06/01/2025

Một gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn

Tiếp nối Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Gia đình, theo đường hướng của Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2013, là Năm TÂN PHÚC-ÂM-HOÁ ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN sống đời thánh hiến. Các Giám mục Việt Nam trong Thư Mục vụ 2014-2015 nhắc lại bối cảnh mục vụ “trong khung cảnh Giáo Hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ gia đình, được cụ thể hoá qua Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới bàn về “Những thách đố mục vụ cho gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hoá”.

Tân Phúc-Âm-hoá để thông truyền đức tin
Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn

Một gợi ý mục vụ
 


Tiếp nối Năm Tân Phúc-Âm-hoá đời sống Gia đình, theo đường hướng của Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2013, là Năm TÂN PHÚC-ÂM-HOÁ ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN sống đời thánh hiến. Các Giám mục Việt Nam trong Thư Mục vụ 2014-2015 nhắc lại bối cảnh mục vụ “trong khung cảnh Giáo Hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ gia đình, được cụ thể hoá qua Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới bàn về “Những thách đố mục vụ cho gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hoá”. Đồng thời, trong năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền giáo (Ad Gentes), chúng tôi mời anh chị em hướng đến một gia đình rộng lớn hơn, là giáo xứ. Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hoá, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu toả ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Và, “để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42)” (HĐGMVN, Thư Mục vụ 2015, 1).

Hơn nữa, năm 2015 này được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm Năm của Đời sống Thánh hiến, đây sẽ là cơ hội thuận lợi để anh chị em sống đời thánh hiến “đào sâu căn tính của mình”, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (Niềm vui Tin Mừng, số 264). “Chính trải nghiệm này thúc giục chúng ta ngày càng yêu mến Đức Kitô nhiều hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác, nghĩa là dấn thân cho sứ vụ Phúc-Âm-hoá cách mạnh mẽ hơn, trong sự hợp tác chặt chẽ với Giáo Hội địa phương” (Thư Mục vụ, 1).

Để các giáo xứ trong đó các gia đình, các hội đoàn tông đồ – đạo đức, các cộng đoàn nhỏ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến (các dòng tu, tu hội đời, tu đoàn tông đồ) cùng nhau suy tư, cử hành và sống lời kêu gọi trên của các vị mục tử, chúng tôi xin giới thiệu các đề tài sau đây như một gợi ý mục vụ cho 12 tháng của năm tới.

6 chủ đề đầu hướng đến các chiều kích thiết yếu của giáo xứ, cộng đoàn hội thánh Chúa Kitô: Hội Thánh là Gia đình của Thiên Chúa, trong đó các thành phần là anh chị em sống yêu thương nhau bằng chính Tình Yêu của Chúa. Điều đó trở thành là chứng từ, một cách đặc biệt là chứng từ của người sống tận hiến cho Chúa, để cho thế gian tin vào Đức Giêsu Kitô. Gia đình của Thiên Chúa ấy ở giữa trần thế mà không thuộc về trần thế, vì họ thuộc về và ở trong Thiên Chúa, siêng năng kết hợp với Chúa qua cử hành Thánh Thể và cầu nguyện không ngừng. Sống giữa trần thế như con thuyền bị sóng đánh tròng trành giữa bão tố của chủ nghĩa tương đối thế tục, nhưng họ được dưỡng nuôi còn bằng Lời Chúa qua giáo huấn của các Tông đồ. Tình yêu mà họ dùng để yêu thương nhau, vì xuất phát từ Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Chúa sung mãn tràn trề, tuôn trào ra đến với mọi người. Họ luôn hiệp thông với nhau và bằng hành động đức tin họ chia sẻ với mọi người, nhất là những người nghèo.

Sáu chủ đề tiếp theo hướng đến những thành phần Dân Chúa đặc biệt được phúc-âm-hóa, bắt đầu từ các linh mục, đến các Kitô hữu giáo dân, trong đó những người sống đời độc thân thánh hiến và những người sống đời đôi bạn trong hôn ước, hai bậc sống diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa vừa như là nguồn cội vừa như là cùng đích của tạo thành. Phúc-âm-hóa không chỉ nhằm đến các cá vị nhưng còn hướng đến các cộng đoàn nhỏ trong Hội Thánh, khởi đi từ các gia đình, và một thành phần đặc biệt của thời đại ngày nay, là anh chị em di dân và lưu dân.

1. Giáo xứ: Gia đình của các gia đình thừa sai

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
 (Mc 3,33).

2. Giáo xứ: Cộng đoàn hiệp thông để truyền giáo

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
 (Ga 15,12).

3. Giáo xứ cộng đoàn thừa sai với chứng từ của Đời thánh hiến

“Hài Nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.”(Lc 2,40).

4. Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh hiệp thông trong thờ phượng

“Các tín hữu siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.”
 (Cv 2,42).

5. Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh tông truyền được dưỡng nuôi bằng LỜI

“Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy.” (Cv 2,42).   

6. Giáo xứ: Cộng đoàn hội thánh hiệp nhất với nhau trong Lòng Thương Xót

“Họ luôn luôn hiệp thông với nhau.” (Cv 2,42).

7. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: canh tân đời sống và con người linh mục

“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phục vụ mọi người.”
 (Mc 9,35).

8. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: Canh tân đời sống và con người Kitô hữu giáo dân

“Muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại?” (Mc 9,50).

9. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: Canh tân đời sống thánh hiến

“Hãy đi bán những gì anh có… rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21).

10. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: Canh tân đời sống hôn nhân

“Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (Ep 5,7).

11. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: Canh tân các cộng đoàn nhỏ và gia đình


“Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1 Cr 12,27).

12. Tân Phúc-Âm-hoá giáo xứ: Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em di dân

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
 (Mc 16,15).

***


Mùa Vọng 2014

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam