10/01/2025

Giáo dục Kitô giáo

Bài Phúc Âm nói về Gioan Tẩy Giả. Gioan là một nhà đại giáo dục cho các môn sinh của mình, bởi vì ông đã dẫn họ đến gặp Đức Giêsu, người mà ông đã làm chứng trước mặt các môn đệ của mình. Ông không tán dương mình, ông không muốn giữ chặt các môn đệ cho mình.

 Giáo dục Kitô giáo

Lễ Chúa Chịu Phép Rửa
Cử hành Thánh lễ và rửa tội cho các em nhỏ
Nhà nguyện Sixtine
Chúa Nhật, 8/1/2012

Anh chị em thân mến!

Bao giờ tôi cũng cảm thấy vui mừng khi được cử hành Thánh lễ ban Bí tích Thánh Tẩy cho các em nhỏ trong ngày Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, thưa anh chị em là những bậc làm cha làm mẹ, các vú bõ đỡ đầu, cũng như tất cả bà con và bạn hữu của anh chị em thân mến! Anh chị em đã đến đây – anh chị em đã nói lên như thế -, để con cái anh chị em được lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa, là hạt giống nẩy sinh sự sống đời đời. Anh chị em là những bậc làm cha làm mẹ, anh chị em đã muốn như thế. Anh chị em đã nghĩ đến Bí tích Thánh Tẩy, ngay cả trước khi con cái anh chị em là những bé trai và bé gái bước vào đời. Trách nhiệm làm cha làm mẹ Kitô giáo đã làm cho anh chị em nghĩ ngay đến bí tích đánh dấu việc các em được lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa, được bước vào trong cộng đoàn của Giáo Hội. Chúng ta có thể nói được rằng đây là chọn lựa giáo dục đầu tiên của anh chị em, với tư cách là những chứng nhân đức tin đối với con cái anh chị em: đây là chọn lựa nền tảng!

Nhiệm vụ của cha mẹ, được các vú bõ đỡ đầu giúp đỡ, đó là giáo dục con cái của mình. Giáo dục đòi hỏi chúng ta phải dấn thân một cách sâu xa, đôi khi giáo dục là một điều thật khó khăn đối với khả năng của con người chúng ta vẫn luôn bị hạn chế. Nhưng giáo dục lại trở nên một sứ mệnh tuyệt vời, nếu chúng ta thi hành công tác giáo dục, bằng cách hợp tác với Thiên Chúa là nhà giáo dục đầu tiên và đích thực của mỗi người.

Trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe, được trích từ sách tiên tri Isaia, Thiên Chúa ngỏ lời với dân của Ngài như một nhà giáo dục. Ngài giúp cho dân tránh được mối nguy hiểm là tìm cách giải khát và nuôi sống mình nơi những nguồn suối sai lạc: “Tại sao – Thiên Chúa phán – các ngươi lại tiêu pha tiền bạc cho những cái gì khác ngoài cơm bánh, và tiêu pha của cải các ngươi kiếm được cho những cái không làm cho các ngươi no thoả?” (Is 55, 2). Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta những cái tốt lành để ăn và để uống, những cái sinh ích lợi cho chúng ta; trong khi đó, thì đôi khi chúng ta lại sử dụng sai lạc những tài nguyên Chúa ban cho chúng ta, chúng ta lại sử dụng chúng cho những điều không có lợi, mà trái lại, đôi khi lại có hại. Đặc biệt, Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta Con Người của Ngài và Lời của Ngài: Ngài biết rằng, khi chúng ta xa cách Ngài, không chóng thì chầy, chúng ta sẽ gặp phải khó khăn, như người con hoang đàng trong bài dụ ngôn, và nhất là chúng ta sẽ đánh mất đi phẩm giá làm người của mình. Và chính vì thế, Ngài bảo đảm cho chúng ta rằng Ngài hết sức nhân từ, và rằng những tư tưởng và đường lối của Ngài không phải là tư tưởng và đường lối của chúng ta – thật là hạnh phúc cho chúng ta! – và rằng chúng ta vẫn luôn có thể quay về với Ngài, quay về nhà Cha. Và rồi, Ngài bảo đảm với chúng ta rằng, nếu chúng ta đón nhận Lời của Ngài, thì Lời Ngài sẽ sinh nhiều hoa thơmtrái ngọt trong cuộc đời chúng ta, cũng như nước mưa tưới gội mặt đất vậy.(x. Is 55,10-11)

Chúng ta đáp lại lời Chúa nói với chúng ta qua tiên tri Isaia bằng đáp ca trong Thánh vịnh: “Chúng con vui mừng kín múc nơi dòng suối ơn cứu độ”. Với tư cách là những người trưởng thành, chúng ta cam kết kín múc nơi những dòng suối tốt lành để sinh ơn ích cho chúng ta, và cho những người Chúa giao phó trách nhiệm trông coi, đặc biệt là anh chị em, những bậc làm cha làm mẹ, những vú bõ đỡ đầu, lo cho lợi ích của các en nhỏ này. Và đâu là “những dòng suối ơn cứu độ?” Đó là Lời Chúa và các bí tích. Người trưởng thành là người đầu tiên phải nuôi sống mình nơi những nguồn suối này, để có thể hướng dẫn các em nhỏ tuổi nhất trong tiến trình phát triển của các em. Cha mẹ phải ban phát nhiều, nhưng để có thể ban phát, đến phiên họ, họ cũng cần lãnh nhận, nếu không, họ sẽ không còn gì cả, họ sẽ khô cạn. Cha mẹ không phải là nguồn suối, cũng như chúng tôi là những linh mục, chúng tôi không phải là nguồn suối: mà đúng hơn, chúng ta giống như những con kênh, được mạch sống tình yêu của Thiên Chúa chảy qua. Nếu chúng ta tách rời khỏi mạch suối, thì chúng ta là những người đầu tiên cảm thấy những hậu quả tiêu cực, và chúng ta không còn có khả năng giáo dục người khác nữa. Chính vì thế, chúng ta dấn thân tuyên bố: “Chúng con vui mừng kín múc nơi dòng suối cứu độ”.

Giờ đây, chúng ta hãy quay lại bài đọc 2 và bài Phúc Âm. Những bài đọc này nói với chúng ta rằng giáo dục đầu tiên và chính yếu được thể hiện qua chứng tá. Bài Phúc Âm nói về Gioan Tẩy Giả. Gioan là một nhà đại giáo dục cho các môn sinh của mình, bởi vì ông đã dẫn họ đến gặp Đức Giêsu, người mà ông đã làm chứng trước mặt các môn đệ của mình. Ông không tán dương mình, ông không muốn giữ chặt các môn đệ cho mình. Thế nhưng, Gioan là một đại tiên tri, và ông rất được nhiều người biết đến. Khi Đức Giêsu đến, ông đã rút lui và ông đã chỉ Đức Giêsu cho mọi người: “Vị đến sau tôi thì mạnh hơn tôi […] phần tôi, tôi đã rửa anh em bằng nước, nhưng Người sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần (Mc 1,7-8). Nhà giáo dục đích thực không giữ người mình giáo dục cho riêng mình, nhà giáo dục không phải là con người chiếm hữu. Nhà giáo dục muốn người con hay môn sinh của mình học biết chân lý, và muốn thiết lập một quan hệ nhân vị với chân lý. Nhà giáo dục chu toàn bổn phận của mình cho đến cùng, và luôn hiện diện một cách quan tâm và trung thành; nhưng mục tiêu mà nhà giáo dục nhắm đến là làm sao cho người mình giáo dục lắng nghe tiếng nói của chân lý đang nói với lòng họ, và đi theo tiếng nói này dọc suốt con đường mình đi.

Chúng ta hãy quay lại chủ đề chứng tá. Trong bài đọc 2, tông đồ Gioan viết: “Chính Thần Khí làm chứng” (1Ga 5,6). Thánh Tông đồ quy chiếu về Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng làm chứng cho Đức Giêsu, khi chứng nhận rằng Người là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng thấy Chúa Thánh Thần trong cảnh Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên sông Giođan: Thánh Thần đậu xuống trên đầu Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu, để mặc khải cho Gioan Tẩy Giả biết rằng Người là Con độc nhất của Chúa Cha vĩnh cửu (x. Mc 1,10). Thánh Gioan Tông đồ cũng nhấn mạnh khía cạnh này trong Phúc Âm của mình, chúng ta đọc thấy Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Khi Thần Bầu Chữa đến, Thần mà Thầy sẽ gửi đến cho anh em từ Cha, đó là Thần Chân Lý từ Cha mà đến, Ngài sẽ làm chứng cho Thầy. Phần các con cũng thế, các con sẽ làm chứng, bởi vì các con đã ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27). Điều này an ủi chúng ta rất nhiều trong việc chúng ta dấn thân để giáo dục đức tin, bởi vì, chúng ta biết rằng chúng ta không ở một mình, và rằng chứng tá của chúng ta được Thánh Thần nâng đỡ.

Đối với anh chị em là cha là mẹ, cũng như đối với vú bõ đỡ đầu cũng thế, điều hết sức quan trọng, đó là vững tin vào sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần, kêu cầu và đón nhận Ngài vào trong tâm hồn anh chị em, qua kinh nguyện và các bí tích. Thật thế, chính Ngài là Đấng soi sáng tâm trí, sưởi ấm tâm hồn của người giáo dục, để họ biết chuyển trao sự hiểu biết và tình yêu đối với Đức Giêsu. Kinh nguyện là điều kiện đầu tiên để giáo dục, bởi vì khi cầu nguyện, chúng ta sẵn sàng để cho Thiên Chúa thể hiện sáng kiến của Ngài, phó dâng con cái của chúng ta cho Ngài, chính Ngài là người biết con cái của chúng ta trước chúng ta, và biết rõ ràng hơn chúng ta, và là người biết rõ đâu là điều thiện đích thực cho chúng. Và đồng thời, khi cầu nguyện, chúng ta sẵn sàng lắng nghe điều Thiên Chúa gợi lên cho chúng ta để chu toàn phần vụ của chúng ta, phần vụ mà chúng ta phải thực hiện, dù đó là phần vụ nào. Các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao Hoà, giúp chúng ta chu toàn công việc giáo dục cùng kết hợp với Đức Kitô, hiệp thông với Người và không ngừng được đổi mới nhờ ơn tha thứ của Người. Kinh nguyện và các bí tích cho phép chúng ta đạt được ánh sáng chân lý này, mà nhờ đó, chúng ta có thể vừa dịu hiền, vừa mạnh mẽ, biết sử dụng sự dịu hiền cũng như sự cương quyết, biết yên lặng và nói năng khi cần thiết, biết khiển trách và sửa sai một cách đúng đắn.

Các bạn thân mến, như thế, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài xuống tràn đầy trên các em nhỏ này, xin Ngài thánh hiến các em theo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, và xin Ngài luôn đồng hành với các em trên con đường sống của các em. Chúng ta phó dâng các em cho Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ lấy tình mẹ hiền mà dìu dắt các em, để các em càng lớn tuổi thì càng thêm khôn ngoan và ân sủng, và để các em trở thành những Kitô hữu đích thực, thành những chứng nhân trung thành và vui tươi của tình yêu Thiên Chúa. Amen.