26/11/2024

ĐTC Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày thứ hai

ISTANBUL – Trong ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng để viếng Đền thờ Hồi giáo, Bảo tàng viện Thánh Sophia, và buổi chiều để cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo, trước khi tham dự buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios I.

ĐTC Phanxicô viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày thứ hai
 
ISTANBUL – Trong ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ĐTC Phanxicô đã dành buổi sáng để viếng Đền thờ Hồi giáo, Bảo tàng viện Thánh Sophia, và buổi chiều để cử hành Thánh lễ cho các tín hữu Công giáo, trước khi tham dự buổi cầu nguyện đại kết với Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios I.

ĐTC đã đáp máy bay từ thủ đô Ankara bay tới Thành phố Istanbul, một thành phố cổ kính với gần 14 triệu dân, cách thủ đô Ankara 450 cây số về hướng tây bắc và là thành phố duy nhất trên thế giới ở hai bên bờ Á châu và Âu châu.

Khi đã đến Phi trường Istanbul, ngài được ông thị trưởng cùng với chính quyền và đặc biệt là Đức Thượng phụ Bartolomaios tiếp đón. Liền đó ngài được hướng dẫn đi viếng Đền thờ Xanh của Hồi giáo cách đó 30 cây số.

Viếng Đền thờ Xanh

Tên chính thức của giáo đường này là “Đền thờ Sultan Ahmet”. Đây là một trong những đền thờ quan trọng nhất của Hồi giáo ở Istanbul được Vua Ahmet I xây cất cách đây 400 năm (1609-1617) để làm nơi thờ phượng quan trọng nhất trong Đế quốc Ottoman. Thường thường các đền thờ Hồi giáo chỉ có 4 tháp, nhưng đền thờ này là nơi duy nhất có 6 tháp, và chỉ thua Đền thờ Ka’ba ở thánh địa La Mecca bên Ảrập Sauđi có 7 tháp.

Tại cửa Đền thờ, ĐTC đã được vị Đại Mufti và một Imam hướng dẫn. Tôn trọng tập tục của Hồi giáo, ĐTC cũng cởi giày trước khi bước vào đền thờ. Trong cuộc viếng thăm ngài cũng có một lúc thờ lạy Chúa trong thinh lặng.

Thăm Bảo tàng viện Thánh Sophia

Tiếp đến, ĐTC đã tới Bảo tàng viện Thánh Sophia chỉ cách đó 1 cây số. Bên ngoài có hàng trăm tín hữu và dân chúng đứng chào ngài. Đây là lần đầu tiên trong cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ có dân chúng như vậy. Họ mang những biểu ngữ và hô “hoan hô ĐGH” khi ngài đến trước cửa Bảo tàng viện.

Nơi đây xưa kia là Vương cung Thánh đường dâng kính Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan, được Hoàng đế Constantino xây cất năm 360 tại nơi trước đó là đền thờ của dân ngoại. Thánh đường hai lần bị hoả hoạn phá huỷ vào năm 404 và năm 532, nên Hoàng đế Giustiniano đã cho xây lại để biến thành “Vương cung Thánh đường nguy nga nhất từ tạo thiên lập địa”. Hoàng đế ra lệnh thu thập trong các dinh của đế quốc những vật liệu quý giá và đá cẩm thạch đẹp nhất để xây thánh đường với 10.000 công nhân do 100 cai thợ điều khiển và đã hoàn thành sau gần 6 năm trời. Trong ngày khánh thành, Hoàng đế Giustiniano đã thốt lên: “Hỡi Vua Salomon, tôi đã qua mặt ngài rồi!”

Khi thành Constantinople bị Đạo binh thánh giá chiếm hồi năm 1204, Đền thờ Thánh Sofia bị cướp mất những đồ trang trí quý giá, và 250 năm sau đó, khi thành này bị rơi vào tay Đế quốc Ottoman, Vua Mohammed II đã ra lệnh biến nhà thờ này thành đền thờ Hồi giáo. Từ năm 1935, do lệnh của Tổng thống Ataturk, Đền thờ Thánh Sophia được biến thành bảo tàng viện.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ tư đến viếng thăm Bảo tàng viện này, lần chót là ĐGH Bênêđictô XVI hồi tháng 11 năm 2006.

Khi đến Bảo tàng viện, ĐTC đã được ông tổng giám đốc tiếp đón và hướng dẫn trong cuộc viếng thăm dài nửa tiếng đồng hồ tại cựu thánh đường hùng vĩ và tráng lệ này.

Thánh lễ Công giáo


Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC đã đến Nhà thờ Chính toà Chúa Thánh Linh của Giáo hội Công giáo ở địa phương để cử hành Thánh lễ Công giáo đầu tiên và duy nhất cho các tín hữu trong cuộc viếng thăm tại quốc gia này. Hàng trăm tín hữu nồng nhiệt chào đón ĐTC tại khuôn viên thánh đường.

Nhà thờ Chính toà Chúa Thánh Linh bắt đầu được dùng làm nơi thờ phượng từ gần 170 năm nay (1846). Tại bàn thờ thánh đường này có đặt thánh tích của một số vị thánh như Thánh Linô, Giáo hoàng tử đạo liền sau Thánh Phêrô (67-69). Trong dịp lễ kính Thánh Gioan Kim Khẩu, bổn mạng của Hạt Đại diện Tông toà Constantinople, ĐGH Lêo XIII đã tặng cho Nhà thờ Chính toà này hài cốt Thánh Linô. Tại khuôn viên Nhà thờ Chính toà có tượng ĐGH Bênêđictô XV do người Thổ Nhĩ Kỳ dựng lên hồi năm 1919, khi ngài còn sống, để cám ơn nỗ lực của ĐGH bênh vực các nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I. Ở bệ tượng có ghi hàng chữ “Kính tặng vị Đại Giáo hoàng trong thảm trạng thế chiến, Đức Bênêđictô XV, ân nhân của các dân tộc, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hoặc tôn giáo, như dấu chỉ biết ơn, Đông Phương”. Nhà thờ này có thể chứa được 550 người.

Thánh lễ ĐTC cử hành mang sắc thái liên nghi lễ, bằng tiếng Latinh, nhưng cũng có những lời cầu nguyện bằng tiếng Arméni, Thổ Nhĩ Kỳ, Aramaico của nghi lễ Canđê, Siriac-Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Ý, Pháp, Anh và Tây Ban Nha. Đồng tế với ĐTC có khoảng 50 linh mục, trước sự hiện diện của các tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Đặc biệt Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, Đức Thượng phụ Ignace III Younan của Công giáo Syria, và một số vị lãnh đạo khác của Kitô giáo như Tin Lành, Arméni Tông Truyền, cũng có mặt tại buổi lễ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng ĐTC đã diễn giải về vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống của Giáo Hội và các tín hữu:

Chúa Thánh Linh là linh hồn của Giáo Hội. Ngài ban sự sống, khơi dậy các đoàn sủng khác nhau làm cho Dân Chúa được phong phú và nhất là Ngài kiến tạo sự hiệp nhất giữa các tín hữu: từ nhiều người, Chúa biến họ thành một thân thể duy nhất, thân mình của Chúa Kitô. Toàn thể cuộc sống và sứ mạng của Giáo Hội tùy thuộc Chúa Thánh Linh; Ngài thực hiện mọi sự.

Như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta trong Bài đọc I hôm nay, chính việc tuyên xưng đức tin chỉ có thể thực hiện nhờ Chúa Thánh Linh soi dẫn: “hông ai có thể nói “Đức Giêsu là Chúa!” nếu họ không được Chúa Thánh Linh tác động.” (1 Cr 12,3b). Khi chúng ta cầu nguyện, chính là vì Chúa Thánh Linh khơi dậy kinh nguyện trong tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta phá vỡ cái vòng ích kỷ của mình, chúng ta ra khỏi chính mình và đến với tha nhân để gặp gỡ họ, lắng nghe, giúp đỡ họ, chính là Chúa Thánh Linh thúc đẩy chúng ta….

Chúa Thánh Linh cũng khơi dậy những đoàn sủng khác nhau trong Giáo Hội; bề ngoài điều này có vẻ là tạo nên sự xáo trộn, nhưng trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của Ngài, điều ấy tạo nên một sự phong phú vô biên, vì Thánh Linh là thần trí hiệp nhất, nhưng không có nghĩa đồng nhất. Chỉ Thánh Linh mới có thể khơi lên sự khác biệt, đa dạng, và đồng thời kiến tạo sự hiệp nhất. Khi chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt và khép kín mình trong những cục bộ và độc quyền của mình, thì chúng ta gây ra chia rẽ; và khi chúng ta muốn thực thi sự hiệp nhất theo những kế hoạch con người, thì rốt cuộc chúng ta tạo nên sự đồng nhất. Trái lại nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, thì sự phong phú, khác biệt, đa dạng không bao giờ trở thành xung đột, vì Chúa thúc đẩy chúng ta sống sự khác biệt trong tình hiệp thông của Giáo Hội.

ĐTC nói thêm:

Nhiều chi thể và đoàn sủng có một nguyên lý hoà hợp trong Thần trí của Chúa Kitô, Đấng mà Chúa Cha đã và còn tiếp tục sai đến để thực hiện sự hiệp nhất nơi các tín hữu. Chúa Thánh Linh làm cho Giáo Hội được hiệp nhất: hiệp nhất trong đức tin, trong đức ái, trong sự hòa hợp nội tâm. Hội Thánh và các Giáo Hội được mời gọi để cho Chúa Thánh Linh hướng dẫn, đặt mình trong thái độ cởi mở, ngoan ngoãn và vâng phục.

Đây là một viễn tượng hy vọng, nhưng đồng thời cũng là viễn tượng cơ cực, vì trong chúng ta luôn có cám dỗ chống lại Chúa Thánh Linh. Ở lại trong tình trạng tĩnh và bất động thì dễ dàng và thoải mái hơn. Trong thực tế, Giáo Hội tỏ ra trung thành với Chúa Thánh Linh theo mức độ Giáo Hội không chủ trương điều hành và đòi Thánh Linh phải chiều theo ý mình. Và các tín hữu Kitô chúng ta trở thành những môn đệ chân chính, môn đệ thừa sai, có khả năng đánh động lương tâm, nếu chúng ta từ bỏ thái độ tự vệ và để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn. Ngài chính là sự tươi mát, là óc sáng tạo và mới mẻ.

Thái độ tự vệ của chúng ta có thể được biểu lộ qua sự bám víu thái quá vào những ý tưởng, sức mạnh của mình, và thế là chúng ta rơi vào chủ thuyết tự cứu độ bằng sức riêng của mình, hoặc thái độ tham vọng và háo danh. Những thái độ tự vệ như thế ngăn cản không cho chúng ta hiểu rõ tha nhân và chân thành cởi mở đối với với họ. Nhưng Giáo Hội xuất phát từ Lễ Hiện Xuống, được giao phó lửa của Thánh Linh, Đấng không làm đầy tâm trí bằng những ý tưởng, nhưng thiêu đốt tâm hồn; Giáo Hội được luồng gió của Thánh Linh thổi vào, luồng gió không thông truyền quyền lực, nhưng làm cho Giáo Hội có khả năng phục vụ trong yêu thương, một ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được.

ĐTC kết luận: Trong hành trình đức tin và đời sống huynh đệ của chúng ta, hễ chúng ta càng khiêm tốn để cho Thánh Linh của Chúa hướng dẫn, thì chúng ta càng vượt thắng được những hiểu lầm, chia rẽ và những tranh luận, chúng ta sẽ là dấu chỉ đáng tin cậy về sự hiệp nhất và an bình.

Cuối Thánh lễ, Đức cha Pelatre dòng Đa Minh, Đại diện Tông toà Istanbul của Công giáo Latinh, đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Ngài nhắc đến cuộc viếng thăm của các vị Giáo hoàng trước đây tại thánh đường này, đặc biệt là Đức Gioan XXIII khi còn làm Khâm sứ Toà Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đoàn Công giáo địa phương đã vui mừng vì lễ phong hiển thánh cho người và đã tổ chức nhiều sinh hoạt, trong đó có cả buổi thuyết trình của Đức Thượng phụ Chính thống Bartolomaios.

ĐTC đã tặng cho Nhà thờ Chính toà một chén lễ bằng bạc và một áo lễ.

Cầu nguyện Đại kết

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã đi xe tới Toà Thượng phụ Phanar cách đó 5 cây số để tham dự buổi cầu nguyện đại kết và hội kiến riêng vời Đức Thượng phụ Barlolomaios I.

Giáo hội Chính thống có khoảng 300 triệu tín hữu, đa số sống ở Đông và Bắc Âu, dọc theo các bờ biển đông bắc Địa Trung Hải và vùng Trung Đông, làm thành nhiều Giáo hội Thượng phụ tự trị khác nhau, nhưng liên kết với nhau trong tinh thần đức tin. Từ ”chính thống” được các kitô hữu sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ IV để phân biệt giáo lý chính truyền với các giáo lý không chính truyền. Từ chính thống cũng ám chỉ vài Giáo hội Đông phương tự tách rời vào thế kỷ V sau cuộc tranh luận liên quan tới thiên tính của Chúa Kitô. Các Giáo hội Chính thống được hướng dẫn bởi một Thượng phụ là tước hiệu của năm Giáo Hội đầu tiên là: Roma, Costantinopoli, Alessandria, Antiokia và Giêrusalem, được chính thức thừa nhận dưới thời Hoàng đế Giustiniano (527-565). Tước hiệu này được ban cho Tổng Giám mục Matxcơva vào thế kỷ XVI, các Tổng Giám mục Serbia và Bulgaria vào đầu thế kỷ XX và thủ lãnh của Giáo hội Rumania vào giữa thế kỷ XX, trong khi thủ lãnh Giáo hội Giorgia được gọi là Thượng phụ Catolicos. Sau cùng, Giáo hội Armeni Tông Truyền được lãnh đạo bởi một vị Catolicos. Hàng giáo phẩm Chính thống gồm 3 chức cổ xưa là phó tế, linh mục và giám mục.

Toà Thượng phụ Đại kết là trung tâm cao nhất của Giáo hội Chính thống trên toàn thế giới. Đức Thượng phụ Đại kết là “vị đầu tiên trong các vị bằng nhau” so sánh với các thượng phụ khác của Chính thống giáo và quyền tối thượng của Costantinopoli diễn tả sự hiệp nhất của Chính thống giáo và phối hợp các hoạt động của Chính thống giáo. Toà Thượng phụ bao gồm Istanbul và 4 giáo phận khác tại Thổ Nhĩ Kỳ là núi Athos, Creta Patmos và các đảo Dodecanneso và các giáo phận Trung Âu, Tây phương, Mỹ châu, Pakistan và Nhật Bản. Sau cùng là các vùng không trực tiếp thuộc quyền của các thượng phụ Chính thống khác.

Từ bao thế kỷ qua, trụ sở Toà Thượng phụ nằm cạnh Nhà thờ Thánh Sophia. Sau khi thành Costantinopoli bị thất thủ vào tay người Hồi năm 1453, Toà Thượng phụ được dời về khu phố Phanar từ năm 1601 cho tới nay.

Buổi phụng vụ đại kết đã diễn ra lúc sau 6 giờ chiều giờ địa phương. Ca đoàn hát thánh ca dẫn nhập trong khi Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ tiến vào nhà thờ. Bài đọc trích từ chương 8 sách Ngôn sứ Dacaria miêu tả viễn ảnh ơn cứu độ thời Đấng Cứu Thế.

Ngỏ lời chào Đức Thánh Cha, Đức Thượng phụ nói chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha bắc một cây cầu biểu tượng nối liền Đông Tây và diễn tả tình yêu thương của Đấng chủ sự tình bác ái đối với người em, người đầu tiên được Chúa gọi. Nó cũng tiếp nối các chuyến viếng thăm của các vị tiền nhiệm nhằm tái lập sự hiệp nhất trọn vẹn giữa các Giáo Hội. Nó là một sự kiện lịch sử chứa đựng nhiều cầu mong cho tương lai.

Từ bao thế kỷ nay, đây là nơi các Thượng phụ Đại kết đã cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và là nơi các vi tiền nhiệm đã sống, trong số đó có Thánh Gregorio, Thần học gia, Thánh Gioan Kim Khẩu cũng như thánh tích của Thánh Basilio Cả, Thánh nữ Eufemia tử đạo và các vị thánh khác. Năm nay, Toà Thượng phụ Costantinopoli kỷ niệm 10 năm biến cố Giáo hội Roma trả lại các thánh tích cho Giáo hội Costantinopoli. Xin các thánh giáo phụ bầu cử cho các Giáo Hội của chúng ta mau được hiệp nhất như Chúa Kitô mong mỏi.

Tiếp lời Đức Thượng phụ, Đức Thánh Cha biết ơn Đức Thượng phụ cho phép ngài đến đây để cùng cầu nguyện với Đức Thượng phụ và Giáo hội Costantinopoli trong khi chờ đợi cử hành lễ kính Thánh Anrê Tông Đồ. Qua lời Ngôn sứ Dacaria, trong buổi cầu nguyện chiều nay Chúa lai cho chúng ta nền tảng của thái độ hướng tới ngày mai là lời hứa của Ngài, tảng đá vững vàng trên đó chúng ta có thể tiến bước với niềm vui và hy vọng: “Này đây Ta cứu thoát dân Ta từ Đông và từ Tây… trong trung tín và công lý.” (Dc 8,7-8). Vâng, thưa người anh em Bartolomeo đáng kính và thân mến, trong khi tôi cảm ơn vì sự tiếp đón nồng hậu của người, tôi cảm thấy niềm vui lớn hơn nữa vì suối nguồn ở một nơi khác, nó không phải nơi sự dấn thân và các sức mạnh của chúng ta, nhưng nơi sự tín thác chung nơi sự trung tín của Thiên Chúa, là Đấng đặt nền cho việc tái thiết đền thánh Người là Giáo Hội. Đó là hạt giống của hoà bình hạt giống, của niềm vui mà thế giới không thể trao ban, nhưng Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ mà Đấng Phục Sinh đã ban cho họ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Hai Thánh Anrê và Phêrô đã lắng nghe lời hứa và nhận được ơn đó. Họ là hai anh em trong máu huyết, nhưng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã biến họ thành anh em trong đức tin và đức mến. Trong buổi chiều tươi vui này, trong lời cầu nguyện canh thức này nhất là tôi muốn nói lên điều này: là anh em trong niềm hy vọng. Thật là một ơn có thể là anh em trong niềm hy vọng của Chúa Phục sinh và thật là một trách nhiệm có thể cùng nhau bước đi trong niềm hy vọng ấy và được hai anh em Thánh Anrê và Phêrô nâng đỡ! Và biết rằng niềm hy vọng này không gây thất vọng bởi vì nó được dựa trên lòng trung thánh của Thiên Chúa chứ không phải dựa trên chúng ta và trên các sức nghèo nàn của chúng ta! Với niềm hy vọng tươi vui này tràn đầy lòng biết ơn và chờ đợi, tôi xin gửi tới Đức Thượng phụ và mọi người hiện diện và Giáo hội Costantinopoli lời chào thân ái huynh đệ và lời mừng lễ Thánh Bổn Mạng tươi vui.

Tiếp đến cả hai vị cùng đọc Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh. Đức Thánh Cha ban phép lành bằng tiếng Latinh. Đức Thượng phụ ban phép lành bằng tiếng Hylạp.

Hội kiến

Sau buổi Phụng vụ Đại kết, Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ đã lên lầu 2 Toà Thượng phụ để hội kiến riêng với nhau. Tiếp đến, hai bên đã trao đổi quà tăng. Đức Thánh Cha đã tặng Đức Thượng phụ một bức khảm đá màu hình Chúa Kitô thuộc thế kỷ IX, lấy từ mộ của Thánh Phêrô, dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Sau 7 giờ tối, Đức Thánh Cha đã rời Toà Thượng phụ để trở lại Toà Đại điện Toà Thánh ở Istanbul nằm cách đó 5 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ.