08/01/2025

Tỉnh thức mong chờ chủ trở về

Chúng ta bước vào năm phụng vụ mới. Năm phụng vụ bắt đầu bằng Mùa Vọng. Đây là một giai đoạn tuyệt vời để đánh thức trong lòng ta niềm mong đợi Đức Kitô trở lại, và tưởng niệm lần đến đầu tiên của Người, khi Người tước bỏ vinh quang thần linh của mình để mặc lấy thân xác có sinh có tử của chúng ta.

 Tỉnh thức mong chờ chủ trở về

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật I Mùa Vọng, 27/11/2011

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới: để cùng nhau trải nghiệm một cuộc hành trình mới trong đức tin trong lòng các cộng đoàn Kitô hữu, nhưng cũng như thường lệ, để bước đi trong lòng lịch sử thế giới, nhằm giúp thế giới mở lòng đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, đón nhận ơn cứu độ bắt nguồn từ tình yêu của Ngài. Năm phụng vụ bắt đầu bằng Mùa Vọng. Đây là một giai đoạn tuyệt vời để đánh thức trong lòng ta niềm mong đợi Đức Kitô trở lại, và tưởng niệm lần đến đầu tiên của Người, khi Người tước bỏ vinh quang thần linh của mình để mặc lấy thân xác có sinh có tử của chúng ta.

“Hãy tỉnh thức!” Đó là lời Đức Giêsu kêu gọi chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay. Người không những cảnh tỉnh các môn đệ của mình, mà còn cảnh tỉnh hết mọi người: “Hãy tỉnh thức!” (Mc 13,37). Đây là một lời nhắc nhở hữu ích giúp chúng ta nhớ rằng cuộc đời không chỉ có chiều kích trần gian, mà còn hướng đến một “cái bên kia”, giống như một cây non đâm chồi nẩy lộc từ lòng đất và hướng về trời xanh. Một cây non biết suy nghĩ, đó là con người, được Thiên Chúa phú cho tự do và trách nhiệm, chính vì thế, mỗi người trong chúng ta sẽ được Chúa triệu về, để báo cáo với Ngài mình đã sống như thế nào, mỗi người đã sử dụng như thế nào tài năng Chúa ban: mỗi người đã cất giữ tài năng cho riêng mình, hay đã làm sinh lợi để giúp đỡ anh chị em.

Cũng thế, ngày hôm nay, Isaia, vị Tiên tri của Mùa Vọng, đã làm chúng ta suy nghĩ nhiều, khi ông dâng lên Thiên Chúa lời nài van thắm thiết, nhân danh dân tộc mình. Ông nhìn nhận những thiếu sót của dân tộc mình, và vào một lúc nào đó, ông đã thân thưa với Đức Chúa như sau: “Không một ai cầu khẩn Danh Đức Chúa, cũng chẳng có ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến chúng con, và đã phó mặc chúng con cho tội ác chúng con phạm hành hạ chúng con” (x. Is 64,6). Làm sao chúng ta lại không xúc động khi đọc bản mô tả này? Dường như nó phản ảnh một số bức tranh toàn cảnh của thế giới hậu hiện đại: các đô thị nơi cuộc sống trở thành nặc danh và chỉ có chiều ngang, nơi Thiên Chúa có vẻ vắng mặt, và nơi con người là ông chủ duy nhất, như thể con người là kiến trúc sư và là chủ nhân của mọi sự: xây dựng, việc làm, kinh tế, giao thông, các ngành kiến thức, công nghệ, mọi sự dường như chỉ lệ thuộc vào một mình con người. Và đôi khi, trong thế giới có vẻ hầu như hoàn hảo này, những điều làm cho chúng ta nao núng lại đang xảy ra, hoặc trong thiên nhiên, hoặc trong xã hội, và lúc đó, chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa đã rút lui, và rằng Ngài đã bỏ mặc chúng ta, nếu chúng ta có thể nói được như thế.

Thật ra, “ông chủ” thật sự của thế giới này không phải là con người, mà là Thiên Chúa. Bài Phúc Âm nói: “Do đó, anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết được khi nào chủ nhà trở về, hoặc vào chiều tối, hoặc lúc nửa đêm, hay vào giờ gà gáy sáng, hay ban mai, kẻo lỡ ra chủ nhà trở về bất chợt và thấy anh em đang còn say ngủ” (Mc 13,35-36). Cứ mỗi năm Mùa Vọng lại trở về để nhắc chúng ta nhớ đến điều này, để cuộc đời chúng ta có thể tìm ra hướng đi thích hợp, hướng về dung nhan Thiên Chúa. Không phải dung nhan của một “ông chủ”, mà là dung nhan của một người Cha và của một Người Bạn. Chúng ta hãy xem lời nói của vị Tiên tri là của chúng ta, và cùng với Đức Trinh Nữ Maria, Đấng hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc hành trình Mùa Vọng này, chúng ta hãy thưa với Chúa: “Ôi lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét và Ngài là thợ gốm nặn nên chúng con: tất cả chúng con là tác phẩm do tay Ngài tác tạo” (Is 64,8).