Đồng hành với người bị chấn thương tinh thần
Bà Annette March-Grier, 53 tuổi, vừa được CNN vinh danh là 1 trong 10 “anh hùng” của năm 2014 vì sự giúp đỡ quý giá đối với hơn 2.100 người Baltimore, trong đó quá nửa là trẻ em.
Đồng hành với người bị chấn thương tinh thần
Bà Annette March-Grier, 53 tuổi, vừa được CNN vinh danh là 1 trong 10 “anh hùng” của năm 2014 vì sự giúp đỡ quý giá đối với hơn 2.100 người Baltimore, trong đó quá nửa là trẻ em.
Bé Kyron và tờ giấy có in hình người cha quá cố của em tại Roberta’s House – Ảnh: CNN |
Có lẽ ít người hiểu được vì sao bà Annette March-Grier lại có ý tưởng xây dựng Nhà Roberta (Roberta’s House) – chốn an toàn dành cho những người cần trợ giúp tinh thần để vượt qua nỗi đau khi người thân qua đời.
Trong quá trình hoạt động, bà March-Grier không chỉ dừng ở việc trợ giúp tâm lý với những người bị mất người thân. Cánh cửa Nhà Roberta còn mở rộng với cả những người bị khủng hoảng tâm lý khi người thân hay cha mẹ họ bị vào tù và cả những người bị lạm dụng tình dục. |
Nhưng khi trở lại với tuổi thơ của một cô bé từng sinh trưởng trong gia đình làm nghề phục vụ tang lễ ở Baltimore cách đây vài chục năm, mọi sự lại thật dễ giải thích.
Ngày ấy, cô bé March-Grier thường ngồi trên cầu thang và nhìn xuống qua lan can, quan sát cảnh những người ruột thịt dứt lòng đưa tiễn người thân của họ về nơi chín suối. “Cái chết đã luôn hiện diện quanh tôi trong những ngày tháng đó”, bà March-Grier nhớ lại. Và cùng với cái chết của người ra đi là bao nỗi đau còn ở lại.
Năm tháng qua đi, ám ảnh về những đau thương của mọi người xung quanh vẫn không thôi day dứt. Nó càng trở nên nhức nhối hơn với bà Annette March-Grier khi những năm gần đây, các cuộc khủng hoảng và bạo lực liên tiếp xảy ra tại Baltimore cướp đi sinh mạng bao người.
Những cái chết bất ngờ và thương tâm đã đẩy không ít người, nhất là trẻ em, vào tình cảnh sốc và chấn thương tâm lý nặng nề. Năm ngoái, số vụ giết người ở Baltimore đã tăng lên mức cao nhất trong vòng bốn năm trở lại đây.
Bà March-Grier tâm sự: “Nỗi đau mất mát người thân với một đứa trẻ thường bao hàm cả sự khủng hoảng bất an và cảm giác vô định. Cú sốc đột ngột này có thể rất nguy hiểm với chúng nếu không được hỗ trợ kịp thời”.
Và từ tất cả những trải nghiệm đã qua trong đời, bà March-Grier thành lập Nhà Roberta – cái tên được khơi gợi cảm hứng và ý tưởng từ người mẹ đã quá cố của bà – ngôi nhà dành cho những người bị tổn thương tâm lý nặng nề và cần trợ giúp. Và suốt từ năm 2008, Nhà Roberta đã đồng hành với hơn 2.100 người vượt qua nỗi đau sinh ly tử biệt. Có quá nửa trong đó là các em nhỏ.
Đến với Nhà Roberta, mọi người như được nương náu vào một chốn an toàn. Tại đó, họ nhận được sự trợ giúp từ các nhóm hỗ trợ đồng đẳng, được tham gia các hội thảo về tư vấn hoặc về một nội dung chuyên biệt nào đó.
Nhà Roberta còn có chương trình Gia đình dành cho các em nhỏ tuổi từ 5-17 mà ở đó các tình nguyện viên sẽ giúp các em biết cách tự khám phá cảm xúc bản thân. Họ dạy các em cách thức lành mạnh đương đầu với nỗi đau thông qua việc ghi nhật ký, các trò chơi, những hoạt động nghệ thuật.
Bà March-Grier bảo: “Chúng tôi dạy các em nhỏ rằng khóc được là rất tốt, khóc không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà chính là cách biểu đạt tình yêu thương”.
Và đó là những gì Nhà Roberta đã và đang dành tâm huyết mỗi ngày cho những người tìm tới họ nương cậy trong cảnh éo le, khốn quẫn. Bé trai Kyron Chase, 7 tuổi, con chị Kimberly Vinson, là một trong số đó.
Chị Kimberly từng nói có lẽ chưa bao giờ chị phải đối mặt với nhiệm vụ khủng khiếp nhất đời mình: nói cho đứa con trai bé bỏng biết cha nó đã bị giết chết. Bởi chị biết có lẽ trên đời này ít đứa trẻ nào có được sự gắn bó đặc biệt sâu sắc với cha mình như Kyron Chase, hơn nữa bé còn quá nhỏ.
Tai hoạ xảy đến với gia đình chị Kimberly hồi tháng 12 năm ngoái. Và điều chị bận tâm nhiều nhất không chỉ là chuyện chật vật mưu sinh nuôi hai đứa trẻ mồ côi cha mà còn là làm sao để con trai vượt qua cú sốc này. Thế rồi chị đưa con tìm tới Nhà Roberta.
Sau một tháng tham gia các chương trình chia sẻ tư vấn tâm lý tại đây, chị Kimberly nhẹ nhõm phần nào khi thấy con bắt đầu cởi mở hơn về những cảm xúc, suy nghĩ, về cái chết của cha nó.
Những trải nghiệm ở Nhà Roberta khiến chị hiểu con mình đã thấy quanh nó còn bao đứa trẻ khác đang phải gánh chịu những bi kịch nặng nề hơn mình. Và rồi bé trưởng thành, mạnh mẽ dần trước nỗi đau riêng.