Làm giàu từ trùn quế
Ở tuổi 27, Nguyễn Vũ Thành An (ngụ thôn Vĩnh Định, xã Vĩnh Thịnh, H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã phát triển mô hình nuôi trùn quế, thu lợi mỗi tháng hơn chục triệu đồng.
Làm giàu từ trùn quế
Ở tuổi 27, Nguyễn Vũ Thành An (ngụ thôn Vĩnh Định, xã Vĩnh Thịnh, H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã phát triển mô hình nuôitrùn quế, thu lợi mỗi tháng hơn chục triệu đồng.
|
Tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính – Kế toán ở Quảng Ngãi, năm 2010, An về lại địa phương làm ở HTX nông nghiệp xã Vĩnh Thịnh. Sau 3 năm làm nhân viên thu ngân, An nghỉ việc. Trong thời gian làm ở HTX, An tranh thủ đi học hỏi kinh nghiệm nuôi trùn quế từ một người bà con ở H.Phù Cát rồi về tập tành nuôi thử. Sau khi nghỉ HTX, An tập trung hết thời gian và sức lực cho trùn quế.
“Ban đầu, mình nuôi để cung cấp cho gà, vịt xiêm ở nhà thôi nhưng dần dà bà con quanh vùng tới xin, mua giống… Thấy nhu cầu về loại trùn quế này ngày càng lớn nên mình mạnh dạn làm chuồng chừng 100 m2 để nuôi và phát triển”, An nói và chia sẻ thêm: “Mới đầu, gia đình tôi cũng sốc vì quyết định nghỉ việc của tôi. Nuôi trùn thì cũng sống được đó, nhưng còn cả một chặng đường dài, mọi người lo tôi không trụ vững và phát triển được”.
|
Lúc mới nuôi, An chỉ dám mua chừng 50 kg trùn quế (15.000 đồng/kg). Thời gian đầu, chuồng nuôi trùn của anh bị kiến phá, ăn thịt trùn. An lại mày mò thiết kế lại chuồng nuôi sao cho có rãnh nước xung quanh để cách ly kiến, xịt thuốc diệt kiến quanh chuồng, mà nếu lỡ có kiến bò vào thì dùng dầu hỏa hơ hơ cho kiến chết hoặc bỏ đi… Sau khi xử lý mọi vấn đề liên quan tới kiến, An mới ăn ngon ngủ yên, chờ bầy trùn lớn và sinh sản.
Theo An, trùn quế dễ nuôi, có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gia súc… để làm thức ăn cho trùn, ít tốn kém chi phí đầu vào. Đầu ra thì rất dễ tiêu thụ, lại có giá vì nhu cầu thị trường cao. Từ khi nuôi trùn quế đến nay, cơ sở của An đã cung cấp hàng tấn giống trùn quế cho các tỉnh như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, cung cấp trùn thịt cho Công ty nuôi cá tầm Nga ở Vĩnh Sơn… Năm 2012, Nguyễn Vũ Thành An đã đạt giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc.
Cái khổ nhất của nghề với An là mỗi lần cho trùn ăn, đôi tay cậu lại bê bết bùn đất, phân bò… Dù có rửa ngay nhưng mùi của hỗn hợp ấy trở thành một phần trong cậu. An nói vui không biết có phải do vậy mà tới giờ mình chưa có bạn gái hay không. Hai năm trở lại đây, An nuôi thêm gà đá, vịt xiêm, lấy trùn có sẵn làm thức ăn cho chúng, tạo thêm nguồn thu nhập dồi dào và chủ động cho mình.
Tâm Ngọc