09/01/2025

Làm con người và làm con Thiên Chúa

Các bạn thân mến, Chúa Nhật Lễ Chúa Chịu Phép Rửa hôm nay kết thúc Mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đại mầu nhiệm này là nguồn suối tái sinh cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Thiên Chúa đã trở thành con của con người, để cho con người trở thành con của Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta hãy canh tân niềm vui được làm con

 Làm con người và làm con Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin Lễ Chúa Chịu Phép Rửa
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật, 8/1/ 2012

Anh chị em thân mến!

Ngày hôm nay chúng ta cử hành Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Sáng nay, tôi đã ban Bí tích Thánh Tẩy cho 16 em nhỏ. Chính vì thế, tôi muốn đề nghị một suy tư ngắn gọn về bản tính làm con Thiên Chúa của chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta chỉ đơn thuần khởi đi từ bản tính làm con của chúng ta: đó là điều kiện cơ bản mà tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ. Không phải tất cả chúng ta là cha, là mẹ, mà chắc chắn tất cả chúng ta là con cái. Sự kiện bước vào đời không bao giờ là một chọn lựa cả, chúng ta đã không được hỏi trước liệu chúng ta có muốn được sinh ra hay không. Nhưng trong suốt cuộc đời, chúng ta có thể khai triển một thái độ tự do khi đối diện với sự sống: chúng ta có thể đón nhận sự sống như một ân huệ, và theo một nghĩa nào đó, “trở nên” điều chúng ta là: trở nên con cái. Bước chuyển này đánh dấu một khúc quanh trưởng thành trong hữu thể của chúng ta và trong tương quan với cha mẹ chúng ta, và mối tương quan này chứa đựng lòng biết ơn. Đó là một bước chuyển làm cho chúng ta cũng có khả năng đến phiên chúng ta, chúng ta cũng được làm cha, làm mẹ – không phải về phương diện sinh học, mà là luân lý.

 

Trước mặt Thiên Chúa cũng thế, tất cả chúng ta là con cái. Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi cuộc hiện sinh, và một cách đặc biệt, Ngài là Cha của mỗi hữu thể nhân văn: Ngài có một mối tương quan độc nhất, cá biệt với mỗi người, nam cũng như nữ. Mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa muốn và yêu thương. Và ngay cả trong mối tương quan với Thiên Chúa này, chúng ta có thể “tái sinh”, nếu chúng ta có thể nói được như thế, nghĩa là trở nên điều chúng ta đang là. Điều này có thể xảy ra nhờ đức tin, nhờ một “tiếng xin vâng” sâu xa và mang tính nhân vị với Thiên Chúa được xem là nguồn gốc và nền tảng của cuộc đời chúng ta. Với “tiếng xin vâng” này, tôi đón nhận sự sống như hồng ân của Cha Trên Trời, một Đấng sinh thành mà tôi không thấy được, nhưng lại là Đấng tôi tin, và tôi cảm thấy tự đáy sâu tâm hồn như người Cha của tôi, và Cha của mọi người anh chị em nhân loại của tôi, một người Cha vô cùng tốt lành và trung tín. Niềm tin vào Thiên Chúa là Cha dựa vào điều gì? Niềm tin ấy dựa vào Đức Giêsu Kitô: con người của Đức Kitô và lịch sử của Người mặc khải cho chúng ta Chúa Cha, làm cho chúng ta biết Ngài, theo chừng mực mà chúng ta có thể biết được Ngài trên trần gian này. Tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, sẽ cho phép chúng ta “tái sinh từ trên cao”, nghĩa là từ Thiên Chúa là Tình Yêu (x. Ga 3,3).

 

Một lần nữa, chúng ta hãy ghi nhớ trong tâm trí rằng không ai tự mình làm người cả: tất cả chúng ta đều được sinh ra, mà không hề có một hành động nào từ phía chúng ta. Thể thụ động của việc sinh ra đi trước thể chủ động của hành động của chúng ta. Điều này cũng xảy ra giống như thế trên bình diện đời sống Kitô hữu: không ai có thể tự mình làm Kitô hữu, bằng ý chí riêng của mình, làm Kitô hữu cũng là một ân huệ đi trước hành động của chúng ta: chúng ta phải tái sinh qua một cuộc sinh nở mới. Thánh Gioan nói: “Nhưng đối với tất cả những ai tiếp nhận Người, thì Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12). Đó là ý nghĩa của Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thánh Tẩy là cuộc sinh nở mới này, một cuộc sinh nở đi trước hành động của chúng ta. Nhờ đức tin, chúng ta có thể đi gặp Đức Kitô, nhưng chỉ một mình Người mới có thể làm cho chúng ta trở nên những Kitô hữu, và ban cho ý chí chúng ta, ước muốn của chúng ta câu trả lời, phẩm giá, quyền trở nên con cái Thiên Chúa – mà chúng ta không có được nhờ sức riêng của chúng ta -.

 

Các bạn thân mến, Chúa Nhật Lễ Chúa Chịu Phép Rửa hôm nay kết thúc Mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đại mầu nhiệm này là nguồn suối tái sinh cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Thiên Chúa đã trở thành con của con người, để cho con người trở thành con của Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta hãy canh tân niềm vui được làm con: với tư cách là con người, và với tư cách là Kitô hữu; được sinh ra được tái sinh để sống một cuộc sống thần linh mới. Được sinh ra từ tình yêu của một người cha và của một người mẹ, và được tái sinh từ tình yêu của Thiên Chúa, nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Đức Kitô và là Mẹ của tất cả những ai tin vào Người, xin Mẹ giúp chúng ta sống thật sự làm con của Thiên Chúa, không phải bằng lời nói, hay chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động. Thánh Gioan còn viết: “Và đây là giới răn của Ngài: tin vào danh Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và yêu thương nhau, như Ngài đã ban cho chúng ta giới răn tình yêu” (1Ga 3,23).