23/01/2025

Chế máy thu câu giúp ngư dân

Chiếc máy do ba người thợ tay ngang tạo ra đã giúp ngư dân bớt hao tổn sức lực, rút ngắn được thời gian thu câu, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi đánh bắt.

 

Chế máy thu câu giúp ngư dân

 

Chiếc máy do ba người thợ tay ngang tạo ra đã giúp ngư dân bớt hao tổn sức lực, rút ngắn được thời gian thu câu, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi đánh bắt.

 


 

 

Máy thu câu do anh Xuân (ảnh) và các bạn chế tạo đã giúp ngư dân giảm hao tổn sức lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: Hữu Khá

Ba chàng trai học chung một lớp ở quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã mày mò chế ra chiếc máy thu câu giúp ngư dân bám biển. 

Chủ nhân của chiếc máy thu câu gồm Nguyễn Văn Xuân, Phan Thành Nhân và Lê Văn Hoàng, đều 29 tuổi.

Ý tưởng chế tạo ra máy thu câu nhen nhóm hồi ba cậu thanh niên còn học chung lớp 12 vì thấy ngư dân dùng tay kéo câu quá cực khổ.

Nhưng rồi ấp ủ tốt đẹp đó bị gián đoạn khi học xong lớp 12 ba cậu học trò mỗi người mỗi ngả, mãi đến hơn 10 năm sau họ mới có cơ hội ngồi lại và cho ra đời chiếc máy giúp ngư dân.

Học du lịch ra… chế tạo máy

Giúp ngư dân bớt nhọc nhằn

Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP Đà Nẵng, sáng kiến của nhóm Xuân – cải tiến máy tời thu câu cho nghề câu cá lạc, cá hố và đưa vào ứng dụng sản xuất đã được ngư dân đồng tình và đánh giá hiệu quả rất cao. Trên địa bàn Đà Nẵng có gần 150 chiếc thuyền làm nghề câu.

Anh Nguyễn Văn Xuân là “đầu tàu” trong nhóm bạn đề xuất chế tạo chiếc máy thu câu.

Anh kể: “Hồi đó ba đứa mình học cùng một lớp. Cứ mỗi lần về chơi ở các làng chài thấy bàn tay ngư dân bị phồng rộp, sưng tấy. Có ngư dân tay bị nhiễm trùng, đầu ngón tay bị cùn đi và lúc nào cũng tươm máu. Mình hỏi vì sao tay chú bị rộp hết da vậy, một ngư dân bảo “do chú đi kéo câu ngoài biển”. Từ đó trong đầu mấy đứa bật ra câu hỏi: Sao mình không chế tạo máy thu câu cho ngư dân?”.

Nhưng rồi học xong THPT thì mỗi người mỗi nẻo. Lúc đó Xuân theo học trường cao đẳng du lịch, Nhân theo học Đại học Điện lực, còn Hoàng về nhà học cơ khí. Học xong cao đẳng, Xuân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, vác balô ra Trường Sa làm nhiệm vụ suốt hai năm.

Xuân kể tiếp: “Lúc ở trên đảo Song Tử Tây, mình được làm việc ở bộ phận kỹ thuật liên quan đến cơ khí. Mình cứ làm suốt rồi đâm ra đam mê, cứ muốn chế tạo cái này cái khác. Hồi ở đảo Song Tử Tây thấy ngư dân mỗi lần đi biển cực khổ lắm, mình nhớ lại ý tưởng chế chiếc máy thu câu ngày nào.”

Thế là lúc rời đảo về đất liền, Xuân rủ hai người bạn học cũ thực hiện giấc mơ ấp ủ tuổi học trò là “chế chiếc máy thu câu”. Sẵn có xưởng cơ khí của anh trai, Xuân ngày đêm ra đó mày mò.

“Quả thật lúc trở về mình thấy có duyên với biển, cứ thích làm những việc liên quan đến biển để giúp ngư dân. Hồi đó mình và các bạn hay về chơi ở làng cá Nại Hiên Đông, thỉnh thoảng lại ngồi uống rượu với ngư dân. Nghe ngư dân tâm sự rất cần cái máy thu câu thay cho sức người là bọn mình ngồi không yên” – Xuân kể.

Từ đó, ba chàng trai bắt tay vào tìm tòi mẫu thiết kế, dò hỏi ý kiến của bà con ngư dân để làm sao chế ra chiếc máy phù hợp nghề câu. Xuân cất công đi khắp Đà Nẵng tìm các thiết bị, vật liệu rồi về bàn bạc với Hoàng và Nhân chuyện thiết kế máy. Từ đó, ba chàng trai trẻ say mê hiệp lực chế máy, và đầu tháng 4-2014 chiếc máy thu câu đầu tiên ra đời.

Hiệu quả gấp đôi

Chiếc máy thu câu đầu tiên của nhóm Xuân được lắp lên con tàu ĐNa 37106 của ngư dân Phạm Văn Lên ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Lúc được ông Lên thông báo máy hoạt động tốt, cả nhóm mừng khôn xiết. Khi tàu ông Lên sau chuyến đánh bắt thành công vào lại bờ, cả ba người bạn vội vã bước xuống tàu để kiểm tra “đứa con” của mình.

Qua tham khảo ý kiến của ngư dân Lên, cả nhóm quyết định khắc phục một số khiếm khuyết của máy như tổng khối lượng máy còn nặng nề, sử dụng nguồn điện trên tàu chưa ổn định do công suất tàu nhỏ.

Anh Xuân cho biết: “Sau đó khi chế tạo các máy tiếp theo cho ngư dân, mình thiết kế chạy bằng thủy lực, ngoài ra tổng khối lượng còn lại của máy là 45kg thay vì máy cũ là 90kg, có bộ phận để ngư dân điều khiển tùy theo ý của mình, thu câu nhanh hay chậm.”

Ngư dân Phạm Văn Lên vui vẻ cho biết việc chiếc máy thu câu ra đời đem lại hiệu quả lớn, giải phóng sức lao động cho bà con.

“Trước kia mỗi khi ra biển chủ các thuyền câu thường phải tuyển các thuyền viên có sức khỏe dẻo dai để kéo câu. Còn bây giờ một lao động sức khỏe bình thường cũng có thể đi biển vì chỉ cần thao tác điều khiển máy là thu câu, chứ không cần kéo tay như trước kia. Không chỉ giảm được hao tổn sức khỏe cho ngư dân, mà từ khi có chiếc máy này việc thu câu nhanh hơn gấp đôi so với kéo bằng tay. Giờ ngư dân có thể thả thêm nhiều câu hơn, đạt hiệu quả cao sau một chuyến đi biển” – ngư dân Lên nói.

Anh Xuân tâm sự: “Hiện tại nhóm tụi mình đã làm hồ sơ đem chiếc máy này dự thi “Cuộc thi sáng kiến kỹ thuật” tại văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng. Một số ngư dân ở Đà Nẵng và cả tỉnh Quảng Nam cũng tìm đến cơ sở của mình để đặt hàng. Ngoài ra nhóm tụi mình cũng tiếp tục lân la trên các con thuyền cá, xem ngư dân cần thêm cái gì để mình tiếp tục cơ giới hóa cho họ giảm bớt lao động bằng chân tay mà đem lại hiệu quả đánh bắt cao”.

Nhóm bạn trẻ đang rất mong sẽ được chính quyền địa phương tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp để các bạn mở rộng phát triển máy thu câu, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, giá thành hạ, ứng dụng trên nhiều tàu khai thác hải sản xa bờ. 

HỮU KHÁ