12/01/2025

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh đầu tiên của Sri Lanka

COLOMBO – Sáng ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ tôn phong Cha Joseph Vaz, tông đồ tại đảo Tích Lan, lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của hơn nửa triệu tín hữu tại thủ đô Colombo của Sri Lanka. Lúc 7 giờ 30, ĐTC đã rời Toà Sứ thần Toà Thánh để ra công viên Galle Face Green cách đó 2,5 cây số.

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh đầu tiên của Sri Lanka
 
COLOMBO – Sáng ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ tôn phong Cha Joseph Vaz, tông đồ tại đảo Tích Lan, lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của hơn nửa triệu tín hữu tại thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Lúc 7 giờ 30, ĐTC đã rời Toà Sứ thần Toà Thánh để ra công viên Galle Face Green cách đó 2,5 cây số. Công viên này ở trung tâm khu vực tài chính của thủ đô Colombo, trải dài 5 cây số dọc theo bờ biển. Cũng tại nơi đây, cách đây 20 năm, ngày 21-1-1995, Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng đã chủ sự Thánh lễ trọng thể lúc 10 giờ sáng trước sự hiện diện của 300.000 tín hữu, để tôn phong Cha Joseph Vaz lên bậc chân phước.

Đến công viên, ĐTC Phanxicô đã dùng xe díp tiến qua các lối để để chào thăm hơn 500.000 tín hữu tụ tập tại đây. Nhiều người phải đứng ở ngoài vòng đai công việc. Họ từ các nơi trên toàn quốc về đây, cả những vùng xa xăm ở miền bắc Sri Lanka với đa số dân là người Tamil. Hàng ngàn người đã đến đây từ chiều hôm trước và ngủ đêm tại chỗ để sẵn sàng dự lễ.

Chính phủ cũng giúp đỡ các tín hữu bằng cách cho hàng trăm xe bus của Nhà nước đến các giáo xứ để chở những tín hữu muốn tham dự về thủ đô Colombo. Thêm vào đó, theo lệnh của Bộ trưởng Giao thông Sri Lanka, có 22 chuyến xe lửa đặc biệt và giá vé được giảm bớt 50% để tạo điều kiện cho các tín hữu có thể về thủ đô Colombo. Trong số hàng trăm ngàn người tham dự Thánh lễ, đặc biệt có 1.000 tín hữu từ Giáo phận Goa, Ấn Độ, là giáo phận nguyên quán của Thánh Joseph Vaz. Ngoài ra, chính quyền cũng huy động 28.000 nhân viên cảnh sát và an ninh để giữ trật tự trong những ngày ĐTC viếng thăm.


Đến gần nhà thánh, trước khi mặc áo lễ để cử hành Thánh lễ, ĐTC đã được ông đô trưởng thành Colombo chào đón và trao tặng chìa khoá của thành phố.

Trước lễ đài, ĐTC đã được một đoàn vũ của Sri Lanka, gồm cả nam lẫn nữa, chào đón qua những điệu vũ cổ truyền. Họ cũng trình diễn các vũ điệu trong một số phần của thánh lễ.

Trước lễ đài cũng có chỗ danh dự có mái che cho tân Tổng thống Serena, một Phật tử.

Đồng tế với ĐTC không những có 20 GM Sri Lanka, các vị thuộc đoàn tuỳ tùng, nhưng có thêm 4 hồng y từ Ấn Độ, hàng chục GM thuộc các nước Á châu, kể cả Việt Nam, 1.100 linh mục. Ngoài ra có cả Lm. Cosme Jose Costa, 76 tuổi, thuộc Giáo phận Goa, Ấn Độ, là người đã được phép lạ của Thánh Joseph Vaz hồi năm 1938, khi mẹ ngài mang thai cha đến tháng thứ 7, bà bị băng huyết trầm trọng, nhưng Cha Costa đã chào đời bình an nhờ mẹ và những người thân cầu xin Cha Vaz cứu giúp.

Trong số các ca viên thuộc các ca đoàn đảm trách phần thánh ca, đặc biệt có nhiều bạn trẻ nghèo, được chọn từ các giáo phận trên toàn quốc.

Trong nghi thức phong hiển thánh, sau bài ca xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức cha Joseph Vianney Fernando, GM Kandy, nơi Cha Joseph Vaz qua đời, đã xin ĐTC cử hành việc phong hiển thánh cho cha. Rồi Đức cha Sebastião do Rosarío Ferrão, TGM Giáo phận Goa, Ấn Độ, đã tóm lược tiểu sử của cha:

Tiểu sử Thánh Joseph Vaz

Cha Joseph Vaz sinh năm 1651 tại làng Benaulim thuộc lãnh thổ Giáo phận Goa, Ấn Độ, song thân là người Bồ Đào Nha. Tốt nghiệp trung học, Joseph Vaz gia nhập chủng viện và năm 1676, và năm 25 tuổi, thầy Vaz thụ phong linh mục.

Trong những năm đầu, tân linh mục chưa nhận được bài sai đặc biệt nào, nên đã xin về hoạt động mục vụ tại Sancoale, nơi gia đình song thân sinh sống. Nhờ khiếu giảng thuyết và lòng nhiệt thành hoạt động tông đồ, nhất là ban phát Bí tích Hoà Giải, chẳng bao lâu sau, danh tiếng của vị linh mục trẻ lan rộng. Cha Vaz còn mở một trường dạy tiếng Latinh ở Sancoale để giúp đỡ các bạn trẻ muốn đi tu.

Một năm sau ngày chịu chức, Cha Vaz dâng một thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Đức Bà Phù Trợ ở Sancoale, trong đó, cha long trọng dâng hiến đời mình làm tôi tớ của Mẹ Maria. Hiện nay, bức thư do chính cha viết trong dịp đó vẫn còn được lưu giữ. Cha Vaz cũng quy tụ một nhóm linh mục khao khát sống đời khổ hạnh thành một hội dòng được đức giám mục sở tại chấp thuận và chuẩn y luật dòng, đồng thời cha được bầu lên làm bề trên tiên khởi của dòng mang tên là giảng thuyết của Thánh Philiphê Neri.

Cũng trong thời gian này, Cha Vaz được tin Giáo hội Công giáo tại Tích Lan không có người chăm sóc từ 50 năm trước đó, nghĩa là từ ngày quân Hà Lan theo phái Tin Lành cải cách chiếm đóng vùng này. Lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy Cha Vaz từ bỏ nhiệm vụ bề trên để xin đi truyền giáo tại Tích Lan, mặc dù nhà cầm quyền Hà Lan cấm cách. Giả dạng một người hành khất, Cha Vaz mấy lần tìm cách lén vào lãnh thổ Tích Lan nhưng mãi đến dịp Lễ Phục Sinh năm 1867, cha mới lên được con tàu đưa sang bán đảo Jaffna, tây bắc Tích Lan, thành luỹ kiên cố của quân đội Hà Lan thực dân. Được một gia đình Công giáo tiếp đón và chở che, cha bắt đầu tìm kiếm và thu thập các tín hữu Công giáo. Chính quyền thực dân Hà Lan đánh hơi thấy sự lạ giữa cộng đồng Công giáo, nên ra sức lùng bắt vị linh mục này. Mấy lần cha bị chặn xét, nhưng nhờ tài cải trang, cha được họ thả cho đi. Sự hiện diện của cha tại Jaffna trở thành một nguy hiểm đe doạ cả tính mạng của cha lẫn gia đình thân quyến của người dám chứa chấp cha. Vì thế, cha buộc lòng phải dời sang Sillalai, một thị trấn toàn người Công giáo phụ cận Jaffna. Từ đó cha mở rộng hoạt động mục vụ sang các thị trấn gần đó.

Mùa Giáng Sinh năm 1689, viên tư lệnh quân đội Hà Lan âu lo vì sức sống đạo của tín hữu Công giáo đang được phục hồi nên quyết lòng lùng bắt Cha Vaz, nhưng không thành công. Từ Sillalai, Cha Vaz sang thành Puttalam, nơi có hơn 1.000 tín hữu từ hơn 50 năm chưa bao giờ được thấy linh mục nào. Cha đến Vương quốc Kandy trong vùng Puttalam, với hy vọng xin quốc vương tại đây cho phép tự do đi lại thăm viếng các tín hữu nơi đây. Nhưng vì lời gièm pha của một người Hà Lan theo Tin Lành Cải cách, nên Cha Vaz cùng hai người Công giáo khác bị bắt giam. Cha tận dụng ngay thời gian bị giam cầm để học tiếng bản xứ và soạn thảo một cuốn từ điển tiếng địa phương.

Khi thấy hạnh kiểm tốt của người tù, bọn cai tù cũng nới tay thả lỏng việc kiểm soát. Năm 1692, cha đã được vua Kandy là Wimaladharmasuriya, một Phật tử, cho phép dựng một căn lều trong vườn rau của nhà giam để dâng Lễ Giáng Sinh. Ít lâu sau, căn lều này đã được biến đổi thành một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ để cầu xin ơn trở lại cho người ngoại đạo.

Dù bị cầm tù, Cha Vaz vẫn âm thầm hoạt động mục vụ cho các tín hữu tìm đến thăm cha. Một sự kiện lạ thường đã chấm dứt thời gian cầm tù của cha: lúc ấy, nước Kandy lâm nạn hạn hán nặng nề. Các nhà sư Phật giáo lập đàn theo lời yêu cầu của nhà vua để cầu mưa nhưng không được kết quả nào. Vua Kandy nhờ đến Cha Vaz. Cha xin nhà vua cho dựng một lễ đài với một Thánh Giá giữa quảng trường, rồi cha quỳ xuống cầu nguyện. Trời mưa xuống thật và lại mưa nhiều nữa, nhưng cha và lễ đài vẫn khô ráo không bị ướt chút nào. Sau biến cố lạ lùng này, Vua Kandy trả tự do và cho phép Cha Vaz được tự do giảng đạo mọi nơi.

Những năm sau đó, Cha Vaz đã tận dụng tự do để tổ chức và củng cố hệ thống truyền giáo tại Kandy và nhiều vùng phụ cận, bất chấp hiểm nguy rình rập. Cha được Dòng Giảng thuyết Thánh Philiphê Neri trợ lực và được Đức Giám mục Cochin chỉ định làm giám quản vùng Tích Lan. Cha liên tiếp kinh lược các vùng truyền giáo không biết mỏi mệt, mặc dù sức khoẻ ngày càng hao mòn. Trong chuyến đi sau cùng, cha bị ngã xe và mang thương tích trầm trọng. Về đến Kandy, bệnh tình của cha trở nặng thêm. Sau khi nhận lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, cha cầu nguyện cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào giữa đêm khuya ngày 16 tháng 1 năm 1711, thọ 59 tuổi. Vua Kandy đã đích thân gửi lời chia buồn với các cha thuộc hội dòng do cha thành lập trước đây. Tín hữu khắp nơi tuốn về Kandy viếng xác cha suốt 3 ngày trước khi cử hành tang lễ.

Cha Joseph Vaz được Đức Gioan Phaolô II tôn phong chân phước trước sự hiện diện của 300.000 tín hữu. Đêm trước đó đã có 30.000 người đến địa điểm hành lễ, họ ca hát, đánh trống, canh thức cầu nguyện và ngủ lại tại chỗ để dự lễ hôm sau. Trong số các tín hữu ấy có 2.000 người Tamil từ khu vực do phiến quân kiểm soát ở miền bắc, đã vượt mọi nguy hiểm về thủ đô dự lễ, ngoài ra còn có 800 tín hữu đến từ Ấn Độ. Đồng tế thánh lễ hôm ấy 2 có 110 vị gồm 2 hồng y, 30 giám mục và gần 80 linh mục.

Sau khi tiểu sử Cha Vaz được trình bày, mọi người đã hát Kinh Cầu các Thánh, và ĐTC Phanxicô đọc công thức tuyên bố ghi tên Chân phước Joseph Vaz vào sổ bổ các thánh của Giáo Hội và truyền cho toàn thể Giáo hội tôn kính thánh nhân.

Cộng đoàn vỗ tay rất lâu và ca đoàn hân hoan hát mừng vị tân hiển thánh, vị thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Sri Lanka, trong khi thầy phó tế rước thánh tích của Cha Vaz lên bàn thờ.

Bài giảng Thánh lễ

Trong bài giảng Thánh lễ, sau khi nhắc đến hoạt động của Thánh Joseph Vaz, ĐTC đã rút ra những bài học cụ thể cho các tín hữu ngày nay. 

Ngài nói:

Cũng như vô số các thừa sai khác trong lịch sử Giáo Hội, Thánh Joseph Vaz đã đáp lại mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh truyền hãy làm cho mọi dân nước thành môn đệ của Chúa (x. Mt 28,19). Bằng lời nói, và quan trọng hơn nữa là bằng gương sống, thánh nhân đã dẫn đưa dân chúng tại đất nước này đến niềm tin, làm cho chúng ta được “thừa hưởng gia nghiệp giữa các thánh của Chúa” (x. Cv 20,32).

ĐTC nói: “Nơi thánh Joseph chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ về lòng nhân từ và tình yêu thương của Thiên Chúa đối với các dân tộc ở Sri Lanka. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi thánh nhân một thách đố, đó là làm sao để kiên trì trên con đường Tin Mừng, tăng trưởng trong sự thánh thiện, và làm chứng cho sứ điệp hoà giải của Tin Mừng mà Ngài đã tận hiến trọn cuộc đời.

Là một linh mục thuộc dòng giảng thuyết ở quê hương Goa, Thánh Joseph Vaz đến đất nước này do lòng nhiệt thành truyền giáo và lòng yêu thương lớn lao đối với các dân tộc tại đây thúc đẩy. Vì bấy giờ có cuộc bách hại tôn giáo, thánh nhân hoá trang như người hành khất, chu toàn nghĩa vụ linh mục nơi các cuộc gặp gỡ bí mật với các tín hữu, thường là vào ban đêm. Ngài cố gắng mang lại sức mạnh tinh thần và luân lý cho các tín hữu Công giáo bị vây bủa. Cha đặc biệt mong ước phục vụ những người bệnh tật và đau khổ. Việc phục vụ của cha dành cho những người đau yếu được nhà vua rất quý chuộng trong thời kỳ dịch đậu mùa ở Kandy đến độ vua cho phép cha được tự do hơn trong việc làm mục vụ. Từ Kandy, cha có thể đi tới các nơi khác trong đảo. Cha hăng say thi hành công tác truyền giáo, và qua đời vì kiệt lực lúc 59 tuổi, được dân chúng kính trọng vì sự thánh thiện.

ĐTC nhận xét rằng “Thánh Joseph Vaz tiếp tục là một mẫu gương và là thày dạy vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn tập trung vào 3 điều”.

 Thứ nhất, thánh nhân là một linh mục gương mẫu. Tại đây hôm nay có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ, giống như Thánh Joseph Vaz, đã được thánh hiến để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Tôi khuyến khích mỗi người trong anh chị em hãy nhìn lên Thánh Joseph Vaz như người hướng đạo chắc chắn. Thánh nhân dạy chúng ta cách thức đi tới những vùng ngoại ô, làm cho Chúa Giêsu Kitô được biết đến và yêu mến ở mọi nơi. Ngài cũng nêu gương về sự kiên nhẫn chịu đau khổ vì chính nghĩa Tin Mừng, vâng phục các bề trên, chăm sóc yêu mến Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Cv 20,28). Cũng như chúng ta, Thánh Joseph Vaz đã sống trong một thời đại có những biến chuyện mau lẹ và sâu rộng; các tín hữu Công giáo chỉ là một thiểu số, và thường bị chia rẽ nội bộ; đôi khi có những đố kỵ, nhiều khi có những bách hại từ bên ngoài. Nhưng vì thánh nhân luôn kết hiệp trong kinh nguyện với Chúa chịu đóng đinh, ngài có thể trở nên hình ảnh sống sống cho mọi người về lòng từ bi và tình yêu thương hoà giải của Thiên Chúa.

 Thứ hai, Thánh Joseph Vaz tỏ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự vượt thắng những chia rẽ tôn giáo trong việc phụng sự hoà bình. Tình yêu không chia sẻ của thánh nhân đối với Chúa mở cho ngài tình yêu đối với tha nhân; ngài phục vụ những người túng thiếu, bất kỳ là ai và ở nơi nào. Tấm gương của thánh nhân tiếp tục soi sáng cho Giáo Hội tại Sri Lanka ngày nay. Giáo Hội vui mừng và quảng đại phục vụ mọi thành phần trong xã hội. Giáo Hội không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, bộ tộc, giai tầng xã hội hay tôn giáo trong công tác phục vụ ở trường học, nhà thương, bệnh xá, và nhiều công tác từ thiện khác. Điều duy nhất mà Giáo Hội yêu cầu là được tự do thi hành sứ vụ của mình. Tự do tôn giáo là một nhân quyền căn bản. Mỗi người phải được tự do, một mình hoặc hiệp với người khác, tìm kiếm chân lý và công khai bày tỏ những xác tín tôn giáo của mình, không bị doạ nạt hoặc sức ép từ bên ngoài. Như cuộc sống của Thánh Joseph Vaz dạy chúng ta, việc phụng tự chân thành đối với Thiên Chúa mang lại hoa trái, không phải trong sự kỳ thị, oán thù hay bạo lực, nhưng trong sự tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, dấn thân phục vụ an sinh của tất cả mọi ngừơi trong tinh thần yêu thương.

 Sau cùng, Thánh Joseph Vaz nêu gương cho chúng ta cho chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân đến Tích Lan để phục vụ cộng đồng Công giáo, trong tình bác ái theo tinh thần Phúc Âm, ngài tìm đến với mọi người. Từ bỏ quê hương, gia đình và môi trường quen thuộc thoải mái, ngài đáp lại tiếng gọi hãy ra đi để nói về Chúa Kitô tại bất kỳ nơi nào ngài được dẫn đến. Thánh Joseph Vaz biết cách trình bày chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng trong một môi trường đa tôn giáo, trong niềm tôn trọng, với lòng tận tuỵ, kiên trì và khiêm tốn. Đó cũng là con đường của các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay. Chúng ta được kêu gọi ra đi với cùng một lòng nhiệt thành, cùng một lòng can đảm như Thánh Joseph Vaz, nhưng cũng với sự nhạy cảm của ngài, tôn trọng tha nhân, ước muốn chia sẻ với họ lời ân phúc (x. Cv 20,32) có năng lực thăng tiến họ. Chúng ta được kêu gọi trở thành những môn đệ thừa sai của Chúa.

ĐTC kết luận: “Noi gương Thánh Joseph Vaz, tôi cầu nguyện để các tín hữu Kitô tại nước này được củng cố trong đức tin và đóng góp nhiều hơn nữa cho hoà bình, công lý và hoà giải trong xã hội Sri Lanka. Đó là điều mà Chúa Kitô yêu cầu anh chị em. Đó là điều mà Thánh Joseph Vaz dạy anh chị em. Đó là điều mà Giáo Hội đang cần nơi anh chị em. Tôi phó thác tất cả anh chị em cho vị thánh mới của chúng ta, để trong niềm hiệp thông với Giáo Hội trên toàn thế giới, anh chị em có thể hát bài ca mới chúc tụng Chúa và cao rao vinh quang Chúa cho đến tận bờ cõi trái đất. Vì Chúa thật là cao cả và phải được chúc tụng đời đời (x. Tv 96,1-4). Amen.”

Quà tặng

Cuối Thánh lễ, ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colobom sở tại, đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC về món quà quý giá là lễ tôn phong vị thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Sri Lanka. ĐHY cũng trao cho ĐTC một ngân phiếu 70.000 Mỹ kim do các tín hữu đóng góp cho các hoạt động bác ái của ngài. ĐHY nói: “Chúng con là một Giáo Hội nghèo, nhưng chúng con cũng xin ĐTC nhận món quà này cho các công tác bác ái.”

Về phần ĐTC, ngài tặng cho Giáo Hội tại Sri Lanka bản sao bằng đồng sắc chỉ của vua Keerthi Sri Rajasinghe của nước Kandy tuyên bố không cấm những người dân Singalais muốn theo Kitô giáo và cho phép tất cả các mục tử cùng dòng được rao giảng cho những người sinh tại Sri Lanka và Phật tử muốn theo Kitô giáo.

Thánh lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trong bầu không khí nồng nhiệt. Bấy giờ là 11 giờ sáng, giờ địa phương. ĐTC trở về Toà Sứ thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, để chuẩn bị viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Madhu vào ban chiều.