11/01/2025

Học hỏi Phúc Âm: Đức Giêsu xét xử muôn dân

Suy nghĩ về cuộc phán xét chung, chúng ta được mời gọi nhìn vào cuộc sống của mình để hiểu rằng từng giây, từng phút, từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều được ghi nhận và xét xử bởi chính chúng ta, khi chúng ta soi mình trong tấm gương của Chúa Giêsu, trong tấm gương của Thiên Chúa.

  

Lớp Kinh Thánh tại Trung tâm Mục vụ TGP. TP.HCM

Ngày 27/11/2014, từ 18g30-20g15

HỌC HỎI PHÚC ÂM

1. Bài chia sẻ: Chúa Nhật XXXIV TN A – 2014 – Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ của Lm.Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Đức Giêsu xét xử muôn dân

Lời mở

Trong Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Chính Người sẽ dùng vương quyền tối cao của mình để xét xử muôn dân tộc trong cuộc phán xét chung như bài đọc I (x. Ez 34,11-12, 15-17) và bài Tin Mừng  mô tả (x. Mt 25,31-46).

Chúng ta sẽ dành ít phút để tìm hiểu về cuộc phán xét chung sẽ được thực hiện như thế nào, diễn ra vào lúc nào và tại sao Đức Giêsu lại có quyền xét xử muôn dân?

1. Những thắc mắc cần giải đáp

Nhiều tín hữu cũng như lương dân dường như không tin có cuộc phán xét chung như Thánh Kinh vừa mô tả.

1.1. Về nơi chốn và phương tiện. Họ cho rằng “các dân thiên hạ” trong cuộc phán xét chung là tất cả mọi người sống trên trái đất này. Nếu tính từ khởi đầu có loài người đến nay, số người là khoảng 100 tỉ, chưa kể những người từ bây giờ cho đến lúc tận thế. Vậy chỗ nào đủ rộng để Chúa Giêsu tập hợp và phân loại phải trái? Họ cho rằng không thể kiếm được một chỗ rộng đủ. Hơn nữa, Chúa dùng hệ thống phát thanh nào để mọi người (gồm mấy trăm tỉ) cùng nghe được lời phán xét?

1.2. Về tiêu chuẩn phán xét. Muốn phán xét công minh, Chúa phải có một tiêu chuẩn hay bộ luật để mọi người đều biết và căn cứ vào đó mà hành động. Nhưng, ngoại trừ người Do Thái có 10 điều răn, Phật giáo có Bát chánh đạo, Kitô giáo có Mười điều răn và Tám Mối phúc thật, còn nhiều người khác chẳng biết một tiêu chuẩn đạo đức nào. Vậy cuộc phán xét sẽ dựa vào đâu?

1.3. Về tư cách phán xét. Đức Giêsu Kitô được người tín hữu Kitô giáo tin tưởng xứng đáng là thẩm phán cho muôn dân, nhưng những người ngoài Kitô giáo không tin hay chưa tin vào Người thì họ có bị xét xử không?

1.4. Về bằng chứng để xét xử. Để xét xử chính xác, cần phải có bằng chứng về các hành động của từng người, từng việc, từng nơi chốn trong suốt đời người. Vậy ai sẽ ghi nhận những bằng chứng ấy? Trước đây khi còn nhỏ chúng ta tin rằng mỗi vị thiên thần bản mệnh ghi từng việc mọi người vào trong một cuốn “sổ trường sinh”. “Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (Kh 20,12). Việc ghi chép này có thực không hay chỉ là một ẩn dụ theo nghĩa Thánh Kinh? (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 115-118).

1.5. Việc thi hành án xử.  Sau khi xét xử là đến phần tuyên án và thi hành án. Trong câu nói ở Mt 25,41 “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó” dường như mô tả các người bị đày đoạ ở hoả ngục. Vậy có phải hoả ngục chỉ có lửa và ma quỷ? Nếu Chúa phạt con người muôn đời như thế, hỏi rằng đâu là tình yêu của một người Cha đầy yêu thương?

1.6. Phán xét chung và riêng. Cuộc phán xét chung sẽ đi sau cuộc phán xét riêng của từng người. Việc phán xét riêng xảy ra ngay sau khi con người bước qua ngưỡng cửa của cái chết (x. GLHTCG, số 1021-1022) qua dụ ngôn người nghèo khó Lazarô (x. Lc 16,22) hay lời Đức Giêsu nói với người trộm lành (x. Lc 23,43). Vậy cả hai cuộc phán xét này xảy ra như thế nào về mặt thời gian?

2. Giải đáp thắc mắc

 

 

 

2.1. Chắc chắn có phán xét

 

 

Các bản văn Thánh Kinh đưa ra hình ảnh người mục tử xét xử giữa chiên và dê (Ez 34,17), “chiên ở bên phải, dê ở bên trái” (Mt 25,33) chỉ mang tính ẩn dụ để nhắc nhở ta về một cuộc xét xử dành cho mọi người. Hình ảnh đó quen thuộc với người Do Thái, giúp họ hiểu những ý nghĩa sâu xa của Thánh Kinh. Chính Chúa Giêsu là mục tử chăn dắt đàn chiên, Người hy sinh tính mạng vì đàn chiên. Vì thế Người có quyền xét xử tất cả những ai Người cứu chuộc.

Như chúng ta đã từng nói trong ngày lễ Các Linh hồn, 2/11 và Chúa Nhật 33 TN A vừa qua rằng: Chúa không cân tội phúc mỗi người trên một bàn cân lớn, mà mỗi quả cân là những nhân đức cần có như các tiêu chuẩn xét xử. Chúa cũng không sai thiên thần ghi rất chi tiết từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của mỗi người vào cuốn sổ trường sinh để làm bằng chứng kết án ta. Đó chỉ là những cách nói ẩn dụ của Thánh Kinh mà chúng ta cần phải hiểu theo nghĩa đức tin (x. Sách GLHTCG, số 115-118).

2.2. Phán xét riêng

Thật ra, mỗi người chúng ta ngay khi bước qua ngưỡng cửa của cái chết, ta không còn bị lệ thuộc vào vật chất, vào không gian hay thời gian, nên ta thấy ngay trong cùng một lúc từng việc làm, lời nói, ý nghĩ trong suốt cuộc đời mình ở bất cứ nơi nào. Rồi ta cũng thấy ngay được Chúa là Đấng tốt lành, yêu thương, là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, mà ta được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (x. St 1-3).

Vì thế, Chúa chính là tiêu chuẩn, là tấm gương ta soi mình vào đó và tức khắc nhận ta ngay tình trạng thanh sạch hay nhơ bẩn của mình để xác định được tình trạng sống là thiên đường, hoả ngục hay luyện ngục cho mình. Đây chính là cuộc phán xét riêng mà mỗi người tự làm cho mình ngay sau cái chết.

2.3. Phán xét chung

Cuộc phán xét chung được sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày trong các số 677-678, 1023,1038-1041. Trong thánh lễ Chúa Nhật chúng ta cùng tuyên xưng về cuộc phán xét cuối cùng rằng: “Ngày sau bởi trời Người lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết“. “Hội Thánh Rôma tin và tuyên rằng vào ngày phán xét chung, tất cả mọi người cùng với thân xác của mình, sẽ trình diện trước toà án của Đức Kitô để trả lẽ về các hành vi của mình” (Công đồng Tridentinô, DS 1549).

Do không còn bị vật chất, không gian và thời gian chi phối nên tất cả cùng được hiện diện bên Đức Kitô, dù chết vào bất cứ thời kỳ nào, ở bất cứ nơi đâu. Vì thế chẳng cần một chỗ rộng lớn bao la nào mới chứa hết mọi người. Giống như giọt nước long lanh đậu trên ngọn cỏ, chiếc lá có thể phản chiếu cả bầu trời và mọi vật quanh mình dưới ánh sáng mặt trời, mỗi người chúng ta cũng có thể hiện diện một tình trạng sống mới như thế.

Hơn nữa, vì không còn bị lệ thuộc vào thời gian, nên dù cuộc phán xét chung có thể diễn ra vào lúc tận thế cách lúc này cả vạn năm, thì đối với những người đã khuất, nó cũng chỉ ngắn như một cái chớp mắt mà thôi. Do đó, các nhà thần học nhắc nhở chúng ta rằng: ngay sau khi chết ta đón nhận cuộc phán xét riêng thì đồng thời cũng hiện diện ngay trong cuộc phán xét chung để nhận được tình trạng sống vĩnh hằng của mình.

2.4. Quyền năng xét xử của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu có quyền năng xét xử muôn loài vì mọi người mọi vật đều được dựng nên nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,3). Mọi sự đều quy hướng về Người, đều thuộc về Người vì Người chia sẻ cho chúng sự sống vĩnh hằng và mọi ân phúc của Thiên Chúa. Hơn nữa, “Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người” (Ga 1,14) để đem lại thần tính cho muôn vật, muôn người sau khi họ đã đánh mất sự sống thần linh vì tội ác của con người (x. Rm 8,21-23). Người đã đón nhận cả cái chết trên thập giá và “đã trỗi dậy từ cõi chết” để tiêu diệt sự chết như Bài đọc II diễn tả (x. Cr 15,20-26.28) nên Người có thẩm quyền xét xử mọi người mọi vật với tư cách là Đấng cứu chuộc trần gian (x. sách GLHTCG, số 679).

Sau cùng, dù Đức Giêsu có toàn quyền xét xử do Chúa Cha ban cho (x. Ga 5,22), nhưng Người đến không phải để xét xử mà là để cứu độ (x. Ga 3,17) và ban sự sống thần linh cho những ai tin vào Người (x. Ga 5,26). Như thế, qua việc từ chối tin vào Đức Giêsu Kitô, từ chối ân sủng Chúa ban khi còn sống ở đời này, mỗi người sẽ tự xét xử và tự kết án chính mình khi soi chiếu cuộc đời mình vào Chúa Giêsu (x. 1Cr 3,12-15). Khi từ chối tình yêu đối với người khác, nhất là những người đói khát, trần truồng, tù đày, đau yếu, bất hạnh là chúng ta từ khước Chúa Giêsu, nên chính chúng ta tự kết án mình mà thôi (x. sách GLHTCG, số 679) vì họ là hiện thân của Chúa Kitô.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về cuộc phán xét chung, chúng ta được mời gọi nhìn vào cuộc sống của chúng ta để hiểu rằng từng giây, từng phút, từng ý nghĩ, lời nói, hành động của chúng ta đều được ghi nhận và xét xử bởi chính chúng ta, khi chúng ta soi mình  trong tấm gương của Chúa Giêsu, trong tấm gương của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy cẩn thận từng lời nói, ý nghĩ, hành động của mình. Nhất là chúng ta hãy thể hiện tình yêu thành những hành động cụ thể cho những người khốn khổ quanh ta. Chính những hành động ấy sẽ xoá đi những vết nhơ tội lỗi của ta và cho ta có khả năng để chia sẻ hạnh phúc mãi mãi với Chúa Giêsu và với Cha của chúng ta ở trên trời.

 

2. Học hỏi Phúc Âm

Câu hỏi của cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG TN B         Mc 13,33-37

1.     Đoạn Lời Chúa hôm nay nằm ở cuối chương 13 của Phúc âm theo thánh Mác-cô. Đọc chương 13 và cho biết trong chương này Đức Giêsu nói về chủ đề gì ?

2.     Lời mời gọi nào được nhắc đi nhắc lại trong bài Phúc âm này ?

3.     Tại sao phải canh thức hay tỉnh thức luôn luôn ? Đọc các câu 33, 35-36.

4.     Đức Giêsu nhắc nhở ai phải canh thức trong bài Phúc âm này ? Đọc Mc 13, 1-4. 37.

5.     Đọc câu 34 và cho biết “canh thức” nghĩa là gì ?

6.     Đọc Mc 14, 32-42. Thức với Chúa có dễ không ? Có bao nhiêu chữ “canh thức” trong đoạn Phúc âm trên đây?

7.     Các Kitô hữu hôm nay phải chờ ai trong Mùa Vọng này ?

8.     *Đức Giêsu mời ta tỉnh thức và canh thức. Những điều gì làm ta dễ mê ngủ trong thời buổi hôm nay ?

 

9.     * Bạn sẽ chuẩn bị tâm hồn thế nào trong Mùa Vọng này ?

 

 

3. Lời kinh Tình yêu

Ôi Maria Mẹ Thiên Chúa,

Xin giữ lòng con ngây thơ, trong sạch và tinh khiết như nước trên suối nguồn.

Xin ban cho con một tấm lòng đơn sơ, không chất chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp biết hy sinh, dịu dàng để thông cảm, một tấm lòng trung thành và quảng đại, không quên một ơn, không ghi một oán.

Xin Mẹ làm cho lòng con hiền hậu và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình để nhường chỗ cho Con Mẹ trong một trái tim khác.

Xin ban cho con một tấm lòng rộng lớn để không sự vật nào thắng nỗi, không khép lại trước một kẻ vô ơn, không chán nản trước một người lãnh đạm, một tấm lòng khắc khoải đi tìm vinh danh Chúa Kitô, mang thương tích vì tình yêu Chúa và vết thương chỉ được chữa lành trên trời. Amen.

(Cha Grandmaison SJ)