạn có thể đóng góp là một điều thực quý giá đối với tất cả chúng ta. Đó là sự chăm sóc người nghèo. Cạnh chúng ta luôn luôn có người ở trong tình cảnh túng thiếu về vật chất, tâm lý và tinh thần. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng là tình bạn, sự quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giêsu.

Sau cùng, ĐTC ngỏ lời với các bạn trẻ đã chọn cuộc sống thanh bần qua gọi linh mục và đời sống tu trì. Ngài nói: “Khi kín múc từ tinh thần thanh bần, các con sẽ làm cho người khác được phong phú. Các con hãy làm hơn nữa, hãy cho đi nhiều hơn. Khi các con trao tặng thời giờ, tài năng, năng khiếu của các con cho biết bao người túng thiếu đang sống bên lề, tức là các con tạo nên được sự khác biệt. Đó là một sự khác biệt rất cần thiết ngày nay và qua đó các con sẽ được Chúa bù đắp dồi dào. Vì chính Chúa đã nói: “Các con sẽ được một kho tàng trên trời.” (Mc 10,21).

ĐTC không quên nhắc lại kỷ niệm đúng 20 năm trước đây, cũng tại nơi này, Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng thế giới đang cần một “lớp người trẻ mới!” – một lớp người trẻ dấn thân với những lý tưởng cao thượng nhất và muốn xây dựng nền văn minh tình thương. ĐTC Phanxicô khuyến khích ngừơi trẻ hãy sống theo lời mời gọi ấy, đừng đánh mất các lý tưởng, trở thành chứng nhân vui tươi về tình thương của Thiên Chúa và kế hoạch rạng ngời mà Chúa dành cho chúng ta, cho đất nước này và cho thế giới chúng ta đang sống.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với 7 lời nguyện giáo dân bằng các ngôn ngữ của Philippines, Kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Cha, trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc cho mọi người. Bấy giờ là gần 12 giờ trưa, giờ địa phương. Ngài trở về Toà Sứ thần Toà Thánh cách đó 6 cây số để dùng bữa và nghỉ trưa. Tại đây, ĐTC đã gặp gỡ, trong 20 phút, để chia buồn và an ủi thân phụ cô Critel đã bị thiệt mạng tại Tacloban. Ông được người em họ tháp tùng. ĐHY Tagle TGM Manila đã làm thông ngôn. Trên bàn có hai bức ảnh rất đẹp của cô Critel, một hình của cô và một hình chụp với cha mẹ khi còn nhỏ. ĐTC cho biết ngài rất buồn vì tai nạn, nhưng cũng được an ủi vì cô đã có thể chuẩn bị cuộc gặp gỡ của dân chúng với ngài. ĐTC đã tìm cách điện thoại cho mẹ cô ở Hong Kong, nhưng không được. Bà mẹ sẽ đến Manila vào ngày hôm nay, 19-1-2015.