Người đem lại ánh sáng cho 100.000 bệnh nhân
Bác sĩ người Nepal Sanduk Ruit chỉ mất trung bình năm phút để khôi phục lại thị giác của mỗi bệnh nhân. Trong 30 năm qua, ông đã đem lại ánh sáng cho hơn 100.000 người ở châu Á và châu Phi.
Người đem lại ánh sáng cho 100.000 bệnh nhân
Bác sĩ người Nepal Sanduk Ruit chỉ mất trung bình năm phút để khôi phục lại thị giác của mỗi bệnh nhân. Trong 30 năm qua, ông đã đem lại ánh sáng cho hơn 100.000 người ở châu Á và châu Phi.
Bà Kim Chun Son, một người CHDCND Triều Tiên, bật khóc khi bác sĩ Sanduk Ruit cởi băng mắt cho bà – Ảnh: CNN |
Bác sĩ Ruit hướng dẫn cách phẫu thuật nhanh cho các bác sĩ CHDCND Triều Tiên – Ảnh: CNN |
Cụ ông Han Mong Guk, 80 tuổi, người CHDCND Triều Tiên, ôm chầm lấy con mình sau khi được nhìn thấy lại ánh sáng lần đầu tiên sau 10 năm – Ảnh: CNN |
Chỉ năm phút là đủ để bác sĩ Ruit dùng dao phẫu thuật rạch một vết nhỏ trên mắt bệnh nhân, thay thủy tinh thể bị đục bằng một loại mắt kính nhân tạo không đắt tiền. Và sau năm phút đó, nhiều bệnh nhân phải sống trong cảnh tăm tối rất nhiều năm liền đã tìm lại được ánh sáng.
Trong 30 năm qua, bác sĩ Ruit đã đích thân chữa trị các bệnh về mắt cho hơn 100.000 người ở châu Á và châu Phi. Ông cũng đào tạo phương pháp phẫu thuật nhanh cho vô số bác sĩ chuyên khoa mắt trong khu vực, kể cả ở những quốc gia khép kín như CHDCND Triều Tiên.
Các bệnh nhân của ông mắc những căn bệnh về mắt hoàn toàn có thể phòng chống được. Tuy nhiên cái nghèo và dịch vụ y tế yếu kém ở các quốc gia nghèo đã khiến họ phải sống trong cảnh mù lòa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có 39 triệu người trên thế giới bị mù, 90% sống ở các khu vực có thu nhập thấp và 80% mắc các bệnh có thể chữa được.
Niềm tin thuần khiết
Bác sĩ Ruit có một niềm tin thuần khiết rằng người nghèo trên thế giới cũng xứng đáng được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe thị giác chất lượng cao như tất cả mọi người khác. Chính vì thế, ông quyết tâm thực hiện sứ mệnh xóa sạch bệnh mù có thể chữa trị và ngăn chặn.
Năm 1994, ông cùng bác sĩ Úc Fred Hollows, một nhà từ thiện nổi tiếng, thành lập bệnh viện Tilganga ở Kathmandu để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thị giác chất lượng cao cho người dân Nepal. Bệnh viện sản xuất các loại mắt kính hiện đại, chuyên phục vụ chữa trị đục thủy tinh thể và cận thị. Sản phẩm của Tilganga đã có mặt ở 30 quốc gia trên thế giới.
Nhưng có rất nhiều người nghèo sống ở nông thôn không thể đến thành phố để chữa mắt. Bác sĩ Ruit và đội ngũ của ông tổ chức các trại chữa mắt di động ở những vùng hẻo lánh tại Nepal và các nước châu Á.
Những chuyến đi như thế thường kéo dài nhiều ngày. Bác sĩ Ruit phẫu thuật mắt cho các bệnh nhân nghèo trong các trường học và bản làng.
Đối với mỗi bệnh nhân, khoảnh khắc cởi băng mắt và nhìn thấy mọi vật là vô cùng xúc động. Phóng viên ảnh người Úc Michael Amendolia đã đi cùng bác sĩ Ruit và các đồng nghiệp của ông trong các chuyến đi chữa trị kể từ thập niên 1990 và chụp được rất nhiều ảnh ghi lại những giọt nước mắt hạnh phúc như thế.
“Xâm nhập” CHDCND Triều Tiên
Phóng viên Amendolia mô tả bác sĩ Ruit là một “maverick” (nghĩa là một người không e ngại phá bỏ các nguyên tắc, luật lệ nhưng luôn đạt được những kết quả cần thiết). Ví dụ điiển hình cho tính cách “maverick” của bác sĩ Ruit là việc ông đến CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên vào năm 2006 để chữa trị cho các bệnh nhân tại đây.
CHDCND Triều Tiên nổi tiếng là quốc gia khép kín. Trong nhiều năm qua các tổ chức thiện nguyện phương Tây luôn gặp khó khăn trong việc hoạt động tại đây. Tuy nhiên bác sĩ Ruit tin rằng chính trị là việc của chính trị gia, chữa bệnh là việc của ông.
Ông thuyết phục thành công chính quyền Bình Nhưỡng cho phép ông đến phẫu thuật cho các bệnh nhân ở thành phố Haeju vào năm 2006. Ông cũng đào tạo cho các bác sĩ địa phương tại đây. Để làm được điều đó, ông đã chữa trị rất thành công cho một nhà ngoại giao CHDNCD Triều Tiên đóng ở Kathmandu.
Dù điều kiện làm việc tại thành phố Haeju rất hạn chế, nhưng bác sĩ Ruit và đội ngũ của ông đã đạt thành công lớn. Các bác sĩ CHCND Triều Tiên từ khắp nơi trên cả nước đã đến Haeju để học hỏi kinh nghiệm từ bậc thầy.
“Tôi chưa bao giờ thấy một ca phẫu thuật nào của bác sĩ Ruit mà có nhiều bác sĩ khác vây quanh để học hỏi đến vậy” – phóng viên Amendolia kể.
Thay đổi bao cuộc đời
Một trong những bức ảnh gây cảm xúc nhiều nhất trong bộ sưu tập của phóng viên Amendolia là cảnh một cụ ông CHDCND Triều Tiên 80 tuổi được nhìn thấy con trai lần đầu tiên sau 10 năm mù lòa cả hai mắt.
“Ông ấy vô cùng xúc động vì được nhìn lại, và cả gia đình ông cũng nhẹ nhõm khi ông có thể sinh hoạt bình thường trở lại” – phóng viên Amendolia cho biết.
Các bệnh nhân bị mù cả hai năm đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt và dễ trở thành gánh nặng đối với cả gia đình, đặc biệt là các gia đình nghèo. Nhưng kỹ thuật phẫu thuật nhanh của bác sĩ Ruit đã giúp họ tìm lại sự độc lập và thay đổi cuộc đời.
Và nhờ đôi bàn tay tài hoa của bác sĩ Ruit, rất nhiều cuộc đời ở vùng nông thôn Nepal, các nước châu Á và châu Phi đã thay đổi hoàn toàn. “Tôi rất biết ơn cuộc sống vì tôi có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời của rất nhiều người” – bác sĩ Ruit khiêm tốn. Ở tuổi 59, nhiệt huyết trong ông vẫn tràn đầy như thời trai trẻ.
Khi được hỏi ông cảm thấy thế nào mỗi khi nhìn thấy một bệnh nhân tìm lại ánh sáng, bác sĩ Ruit khẳng định: “Cảnh tượng đó tiếp thêm sức sống cho bạn và giúp bạn tiếp tục tiến về phía trước một cách mạnh mẽ hơn”.
Niềm tin xuất phát từ sự mất mát Bác sĩ Sanduk Ruit sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở dãy Himalaya, ở một vùng hoang vu đến mức ngôi trường gần nhất cách đó một tuần đi bộ. Khi ông 17 tuổi, chị gái của ông qua đời vì bệnh lao, một căn bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được. Chính sự mất mát đó đã thúc đẩy bác sĩ Ruit đi theo con đường y tế để giúp đỡ người nghèo. |