23/01/2025

Nữ giảng viên Việt Nam từng gây xôn xao thế giới

Ngay bài báo quốc tế đầu tiên, tiến sĩ Lê Thị Lý, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã khiến giới chuyên môn chú ý.

 

Nữ giảng viên Việt Nam từng gây xôn xao thế giới

 

 

Ngay bài báo quốc tế đầu tiên, tiến sĩ Lê Thị Lý, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã khiến giới chuyên môn chú ý.

 
 

Tiến sĩ Lê Thị Lý (bìa phải) cùng đồng nghiệp tại một trung tâm phát triển dược phẩm ở Ireland - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Lê Thị Lý (bìa phải) cùng đồng nghiệp tại một trung tâm phát triển dược phẩm
ở Ireland – Ảnh: Nhân vật cung cấp
 

Trong số 32 bài báo của chị đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thì có tới 18 bài thuộc danh sách ISI (Institute for Scientific Information – danh mục các tạp chí khoa học có uy tín dựa trên hệ số tham khảo cao).

Mỗi năm 6 bài báo quốc tế

 

 
 

Động lực duy nhất để mình theo đuổi công việc không dễ dàng này là tin rằng mình sẽ đào tạo được nhiều nhà khoa học trẻ cho VN trong tương lai

 

Tiến sĩ Lê Thị Lý

 

 

Tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Lê Thị Lý bắt đầu gắn bó nghề giáo khi được giữ lại trường làm giảng viên. Nhưng ngay khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, giảng viên trẻ này đã xuất sắc nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Mỹ theo chương trình của Quỹ Giáo dục VN (VEF). Quá trình học tập tại đây là nơi chị thực sự trải nghiệm nghiên cứu và đến được với bài báo ISI đầu tiên.

“Đó là một kỷ niệm không thể quên”, tiến sĩ Lý nói. Năm 2009, dịch cúm A với biến chủng H1N1 và H1N5 bùng phát dữ dội trên thế giới dẫn đến hàng ngàn ca nhiễm. Tamiflu được xem là loại thuốc trị loại cúm này hữu hiệu nhất và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Bằng công trình nghiên cứu của mình, tiến sĩ Lý đã có một bài báo nêu rõ nguyên nhân kháng thuốc của loại thuốc trị cúm này – một vấn đề cả thế giới quan tâm lúc bấy giờ.

Tạp chí Plos Computational Biology - nơi bài báo được gửi tới – đã đề nghị 6 chuyên gia lĩnh vực này phản biện kết quả nghiên cứu của bài báo trên. Sau 9 tháng, qua 2 lần chỉnh sửa, bài báo đã được chấp nhận đăng vào năm 2010. Bài báo đầu tiên này đã được 12 công trình nghiên cứu khác trích dẫn, với chỉ số ảnh hưởng là 4.83.

Giờ đây, mỗi năm giảng viên Lê Thị Lý có khoảng 6 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, một nửa trong đó là các tạp chí chuyên ngành uy tín, thuộc danh sách ISI. “Một bài báo quốc tế chỉ có thể ra đời sau vài ba năm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khâu trả lời phản biện. Để có một bài báo ISI, người nghiên cứu phải đọc rất nhiều bài báo ISI khác, tham dự nhiều hội nghị quốc tế để tiệm cận với tri thức mới và đeo đuổi chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Nhưng quan trọng trên hết là niềm đam mê nghiên cứu, có niềm đam mê sẽ vượt qua được mọi rào cản”, tiến sĩ Lý chia sẻ.

Vui vì cuộc gọi lúc nửa đêm

Không chỉ là những bài báo của bản thân, niềm vui lớn lao hơn với vị tiến sĩ này là những bài báo quốc tế của sinh viên mình. Từ những bài tập đầu tiên, tiến sĩ Lý luôn giúp sinh viên làm quen với nghiên cứu. Sau 4 năm, giảng viên này hướng dẫn sinh viên thực hiện thành công 12 bài báo đăng trên các tạp chí ISI. Trong đó, có tới 8 bài báo mà những sinh viên do chị hướng dẫn là tác giả đứng đầu. Đáng nói hơn, từ những thành tích nghiên cứu này mà 5 sinh viên của Khoa Công nghệ sinh học đã xuất sắc giành được học bổng tiến sĩ tại các trường ĐH danh tiếng thế giới như: Cornell University (Mỹ), University of Paris XI (Pháp), University of Melbourne (Úc), SISSAI (Ý)… Đặc biệt, có những sinh viên được nhận học bổng đặc cách từ ĐH lên thẳng nghiên cứu sinh không cần qua thạc sĩ do có tới 3 bài báo ISI.

Trên gương mặt đằm thắm, vị tiến sĩ này không giấu được niềm tự hào khi kể về học trò của mình: “Có lần, mình đã rất xúc động khi nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm từ một sinh viên báo tin nhận được học bổng tiến sĩ”.

Vẫn giọng nói nhẹ nhàng, tiến sĩ Lý chia sẻ: “Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thầy cô thường ví nghề dạy học như những người đưa đò. Mình nghe nhiều nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói. Nhưng đến khi hướng dẫn sinh viên làm quen với nghiên cứu và có bài báo ISI đầu tiên, cũng là lúc các em chuẩn bị đi du học, mình đã thấy thấm thía. Động lực duy nhất để mình theo đuổi công việc không dễ dàng này là tin rằng mình sẽ đào tạo được nhiều nhà khoa học trẻ cho VN trong tương lai”. “Những điều mình dành cho sinh viên cũng chính là những điều mình đã được dạy dỗ từ các thầy cô trước đó”, nói đến đây ánh mắt của cô giáo trẻ không giữ được sự bình thản vì xúc động.

Với những gì đang trải qua, tiến sĩ Lý đã khẳng định được phần nào sự đúng đắn khi quyết định trở về nước. Lúc đó, ở tuổi 32, sau khi học xong tiến sĩ, chị nhận được những lời mời làm việc tại Mỹ, Singapore… Nhưng với mong muốn cống hiến cho đất nước và được sống gần cha mẹ già, chị đã quyết tâm trở về. “Với mình, nghiên cứu là một phần quan trọng với giảng viên. Nghiên cứu giúp công việc giảng dạy tốt hơn và mình luôn nỗ lực để bài giảng mỗi môn học qua các năm đều mới mẻ hơn”, tiến sĩ Lý.

Dù sống và làm việc trên đất nước VN, tiến sĩ Lê Thị Lý vẫn giữ mối liên hệ mật thiết với các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới và một vài lần đi ra nước ngoài để trang bị thêm tri thức cho bản thân.

Hà Ánh