27/11/2024

Những người giữ rừng trên đảo

Trong số họ, có những người đã gắn bó gần như cả tuổi xuân, cuộc đời với biển đảo, để mang lại màu xanh ngút ngàn giữa trùng khơi.

 

Những người giữ rừng trên đảo

 

 

Trong số họ, có những người đã gắn bó gần như cả tuổi xuân, cuộc đời với biển đảo, để mang lại màu xanh ngút ngàn giữa trùng khơi.

 

 

 

Những người giữ rừng trên đảo - ảnh 1
Những người giữ rừng trên đảo - ảnh 2
Những người giữ rừng trên đảo - ảnh 3Trên đường cùng du khách (ảnh trên) và chăm sóc động vật ở vườn quốc gia Côn Đảo – Ảnh: T.Q
Cách đây không lâu, trong chuyến tham quan Côn Đảo, một địa danh gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi không phải là về khu di tích lịch sử nổi tiếng (nhà tù, chuồng cọp, Nghĩa trang Hàng Dương) hay cảnh đẹp thiên nhiên, biển -đảo hùng vĩ, mà lại là về sự cống hiến thầm lặng của những người làm nghề rừng (lâm nghiệp, kiểm lâm), mà tiêu biểu là cá nhân Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo Lê Xuân Ái.
“Đoàn của anh thật may mắn”
Tình cờ, chuyến tham quan của tôi rơi vào ngày cuối tuần. Một nhân viên phòng du lịch của VQG nói với tôi rằng: “Đoàn của anh thật may mắn vì người hướng dẫn và đồng hành với đoàn hôm nay là Giám đốc VQG”.
Tôi chưa kịp ngạc nhiên thì đã thấy anh xuất hiện, dáng vẻ khá “phong trần”, nai nịt gọn ghẽ với ba lô trên vai, máy ảnh cầm tay. Anh tự giới thiệu, niềm nở chào và giục mọi người tranh thủ thời gian lên đường. Quả thật, nếu không được giới thiệu trước thì tôi cũng khó đoán được đây là giám đốc của VQG, bởi vẻ giản dị và dễ mến của anh.
Trên đường đi tham quan tuyến “Sở Rẫy – bãi Ông Đụng”, vừa đi vừa nói chuyện với anh, tôi mỗi lúc một ngạc nhiên thêm, không chỉ vì những kiến thức phong phú và sâu sắc của anh về hệ sinh thái rừng, biển ở Côn Đảo, mà điều khiến tôi bị cuốn hút hơn cả là câu chuyện về nghề nghiệp của anh. Thì ra, ngay sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông Lâm TP.HCM (năm 1985), anh đã khoác ba lô ra nhận nhiệm vụ tại Côn Đảo, khi đó mới chỉ là Khu rừng cấm Côn Đảo (thành lập năm 1984), tới năm 1993 được nâng hạng lên thành VQG. Nghĩa là, tính tới thời điểm tôi kể câu chuyện này, anh đã liên tục công tác tại đây được gần… 30 năm và vẫn đang còn khoảng 5 – 6 năm công tác phía trước.
Khỏi phải nói nhiều, ta cũng có thể hình dung ra những khó khăn vất vả và thử thách đối với chàng sinh viên “nghề rừng” mới ra trường chọn nơi khởi nghiệp tại hòn đảo được mệnh danh là “địa ngục trần gian” với hệ thống nhà tù, chuồng cọp khét tiếng giam giữ những người cộng sản qua 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.
Anh không kể nhiều về những gian truân, sóng gió của mình và đồng đội đã trải qua. Nhưng nhìn vào cơ ngơi của VQG hiện tại và qua những trưng bày ở Phòng Du lịch thì ai cũng thấy thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các anh trong suốt chặng đường gần 30 năm qua đối với công cuộc gìn giữ, xây dựng để bảo tồn hệ tài nguyên sinh thái rừng – biển của khu vực huyện đảo. Tháng 6.2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận VQG Côn Đảo là Khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của VN.
Quay lại câu chuyện về hành trình tham quan, vừa tới bãi Ông Đụng, trong khi tôi được một kiểm lâm viên dẫn đi thăm rừng, một lúc sau quay lại đã thấy giám đốc đang cùng anh em kiểm lâm hì hụi xếp đá thành kè để chắn sóng. Anh nói với tôi: “Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nếu không có việc bận ở trụ sở VQG thì tôi thường xuống các trạm kiểm lâm cùng anh em tham gia các hoạt động ngoài trời, chăm sóc cây cối, sửa sang lại cơ sở vật chất của trạm. Đêm nghỉ lại trạm để trò chuyện cùng anh em kiểm lâm”. Không khí thật thân tình và đầm ấm như gia đình, không còn khoảng cách của giám đốc và nhân viên.
Những chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học
Trưa hôm đó, anh rủ mọi người trong đoàn cùng đi bơi, lặn xem san hô và kéo lưới. Dù không bắt được nhiều cá, nhưng chỉ vài con bây nhiêu thôi, cũng đủ để chúng tôi vui mừng như trẻ thơ.
Tôi vui lây với niềm vui giản dị và sự lạc quan của anh. Tôi thầm liên tưởng: “Nếu mình ở vào địa vị của anh, phải xa gia đình, con cái (gia đình anh sống ở TP.Vũng Tàu), vài tháng mới có dịp về gặp gia đình một lần trong suốt gần 30 năm trời như vậy, liệu mình có thể lạc quan được như vậy hay không nhỉ?”.
Ngày hôm sau, chúng tôi đi tiếp ra Hòn Tre lớn để thăm rùa biển đẻ trứng. Thấy chúng tôi ra, anh em kiểm lâm vui lắm. Niềm vui càng nhân lên khi Giám đốc VQG rất tâm lý, mang quà tặng anh em, dù chỉ là cây thuốc lá và một can rượu nhỏ.
Theo quy chế của Vườn quốc gia Côn Đảo, các trạm chỉ có biên chế khoảng 3 người, được luân phiên quay vòng 2 năm một lần và một tháng được thay nhau về nghỉ 5 ngày. Vào mùa gió chướng, biển động, tàu không cập hòn được là anh em phải ở lại.
Các nhân viên kiểm lâm ban ngày đi tuần tra hàng chục
ki lô mét đường rừng, tối về chỉ còn lại 3 anh em làm bạn với biển khơi với cả một không gian tĩnh lặng, nhớ đất liền và người thân da diết. Họ nói hầu như cả tháng trời không gặp ai, thuyền đánh cá của dân cũng ít khi ghé lại. Gặp đoàn tôi ra thăm, họ hồ hởi chỉ dẫn và say mê nói về tập tục của rùa biển, về dự án bảo tồn rùa do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ.
Nghe họ nói, tôi nhận thấy niềm đam mê xen lẫn tự hào như thể họ là những chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học thực thụ. Khi chia tay chúng tôi, họ bịn rịn ra tiễn tận cầu tàu, nhìn khóe mắt họ tôi phải quay mặt đi để giấu cảm xúc.
Hà Nội mùa thu 2014
Sợ một ngày không có anh…
Tới sáng thứ hai, tôi kết thúc chuyến tham quan để trở về đất liền. Trước khi rời nhà khách của VQG, tôi ghé qua chào giám đốc tại văn phòng làm việc, vô tình tôi đọc được hai câu thơ treo trên tường ngay cạnh bàn làm việc của anh:
“Cảm ơn Đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để YÊU THƯƠNG” (*)
Đọc câu thơ, một lần nữa tôi chợt cảm thấy một cảm xúc khó tả về sự lạc quan hiếm thấy của anh – người đã cống hiến tuổi trẻ và có thể nói là hầu như cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng tại VQG Côn Đảo, coi đó là lẽ sống của mình. Tôi chỉ sợ một ngày nào đó Côn Đảo không còn anh, không còn trụ cột vững chắc như thế nữa thì khu Ramsar biển đầu tiên của VN này cũng khó được bảo tồn trước sự tàn phá ngày càng khốc liệt của con người.

* Đây là câu thơ của tác giả Kahlil Gibran (1883 – 1931), một thi sĩ và họa sĩ người Mỹ gốc Liban. Những câu thơ này được trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923, được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch lại – TG.

Thanh Quang