23/01/2025

‘Hiệp sĩ’ cứu sốc ma túy

Họ là người nhiễm HIV, từng chìm đắm trong “cái chết trắng”. Họ âm thầm cứu sốc cho người dùng ma túy quá liều chốn đường tàu, gầm cầu.

 

‘Hiệp sĩ’ cứu sốc ma túy

 

 

Họ là người nhiễm HIV, từng chìm đắm trong “cái chết trắng”. Họ âm thầm cứu sốc cho người dùng ma túy quá liều chốn đường tàu, gầm cầu.

 

Anh Hiệp (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp cứu sốc cho một người nghiện trưa 5.11
Anh Hiệp (thứ 2 từ trái qua) cùng đồng nghiệp cứu sốc cho một người nghiện trưa 5.11 – Ảnh: V.N.K

 

Trưa 5.11, một người đàn ông đang đi xe máy trên phố Cầu Đất (Q.Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) bỗng ngã lăn ra đường, miệng sùi nước bọt, mắt nhắm, da tím tái, chân tay co giật. Người dân xác nhận đây là một người nghiện sốc ma túy và kéo anh lên vỉa hè, vài phút sau, một người đàn ông ngăm đen, tay xăm trổ tất tả đi đến trên chiếc xe đạp cũ. Một vài người reo lên: “Hiệp sĩ tới đây rồi!”.

Tình nguyện viên đặc biệt

Hiệp, tên người mới đến nhấn tay vào ngực trái, nắn bóp tay chân người nghiện nọ, vừa tát nhẹ vào mặt vừa gọi cho tỉnh. Anh làm thuần thục, mau lẹ, khiến người đàn ông phê ma túy dần mở mắt. Hiệp hỏi thăm và được người này cho biết tên là H., 31 tuổi, nhà ở P.Tràng Cát, Q.Hải An, do chán chuyện gia đình nên tìm đến ma túy cách đây nửa năm…

Nhiều người quanh khu đường tàu Cầu Đất gọi Hiệp là “hiệp sĩ”. Chúng tôi tìm tới nhà anh, sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Kênh. Tên đầy đủ của anh là Hà Quang Hiệp, 36 tuổi, hiện phải điều trị methadone 2 lần mỗi ngày. Anh đến với công việc tình nguyện viên cứu sốc ma túy từ đầu năm 2012, khi sinh hoạt trong nhóm Vòng tay bè bạn. “Sốc ma túy rất nguy hiểm, người nghiện có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trước đây, tôi cũng đã từng bị vậy nên rất hiểu và muốn giúp đỡ họ. Đó chính là lý do tôi chọn công việc này”, anh Hiệp nói.

Anh Hiệp là 1 trong 6 “hiệp sĩ” cứu sốc ma túy của nhóm Vòng tay bè bạn có văn phòng trên đường Tôn Đức Thắng, P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng. Đơn vị điều phối hoạt động của nhóm là Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) ở Hà Nội. Hằng tháng những tình nguyện viên cứu sốc như anh Hiệp được SCDI cấp bơm kim tiêm, thuốc naloxone, sổ ghi chép… và hỗ trợ 1,2 triệu đồng tiền xăng xe, điện thoại. Địa bàn hoạt động của đội cứu sốc tập trung chủ yếu quanh nội thành Hải Phòng và vùng lân cận, trong đó điểm nóng là khu vực cầu Quay, dọc tuyến đường tàu Mê Linh, Cầu Đất, Trần Nguyên Hãn. Thời gian đầu hoạt động, các “hiệp sĩ” cho người dân số điện thoại để tiện liên lạc khi cần.

Hơn 100 người được cứu

Giở cuốn sổ ghi chép thông tin cá nhân của từng người nghiện, anh Hiệp cho biết đã cứu sốc được khoảng hơn 100 lượt người trong suốt gần 3 năm qua.

Mỗi người nghiện là một câu chuyện cuộc đời nhưng tựu trung đều là những số phận đau khổ, sống dưới đáy xã hội. Mặc dù mức hỗ trợ chỉ là “động viên” nhưng anh Hiệp và đồng nghiệp vẫn tâm huyết với công việc này vì “muốn làm người lương thiện”. Chính vì vậy mà dù là ngày hay đêm, nắng gắt hay mưa gió bão bùng, người đàn ông xăm trổ “hổ báo” này không quản ngại khó khăn, sẵn sàng lên đường khi nhận được tin có người sốc ma túy.

“Hồi đầu năm 2014, có 2 cậu thanh niên người Thanh Hóa đi tàu cá cập bến ở cảng cá Đồ Sơn rồi vào trong đường tàu gần ngõ Muối mua ma túy chích và bị sốc nặng. Hôm ấy vào nửa đêm, trời mưa dầm, rét đậm, tôi thì bị ốm nhưng sợ người ta có thể tử vong nên cuống cuồng phóng xe ra cứu”, anh Hiệp kể lại. Có lần anh vừa cầm bát cơm lên chưa kịp ăn, có người báo tin là buông bát đi làm nhiệm vụ. Khi tới nơi người đó đã tỉnh và bỏ đi, anh lại quay về ăn tiếp.

 

Anh Hiệp cứu sốc cho một người nghiện
Anh Hiệp cứu sốc cho một người nghiện – Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 Một vài lần anh bị chính người nghiện mà mình cứu sốc đổ vạ cho lấy trộm tiền, điện thoại. Thậm chí, có lần anh bị đánh phải khâu 5 mũi trên mi mắt vì đi cứu sốc ở đường tàu gần ga Hải Phòng lúc nửa đêm mà không mang theo giấy tờ tùy thân dẫn đến “hiểu lầm”. Gạt bỏ những trở ngại, anh Hiệp vẫn âm thầm làm công việc của mình. Nhiều người dân ở những nơi anh Hiệp đã qua vì quý mến mà cho tiền nhưng anh không nhận. “Mình được mọi người giúp đỡ trong công việc. Một số người nghiện mà tôi từng cứu sốc nghe lời tôi đi xét nghiệm HIV, từ bỏ con đường nghiện ngập, như thế là tôi vui lắm rồi”, anh Hiệp chia sẻ.

Chặt ngón tay để cai nghiện ma túy

Ngoài công việc cứu sốc, “hiệp sĩ” Hiệp dành thời gian để điều trị methadone và uống thuốc ARV điều trị HIV. Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ lạc lối, Hiệp thấy ân hận và rùng mình khi hình ảnh nước mắt người thân lăn dài lại hiện về. Một trận ốm lúc 8 tháng tuổi khiến Hiệp bị bại liệt, chân trái khuyết tật. Chán nản vì hình thức của mình, anh Hiệp lại bị bạn xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập khi đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Năm 1997, anh chuyển sang tiêm chích, ngày nào cũng chích 4 bữa, tiêu tốn khoảng 400.000 đồng. Ngày ấy, anh Hiệp làm thợ mộc ở một xưởng gần nhà, làm được đồng nào đều nướng vào “nàng tiên nâu”. Năm 2002, anh bị nhiễm HIV vì dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện. 

Muốn từ bỏ cuộc sống tối tăm ấy, anh Hiệp đã đôi lần tự cai nghiện, quyết tâm xích chân, tay vào cửa sổ, thậm chí chặt ngón tay trỏ trái nhưng bất thành. Anh đã viết đơn xin vào Trung tâm cai nghiện Gia Minh. Năm 2008, anh Hiệp bị phát hạch ở cổ nên về gia đình chờ chết. Anh Hiệp vừa cười vừa nói rằng mình “cao số” và may mắn nên mới có cơ hội làm lại cuộc đời. “Trong 6 tình nguyện viên cứu sốc nòng cốt thì có 5 người bị nhiễm HIV, có chị bị lây nhiễm từ chồng. Tôi phải nói rằng cám ơn công việc này mới đúng vì nó giúp chúng tôi hiểu hơn về giá trị của cuộc sống và có cơ hội sửa sai”, anh Hiệp chia sẻ.

Những người hùng thầm lặng

Anh Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng nhóm Vòng tay bè bạn, bộc bạch: “Chúng tôi cũng từng có quá khứ lầm lỗi nên làm công việc này là để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ chứ không có gì to tát cả”.

Nói với Thanh Niên về nhóm cứu sốc này, bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI, cho biết những động cơ tích cực mà nhóm đang thực hiện không chỉ giúp giảm hại đối với những người nghiện ma túy và cả các tình nguyện viên. “Nhóm Vòng tay bè bạn còn có hẳn một khu đất làm trang trại nuôi gà để tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và cả những người sau cai. Với tôi, các tình nguyện viên cứu sốc chính là người hùng thầm lặng”, bà Oanh tâm sự và cho biết thêm sẽ cố gắng tìm nguồn tài trợ để duy trì mô hình này.

 

Người “khỏe nhất đội”

Giống như anh Hiệp, chị Cao Thị Kim Giang, 39 tuổi, đang điều trị thuốc ARV. Chị luôn nhận mình là người mạnh mẽ, khỏe nhất đội nên sẵn sàng xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ. Chị Giang cho biết công việc cứu sốc tính từng phút giây, có trường hợp tử vong chỉ vì đến chậm. Thế nhưng có lần thần may mắn mỉm cười khi giúp người nghiện chết đi sống lại rất kỳ diệu.

“Tôi còn nhớ lần cứu sốc cho một người ở Hà Tây (cũ) tại khu cầu vượt Quán Toan vào lúc 21 giờ. Anh này tím tái mặt mày, trong mũi và miệng còn có dịch tràn ra. Sau khi sơ cứu và tiêm thuốc, nạn nhân vẫn không tỉnh nên phải đưa vào Phòng khám Chữ thập đỏ Quán Toan. Nửa tiếng sau, các bác sĩ phòng khám cho biết nạn nhân tử vong và gọi pháp y, công an, người nhà đến giải quyết”, chị Giang nhớ lại và cho biết mang theo nỗi buồn, thất vọng về nhà khi không hoàn thành nhiệm vụ. Trằn trọc đến 2 giờ sáng, chị Giang nhận được tin nạn nhân bỗng dưng tỉnh dậy khiến mọi người tưởng ma chạy tán loạn.

 

Vũ Ngọc Khánh – Lê Tân