08/01/2025

Chuyến viếng thăm Etiopia của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương

Từ ngày mồng 5 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã bắt đầu viếng thăm Etiopia. Trong những ngày này, ngài đang thăm viếng một số giáo phận, chủng viện, trường học, các nhà thương và trung tâm bác ái của Giáo hội Công giáo.

Chuyến viếng thăm Etiopia của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương
 
Từ ngày mồng 5 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã bắt đầu viếng thăm Etiopia. Trong những ngày này, ngài đang thăm viếng một số giáo phận, chủng viện, trường học, các nhà thương và trung tâm bác ái của Giáo hội Công giáo.

Giáo hội Etiopia theo nghi lễ Alessandria hiện nay là một Giáo Hội tự quản gồm một Toà Tổng Giám mục tại Addis Abeba và 4 giáo phận tại Eritrea và 3 giáo phận tại Etiopia.

Tiếp đón Đức Hồng y Tổng trưởng tại Nhà thờ Chính toà Addis Abeba có Đức Tổng Giám mục Addis Abeba và các Giám mục Đông phương cũng như Latinh và các trẻ em. Các em đã hát các bài ca cổ truyền chào mừng Đức Hồng y đến thăm Etiopia, quê hương của các em.

Cộng hoà Liên bang Etiopia rộng hơn 1,1 triệu cây số vuông có hơn 91 triệu dân, trong đó có 61,6% theo Kitô giáo, 32,8% theo Hồi giáo và 5,6% theo đạo thờ vật linh. Trong khối Kitô Chính thống chiếm 50,6%, Tin Lành 10,1% đa số thuộc Giáo hội Tin Lành Etiope Mekane Yesus, Công giáo chiếm 0,9%. Đa số tín hữu chính thống sống tại miền trung và miền bắc. Miền nam và miền tây Etiopia cũng có nhiều tín hữu Chính thống và Tin Lành, trong khi miền nam gần Somalia có đa số dân theo Hồi giáo. Ngoài ra, cũng có một cộng đoàn Dothái nhỏ gọi là Falascia, trong tiếng Aramei là Beta Israel, sống trong vùng tây bắc Etiopia, cả khi 85%, tức khoảng 90.000 người, đã di cư về Israel trong các năm 1984 với phong trào “Moshê” và năm 1985 với phong trào “Yoshua”, khi vùng này gặp nạn đói kém, và với phong trào “Salomon năm 1991 theo sau các vụ xung đột giữa Etiopia và Eritrea. Một vài học giả Israel cho rằng nhóm Dothái này là phần còn lại của 1 trong 12 chi tộc Israel bị thất lạc.

Etiopia gồm nhiều nhóm chủng tộc khác nhau, đông nhất là Oromo hay Galla chiếm 40%, rồi Amhara chiếm 32%. Tiếp đến là Sidama chiếm 9%, Tigrini va Tigrè chiếm 7%, Shankella chiếm 6%, Somali chiếm 6% Afar chiếm 4% Guraghé chiếm 2% và 1% thuộc các chủng tộc khác.

Tên gọi Etiopia được giải thích nhiều cách khác nhau. Trong các tác phẩm văn chương Illiade và Odissea người Hy Lạp gọi Etiopia là vùng đất do người “Aithíôu” ở, nghĩa là những “người mặt cháy”, trong khi sử gia Erodoto dùng từ Etiopia để gọi các vùng đất ở mạn nam Ai Cập. Trái lại, các nguồn Etiopi cho rằng tên gọi Etiopia do từ “Ityapp’is” ám chỉ dân tộc con cháu của Cush, con của Ham, là người thành lập thành phố Haksum như viết trong các văn bản thánh Etiopi. Giả thuyết thứ ba cho rằng tên Etiopia phát xuất tử kiểu nói trong tiếng của các “Pharao da đen” của Sudan gồm các từ: “et” có nghĩa là sự thật hay hoà bình, “op” có nghĩa là cao hay bên trên và “bia” là xứ sở hay vùng đất. Như thế, Etiopia là “xứ sở của hoà bình cao nhất”.

Vào thời thuộc địa, vùng này được gọi lầm lẫn là Abissinia, đất của người Abissini thuộc chi tộc Habashat từ Arabia di cư tới đây.

Kitô giáo đã hiện diện tại Etiopia từ 17 thế kỷ qua, khiến cho nước này là quốc gia Kitô duy nhất của lục địa Phi châu. Nó đã để lại các dấu vết sâu đậm trong các cơ cấu gia đình, xã hội và chính trị của Etiopia, đã giúp người dân nước này kháng cự lại các áp lực và bách hại bên trong và bên ngoài cho tới năm 1974, khi Etiopia phải sống dưới chê độ độc tài mác xít kéo dài 17 năm trời, tức cho tới năm 1991.

Kitô giáo đã bắt đầu tại Etiopia vào đầu thế kỷ IV, khi Vương quốc Aksum mở cửa cho Tin Mừng như sử gia Rufino thành Aquileia (345-411) kể lại trong tác phẩm “Lịch sử Giáo Hội” của ông. Sách kể rằng có một triết gia nọ người thành Tiro sang Ấn Độ để học hỏi. Ông đem theo hai người cháu là Edesio và Frumenzio mà ông đã dạy cho các nghệ thuật tự do. Trên đường về, tàu ghé bờ Biển Đỏ để tiếp tế nước và lương thực, nhưng bị dân chúng tấn công, vì họ đang chống lại đế quốc Roma. Thuỷ thủ đoàn và các hành khách bị giết hết, chỉ trừ 2 thanh niên thoát nạn nhưng bị bắt làm tù binh và bị dâng cho vua Etiopia. Trí thông minh và tầm hiểu biết của hai người trẻ khiến cho nhà vua rất cảm phục nên chỉ định Frumenzio làm thư ký và quan coi kho bạc, còn Edesio được làm quan ngự tửu có nhiệm vụ nếm và dâng rượu cho vua. Khi nhà vua qua đời, hai người được trả tự do. Nhưng hoàng hậu nhiếp chính, trong khi chờ đợi Hoàng tử Ezanà còn nhỏ tuổi lớn lên nắm quyền thay vua cha, đã xin Frumenzio và Edesio giúp bà cai trị nước. Tận dụng địa vị cao của mình, quan Frumenzio tiếp đón các Kitô hữu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ rao giảng Tin Mừng và cho Kitô hữu có các nơi cầu nguyện. Khi Hoàng tử Ezanà lên ngôi, hai người giã từ triều đình, Edesio trở về Tiro và chịu các chức thánh; còn Frumenzio sang Alessandria, Ai Cập, để báo cho Đức Thượng phụ Atanasio biết sự lớn mạnh của Kitô giáo trong Vương quốc Aksum của Etiopia, và ông xin Đức cha Atanasio gửi một giám mục sang Etiopia để lo lắng cho giáo đoàn tại đây. Sau khi họp các linh mục lại, Đức Giám mục Atanasio thảo luận việc này và trả lời Frumenzio: “Chúng ta có thể tìm được người nào có thần khí của Thiên Chúa ngự trị trong đó và có thể chu toàn nhiệm vụ đó bằng con?” Và thế là ngài tấn phong Frumenzio làm giám mục và gửi tới Aksum, thủ đô của Vương quốc Etiopia. Người ta không biết rõ năm, nhưng biết chắc chắn rằng Atanasio đã được bầu làm Thượng phụ Alessandria năm 328 và lần đầu tiên Frumenzio ghé Etiopia là nhiều năm trước đó và lễ tấn phong giám mục xảy ra sau năm 330. Sử gia Rufino còn cho biết Frumenzio rao giảng Tin Mừng tại Vương quốc Aksum trong 20 năm, khiến cho rất nhiều người dân ở đây theo đạo. Có điều chắc chắn là, vào năm 345 vua Ezanà, mẹ vua được rửa tội, lấy tên thánh là Sofia, cũng như hoàng gia và triều thần đã theo Kitô giáo. Giám mục Frumenzio rất được người dân Aksum kính mến và được gọi là “Abba Salama, người cha hoà bình”, với tưóc hiệu “Chesatiè Brhan, người mạc khải ánh sáng”. Trong truyền thống Etiopi, hai anh em hoàng tử Ezanà và Sexanà trở thành “Abrahà, người soi sáng” và “Atsbhà, người làm cho mặt trời mọc lên”. Họ là bình minh và ánh sáng của nước Etiopia mới, Etiopia Kitô.

Vì Etiopia là một giáo phận của Giáo hội Ai Cập nên giám mục được Thượng phụ Alessandria chỉ định và phải là một người Ai Cập. Vị giám mục này được gọi là “Abuna, cha chúng tôi” và có quyền chỉ định các giám mục địa phương. Vào đầu thế kỷ V, một đan sĩ Hylạp là Eutiche, thủ lãnh tinh thần của các tu sĩ Costantinopoli, rao giảng lạc thuyết monofisismo, theo đó nhân tính của Chúa Kitô bị thiên tính thu hút và chỉ có thiên tính là hiện hữu mà thôi. Công đồng chung Calcedonia tuyên bố Eutiche lạc giáo và thiết định rằng nơi Chúa Kitô nhân tính và thiên tính đồng hiện hữu. Vài Giáo hội Đông phương trong đó có Giáo hội Alessandria không chấp nhận các kết luận của Công đồng và tách rời khỏi Giáo hội Roma. Vì là giáo phận tuỳ thuộc Alessandria, Etiopia cũng tách rời khỏi Giáo hội Roma. Trong thế kỷ V, Kitô giáo tiếp tục phát triển cả tại đồng quê do công tác rao truyền Tin Mừng của các đan sĩ tới từ Đông phương Kitô. Tuy nhiên, có vài học giả cho rằng “thuyết một bản tính” đã chỉ gia nhập Etiopia sau này. Một trong các bằng chứng là Vua Caleb, cai trị Aksum vào tiền bán thế kỷ VI, được Giáo hội Công giáo mừng kính như là thánh ngày 27 tháng 10.

Vào cuối thế kỷ VI, Vương quốc Aksum suy tàn, và Etiopia mau chóng bị bao vây bởi sự bành trướng của Hồi giáo và bị thế giới quên lãng trong 1.000 năm.

Biến cố các thừa sai Dòng Tên đến Etiopia trong 2 thế kỷ XVI-XVII khiến cho các hoàng đế Ze-Dinghil và Susinios theo Công giáo, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các thảo luận giữa các tu sĩ DòngTên với Hàng Giáo sĩ Etiopia đã làm nảy sinh ra hai trào lưu thần học: một trào lưu được bênh vực trong Đan viện Goggiam, bao gồm vùng sông Nilo xanh và mạn nam hồ Tana; trào lưu kia trong Đan viện Debra Libanos trong vùng Scioa. Trào lưu Goggiam cho rằng Chúa Kitô đã không được Chúa Thánh Thần xức dầu nhưng do chính Người, và trong việc hiệp nhất với Ngôi Lời, nhân tính của Người bị thiên tính thu hút. Trào lưu này được gọi là “qebàt”, xức dầu, và “hulèt liddèt”, hai lần sinh ra, vì thừa nhận sự kiện Chúa Kitô được sinh ra từ đời đời và được sinh ra từ Đức Trinh Nữ. Trong khi trào lưu Debralibanos cho rằng Chúa Kitô đã được Thiên Chúa Cha xức dầu qua Chúa Thánh Thần và được gọi là “sost liddèt, ba lần sinh ra”, bao gồm lần sinh ra qua việc xức dầu. Nó cũng được gọi là “teuahdò”, có nghĩa là “trở nên một”, vì nhân tính và thiên tính hiệp nhất với việc nhập thể trong một bản tính gồm thiên tính và nhân tính. Chúa Kitô cũng được gọi là “tseggà ligg”, người con của ơn thánh, vì với viêc xức dầu, nhân tính của Chúa Kitô được thánh hoá bởi ơn của Chúa Thánh Thần. Các tranh cãi bất tận nơi Hàng Giáo sĩ Etiopi liên quan tới việc xức dầu và bản tính của Chúa Kitô, đôi khi biến thành các cuộc đấu tranh khốc liệt và đẫm máu, với các trận chiến và các vụ tàn sát toàn đan viện.

Trong dòng lịch sử, khi thì trào lưu này thắng thế, lúc thì trào lưu kia thắng thế với các cuộc nổi loạn bị dẹp tan trong máu. Chẳng hạn dưới triều đại Vua David III vào phần tư đầu thể kỷ XVIII, tất cả các đan sĩ Debra Linanos đã bị tàn sát. Với biến cố Teodoro II lên ngôi năm 1855, giáo phái Goggiam được coi là quốc giáo, đuợc vua Giovanni IV tái xác nhận và áp đặt trong Công nghị Boru Mieda năm 1878. Ít năm sau đó, hoàng đế Menelik lên ngôi, chấm dứt các tranh cãi tôn giáo. Vua Menelik rất khoan nhượng và để cho mỗi tín hữu tự do chọn lựa. Giáo thuyết Debra Libanos trở thành giáo thuyết chính thức của Giáo hội Etiopia.

Ngày nay Giáo hội Etiopia cũng giống các Giáo hội Đông phương không Calcedonia, tức các Giáo hội Siri, Armeni khước từ thuyết monofisis một bản tính duy nhất, và tuyên bố mình là “miafisis”, tức sự hiệp nhất của hai bản tính trong một bản tính hỗn hợp. Tên gọi chính thức của Giáo hội Etiopi là Giáo hội Chính thống Teuahdò Etiopia. “Teuahdò” có nghĩa là “trở thành một”. Ngoài ra, từ năm 1951, Giáo hội Etiopia độc lập với Giáo hội Alessandria với Thượng phụ là Abuna Basilios. Đức Thượng phụ Chính thống Etiopia hiện nay là Abuna Paulos.

Trở lại với chuyên viếng thăm Etiopia của Đức Hồng y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương. Sau lễ nghi chào đón tại Nhà thờ Chính toà, Đức Hồng y đã lắng nghe tường trình của hai nhóm Giám mục lễ nghi Gheez Alessandria Etiopia và lễ nghi Latinh. 

Ngỏ lời trong dịp này, ngài chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám mục Roma, người có nhiệm vụ chủ toạ tình hiệp thông giữa các chủ chăn trong Giáo Hội. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Hồng y là để đáp lễ chuyến viếng thăm của các Giám mục Etiopia hồi tháng 5 năm nay tại Roma. Vượt trên mọi hiểu lầm hay chia rẽ, thiếu sót và tội lỗi, điều duy nhất nối kết mọi người là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, và mầu nhiệm hiệp thông của các Thánh ở nguồn gốc đức tin của dân nưóc Etiopia. Chẳng hạn thánh Frumenzio được thánh Atanasio tấn phong Giám mục, thánh sử Marcô, môn đệ của thánh Phêrô, người đã rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội tại Alesssandria, cho tới các thừa sai và thánh Giustino de Jacobis, qua biết bao vui buồn sướng khổ và khó khăn, là những người đã khiến cho Tin Mừng được đâm rễ sâu trong lòng đất Etiopia, cả khi Giáo hội Công giáo hiện nay chỉ là một thiếu số nhỏ nhoi đi nữa. Nhưng sự kiện này đòi hỏi chúng ta phải dấn thân mạnh mẽ hơn nữa để tái lập sự hiệp thông giữa các Giáo hội. Kỷ niệm 50 thành lập Hàng Giáo phẩm Etiopia là dịp tốt để ôn lại lich sử từ đó đến nay.

Tiếp đến, Đức Hồng y Sandri đã nhắc tới ba tài liệu của Công đồng Vatican II là Hiến chế về Giáo HộiLumen Gentium, Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương, và Sắc lênh về Đại kết Unitatis Redintegratio. Để là ánh sáng muôn dân, cần tái khám phá ra vai trò của các chứng nhân sống động của truyền thống tông đồ và tất cả mọi Giáo hội Đông phương phải cùng nhau dấn thân trên con đường tái lập sự hiệp nhất. Việc đọc lại các tài liệu Công đồng có thể là điểm quan trọng giúp kiểm thực các hướng đi cho tới nay và tránh các vấn đề có thể làm lạc hướng khiến quên đi sự tuỳ thuộc Giáo Hội, hay các gốc rễ, qua đó chúng ta nhận được nhựa sống, hay quên đi nhiệm vụ phải cùng nhau làm chứng cho Chúa. Ký ức Kitô thôi thúc chúng ta kiểm thực khả năng đem Chúa đến cho mọi người.

Vượt qua các lỗi lầm lịch sử đã phạm trong quá khứ vì các hiểu lầm hay các quan niệm khác nhau về Giáo Hội, bổn phận rao giảng Tin Mừng là một quyền không thể huỷ bỏ được. Sắc lệnh về Truyền giáo Ad Gentes cũng như các tài liệu Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI, Redemptoris Misio của Đức Gioan Phaolô II và Evengelii Gaudium của Đức Phanxicô là các nguồn gọi hứng phong phú cho công tác rao truyền Tin Mừng và đồng hành với các cộng đoàn Kitô, cũng như cho việc cộng tác giữa các Giám mục Đông phương và các Giám mục Latinh. Mọi người đều được mời gọi dấn thân trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ đào tạo giới trẻ qua việc giảng dạy giáo lý, cho tới việc thăng tiến Đại học Công giáo Thánh Toma Aquino, lo lắng cho người di cư, trợ giúp các tín hữu Etiopi sống tại nước ngoài, thu thập các dữ liệu thống kê. Mọi công tác mục vụ đều phải có chiều kích hoà giải.

Tiếp theo đó, Đức Hồng y đã bước sang phòng hội của Trung tâm Mục vu, để cùng các Giám mục kết thúc đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Etiopia.

Ngày mồng 6 tháng 12, Đức Hồng y Sandri đã chủ sự thánh lễ và gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ Etiopi trong Nhà thờ Chính toà Addis Abeba. Giảng trong dịp này, Đức Hồng y đã để lại 3 từ chìa khoá và các suy tư rút tỉa ra từ các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô: niềm vui phát xuất từ đức tin;lòng can đảm làm chứng tá trong mọi môi trường cuộc sống, từ bỏ kiểu sống Kitô vô danh; và sống sự hiệp thông sâu xa dựa trên lời cầu nguyện và tình liên đới với tha nhân, đặc biệt những người túng thiếu nhất. Đức Hồng y đã khich lệ mọi người noi gương sống bác ái thánh thiện của Mẹ Maria, cũng như gương của các thánh Frumenzio, Giustino de Jacobis và chân phước Gabriel đã chịu nhiều khổ đau khốn khó để rao truyền Tin Mừng, giơ tay lên để cầu nguyện và giang tay ra để trợ giúp dân nghèo và hoà giải với tha nhân.

Ngày 11 tháng 12, Đức Hồng y Sandri gặp gỡ Đức Thượng phụ Abune Mathias, Giáo chủ Chính thống Copte Etiopia, và chào thăm Tổng thống Cộng hoà Liên bang Etiopia.

(RG 5.6-12-2014)