13/11/2024

Sứ điệp hy vọng cho một châu Âu đã trở nên “già nua”

Vào gần trưa hôm thứ Ba 25-11, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với “hơn 500 triệu người dân của 28 nước thành viên” của Liên minh châu Âu, trong suốt 35 phút, trước các đại biểu tề tựu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. Đức giáo hoàng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ quyền con người có nguồn gốc Kitô giáo của lục địa cũ, đến công ăn việc làm, vấn đề nhập cư và vấn đề sinh thái.

Sứ điệp hy vọng cho một châu Âu đã trở nên “già nua”
 
WHĐ (26.11.2014) – Vào gần trưa hôm thứ Ba 25-11, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời với “hơn 500 triệu người dân của 28 nước thành viên” của Liên minh châu Âu, trong suốt 35 phút, trước các đại biểu tề tựu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. Đức giáo hoàng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, từ quyền con người có nguồn gốc Kitô giáo của lục địa cũ, đến công ăn việc làm, vấn đề nhập cư và vấn đề sinh thái.

Đức Giáo hoàng cho thấy ngài có một suy tư rất bao quát, nhắc nhở tới thái độ của Toà Thánh và của Giáo hội sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại với các định chế châu Âu.

Vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người châu Âu đặt chân lên đất của những thể chế châu Âu đã khắc sâu cuộc viếng thăm của mình trong thế giới hôm nay, “hơn một phần tư thế kỷ sau cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II”. 26 năm sau, vị giáo hoàng người Achentina đã nhìn nhận rằng “nhiều điều đã thay đổi. Các khối đối đầu nhau chia đôi lục địa khi ấy nay không còn nữa”, và gợi lại bài diễn văn của vị tiền nhiệm của mình người Ba Lan vào năm 1988, Đức Phanxicô đã bày tỏ niềm “ước ao ‘châu Âu, vốn được trang bị một cách tột bậc với các thể chế tự do và có thể một ngày kia phát triển tới những chiều kích mà địa lý và cả lịch sử đã dành cho mình’, được dần dần trở thành hiện thực”.

Đức Phancicô đã vẽ nên một chân dung đôi khi cứng cỏi của châu Âu ngày nay, khắc ghi “trong một thế giới phức tạp hơn, đang chuyển động mạnh, càng ngày càng trở nên nối kết với nhau và toàn cầu hoá”: đó là hình ảnh của lục địa ngày nay “đã như già đi một chút và như bị kìm hãm lại”. Một châu Âu có khuynh hướng cảm thấy mình như “không còn ở trong vị trí chủ chốt như trước trong một bối cảnh nhìn mình với con mắt nhiều khi xa cách, cảnh giác, và đôi khi ngờ vực”. Một dự án cũng làm gia tăng “sự nghi kỵ của các công dân”. Đức giáo hoàng làm vọng lại “một cảm giác chung về sự mệt mỏi và già nua, của một châu Âu trở thành bà nội, bà ngoại và không còn khả năng sinh sản và sinh động”.

Vị trí trung tâm của con người

Con người chiếm vị trí trung tâm trong bài diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô. Trước tiên là các quyền của con người, bên trong Cộng đồng châu Âu “cũng như trong quan hệ với các nước khác”. Đối với Đức Thánh Cha, đó là một “cam kết quan trọng và tuyệt vời, vì vẫn còn quá nhiều những hoàn cảnh trong đó con người bị đối xứ như những đồ vật: người ta có thể lập trình việc thụ thai, hình hài và tính ích lợi của nó, và rồi có thể bị vất đi khi không có ích nữa, bởi vì đã trở nên yếu, ốm đau hay già nua”.

Cử toạ vỗ tay. Và Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Cổ vũ phẩm giá của con người có nghĩa là nhìn nhận con người có những quyền bất khả nhượng và không thể bị tước đoạt theo sở thích của một số người nào đó, và càng không thể bị tước đoạt vì những lợi ích kinh tế”. Nghĩa vụ cũng gắn với quyền lợi, bởi vì “mọi nhân sinh đều gắn với một bối cảnh xã hội, với người khác và với ích lợi chung của chính xã hội”. Theo Đức Giáo hoàng, thiếu ý thức về ích lợi chung sẽ dẫn đến xung đột và bạo lực,.

Nhưng Con Người đã bị tình trạng cô đơn, “một trong những căn bệnh phổ biến nhất tại châu Âu” xói mòn. Một nỗi đau còn bị gia tăng bởi khủng hoảng kinh tế tác động trước tiên đến những người có tuổi, “bị bỏ mặc cho số phận của họ”, đến người trẻ, “thiếu những điểm quy chiếu và cơ hội cho tương lai”, rồi đến người nghèo và người nhập cư, “đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn”. Không kể tới những “lối sống ít nhiều mang tính ích kỷ”. Đối với Đức giáo hoàng, mối hiểm nguy đối với con người là “bị biến thành một bánh xe trong một cỗ máy coi con người như một món hàng tiêu thụ để sử dụng”. Hậu quả là một “nền văn hóa phế thải”: “khi sự sống chẳng còn ích lợi gì cho sự vận hành của guồng máy này, nó sẽ bị loại bỏ mà chẳng cần đắn đo suy tính gì nhiều, như trong trường hợp của những bệnh nhân ở vào giai đoạn chót, của những người già bị bỏ rơi và không người chăm sóc, hay của những đứa trẻ bị giết chết trước khi chào đời”.

Cần phải “tạo thuận lợi cho các khả năng” của Con Người. Bắt đầu bằng giáo dục, “khởi đi từ gia đình là tế bào căn bản và yếu tố cao quý của mọi xã hội”, kế đó, bằng các thể chế giáo dục và cuối cùng là công ăn việc làm; các chính sách về vấn đề này cần phải được tạo thuận lợi, bởi vì “cần phải đem lại phẩm giá cho con người bằng cách bảo đảm những điều kiện thích hợp để nó được thể hiện”.

“Một lịch sử 2.000 năm gắn châu Ấu với Kitô giáo”


Đức giáo hoàng cũng trực tiếp ngỏ lời với các đại biểu châu Âu. Ngài nhắc nhở họ về đòi hỏi đặt ra trước mắt họ: “duy trì sức sống của nền dân chủ của các dân tộc châu Âu”, bởi vì “châu Âu là một gia đình các dân tộc”. Điều này đòi hỏi phải “tránh các cách thức đánh đồng làm loãng đi thực tại: thái độ trong sạch như thiên thần, những chủ nghĩa toàn trị phi lịch sử, những nền đạo đức không có lòng nhân từ, những học thuyết chủ trí không có sự khôn ngoan”.

Ngài cũng nhắc nhở họ về cội rễ Kitô giáo của lục địa: “Một châu Âu không còn khả năng mở ra trước chiều kích siêu nhiên của cuộc sống là một châu Âu đang liều mình đánh mất dần dần linh hồn của mình, và cả cái tính thần nhân văn từng được yêu quý và được bảo vệ”.

Đức Phanxicô “cho là căn bản, không chỉ di sản mà Kitô giáo đã để lại trong quá khứ đối với việc hình thành xã hội văn hóa của lục địa, mà nhất là sự đóng góp của Kitô giáo muốn đem lại, hiện tại và trong tương lai, cho sự phát triển của lục địa”. Và Đức giáo hoàng trấn an: “sự đóng góp này không phải là một mối nguy hiểm cho tính thế tục của các Nhà nước, cho sự độc lập của các định chế của liên minh, nhưng ngược lại, là một sự phong phú hóa”. Các lý tưởng đã tạo nên Liên minh này từ buổi đầu đã cho thấy rõ: “hoà bình, sự bổ trợ và tình liên đới, một chủ nghĩa nhân văn đặt trọng tâm vào sự tôn trọng phẩm giá con người”.

Đức giáo hoàng nói tiếp: “Một lịch sử hai ngàn năm gắn kết châu Âu và Kitô giáo. Một lịch sử không thiếu những xung đột, sai lầm và tội lỗi, nhưng luôn được thúc đẩy bởi ý muốn xây dựng điều tốt lành”.

Và Đức giáo hoàng kết luận với lời lẽ đầy sức mạnh và hy vọng: “Đã đến lúc phải từ bỏ ý tưởng về một châu Âu khiếp sợ và khép mình lại, để gợi lên và cổ vũ cho một châu Âu đóng vai trò chủ chốt, chất chứa khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, những giá trị nhân văn và cả niềm tin”.

(Vatican Radio)