11/01/2025

Nguồn nước sạch từ “hoa trên đảo”

Những ngày đầu năm 2015, sự xuất hiện của ba “bông hoa” màu sắc, sừng sững trong khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) khiến ai nấy đều thắc mắc.

 

Nguồn nước sạch từ  “hoa trên đảo”

 

Những ngày đầu năm 2015, sự xuất hiện của ba “bông hoa” màu sắc, sừng sững trong khuôn viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng) khiến ai nấy đều thắc mắc.

 

 


 

 

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (huyện Cát Hải) ngồi đọc báo, trò chuyện dưới chòi nghỉ “Hoa trên đảo” – Ảnh: Công Nhật

Ba “bông hoa” này được gọi là “Hoa trên đảo” do Nguyễn Phương Anh (ĐH Ngoại thương Hà Nội) và Tăng Việt Dũng (ĐH Kiến trúc Hà Nội) thiết kế.

Hết mình với “đứa con tinh thần”

Ba “bông hoa” này, “ngoài việc tạo cảnh quan thân thiện, giúp trường dự trữ nước sạch, còn là tư liệu sống động cho những tiết học về bảo vệ môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng sau này” – ông Đoàn Minh Phương, hiệu trưởng nhà trường, nói.

Là một trong ba dự án chiến thắng ở cuộc thi Mùa hè nước 2014 (do Bộ Tài nguyên – môi trường và nhãn hàng Comfort, báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức), “Hoa trên đảo” lấy ý tưởng từ những bông hoa khổng lồ vươn lên chắn nắng gió giữa không trung.

“Chúng tôi muốn xây dựng một chòi nghỉ chắc chắn, có tính thẩm mỹ cao, đồng thời có thể tận dụng để hứng chuyển nước mưa thành nước tinh khiết. Hệ thống chòi nghỉ của chúng tôi được thiết kế có bể lọc, bể lắng và chảy vào một bể ngầm có dung lượng 4m³ nước” – Phương Anh giải thích.

Tuy nhiên, khoảng cách từ ý tưởng đến thực tế là không nhỏ.

Phương Anh cho biết tuy đã tìm hiểu cẩn thận trong giai đoạn nộp bản thiết kế tham dự cuộc thi nhưng cả hai vẫn nhiều lần rơi vào trạng thái căng thẳng khi bắt tay làm thật.

Cả hai phải vắt kiệt sức tìm tòi, nghiên cứu thêm bởi thiếu kinh nghiệm thực tế, không lường hết những vấn đề trong quá trình thi công như: xây dựng bể nước ngầm trong sân trường, các điều kiện thời tiết ở đảo có an toàn, nước dẫu đã được lọc hai lần nhưng liệu đã đảm bảo vệ sinh?…

“Ngoài ra do cả hai đều đang học năm cuối nên việc cân đối thời gian giữa học tập, đi làm và triển khai dự án cũng rất thử thách. Do dự án được thực hiện ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) trong khi cả hai đang học tại Hà Nội nên việc đi lại tốn nhiều thời gian, nhất là khi chúng tôi phải đi thực tế gấp nhiều lần so với dự kiến” – Phương Anh chia sẻ.

Thành quả được ghi nhận

“Hoa trên đảo” hoàn thiện khâu cuối cùng và chính thức được đưa vào sử dụng đầu tháng 1-2015. Chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình trong ngày khánh thành, Phương Anh và Việt Dũng không giấu được xúc động.

Nhìn lại, cả hai tin rằng bản thân đã trưởng thành và học hỏi được nhiều, có tư duy thực tế hơn sau bốn tháng ròng rã ăn ngủ cùng dự án.

“Dự án này càng có ý nghĩa hơn khi chúng tôi đọc được niềm vui rạng ngời trong mắt các em học sinh được học, tìm hiểu về nước thông qua sản phẩm của mình” – Việt Dũng nói.

Vừa ngồi dưới bóng râm của “Hoa trên đảo”, em Nguyễn Thanh Thanh (lớp 5/2) vừa tíu tít: “Chúng em được nhà trường, gia đình dạy nhiều về việc tiết kiệm, bảo vệ nước sạch nhưng nếu được học với những thứ có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay như thế này sẽ tiếp thu dễ dàng, thú vị hơn rất nhiều”.

Còn bà Hoàng Thị Huân (phụ huynh học sinh) đầy hứng khởi: “Đặc thù của đảo luôn khó khăn về nguồn nước sạch trong khi mật độ dân số ngày càng đông đúc nên chúng tôi luôn mong muốn tìm cách để tạo ra nguồn nước ngọt mới. “Hoa trên đảo” theo tôi vừa giúp tạo được mỹ quan vừa không chiếm diện tích nhiều, vừa là cách thức tạo nguồn nước sạch hiệu quả, đơn giản… nên hi vọng có thể áp dụng rộng rãi ở trường học lẫn nhà dân”.

Phương Anh cho biết mỗi hệ thống gồm một “bông hoa” (chòi nghỉ) và bể nước ngầm thì khoảng 15 triệu đồng.

“Mỗi đội thắng cuộc được ban tổ chức hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện dự án, chúng tôi xây ba “bông hoa” nhưng vẫn còn dư một ít để bổ sung vài chiếc ghế đá cho các em học sinh ngồi nghỉ” – cô bạn từng đoạt vô số giải thưởng nghiên cứu khoa học và bằng khen hoạt động tình nguyện tiết lộ.

Ông Hoàng Xuân Thuỷ (phó chủ tịch UBND thị trấn Cát Bà) khẳng định chính quyền địa phương rất hoan nghênh và luôn sẵn sàng hỗ trợ những dự án cộng đồng ý nghĩa và đầy chất trẻ như “Hoa trên đảo”.

Tương tự, bà Trần Thị Thanh Tâm (phó trưởng phòng hệ thống thông tin, trung tâm thông tin – kinh tế tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước) nói: “Chương trình Mùa hè nước 2014 nói chung và dự án “Hoa trên đảo” nói riêng là những hoạt động thực tế rất cần thiết bởi nguồn nước ở VN đang đứng trước rất nhiều thách thức”.

Bà Tâm cho rằng các hoạt động trên sẽ thêm phần ý nghĩa nếu được đem đến những vùng sâu, vùng xa nơi nước sạch dần trở thành điều xa xỉ.

“Chúng tôi mong muốn không chỉ đem dự án đến quê hương Hải Phòng mà được tạo điều kiện nhân rộng đến các vùng đảo xa ở miền Trung, xa hơn nữa có thể là Trường Sa” – Việt Dũng tâm sự.

Tin vào người trẻ

“Trong gần 400 dự án gửi về chương trình và trang www.1tym3nuoc.vn, rất nhiều bài dự thi dài hơn 10 trang giấy trắng, điều đó cho thấy giới trẻ ngày nay không hề quay lưng với vấn đề bảo vệ nguồn nước. Khi mọi người chung tay, chúng tôi tin những hành động nhỏ hoàn toàn có thể đem lại sự thay đổi lớn” – bà Ngô Ái Quyên (giám đốc ngành hàng nước xả vải, Unilever VN) chia sẻ.

Đồng hành xuyên suốt cuộc thi, bà Vũ Hương Thảo (trưởng nhãn hàng Comfort) cho biết cả ba dự án đoạt giải Mùa hè nước 2014 đều có tính thuyết phục, ứng dụng cao.

“Chúng tôi đang đặt vấn đề với Hội Liên hiệp Thanh niên VN để lồng ghép các dự án trên vào chương trình Mùa hè xanh, song song đó là mở rộng quy mô cuộc thi, sẵn sàng hỗ trợ thêm kinh phí cho các nhóm khi cần”, bà Thảo nói.

CÔNG NHẬT