Thiên Chúa đã đến với chúng ta qua một con trẻ
Lễ Giáng Sinh là một cuộc hiển linh – Thiên Chúa xuất hiện, cùng với ánh sáng vĩ đại của Ngài, trong một con trẻ đã sinh ra cho chúng ta. Được sinh ra trong một chuồng bò tại Bêlem, chứ không phải trong những cung điện hoàng gia. Trong Con Trẻ được sinh ra trong chuồng bò Bêlem, chứng tá về sự tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nhân loại chúng ta, đã được mạc khải, và ta có thể nói được rằng con người có thể chạm đến Thiên Chúa và vuốt ve, âu yếm Ngài.
Thiên Chúa đã đến với chúng ta qua một con trẻ
Lễ Giáng Sinh, Thánh lễ nửa đêm
Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Bảy, 24/12/2011
Anh chị em thân mến!
Bài trích thư Thánh Phaolô gửi Titô mà chúng ta vừa nghe được bắt đầu cách trang trọng bằng từ “apparuit”, và từ này lại xuất hiện sau đó trong bài đọc ngày lễ Rạng Đông: apparuit– “xuất hiện”. Đây là một từ lập trình, mà qua đó, Giáo Hội tìm cách diễn tả một cách tổng hợp yếu tính của lễ Giáng Sinh. Trước đây, người ta đã nói về Thiên Chúa, và đã mô tả Ngài theo hình ảnh của con người, dưới đủ loại cách diễn tả khác nhau. Chính Thiên Chúa đã nói với con người nhiều lần, và bằng nhiều cách khác nhau (x. Hr 1,1-Thánh lễ Ban Ngày). Nhưng bây giờ, một cái gì đó mới mẻ đã xảy ra: Người đã xuất hiện. Người đã mạc khải chính mình. Người đã xuất hiện từ ánh sáng, nơi Người đang cư ngụ, mà không một ai có thể tới gần được. Đích thân Người đã đến giữa chúng ta. Đây là một niềm vui vĩ đại mà ngày lễ Giáng Sinh đã mang lại cho Giáo Hội thời sơ khai: Thiên Chúa đã xuất hiện. Ngài không còn là một ý tưởng đơn thuần, chúng ta không còn phải tạo ra một hình ảnh để nói về Ngài, dựa trên những ngôn từ thuần tuý. Ngài đã “xuất hiện”. Giờ đây, chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Ngài xuất hiện như thế nào? Thật ra Ngài là ai? Bài đọc Thánh lễ Rạng Đông tiếp tục nói như sau: “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại” (Tt 3,4). Đối với con người sống trước Kitô giáo, khi đối diện với những điều kinh hoàng và mâu thuẫn của trần gian này, họ sợ Thiên Chúa không hoàn toàn tốt lành, và có lẽ, Ngài độc ác và quyết đoán, thì đây một là một cuộc “hiển linh” thật sự, một luồng sáng lớn đã xuất hiện cho chúng ta: Thiên Chúa là Đấng nhân hậu. Ngày nay cũng thế, con người không còn nhận ra Thiên Chúa qua đức tin, đang đặt ra câu hỏi: liệu quyền năng tối cao đang củng cố và nâng đỡ thế giới này có thật sự nhân hậu hay không, hay liệu điều dữ cũng mạnh mẽ và căn bản như điều tốt lành và đẹp đẽ mà chúng ta đã trải nghiệm được trong những giờ phút rạng rỡ trên trần gian này. “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại”: đó là điều chắc chắn mang tính mới mẻ và có sức an ủi mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta trong ngày lễ Giáng Sinh này.
Trong cả ba Thánh lễ Giáng Sinh, phụng vụ đều trích dẫn một đoạn văn trong sách tiên tri Isaia mô tả cuộc hiển linh đã xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh với nhiều chi tiết như sau: “Một Trẻ Thơ đã được sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta, Người gánh vác quyền bính trên vai; và đây là tên người ta đã đặt cho Con Trẻ: Cố-Vấn-Kỳ-Diệu, Thiên-Chúa-Dũng-Mãnh, Người-Cha-Muôn-Thuở, Hoàng-Tử-Hoà-Bình. Người sẽ mở rộng quyền bính trị và lập nền hoà bình vô tận” (Is 9,5tt). Chúng ta không biết phải chăng tiên tri Isaia đã nghĩ đến một con trẻ cá biệt nào đó, được sinh ra trong giai đoạn lịch sử của ngài. Nhưng hình như điều này không thể nào xảy ra được. Đây là bản văn duy nhất trong Cựu Ước nói về một người con, nói về một con người: con trẻ đó sẽ được gọi là Thiên-Chúa-Dũng-Mãnh, Người-Cha-Muôn-Thuở. Vị Tiên tri đã trình bày cho chúng ta một thị kiến, và thị kiến này lại vượt qua bên kia lịch sử để đi vào huyền nhiệm, để đi vào tương lai. Một người con, hoàn toàn yếu đuối, đó là Thiên Chúa Dũng Mãnh. Một người con, hoàn toàn cần được giúp đỡ và lệ thuộc vào người khác, đó là Người Cha Muôn Thuở. Và nền hoà bình của Người sẽ “vô cùng vô tận”. Trước đó, vị tiên tri đã mô tả trẻ thơ này như “một luồng sáng lớn”, và đề cập đến nền hoà bình do người con này thiết lập, vị tiên tri đã xác quyết rằng cây roi của người áp bức, những đôi giày của người lính trận nện lộp độp trên nền đất, và mọi chiếc áo choàng nhuộm trong máu đào, tất cả sẽ được làm mồi cho ngọn lửa hồng (Is 9,1,3-4).
Thiên Chúa đã xuất hiện như một con trẻ. Chính dưới dáng vẻ này mà Ngài đã ra tay chống lại mọi vũ lực và mang lại một sứ điệp hoà bình, Vào giờ phút này, khi mà vũ lực liên tục đe doạ thế giới ở quá nhiều nơi và dưới nhiều hình thức khác nhau, khi mà hết lần này đến lần khác, chúng ta lại thấy ngọn roi của những kẻ áp bức và những chiếc áo choàng đẫm máu đào, chúng ta kêu lên Chúa: Ôi lạy Chúa Toàn Năng, Chúa đã xuất hiện như một con trẻ, và Chúa đã mạc khải cho chúng con như Đấng yêu thương chúng con, như Đấng mà qua đó tình yêu sẽ toàn thắng. Và Chúa đã chỉ cho chúng con thấy rằng chúng con phải là những người thợ cùng với Chúa kiến tạo hoà bình. Chúng con yêu tình trạng thơ ngây như con trẻ của Chúa, tình trạng không quyền hành của Chúa, nhưng chúng con đau khổ vì vũ lực vẫn tiếp tục hiện diện trên trần gian này, và do đó, chúng con xin Chúa biểu lộ quyền năng của Chúa. Ôi lạy Thiên Chúa, trong thời đại của chúng con hôm nay, trong thế giới của chúng con đây, xin hãy làm cho những ngọn roi của những kẻ áp bức, những chiếc áo choàng đẫm máu đào, và những đôi giày trận trở nên mồi cho lửa cháy rực, để nhờ thế, hoà bình của Chúa có thể hiện diện trên thế giới của chúng con.
Lễ Giáng Sinh là một cuộc hiển linh – Thiên Chúa xuất hiện, cùng với ánh sáng vĩ đại của Ngài, trong một con trẻ đã sinh ra cho chúng ta. Được sinh ra trong một chuồng bò tại Bêlem, chứ không phải trong những cung điện hoàng gia. Vào năm 1223, khi Thánh Phanxicô Assise cử hành lễ Giáng Sinh tại Greccio,với một con bò và một con lừa, với một máng súc vật đầy cỏ khô, thì một chiều kích mới của mầu nhiệm Giáng Sinh đã trở nên hữu hình. Thánh Phanxicô Assise đã gọi lễ Giáng Sinh là “ngày lễ của mọi ngày lễ” -vượt lên trên mọi ngày lễ khác – và thánh nhân cử hành lễ Giáng Sinh với một “lòng đạo đức khôn tả” (2 Celano 199; Fonti Francescane, 787). Thomas Celano kể lại cho chúng ta Thánh nhân hôn kính những hình Chúa Hài Đồng với lòng mộ mến sâu xa, và ngài lắp bắp những lời âu yếm như một con trẻ cất tiếng nói (sđd). Đối với Giáo Hội thời sơ khai, thì ngày lễ của mọi ngày lễ là lễ Phục Sinh: khi sống lại, Đức Kitô đã mở tung các cánh cửa sự chết, và khi làm thế, Người đã biến đổi thế giới tận căn: Người đã dọn cho con người một chỗ ở trong Thiên Chúa. Giờ đây, Phanxicô đã không hề thay đổi, cũng như không hề có ý định thay đổi thứ tự khách quan về thứ bậc giữa những ngày lễ này, thay đổi cơ cấu nội tại về đức tin đặt trọng tâm trên mầu nhiệm Phục Sinh. Thế nhưng, nhờ thánh nhân, và nhờ đặc tính đức tin của ngài, một cái gì đó mới mẻ đã xảy ra: Phanxicô đã khám phá ra nhân tính của Đức Giêsu một cách sâu xa và hết sức mới mẻ. Đối với thánh nhân, kiếp nhân sinh của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình hơn cả khi Con Thiên Chúa, do Đức Trinh Nữ Maria hạ sinh, được quấn khăn và được đặt nằm trong máng lừa ăn. Phục Sinh giả thiết Nhập Thể. Con Thiên Chúa mặc lấy hình dáng của một con trẻ, một con người thực sự – điều này đã tạo nên một ấn tượng sâu xa trong tâm hồn Thánh Phanxicô Assise, đã biến đức tin thành tình yêu. “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại” – câu nói trên của Thánh Phaolô giờ đây đã mặc lấy một chiều sâu hoàn toàn mới mẻ. Trong Con Trẻ được sinh ra trong chuồng bò Bêlem, chứng tá về sự tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nhân loại chúng ta, đã được mạc khải, và ta có thể nói được rằng con người có thể chạm đến Thiên Chúa và vuốt ve, âu yếm Ngài. Và như thế, năm Phụng vụ có được một trọng tâm thứ hai trong một ngày lễ mà tiên vàn đó là một ngày lễ của con tim.
Đây chẳng phải là tình cảm. Đại mầu nhiệm đức tin của chúng ta đã được mạc khải nơi đây, trong kinh nghiệm mới mẻ về thực tại nhân tính của Đức Giêsu. Phanxicô yêu mến Con Trẻ Giêsu, bởi vì đối với thánh nhân, sự khiêm nhường của Thiên Chúa đã trở nên hiển nhiên trong trạng thái trẻ thơ này. Thiên Chúa trở nên nghèo nàn. Con của Ngài đã được sinh ra trong cảnh nghèo nàn của chuồng bò Bêlem. Trong Con Trẻ Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên lệ thuộc con người, Ngài cần đến tình yêu của con người – tình yêu của chúng ta. Ngày hôm nay, người ta đã biến lễ Giáng Sinh thành một cuộc cử hành mang tính thương mại, và ánh sáng rực rỡ của buổi cử hành đã che giấu đi mầu nhiệm khiêm nhường của Thiên Chúa, và sự khiêm nhường lại mời gọi chúng ta sống khiêm nhường và đơn sơ. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn qua bên kia những vẻ hào nhoáng rực rỡ của mùa lễ này, và giúp chúng ta khám phá ra đằng sau vẻ hào nhoáng ấy là Con Trẻ trong hang lừa Bêlem, và như thế, tìm được niềm vui thật và ánh sáng thật.
Thánh Phanxicô đã sắp xếp để có thể cử hành Thánh lễ trên máng lừa, được đặt giữa con bò và con lừa (x. 1 Celano 85; Fonti 469). Sau này, người ta xây một bàn thờ trên máng lừa này, để chính nơi mà ngày xưa những con vật đã một thời ăn cỏ khô, thì nay con người cũng có thể lãnh nhận máu thịt của con chiên được hiến tế là Đức Giêsu Kitô, để cho linh hồn và thân xác của chúng ta được ơn cứu độ, như Thomas Celano đã thuật lại cho chúng ta (x. 1 Celano 87; Fonti 471). Thánh Phanxicô, với tư cách là phó tế, cất tiếng hát bài Tin Mừng lễ Giáng Sinh, với một giọng hát ngân vang trong đêm thánh tại Greccio. Nhờ những bài thánh ca Giáng Sinh tuyệt vời của các tu sĩ mà toàn bộ buổi cử hành phụng vụ dường như đã trở thành một niềm vui lớn lao đang trào dâng trong tâm hồn mọi người (1 Celano 85.86; Fonti 469, 470). Khi chúng ta gặp được sự khiêm nhường của Thiên Chúa, chúng ta mới có được niềm vui này – lòng tốt lành của Thiên Chúa đã làm nên ngày lễ đích thực.
Ngày nay, ai muốn vào Nhà thờ Chúa Giáng Sinh tại Bêlem đều thấy cánh cửa ra vào nhà thờ cao tới 5 mét 50, mà ngày xưa các hoàng đế và vua chúa Hồi giáo thường dùng để bước vào nhà thờ, nay phần lớn đã bị bít kín, và chỉ còn lại một cánh cửa thấp, cao khoảng 1 mét 50. Có lẽ người ta làm thế để bảo vệ nhà thờ một cách hữu hiệu hơn khỏi những cuộc tấn công, nhưng nhất là để không cho phép ai được ngồi trên lưng ngựa bước vào nhà Chúa. Ai muốn vào nơi Chúa sinh ra phải cúi sâu mình xuống. Theo tôi nghĩ, ở đây mạc khải cho chúng ta một chân lý sâu xa hơn, một chân lý đánh động tâm hồn chúng ta trong đêm linh thánh này: nếu chúng ta muốn tìm gặp Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình như một con trẻ, thì chúng ta phải xuống ngựa là lý trí “tự do” của chúng ta. Chúng ta phải bỏ đi những xác tín giả hiệu, óc kiêu hãnh trí thức đang ngăn cản không cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang ở gần kề. Chúng ta phải đi theo con đường nội tâm của Thánh Phanxicô – con đường dẫn chúng ta đến sự đơn sơ tột cùng ở bên trong lẫn bên ngoài, sự đơn sơ giúp tâm hồn có thể thấy được. Chúng ta phải cúi sâu mình xuống, chúng ta phải đi bộ trên con đường thiêng liêng, nếu chúng ta có thể nói được như thế, để bước qua cánh cổng đức tin, và gặp được Thiên Chúa là Đấng rất ư khác biệt với những thành kiến và những quan điểm của chúng ta – vị Thiên Chúa ẩn giấu trong sự khiêm nhường của một trẻ sơ sinh. Với tinh thần này, chúng ta hãy cử hành phụng vụ đêm thánh thiêng, đừng dán mắt vào những gì là vật chất, những gì người ta có thể đo lường và đụng chạm được. Nhờ Thiên Chúa là Đấng mạc khải chính mình cho những tâm hồn biết sống khiêm nhường, chúng ta hãy trở nên những con người đơn sơ, và chúng ta cũng hãy đặc biệt cầu nguyện cho tất cả những ai phải cử hành lễ Giáng Sinh trong sự nghèo khó, trong đau khổ, trong điều kiện di cư, để cho ánh sáng lòng tốt lành của Thiên Chúa có thể chiếu sáng trên họ, để cho lòng tốt lành mà Thiên Chúa đã muốn mang đến trong trần gian này, qua việc Con của Ngài giáng sinh trong hang lừa, máng cỏ, đánh động tâm hồn của họ, cũng như tâm hồn của chúng ta. Amen.