23/01/2025

Những người ươm mầm thầm lặng

Họ là những cô bảo mẫu ở các trường tiểu học. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong các trường tiểu học bán trú nhưng công việc của họ ít được xã hội biết đến.

 

Những người ươm mầm thầm lặng

 

Họ là những cô bảo mẫu ở các trường tiểu học. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong các trường tiểu học bán trú nhưng công việc của họ ít được xã hội biết đến.

 

Cô bảo mẫu Nguyễn Thị Thu Nguyệt và học trò lớp 2C/2 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.Hg.
Cô bảo mẫu Nguyễn Thị Thu Nguyệt và học trò lớp 2C/2 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM – Ảnh: H.Hg.

“Cô ơi, bữa nay cô nhắc bé uống sữa vào giờ ra chơi giùm mẹ nhé”, “Cô ơi, trước khi ngủ trưa, cô nhỏ mắt cho bé giùm mẹ nha”, “Cô nhắc bé xịt mũi vào giờ ra chơi nha, bé cứ ho hoài”, “Cô ơi, móng tay bé dài quá mà mẹ cháu chưa kịp cắt, giờ trưa cô cắt giùm nhé”…

Đó là hàng loạt dặn dò, gửi gắm của phụ huynh đối với cô bảo mẫu mà tình cờ chúng tôi nghe được vào một ngày đầu tháng 11-2014 tại một trường tiểu học nổi tiếng ở quận 1, TP.HCM.

Làm việc từ 10-12 giờ

Ngày hội “Bảo mẫu – người chăm sóc những chồi non”

Sáng 15-11 tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM, tổ chức ngày hội “Bảo mẫu – người chăm sóc những chồi non” với sự tham dự của 394 cô bảo mẫu đang làm việc tại các trường tiểu học trên địa bàn quận.

Với mục đích ghi nhận và tôn vinh lực lượng bảo mẫu – đội ngũ hỗ trợ thầm lặng trong công tác giáo dục, ngày hội đã làm nhiều người dự khán xúc động khi công bố những hình ảnh làm việc vất vả suốt từ sáng sớm đến tối mịt của các cô bảo mẫu.

Ngoài ra, ngày hội cũng tạo điều kiện để các cô giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh.

Phát biểu tại ngày hội, bà Lê Thị Bình, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng trăn trở trước thực tế công việc và thù lao cho bảo mẫu. Không được tôn vinh, xướng tên trong Ngày nhà giáo, chế độ chính sách thì chưa thỏa đáng nhưng các cô bảo mẫu vẫn âm thầm đóng góp công sức của mình cho giáo dục. Chúng tôi mong muốn xã hội biết đến công việc thầm lặng ấy để chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn cùng các cô”.

Theo cô Huỳnh Hồng Hạnh, bảo mẫu lớp 2/1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), công việc của bảo mẫu diễn ra liên tục từ sáng đến tối nhưng cực nhất là giờ ăn và giờ ngủ của trẻ.

Biết được tâm lý cô bảo mẫu muốn các con ăn hết suất nên có học sinh thích làm điều ngược lại để gây chú ý với cô: “Có bé cứ vài phút lại xin đi vệ sinh. Có bữa giờ ăn trưa con xin đi vệ sinh ba, bốn lần. Đành phải vừa dạy vừa dỗ”.

Có em rất được ba mẹ cưng chiều, học sinh lớp 2 nhưng ở nhà ba mẹ vẫn đút cho con ăn. Lớp 2/1 có 50 học sinh, cộng thêm sáu học sinh ở lớp khác qua ăn chung nữa nên rất đông, cô không thể đút cho bé ăn như ở nhà mà động viên, khuyến khích bé tự múc ăn. Nhưng đến cuối giờ thấy bé ăn chậm quá, cô đành phải chiều bé” – cô Hạnh cho biết.

Các cô bảo mẫu cho rằng học sinh tiểu học ăn uống rơi vãi là bình thường. Nhưng sợ nhất tình trạng các bé không chịu ăn mà chọc ghẹo nhau, làm đổ cơm, canh lên bàn, lên sàn xong còn ngồi khóc nhè. Phòng ăn cũng là phòng học, bàn ăn cũng là bàn học, lau đi lau lại vẫn còn mùi nước mắm. Bởi vậy nhiều người đã ví bảo mẫu không khác gì người nuôi con mọn.

Gần 18g một ngày cuối tháng 10-2014, chúng tôi dạo một vòng qua các trường tiểu học ở quận 1, quận 3 (TP.HCM).

Tại một số trường, đèn vẫn mở sáng trưng, tiếng ríu rít chuyện trò của các học sinh vẫn sôi động không kém gì ban ngày dù giờ tan học diễn ra từ 16g15-17g.

Còn các cô bảo mẫu vẫn cần mẫn, mỏi mòn chờ phụ huynh đến đón con về. Hỏi chuyện một cô bảo mẫu ở quận 1, cô kể: “Nhiều phụ huynh phải làm việc đến 18g, khi họ chạy đến trường phải 18g15, 18g20, cô cũng ráng chờ chứ biết làm sao. Phụ huynh cũng có nỗi khổ của họ…”.

Khó xử bởi con cưng

“Sau tiết thủ công, giáo viên đã ra khỏi lớp, bảo mẫu vừa bước vào thì nghe một học sinh hét lên. Trời ơi, bé bị bạn cào ngay sát mí mắt, máu rịn ra, khóc ầm ĩ. Thủ phạm cũng khóc to không kém. Hỏi ra mới biết thủ phạm để quên hồ dán ở nhà, hỏi mượn thì bạn không cho, năn nỉ mãi không được, bé lấy luôn để dán phần thủ công của mình.

Thấy thế, chủ nhân của chai hồ dán bèn giằng lại, đánh cho bạn một cái thật đau. Bạn này tức quá cào lại. Nhìn hậu quả, tôi sợ quá dẫn hai bé xuống phòng y tế để cô y tá xử lý vết thương, sau đó dẫn hai bé qua phòng ban giám hiệu để báo cáo tình hình. Tôi bắt đầu hồi hộp từ lúc đó cho đến giờ tan học.

Đúng như dự đoán, vừa trông thấy con mình bị trầy xước trên mặt, mẹ bé biến sắc, hỏi tới tấp: “Sao vậy con? Sao vậy con?”. Lúc này mẹ bé kia cũng ở đó, chị chạy tới kể sự tình đồng thời xin lỗi hộ con. Nhưng nghe chưa hết câu chuyện, phụ huynh đã quay ngay sang mình: “Lúc đó cô ở đâu, sao không ngăn cản các cháu?”.

Tôi giải thích lúc đó tôi ở ngay trong lớp nhưng các bé làm nhanh quá, khi cô biết thì sự việc đã xong rồi. Phụ huynh trách ngay: “Cô bảo mẫu phải sâu sát với các cháu chứ, để xảy ra chuyện như thế này…”.

Đó là câu chuyện của một bảo mẫu ở quận 1. Cô tâm sự chăm học sinh vất vả bao nhiêu cũng không ngại, chỉ ngại nhất tình trạng học sinh đánh nhau gây thương tích.

“Bây giờ mỗi gia đình chỉ có từ 1-2 con nên phụ huynh nào cũng cưng con, lỡ có chuyện gì người chịu trách nhiệm chính là bảo mẫu. Lớp tôi năm nay có một bé rất hiền nhưng cũng rất cục tính. Đang đứng xếp hàng, chỉ cần có bạn xô đẩy vào người là ngay lập tức quay ra đấm bạn liền. Cứ giờ bán trú (ăn, ngủ, sinh hoạt) là tôi phải đứng kế bên bé này” – cô nói.

Bảo mẫu trường tiểu học tuy không tỉ mỉ như ở trường mầm non nhưng đối với học sinh lớp 1 rất vất vả. Nhiều em đi vệ sinh xong không biết tự rửa, có em thì ngại nên “đi” trong quần luôn – phó hiệu trưởng một trường tiểu học kể.

Do vậy, trách nhiệm của bảo mẫu còn phải rèn kỹ năng sống cho học sinh, nói như cô bảo mẫu Đặng Thị Phương Hà, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1: “Học sinh tiểu học thường ngại, ít dám nói lên nhu cầu, những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Vì thế trong giờ bán trú mình rèn cho bé kỹ năng giao tiếp, tự tin trong cuộc sống. Ngoài ra, mình còn rèn cả kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng bảo vệ bản thân…”.

Danh phận nào?

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, mô hình trường tiểu học bán trú đã được thí điểm tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1 từ năm học 1980-1981 với 90 học sinh ở ba lớp, do ba cô bảo mẫu phụ trách.

Hiện tại mô hình này đã được nhân rộng ra 24 quận, huyện với 283.937 học sinh tại 7.763 lớp bán trú (thống kê cuối năm học 2013-2014). Điều này tương đương việc TP hiện có 7.763 cô bảo mẫu đang làm việc tại các trường tiểu học.

Con số này sẽ còn tăng lên theo thời gian vì hiện tại rất nhiều trường tiểu học ở Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân… chưa đáp ứng hết nhu cầu học bán trú do thiếu phòng ốc.

Bà Lê Thị Bình, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, TP.HCM, nhận định: “Bảo mẫu cũng như giáo viên, thường xuyên tiếp xúc và có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển nhân cách học sinh. Thế nhưng chế độ, chính sách dành cho bảo mẫu chưa tương xứng với sự đóng góp của họ. Lương bảo mẫu được chi trả từ nguồn thu phí tổ chức và phục vụ bán trú, cùng một số nguồn khác như quỹ phúc lợi của trường. Trung bình lương các cô từ 2,5-4 triệu đồng/tháng. Do chưa được định danh trong biên chế trường tiểu học nên các cô chỉ được ký hợp đồng chín tháng/năm, ba tháng hè các cô phải tìm công việc khác”.

HOÀNG HƯƠNG