27/11/2024

“Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi con tim chai cứng”

“Chúng ta có thể theo học hàng ngàn khoá giáo lý, hàng ngàn khoá học về linh đạo, hàng ngàn khoá học yoga hay thiền, hay tất cả những điều này; nhưng chẳng có gì trong những thứ ấy có thể đem lại cho ta sự tự do làm con (của Thiên Chúa). Chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể khiến tim ta thốt lên lời “Cha ơi”: đó là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ cử hành tại Nhà nguyện của Nhà khách Santa Marta sáng thứ Sáu 9-1.

“Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi con tim chai cứng”
 
WHĐ (10.01.2015) – “Chúng ta có thể theo học hàng ngàn khoá giáo lý, hàng ngàn khoá học về linh đạo, hàng ngàn khoá học yoga hay thiền, hay tất cả những điều này; nhưng chẳng có gì trong những thứ ấy có thể đem lại cho ta sự tự do làm con (của Thiên Chúa). Chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể khiến tim ta thốt lên lời “Cha ơi”: đó là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ cử hành tại Nhà nguyện của Nhà khách Santa Marta sáng thứ Sáu 9-1. 

Đức Thánh Cha trở lại với bài Tin Mừng theo Thánh Marcô, nói về việc các môn đệ sợ hãi khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với họ. Đoạn Tin Mừng kết thúc với lời giải thích tại sao các môn đệ cảm thấy sợ hãi: họ đã không hiểu phép lạ bánh hoá ra nhiều vì “con tim của họ đã chai cứng”.

Con tim của một người có thể được làm bằng đá vì nhiều lý do, chẳng hạn, gặp phải kinh nghiệm đau thương trong đời, như kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmau – sợ phải thất vọng lần nữa, hay như Tôma – không tin rằng Chúa đã sống lại.

Một lý do khác khiến cho con tim chai cứng là đóng cửa lòng mình lại. Xây dựng một thế giới trong chính mình, tất cả đều đóng kín. Đóng kín trong lòng mình, trong cộng đoàn hay giáo xứ của mình, lúc nào cũng đóng kín. Và việc đóng kín này có thể xoay quanh rất nhiều điều: chúng ta hãy suy nghĩ về sự tự kiêu, tự mãn, tưởng rằng mình giỏi hơn người khác, và cả sự phù phiếm nữa. Có “những con người phản chiếu trong gương” (người kết hôn với chính hình ảnh của mình trong gương), đó là những người khép kín trong chính bản thân mình và không ngừng nhìn ngắm bản thân mình. Đó là những người “tự say mê chính mình” trong đạo. Họ có một con tim chai cứng vì họ khép kín trong chính mình mà  không biết mở ra. Và họ tìm cách xây dựng những bức tường chung quanh để tự bảo vệ chính mình.

Con tim chai cứng cũng có thể phát sinh từ tâm lý bất an, chẳng hạn như những người cố thủ trong các lề luật và quy định, như thể ở trong nhà tù, để cảm thấy được an toàn hơn và tuân giữ các quy định theo từng chữ.

Khi con tim trở nên chai cứng, nó không còn tự do và nếu nó không còn tự do là bởi vì người đó không còn khả năng yêu thương, đó là tình cảnh mà Thánh Gioan Tông đồ nói đến trong bài đọc thứ nhất. Tình yêu hoàn hảo thì không sợ hãi: trong tình yêu không có sợ hãi, vì sợ hãi thì gắn liền với trừng phạt và người nào sợ hãi thì không có tình yêu hoàn hảo. Người ấy không có tự do. Họ cứ sợ rằng có gì đó đau thương hay buồn sầu sẽ xảy ra, điều đó làm cho cuộc sống của họ trở nên nặng nề hoặc sẽ nguy hại cho phần rỗi đời đời của họ… Thật khéo tưởng tượng, bởi vì người ấy không biết yêu thương. Một người không có khả năng yêu thương thì không có tự do. Và con tim của họ chai cứng bởi vì họ đã không học được cách yêu thương.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể dạy chúng ta biết yêu thương và giải thoát chúng ta khỏi con tim chai cứng của mình. Chúng ta có thể theo học hàng ngàn khoá giáo lý, hàng ngàn khoá học về linh đạo, hàng ngàn khoá học yoga hay thiền, hay tất cả những điều này; nhưng chẳng có gì trong những thứ ấy có thể đem lại cho ta sự tự do làm con (của Thiên Chúa). Chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể khiến tim ta thốt lên lời “Cha ơi”, chỉ một mình Chúa Thánh Thần mới có thể xua tan, bẻ gãy con tim chai cứng của chúng ta và làm cho nó trở nên … mềm mại. Không, tôi thích dùng từ “dễ bảo” hơn: dễ bảo đối với Chúa, dễ bảo khi nói về tự do để yêu thương.