Họ thành công nhờ khác biệt
Ngày 10-12, tại Stockholm (Thụy Điển) diễn ra lễ trao giải Nobel 2014. Nhân dịp này, tiến sĩ Ulf Larsson – phó giám đốc Bảo tàng Nobel – dành cho Tuổi Trẻ buổi trò chuyện riêng nhân dịp ông thăm TP.HCM.
Họ thành công nhờ khác biệt
Ngày 10-12, tại Stockholm (Thụy Điển) diễn ra lễ trao giải Nobel 2014. Nhân dịp này, tiến sĩ Ulf Larsson – phó giám đốc Bảo tàng Nobel – dành cho Tuổi Trẻ buổi trò chuyện riêng nhân dịp ông thăm TP.HCM.
* Mỗi năm Thụy Điển trao năm giải Nobel trong khi Na Uy chỉ trao giải Nobel hòa bình. Vì sao như thế, thưa ông?
TS Ulf Larsson: – Vào thời của Alfred Nobel (1833-1896), Thụy Điển và Na Uy cùng nằm trong một liên minh. Không rõ vì sao Alfred Nobel lại chọn Na Uy là nơi trao giải Nobel hòa bình. Trong di chúc của mình, Nobel chỉ nói rằng giải thưởng hòa bình phải được một ủy ban gồm năm thành viên do nghị viện Na Uy lựa chọn.
Đã có những phỏng đoán về lý do ông chọn Na Uy trao giải thưởng này. Vì Thụy Điển và Na Uy khi đó nằm chung trong một liên minh nên có thể Nobel muốn Na Uy cũng có chỗ trong di chúc của ông.
Có lẽ ông nhìn nhận Na Uy là một nước cởi mở và cấp tiến trong ngoại giao, chính trị nên muốn nước này trao giải thưởng hòa bình.
Tiến sĩ Ulf Larsson – Ảnh: Ngọc Đông |
* Theo ông, đâu là những đặc điểm nổi bật của người đoạt giải Nobel?
– Nếu nhìn vào sự nghiệp của những người đoạt giải Nobel, chúng ta sẽ thấy có nhiều đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, có vài phẩm chất mà chúng ta dễ dàng tìm thấy ở họ.
Họ suy nghĩ khác biệt do phần lớn đều đã đi nhiều nước trên thế giới và tiếp nhận những ảnh hưởng khác nhau từ các quốc gia, thể chế khác nhau.
Họ rất quyết tâm và luôn theo đuổi giải quyết vấn đề của mình dù cho có bị ngăn cản. Ngoài ra, có lẽ phải kể đến sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa.
Có thể họ chỉ tình cờ nghĩ ra một ý tưởng nào đó rồi thành công với nó hoặc bỗng nhiên khi đang quan sát trong phòng thí nghiệm, họ lại phát hiện điều gì đó mà trước giờ chưa nhận thấy, họ tìm cách lý giải rồi dẫn đến phát minh.
* Ông có biết đến trường hợp nào lấy cảm hứng từ những hoạt động và chương trình của Bảo tàng Nobel để rồi sau này họ đoạt giải Nobel không?
– Bảo tàng Nobel quá non trẻ để có thể tạo cảm hứng cho ai đó đoạt giải Nobel vì chúng tôi mới thành lập chưa đầy 15 năm. Bảo tàng chúng tôi chỉ mới thành lập năm 2001 nhằm kỷ niệm 100 năm giải thưởng này.
Để đoạt giải Nobel cần có thời gian, chính vì thế tôi cho rằng chưa ai đoạt giải Nobel nhờ những cảm hứng từ các chương trình của chúng tôi. Tuy nhiên, bản thân giải Nobel lại là nguồn cảm hứng cho nhiều người.
Có một câu chuyện vui về người đoạt giải Nobel hóa học: Peter Agre (2003). Ông Agre từng viết thư hỏi xin chữ ký của James Watson, giải Nobel y sinh năm 1962 nhờ khám phá cấu trúc ADN, khi còn là anh sinh viên khoảng 18 tuổi. Sau đó ông có được chữ ký của James Watson, rồi vài năm sau Agre trở thành người đoạt giải Nobel.
Một câu chuyện khác về Elizabeth Blackburn, đoạt giải Nobel y sinh năm 2009. Sự nghiệp khoa học của bà được cho là lấy cảm hứng từ Marie Curie do bà đã đọc tiểu sử của Marie Curie khi còn là một cô bé. Sau đó cô bé Elizabeth Blackburn quyết tâm theo đuổi khoa học để rồi trở thành người đoạt giải Nobel.
Bảo tàng Nobel Bảo tàng Nobel ở thủ đô Stockholm rộng khoảng 1.000m², là nơi cung cấp thông tin về tiểu sử của Alfred Nobel và lịch sử giải Nobel cũng như thành tựu của những người đoạt giải trong các lĩnh vực khoa học, y học, hòa bình… Mục đích hoạt động của bảo tàng là truyền tải tinh thần của Alfred Nobel và khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình. Tại đây cũng có những hoạt động và chương trình riêng để khuyến khích giới trẻ theo đuổi khoa học, khiến họ cảm thấy khoa học không nhàm chán mà trái lại hết sức thú vị và đầy cảm hứng. Phân nửa kinh phí hoạt động của bảo tàng nhờ từ hỗ trợ của chính phủ và thành phố Stockholm, 25% từ tài trợ của nhiều doanh nghiệp và phần còn lại từ tiền bán vé tham quan. Hiện có khoảng 200.000 khách từ khắp thế giới tham quan Bảo tàng Nobel mỗi năm. |
* Thụy Điển đã trao giải Nobel cho nhiều người trên khắp thế giới, vậy có bao nhiêu nhà khoa học Thụy Điển từng đoạt giải này?
– Theo tôi nhớ là hơn chục người. Hiện nay, nếu là người Thụy Điển thì để đoạt giải Nobel, họ phải được nhiều người đề cử và giới thiệu hơn những người khác.
Họ cũng cần phải chứng minh khám phá của mình nhiều hơn để tránh bị đặt dấu hỏi về tính minh bạch của giải thưởng.
* Chính phủ Thụy Điển có những chính sách cụ thể để đào tạo ra những người đoạt giải Nobel không?
– Không có. Chúng tôi không hề đặt ra những mục tiên như vậy. Đoạt giải Nobel là chuyện khó vì giải thưởng chỉ có hạn. Đào tạo ra người đoạt giải Nobel theo kiểu kế hoạch như thế rất khó vì cần có nhiều yếu tố và điều kiện thì một người mới đoạt được giải thưởng danh giá này.
Vì vậy mục đích của Bảo tàng Nobel chỉ là khơi gợi niềm đam mê khoa học nơi khách tham quan chứ không phải để tạo ra cảm giác rằng giải Nobel là thứ có thể đưa vào kế hoạch.
Nghiên cứu miệt mài thôi chưa đủ mà phải có thêm nhiều yếu tố khác nữa. Giải thưởng ít nên không thể nói chắc rằng nếu ai đó giỏi ở lĩnh vực nào đó đến mức độ nhất định thì sẽ đoạt giải Nobel.
Đề xuất khả dĩ nhất khi nói đến chuyện đoạt giải là hãy tạo ra môi trường cởi mở để mọi người có thể dễ dàng chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, từ nơi này sang nơi khác để tìm kiếm những cảm hứng mới và cách nhìn mới về mọi vật. Chính điều đó sẽ tạo ra cơ hội cho phát minh và khám phá.
* Ông có muốn nói điều gì đó với giới trẻ VN không?
– Hãy học tập, làm việc chăm chỉ và dám đeo đuổi đến cùng những suy nghĩ của mình. Tận dụng cơ hội để nghiên cứu khoa học, văn chương, hòa bình… và làm tất cả mọi điều thú vị mà các bạn có thể làm được trong cuộc sống, rồi biết đâu có ngày các bạn sẽ đoạt giải Nobel.
Tôi có thể bảo đảm rằng niềm vui của việc khám phá, viết ra, và đạt được điều gì đó khi các bạn nỗ lực thì tự bản thân nó đã bõ công sức mà không cần phải đoạt giải Nobel.
Giải Nobel chỉ như phần thưởng cộng thêm vào những điều tuyệt vời mà các bạn sẽ trải qua trong hành trình chinh phục đam mê của mình.
Quỹ Nobel kiếm tiền nhờ chứng khoán * Số tiền dành để trao giải Nobel do người sáng lập để lại hiện do Quỹ Nobel quản lý. Những người quản lý làm thế nào để có đủ tiền tiến hành trao giải hằng năm vì Alfred Nobel chỉ để lại một khoản tiền nhất định? – Trong di chúc của mình, Alfred Nobel ghi rõ gia tài của mình phải được tích lũy trong ngân hàng hoặc đầu tư vào những kênh an toàn. Chính vì thế, lợi tức từ các khoản gửi hoặc đầu tư này không cao. Sau đó, quy định được thay đổi và Quỹ Nobel được phép đầu tư vào chứng khoán và họ kiếm được lợi nhuận từ đó. * Họ có bị lỗ bao giờ chưa? – Tất nhiên là có. Khi tình hình tài chính thế giới ảm đạm thì Quỹ Nobel cũng bị ảnh hưởng nhưng nói chung là họ đầu tư rất giỏi, dù cũng đã trải qua nhiều thăng trầm trong thời gian qua. * Có công ty nào đứng sau hỗ trợ quỹ này trong việc đầu tư không? – Không hề. Họ tự quản lý mọi thứ. Tất nhiên họ có cố vấn riêng nhưng về đầu tư thì họ tự làm lấy. * Chính phủ Thụy Điển có những ưu đãi nào cho Quỹ Nobel trong chuyện đầu tư không, thưa ông? – Đầu thế kỷ 20 số tiền trong Quỹ Nobel sụt giảm do họ phải đóng thuế. Sau này chính phủ mới quyết định miễn đánh thuế khi nhận thấy cần phải duy trì giải thưởng Nobel vì nó rất quan trọng với Thụy Điển. Ngoài những việc đó ra, chính phủ không liên quan gì đến Quỹ Nobel vì đó là một tổ chức độc lập. |
Website chính thức của giải Nobel cho biết kể từ năm 1901, giải thưởng này được trao cố định hằng năm vào ngày 10-12, ngày mất của Alfred Nobel. Theo di chúc của Nobel, các giải vật lý, hóa học, y sinh và văn chương được trao ở Stockholm (Thụy Điển) trong khi giải hòa bình được trao ở Oslo (Na Uy). Tại Thụy Điển, lễ trao giải diễn ra ở nhà hát Stockholm kể từ năm 1926. Từ 1947-1990, giải hòa bình được trao tại Đại học Oslo và sau đó chuyển sang tòa thị chính Oslo đến nay. |