30/12/2024

Lễ Giáng Sinh ở Bethlehem

Có rất nhiều cách để đến Bethlehem mừng Lễ Giáng Sinh: xe hơi, xe buýt, taxi… và đi bộ. Cô Pauline Delaporte, 23 tuổi, cùng với một đoàn hành hương người Pháp gồm 100 người, lại thích đi bộ đến Nhà thờ Chúa Giáng Sinh; cô nói: “Suốt 4 giờ đi bộ, chúng tôi có thể ca hát, suy niệm, cầu nguyện. Tất cả đều nhằm mục đích: hiểu Mầu nhiệm Nhập thể là gì.”

Lễ Giáng Sinh ở Bethlehem
 
WHĐ (26.12.2014) – Có rất nhiều cách để đến Bethlehem mừng Lễ Giáng Sinh: xe hơi, xe buýt, taxi… và đi bộ. Cô Pauline Delaporte, 23 tuổi, cùng với một đoàn hành hương người Pháp gồm 100 người, lại thích đi bộ đến Nhà thờ Chúa Giáng Sinh; cô nói: “Suốt 4 giờ đi bộ, chúng tôi có thể ca hát, suy niệm, cầu nguyện. Tất cả đều nhằm mục đích: hiểu Mầu nhiệm Nhập thể là gì.”

Để vào Bethlehem, ở Bờ Tây, phải đi qua một trạm kiểm soát của Israel – ngày nay nếu Thánh Giuse và Đức Mẹ đi từ Nazareth, các ngài cũng phải đi qua bốn hoặc năm trạm! – Nhưng trong các dịp lễ nghỉ, việc kiểm tra căn cước cũng ít hơn bình thường. “Để tỏ ra thân thiện với hàng ngàn Kitô hữu đến đây dự lễ Giáng sinh, các binh lính Israel tìm cách lấy cảm tình của họ”, một nhà ngoại giao châu Âu ở Jerusalem cho biết như trên. Ngay trước cửa ngõ đi vào Palestine, một tấm biển lớn mang dòng chữ “Bộ Du lịch Israel” được dựng lên để chúc mọi người Lễ Giáng Sinh vui vẻ.

Năm nay, có vẻ con số các tín hữu ít hơn bình thường, nhất là tại Đền thờ “Cánh đồng các mục đồng”, phía dưới Bethlehem. Khu vườn rộng lớn này với nhiều hang động ẩn vào đá vôi có lẽ là nơi nghỉ đêm của các mục đồng vào thời Chúa giáng sinh. “Khoảng từ 18 giờ tối đến nửa đêm, có 70 nhóm tham dự các Thánh lễ trong đủ mọi ngôn ngữ, so với 130 nhóm hồi năm ngoái”, anh Alberto, một tu sĩ Phanxicô lo việc đón tiếp, cho biết.

Một chủ nhà hàng buông tiếng thở dài: “Thật chẳng giống như Lễ Giáng Sinh.” Ông Ibrahim Isaac là chủ một nhà hàng rộng lớn, nhưng chỉ có hai bàn là có khách. Chiếc hàn thử biểu bầu khí chính trị ở Trung Đông và lượng khách đến Bethlehem vào Lễ Giáng Sinh năm 2014 này khiến người ta nhớ lại rằng từ 6 tháng nay, căng thẳng không hề giảm bớt tại Thánh Địa, dù là ở Gaza vào mùa hè hoặc ở Jerusalem vào mùa thu.

Cả ngày thứ tư, trên Quảng trường Máng Cỏ phía trước Nhà thờ Chúa Giáng Sinh, có các nhóm hướng đạo, các nhạc sĩ, những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới (10.000 người, theo các nhà chức trách Palestine) cũng như cư dân của Bethlehem. Trong số đó, có những người Hồi giáo thích thú được tham dự các buổi lễ trong thành phố đang bị ảnh hưởng bởi nạn thất nghiệp tràn lan, và các Kitô hữu thấy mình trở nên ít ỏi trên mảnh đất Palestine này. Họ đại diện cho dưới 20% dân số của Bethlehem (25.000), so với 80% trước khi Israel dựng lên bức tường ngăn cách nổi tiếng cao 8 mét vào năm 2002.

Cao điểm của ngày lễ là Thánh lễ nửa đêm bằng tiếng Latinh ở nhà thờ Thánh Catarina, kế bên Nhà thờ Chúa Giáng Sinh. Thánh lễ do Đức Thượng phụ Latinh Giêrusalem, Fouad Twal, chủ tế với sự tham dự của 1.700 người, trong đó có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Chính phủ.

Cùng lúc ấy, có khoảng 50 tín hữu tham dự một Thánh lễ bằng tiếng Ả Rập tại Hang đá Giáng Sinh. Trong bài giảng về “Hài Nhi Bethlehem”, Đức Thượng phụ bày tỏ nỗi đau xót về những khổ cực của hàng triệu trẻ em ở Syria, Iraq, Nam Sudan hay ở Gaza. Ngài cũng đề cập đến Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua về Gia đình để tái khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân, là điều cần thiết để mỗi trẻ em được “lớn lên về tình cảm và tâm lý”.

Cuối cùng Đức Thượng phụ Twal nhắc đến một chủ đề rất gay cấn: Thung lũng Cremisan, nằm giữa Jerusalem và Bethlehem. Khi mà một đoạn mới của bức tường này được dựng lên ở đây, ngăn cách 58 gia đình Kitô giáo ra khỏi phần đất canh tác của họ, các nhà lãnh đạo tôn giáo lo lắng về việc cộng đồng này có thể lại ra đi. Đức Thượng phụ mạnh mẽ lên tiếng: “Nhân danh công lý và đạo đức, tôi yêu cầu các nhà chính trị phải ngăn chặn việc xây dựng bức tường này.”

(Theo La Croix)