Uống càng nhiều, sống càng ngắn
Dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tiêu thụ bia với 3 tỉ lít năm 2013, thị trường bia – rượu – nước giải khát VN trở thành miếng mồi béo bở đối với các hãng bia trong và ngoài nước. Trong khi cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt thì lợi ích, sức khoẻ của người tiêu dùng lại ngày càng bị bỏ quên.
Uống càng nhiều, sống càng ngắn
Dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tiêu thụ bia với 3 tỉ lít năm 2013, thị trường bia – rượu – nước giải khát VN trở thành miếng mồi béo bở đối với các hãng bia trong và ngoài nước. Trong khi cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt thì lợi ích, sức khoẻ của người tiêu dùng lại ngày càng bị bỏ quên.
Quán nhậu bia hơi vỉa hè ở Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng
|
Bắt tay là đã uống rồi
|
Tại hội thảo “Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực bia – nước giải khát (NGK)” do Bộ Công thương và Hiệp hội Rượu – Bia – NGK phối hợp tổ chức hôm qua (23.12), ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) cho rằng dù kinh tế trong nước còn khó khăn nhưng không vì thế lượng rượu, bia tiêu thụ giảm. “Cứ đi địa phương, nhiều nơi, bắt tay nhau là đã đi uống ngay, nên các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này vẫn phát triển mạnh mẽ”, ông Nam nói.
Theo báo cáo mới nhất của Cục QLCT, thị trường bia – rượu VN vẫn tăng trưởng rất nhanh do các DN nội địa mở rộng sản xuất và các DN nước ngoài tham gia ngày càng nhiều. Theo đánh giá của bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Giám sát và QLCT của cục này, dự kiến năm 2017 sẽ đạt mức 4 tỉ lít, mức tăng trưởng 5 năm tới trung bình khoảng 7%/năm. Riêng Hà Nội và TP.HCM chiếm khoảng 40% lượng tiêu thụ và cũng riêng 3 “ông lớn” trong ngành này đã chiếm 64% thị phần, trong đó đứng đầu là Tổng công ty bia rượu – NGK Sài Gòn với 25,47% thị phần; Công ty liên doanh nhà máy bia VN chiếm 23,82%, Tổng công ty bia rượu – NGK Hà Nội chiếm 14,93%.
Chính vì tiềm năng phát triển của thị trường bia VN, nhiều hãng bia trong và ngoài nước liên tục mở rộng thị phần. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có tới gần 400 nhà máy bia, chia trung bình mỗi tỉnh có 6 nhà máy bia. Thế nhưng, hầu hết các hãng đều có dự định mở rộng đầu tư.
|
Theo Bộ Công thương, hãng Sapporo đang đẩy mạnh đầu tư để nâng sản lượng bia lên 200 triệu lít vào năm 2019. Tập đoàn Asahi cũng dự kiến mua lại một số nhà máy bia VN, hãng Thai Brewer Singha cũng bắt đầu đặt VN vào tầm ngắm… Các đại gia bia, rượu trong nước thì khỏi phải nói, liên tục khởi công nhà máy ở khắp các tỉnh, thành. Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK VN cho rằng với việc VN gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới, sẽ có càng nhiều tập đoàn nước ngoài vào VN. Và cũng vì thế, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Cục QLCT, “hiện tượng treo thưởng cao để dỡ biển hãng khác, nói xấu đối thủ; mua chuộc các điểm bán hàng nhỏ lẻ của công ty khác nhằm giảm uy tín bằng cách giảm chất lượng sản phẩm trong khâu bảo quản, lưu trữ rồi bán cho khách hàng; giành giật bằng các chương trình khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ… đang diễn ra ngày càng nhiều hơn”.
Cuộc cạnh tranh càng gay gắt, các nhà máy sản xuất bia càng “mọc” ra ở khắp mọi nơi từ thành thị tới nông thôn, tới cả vùng sâu vùng xa. Đây cũng khởi nguồn cho rất nhiều vấn đề về xã hội, gia đình, sức khoẻ cũng như chất lượng lao động của VN ngày càng thấp đi, tỷ lệ nghịch với lượng tiêu thụ bia ngày càng tăng.
|
Lượng nhiều, chất kém
Ông Bùi Trường Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho rằng chất lượng đồ uống có cồn như bia đang ngày càng cao nhưng vẫn còn nhiều cơ sở chưa đảm bảo chất lượng, gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng. “Các sản phẩm bia tự nấu nhìn chung là kém. Một số DN nhỏ, thiết bị cũ, lạc hậu còn tồn tại, chủ yếu bán bia giá rẻ tại các địa phương, nhất là ở các vùng nông thôn”, ông Thắng nói. Theo ông Thắng, gần đây, lượng bia do các nhà hàng mua dây chuyền, sản xuất tại chỗ gia tăng nhưng qua kiểm tra thì chất lượng bia (tươi) không ổn định, chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia do thiết kế, công nghệ không đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Thắng nói.
Ở một góc độ khác, ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Cục QLCT cho biết vì thị trường rượu – bia – NGK tăng trưởng nhanh kéo theo ngày càng nhiều các vụ vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm, các vụ ngộ độc… Ở Thái Nguyên, vừa qua đã xảy ra vụ 8 người trong gia đình cùng bị ngộ độc do uống bia đựng trong can nhựa chứa… axít. Cũng có không ít vụ sử dụng nước giải khát chất lượng kém như vụ việc cơ quan chức năng phát hiện các đồ uống sữa, thạch, nước rau câu… có chất DEHP – loại chất ít tan trong nước, có khả năng tạo độ nhớt, đục, đặc cho đồ uống nhưng rất hại cho sức khoẻ con người.
“Các đồ uống bán ở lề đường thường không được kiểm soát về chất lượng, người bán sử dụng nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, có hoá chất không được sử dụng. Gần đây, chúng tôi biết, có hãng bán NGK còn cung cấp loại nước uống nhưng nhấn mạnh công dụng ôxy hoá từ trái cây nhưng qua kiểm tra, loại đồ uống này không hề chứa một chút nước trái cây nào và loại nước này cũng gây béo phì, tiểu đường, sâu răng… như một số loại đồ uống khác”, ông Phan Thế Thắng nói.
Ông Bùi Trường Thắng cũng cho rằng hiện nay quản lý an toàn thực phẩm với các loại NGK còn rất lỏng lẻo, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình với công nghệ, thiết bị lạc hậu. Do vậy các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng phải vào cuộc mạnh hơn, hướng dẫn họ khiếu nại đầy đủ. Còn bản thân các DN, để phát triển được thị trường phải cam kết, có quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất cho đến khâu phân phối, bán lẻ.
Nguy cơ từ nước đá bẩn
Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN) khuyến cáo việc uống bia, rượu chung ly, nước đá đã dùng để chung xô với chưa dùng là nguy cơ truyền cho nhau đủ thứ vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Đó là chưa kể nước đá nếu sản xuất từ nguồn nước chưa qua xử lý đạt chuẩn có thể mang mầm bệnh là vi sinh gây rối loạn tiêu hoá, và nhiễm các kim loại nặng, hoá chất vừa gây rối loạn tiêu hoá, vừa gây bệnh mạn tính, ung thư.
Thanh Tùng
|
Hà Nguyễn