09/01/2025

“Mẹ Nhật” của bệnh nhi ung thư Huế

Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế) những ngày đầu đông rét buốt bỗng trở nên ấm áp bởi tiếng cười đùa không ngớt của bệnh nhân nhỏ tuổi với một phụ nữ dáng mảnh khảnh, khuôn mặt đôn hậu và đôi mắt đen tuyền.

 

“Mẹ Nhật” của bệnh nhi ung thư Huế

 

Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Huế) những ngày đầu đông rét buốt bỗng trở nên ấm áp bởi tiếng cười đùa không ngớt của bệnh nhân nhỏ tuổi với một phụ nữ dáng mảnh khảnh, khuôn mặt đôn hậu và đôi mắt đen tuyền.

 

 

 

 

Cô Kazuyo Watanabe (thứ hai từ phải qua) cùng bệnh nhi ung thư ở Bệnh viện Trung ương Huế – Ảnh: N.Hiển

Người ta thấy cô “cắm” ở các phòng bệnh từ sáng đến tối, có khi rời khỏi bệnh viện khi đồng hồ đã điểm 12g đêm. Ít ai biết rằng người phụ nữ này là chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (trụ sở tại Nhật Bản), đã có chín năm gắn bó với VN để hỗ trợ các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Cô là Kazuyo Watanabe, 48 tuổi, người Nhật Bản.

Hết lòng vì bệnh nhi

Ðến bồn rửa tay, mang tất chân y tế,  Kazuyo Watanabe bước vào khu điều trị bệnh nhi ung thư trong sự hớn hở lộ trên khuôn mặt ngây thơ của các em. Ði phòng nào, các em cũng chạy theo ôm chân, níu áo như đàn gà con nối đuôi mẹ hiền.

Các bệnh nhi, phụ huynh và y bác sĩ tại trung tâm này trìu mến gọi cô là “mẹ Nhật”. Cô rất thích cái tên Nhật bởi cô đến từ xứ sở mặt trời mọc – Nhật Bản.

Ðến VN du lịch lần đầu cách đây 20 năm, bén duyên với Huế nên sau đó cô đã trở lại để giảng dạy tiếng Nhật tại Trường ÐH Sư phạm Huế, rồi làm việc cho một dự án giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Tình cờ biết được các bệnh nhi ung thư điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế có tỉ lệ bỏ điều trị rất cao nên Kazuyo Watanabe đã quyết định bỏ tất cả công việc khác để lập dự án riêng về bệnh nhi ung thư.

Đừng từ bỏ hi vọng

Cô Kazuyo Watanabe đã đưa nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại đến Bệnh viện Trung ương Huế để chữa trị cho các bệnh nhi. Giữa tháng 12-2014, cô Watanabe vinh dự được Bộ Y tế trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”.

Cô nói: “Tôi muốn đem điều kiện y tế tốt nhất của Nhật đến VN để điều trị cho bệnh nhi ung thư bởi căn bệnh này có thể chữa khỏi nhưng cần sự kiên trì để không bao giờ từ bỏ hi vọng.

Ở Nhật, nhiều bệnh nhi sau ba năm điều trị đã lành hẳn và nay trở thành bác sĩ, kỹ sư. Vì thế, khi nào còn bệnh nhi ung thư ở VN thì tôi và mọi người vẫn tiếp tục đóng góp sức lực của mình cho các em”.

Từ năm 2005 đến nay, cứ đều đặn ba tháng một lần, Watanabe rời Tokyo đến Huế chừng nửa tháng và tá túc ở một căn nhà trọ nhỏ cuối đường Lê Lợi.

Công việc thường nhật của cô tại Huế cũng là slogan của dự án mà cô sáng lập: “Chăm sóc và chữa trị trẻ em ung thư”. Mục đích của dự án là giảm thiểu trẻ em bỏ điều trị và nâng cao tỉ lệ sống sót, điều trị thành công đối với trẻ em bị ung thư tại khu vực miền Trung.

Chỉ tay một vòng phòng bệnh, anh Lê Minh Nhật, phụ huynh một bệnh nhi, cho biết các vật dụng sinh hoạt ở phòng bệnh nhi ung thư tại trung tâm từ quạt điện, bình nước, khăn lau nhà cho đến những thứ nhỏ nhặt như khăn tay, kem, bàn chải đánh răng hay xà phòng đều do một tay “mẹ Nhật” sắm sửa.

Thấy người bệnh đông, ghép ba bệnh nhi một giường nên phụ huynh không có chỗ ở, “mẹ Nhật” sẵn sàng trao chìa khoá phòng trọ để các phụ huynh đến sinh hoạt tạm.

“Ba năm trước khi bác sĩ thông báo cháu bị ung thư máu, gia đình tôi như sụp đổ và đã tính chuyện bỏ viện đưa cháu về nhà. Hay tin, “mẹ Nhật” ngày nào cũng động viên ở lại, có khó khăn gì cô đều giúp, không những thế cô còn chăm sóc cháu mỗi ngày kỹ lưỡng hơn cả mẹ.

Người dưng nước lã đã thế huống gì máu mủ của mình thì làm sao đành lòng bỏ đi, nhờ thế mà cháu đã bám viện chữa bệnh ngót nghét 28 tháng” – anh Nhật chia sẻ.

Cũng vì thế mà mỗi lần cô Watanabe đáp xuống sân bay Ðà Nẵng luôn có những “người nhà” đứng sẵn chào đón. Họ là phụ huynh của các bệnh nhi vượt cả trăm cây số từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đến để chào cô một tiếng: “mẹ Nhật”.

Từ 50% còn 5%

Năm 2005, tỉ lệ bệnh nhi ung thư bỏ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế là 50%. Ðến năm 2014, tỉ lệ này tụt xuống chỉ còn chưa tới 5%, thông tin này được công bố tại các hội thảo quốc tế khiến các bác sĩ ngạc nhiên bởi đó là một điều kỳ diệu.

Còn đối với Kazuyo Watanabe, đó không phải là phép mầu mà bởi cô đã tìm ra “thuốc” để các em tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị. Xuất thân từ một đất nước có ngành y tế hiện đại bậc nhất thế giới, Watanabe cho biết trẻ em ở VN chịu thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ em Nhật. Nhiều em ở VN bị ung thư nhưng không được phát hiện sớm hoặc chết trước khi biết bệnh.

Trước đây, khi chẩn đoán bị ung thư là gia đình đưa bệnh nhân về luôn mà không bao giờ quay trở lại điều trị. Lần mò tìm hiểu mới biết phần lớn bố mẹ các em quá cơ cực, phần vì tâm lý đã ung thư là “bó tay”. Thứ nữa, gia đình các bệnh nhi ở xa nên chỉ đủ điều kiện đến chữa trị đôi lần mà không thể kiên trì ròng rã vài năm.

“Tôi rất hiểu và chia sẻ sự khó khăn đó nên tôi đã trở lại Nhật Bản, bằng mọi cách xin tài trợ để hỗ trợ kinh phí tàu xe đi lại, tiền ăn cho các bệnh nhi để gia đình quyết tâm chữa trị. Bỏ viện là chúng ta đã gạt đi sự sống của những mầm xanh” – Watanabe chia sẻ.

Watanabe đưa các bác sĩ chuyên khoa đến các trường học ở vùng cao A Lưới, Nam Ðông của tỉnh Thừa Thiên – Huế để khám và phát hiện bệnh nhi ung thư rồi đưa về TP Huế. Ðiều trị ung thư là gắn tuổi thơ trong bệnh viện, cho nên để bù đắp những khoảng trống tinh thần cho các em, Watanabe nảy ra ý tưởng tổ chức các buổi dã ngoại, sinh nhật hoặc các ngày lễ như tết thiếu nhi, rằm Trung thu cho bệnh nhi ngay tại bệnh viện.

Ngoài ra, Watanabe còn sáng lập hội phụ huynh, vừa để tạo không khí thân quen như một đại gia đình vừa để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và điều trị bệnh nhi. Không những thế, cô thường xuyên đưa các bác sĩ hàng đầu của Nhật đến Huế thăm khám các bệnh nhi và đưa bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Huế đi học tập, nâng cao chuyên môn ở các nước tiên tiến.

Thế nhưng, căn bệnh ung thư nghiệt ngã bởi không phải cứ gieo hạt là nảy mầm, không ít bệnh nhi trải qua bao gian truân điều trị nhưng đến phút cuối đã không thể giành giật được sự sống.

“Chiếc máy ảnh tôi luôn mang bên mình để ghi lại hàng trăm khoảnh khắc ngộ nghĩnh của các em, khi nào sang VN tôi cũng nóng lòng đưa ảnh để các em khoe với gia đình. Nhưng có những em vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội nhìn thấy những tấm ảnh đó của mình. Nhìn những khoảnh khắc các em vui cười của đời người ngắn ngủi mà lòng tôi quặn thắt đớn đau” – cô Watanabe xúc động kể.

Bác sĩ Châu Văn Hà – trưởng khoa nhi tổng hợp 2 thuộc Trung tâm Nhi khoa, người đồng hành cùng Watanabe ròng rã chín năm qua – kể lại: “Mỗi lần nhấc điện thoại thông báo có bệnh nhi qua đời, bên kia đầu dây khựng lại một lúc rồi tôi nghe từng tiếng nấc nghẹn nặng trĩu không giấu nổi bàng hoàng. Dù tôi biết cô luôn chuẩn bị tâm lý đón nhận cái chết đó nhưng tôi vẫn có cảm giác như cô là một người mẹ đau đớn nghe tin con”.

Những lúc như thế, đến VN lúc nào đôi mắt cô cũng đỏ hoe, việc đầu tiên Watanabe làm là tìm về mộ phần của các em thắp hương rồi đặt lên bàn thờ các em những bức ảnh cô đã chụp…

Nhìn qua ô cửa sổ, cô Kazuyo Watanabe nói: “Các cháu ở đây giống như những chiếc lá ở ngoài kia, tuy nhỏ bé nhưng luôn vững chãi trước mưa dông bão tố khắc nghiệt mà không bao giờ từ bỏ khát vọng sống. Cũng như câu chuyện nghị lực của Thuý đã được báo Tuổi Trẻ tổ chức thành chương trình ý nghĩa”.

Dù là một phụ nữ độc thân, nhưng khi trò chuyện với bạn bè cô Kazuyo Watanabe luôn nói đùa mình làm dâu xứ Huế và có cả trăm đứa con. Mỗi lần trở về Huế cô đều có cảm giác như trở về gia đình bởi từ lâu cô đã là thành viên của đại gia đình bệnh nhi ung thư Huế.

NGỌC HIỂN