30/12/2024

Khoảnh khắc cuộc sống: Thợ sửa giày miễn phí…

Chiếc xe máy dừng xịch bên lề đường. Chàng trai vội vàng đứng dậy, bước ra thật nhanh, hỏi: “Hai em sửa giày hả?”.

 

Khoảnh khắc cuộc sống: Thợ sửa giày miễn phí…

 Chiếc xe máy dừng xịch bên lề đường. Chàng trai vội vàng đứng dậy, bước ra thật nhanh, hỏi: “Hai em sửa giày hả?”. 

 

 

Cô gái mở hé chiếc túi màu hồng trên tay: “Mấy đôi giày này nhờ anh sửa giúp”. Người thanh niên đón chiếc túi từ tay cô gái. Dợm bước đi, cô gái quay lại, dúi vào tay anh tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng: “À, tụi em gửi anh tiền mua keo, chỉ…”. Như một phản xạ, anh xua tay liên tục, kiên quyết không nhận.

Lý Ngọc Bình là tên của chàng trai 30 tuổi, làm nghề sửa giày dép ấy: “Ba gốc Gia Lai. Mẹ gốc Bình Định. Ba tôi mất rồi. Mẹ tôi ở với em gái ngoài Nha Trang. Tôi vào Sài Gòn từ năm 23 tuổi…”. Với chất giọng Bình Định, anh vừa kể vừa nheo nheo đôi mắt theo hướng mũi kim.

Tiệm giày dưới mái hiên một căn nhà trên đường Huỳnh Văn Bánh (P.15, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) của anh chỉ vẻn vẹn: một chiếc tủ gỗ, trên đặt “mẫu” là mấy đôi giày cũ kỹ, bụi bặm, một môtơ gắn đá nhám để mài, vài ống lon cắm kim và vài cuộn chỉ may.

Đều đặn mỗi ngày anh mở tiệm từ 7g, kết thúc một ngày dưới mái hiên hắt nắng cũng là lúc đèn đường đã sáng. Chàng trai ấy vẫn quan niệm: “Vật chất không phải là thứ quan trọng nhất. Cuộc đời mình đâu sống mãi. Làm được gì người khác vui thì mình cũng vui”.

Có lẽ vì thế mà bỗng một ngày, một tấm giấy khổ A3 ép nhựa với dòng chữ to, rõ ràng dựng lên: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, xe ba gác, xích lô, người thu gom rác”. 

“Làm thế để họ biết mà ghé. Chứ mang đi nơi khác sửa tốn tiền, tội nghiệp”. Rồi anh kể thêm: “Có một người bán vé số ghé tiệm với đôi giày mòn vẹt, rách tươm, chỉ còn khoảng 30%. Họ không có nhiều tiền để mua một đôi giày mới. Ai cũng cần phải mang giày/dép. Người làm nghề bán vé số, người chạy ba gác, xích lô… lại càng cần có một đôi giày/dép chắc chắn để mưu sinh trên mọi nẻo đường”. Nghĩ vậy, anh cố gắng sửa đôi giày ấy thật chắc chắn, kỹ càng.

Với bộn bề lo toan, mỗi ngày từ hơn 100.000 đồng/ngày kiếm được, ngoài khoản tiền nhỏ gửi về lo cho em gái đến trường, anh còn dành để san sẻ với những người lao động nghèo xung quanh.

Một ngày, thêm một tấm bảng “miễn phí” nữa lại ra đời: “Nơi đây có phát mì chay miễn phí vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng”.

Anh vui vẻ cho biết trong ngày đầu tiên, anh đã phát hết hơn 10 thùng mì chay. Dù mỗi phần chỉ gồm ba gói mì ít ỏi, nhưng người nhận vẫn thấu hiểu tấm lòng của chàng trai này.

 

MINH PHƯỢNG